Nghệ sĩ cải lương có truyền thống “nghề nối nghề”, cha truyền con nối, hoặc nghệ sĩ tài danh trực tiếp truyền nghề cho các nghệ sĩ trẻ trong đoàn hát, hay là mở lớp dạy nghề như lớp Đồng Ấu Minh Tơ, lớp Đồng Ấu Bạch Long.
Sau năm 1975, các đoàn cải lương Saigon 1, Saigon 3 tổ chức đào tạo diễn viên tại đoàn hát của mình. Vài năm sau, trường nghệ thuật sân khấu và điện ảnh mở nhiều khóa dạy, đào tạo nhiều nghệ sĩ trẻ có khả năng, đó là chưa kể đến những nghệ sĩ được đào tạo từ các lò cổ nhạc tư nhân và của phân khoa Cải Lương trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigon trước năm 1975.
Những nghệ sĩ được đào tạo tại các lớp Đồng Ấu Minh Tơ và Bạch Long hay do nghệ sĩ tài danh truyền nghề trực tiếp thì có nhiều cơ hội được hát vai chánh ngay trên sân khấu mà các em được đào tạo, còn các em học trong trường sân khấu và điện ảnh khi ra trường thì ít có cơ hội tìm được một đoàn hát ưng ý. Một số em có thinh sắc, học thi đậu cao, được lòng thầy cô, được bố trí cho về làm diễn viên các đoàn hát nhà nước ở ngay tại Saigon. Còn những em khác được phân bố về các đoàn hát tỉnh hay Ban Thông Tin Tuyên Truyền Huyện. Nhiều em thi đậu ra trường nghệ thuật sân khấu không tìm được đoàn hát để hoạt động theo đúng khả năng và sở thích của mình. Các em đi hát ở các quán nghệ sĩ, những quán karaoke để giải quyết sinh kế, để rèn luyện thêm nghề ca hát và hy vọng có một đoàn hát nào đó mời cộng tác.
Những quán nghệ sĩ hay những quán karaoke đó không phải hoàn toàn do nghệ sĩ làm chủ; có những quán do người ngoài giới nghệ sĩ, họ bỏ tiền ra kinh doanh, chú trọng lợi nhuận, việc hát hò chỉ là một món hàng không hơn không kém. Nhiều nữ nghệ sĩ vì cuộc sống nên phải đến ca hát trong các quán nầy, đôi khi tủi nhục vì bị khách nhậu sàm sở xúc phạm đến lòng tự trọng của nghệ sĩ.
Câu Lạc Bộ Cải Lương Hoài Thanh – Đổ Quyên
Quán nghệ sĩ trong nhiều năm liền được cho là làm ăn đứng đắn, quán ca nhạc thuần túy nghệ thuật là Quán Bông Lúa ở đường Kỳ Đồng do hai nghệ sĩ Hoài Thanh và Đổ quyên thực hiện các chương trình ca cổ nhạc. Quán Bông Lúa còn được gọi là Câu Lạc Bộ Cải Lương Hoài Thanh – Đổ Quyên
Hai vợ chồng nghệ sĩ Hoài Thanh – Đổ Quyên trước khi thành lập Câu Lạc Bộ Cải lương là đôi nghệ sĩ hữu danh trên sân khấu cải lương.
Nghệ sĩ Hoài Thanh sanh quán tại Hóc Môn, quê ngoại ở Trảng Bàng Tây Ninh. Hoài Thanh thích cổ nhạc, tự học ca theo các băng, dĩa nên anh còn yếu về nhịp điệu, nhưng anh có giọng ca thật là truyền cảm, khi anh tham gia cuộc thi tuyển chọn giọng ca vàng vọng cổ thì nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan phát hiện giọng ca lạ của anh, cô giới thiệu cho anh vào làm diễn viên trong đoàn hát. Nghệ sĩ Hoài Thanh thật sự nổi danh khi anh thay nghệ sĩ Minh Phụng trong vai Trần Dinh trong tuồng Gánh Cỏ Sông Hàn trên sân khấu đoàn cải lương Hương Mùa Thu.
Nghệ sĩ Hoài Thanh cộng tác với các đoàn hát Phước Chung, đoàn cải lương Đồng Tháp, đoàn Văn Công, đoàn cải lương Sàigon 2…Anh được khán giả yêu mến qua các vai Bạo Chúa Alykha trong tuồng cùng tên, vai Thúc Sinh trong tưồng Kim Vân Kiều, vai Lê Minh trong tuồng Nhụy Kiều Tướng Quân và các vai chánh trong các tuồng Trống Lệnh Vua Hùng, Cô Gái Hát Rong, Nữ Tướng Cờ Đào, Thái Hậu Dương Vân Nga…
Nghệ sĩ Hoài Thanh có gương mặt đẹp, vóc dáng cao ráo, giọng ca trầm ấm, khỏe khoắn, khi Hoài Thanh thủ diễn các vai võ tướng, anh biểu hiện được phong cách oai nghi, dũng mãnh của nhân vật nên Hoài Thanh dễ dàng thành công qua các tuồng dã sử, tuồng cổ tích Việt Nam.
Thưa quý thính giả, nhắc đến nghệ sĩ Hoài Thanh, khán giả ái mộ cải lương không thể không nhắc đến nữ nghệ sĩ Đỗ Quyên vì Hoài Thanh và Đỗ Quyên là một đôi vợ chồng hạnh phúc, họ sát cánh bên nhau trên đường nghệ thuật cải lương đã hơn hai mươi năm qua. Những thành công trên sân khấu và hoạt động hữu hiệu của Câu Lạc Bộ cải lương Hoài Thanh – Đỗ Quyên đều có sự đóng góp công sức đáng kể của nữ nghệ sĩ Đỗ Quyên.
Nữ nghệ sĩ Đỗ Quyên sanh quán tại Saigon. Năm 1971, Đỗ Quyên đậu tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon, phân khoa cải lương. Đỗ Quyên là nữ diễn viên đẹp, giọng ca khỏe khoắn, là học sinh xuất sắc được các giáo sư Phùng Há, Năm Châu trực tiếp truyền nghề. Cô đã diễn xuất sắc vai An Lộc Sơn, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật 98 tuổi của nữ nghệ sĩ tiền phong Phùng Há khiến cho Bà rất hài lòng người học trò thân yêu này của bà.
Nữ nghệ sĩ Đỗ Quyên đã thủ diễn các vai đào chánh trong các vở tuồng Chén Trà của Quỷ, Nắm Cơm Chan Máu, Người Dừng Chân Đêm Mưa, Luống Cày Rướm Máu của Ban Cải Lương Phụng Hảo trên đài Truyền Hình Saigon trước năm 1975.
Hai nghệ sĩ Đỗ Quyên và Hoài Thanh là cặp diễn viên chánh của Ban Phụng Hảo Đài Truyền Hình Saigon, thường đóng tuồng cặp chung, yêu nhau nhưng gia đình của cô Đỗ Quyên phản đối cuộc hôn nhơn nầy vì lúc đó nghệ sĩ Hoài Thanh có vợ là nữ nghệ sĩ Kiều Lan, em gái của nữ nghệ sĩ Kiều Hoa.
Sau đó, nữ nghệ sĩ Đỗ Quyên kết hôn với nghệ sĩ Linh Vương, một kép ca đẹp trai, có giọng trầm ấm và lối ca dài hơi mà anh học theo kỷ thuật ca của nghệ sĩ Minh Cảnh. Linh Vương và Đỗ Quyên có một đứa con gái đầu lòng.
Nhiều năm sau năm 1975, Hoài Thanh và nữ nghệ sĩ Kiều Lan chia tay nhau., nghệ sĩ Linh Vương và Đỗ Quyên cũng không còn chung sống với nhau.
Đến năm 1984, Hoài Thanh hát cho đoàn Phước Chung, anh gặp lại nữ nghệ sĩ Đỗ Quyên cũng là diễn viên đoàn Phước Chung. Hai người tình cũ gặp lại nhau, tình yêu ngày nào của Hoài Thanh và Đỗ Quyên như ngọn lửa âm ỉ gặp cơ hội tốt, bùng cháy lên mãnh liệt. Hoài Thanh và Đỗ Quyên chánh thức chung sống với nhau. Năm 1986, Đỗ Quyên sanh con trai đặt tên là Hoài Anh Kiệt.
Nữ nghệ sĩ Đỗ Quyên chuyên thủ những vai đào võ, được chân truyền của sư phụ Phùng Há nên Đỗ Quyên diễn xuất sắc những vai kép đẹp trong các tuồng Tàu như vai Lữ Bố, vai An Lộc Sơn.
Năm 1989, nghệ sĩ Đỗ Quyên học khóa Đạo Diễn ở trường nghệ thuật sân khấu 2, tốt nghiệp năm 1992, cô được giữ lại làm giảng viên của Trường.
Từ thập niên 90 trở về sau này, sân khấu cải lương mất dần khán giả, các đoàn hát như đoàn Saigon 1, Saigon 2, Saigon 3, Hương Mùa Thu, Thanh Nga, Minh Tơ, Huỳnh Long, Kim Cương phải tạm ngưng hoạt động hoặc giải tán, nghệ sĩ không có đoàn hát và cũng không còn rạp hát để hát ngoại trừ rạp Hưng Đạo và các đoàn hát do nhà nước quản lý như các đoàn hát Trần Hữu Trang, nhiều nghệ sĩ thất nghiệp, chuyển nghề. Các nghệ sĩ tài danh được các chủ quán ca nhạc mướn về lo chương trình ca cổ nhạc trong quán. Có người đi vay vốn tự đứng ra làm chủ. Người ta được biết có các quán ca nhạc của nghệ sĩ Dương Thanh, quán ca nhạc của hai vợ chồng Thanh Tú – Trang Bích Liểu, quán của nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan, của nữ nghệ sĩ Bảo Ngọc, của Văn Hường, của Minh Cảnh, của Kiều Hoa, của đôi vợ chồng Hoài Thanh – Đỗ Quyên… và còn nhiều nữa…
Vì Đỗ Quyên từng làm giảng viên dạy các nghệ sĩ trẻ trong trường nghệ thuật sân khấu 2 cô Đỗ Quyên tập hợp các học trò của cô, tổ chức thành Câu Lạc Bộ Cải Lương Hoài Thanh – Đỗ Quyên, ca hát hàng đêm trong quán ca nhạc Bông Lúa.
Cô muốn tạo ra một sân khấu nhỏ để làm chổ cho các học trò của cô có nhiều dịp hát để kiếm sống và để trao dồi nghệ thuật phòng khi được đi hát trên một sân khấu đàng hoàng thì các nghệ sĩ trẻ đó sẽ có dịp tạo ra những vai diễn xuất sắc.
Trong số những nghệ sĩ trẻ được hai nghệ sĩ Hoài Thanh và Đỗ Quyên giúp có các nghệ sĩ Thy Trang, Thy Phương, Thy Nhung, Lê Tứ. Hai nghệ sĩ Hoài Thanh và Đổ Quyên bỏ nhiều công sức dạy thêm về ca diễn cho họ, giúp cho họ đoạt được huy chương giải Trần Hữu Trang hay các giải Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp.
Về gia đình thì Hoài Thanh Đỗ Quyên có đứa con gái lớn du học và lập gia đình ở nước Úc. Đứa con trai thứ Hoài Anh Kiệt cũng được cho du học. Hiện nay thì Hoài Thanh và Đỗ Quyên được con bảo lãnh đi định cư ở nước Úc.
Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc xin chấm dứt, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.