Nữ nghệ sĩ Thy Nhung

Nguyễn Phương
8.3.2009


Nữ nghệ sĩ Thy Nhung

Thưa quý thính giả, nghệ thuật cải lương đang hồi sa sút nghiêm trọng nhưng sẽ không chết vì nghệ thuật cải lương vẫn sản sinh ra nhiều nghệ sĩ kế thừa có tài năng và khán giả vẫn tỏ ra luôn luôn ủng hộ, ái mộ và quan tâm đến nghệ sĩ và nghệ thuật cải lương.



Thông qua sự xuất thân, quá trình học nghề hát và thành danh trên sân khấu cải lương của nữ nghệ sĩ Thy Nhung, giới am hiểu nghệ thuật cải lương đã có một sự kết luận như vừa được nêu ra.

Nữ nghệ sĩ Thy Nhung tên thật là Nguyễn thị Linh Phượng, sanh năm 1986, quê ở xã An Nhơn Tây 1, huyện Củ Chi. Từ nhỏ em thích ca hát, nhà ở gần

rạp hát An Nhơn Tây nên em thường qua rạp hát chơi, xem các nghệ sĩ hát. Em tự học ca cổ nhạc theo các bài ca mà em thích.

Năm 1998, em Linh Phượng 12 tuổi dự thi Giọng Ca Vàng của Báo Mực Tím qua bài hát “ Hình Bóng Quê Nhà” với chất giọng đồng quê mượt mà, Linh Phượng đã được Ban Giám Khảo cuộc thi ngợi khen, khán giả địa phương ưa thích.

Năm 2000, 14 tuổi, em Linh Phượng lại tham gia cuộc thi ca trong Giải Bông Lúa Vàng và lần nầy Linh Phượng được thưởng Giải đặc biệt dành cho thí sinh nhỏ tuổi hát hay nhất.

Vừa học văn hóa, vừa học hát

Thấy em có năng khiếu nên gia đình em tạo điều kiện cho em theo học nghề hát. Vì nhà ở Củ Chi, em phải học văn hóa nên mỗi ngày em đi xe đạp xuống Saigon đến nhà thầy Bạch Long để học ca cổ nhạc và vũ đạo tuồng cổ. Linh Phượng còn học thêm ca thanh nhạc với Ban Phương Nam. Tuy thời gian học ca và vũ đạo không nhiều nhưng qua một năm ròng rã, Linh Phượng tiến bộ rõ rệt. Trong một buổi theo thầy Bạch Long đi ca trong tiệc cưới, Linh Phượng được thực khách khen ngợi và em được hai nghệ sĩ Hoài Thanh và Đỗ Quyên chú ý. Đỗ Quyên sau khi biết hoàn cảnh khó khăn của Linh Phượng, cô khuyên Linh Phượng xin phép cha mẹ cho em chuyển về ở hẳn Saigon, hàng đêm Đỗ Quyên sẽ cho em ca ở quán Bông Lúa, Câu Lạc Bộ Hoài Thanh – Đỗ Quyên, em có thu nhập giải quyết cuộc sống để có thể tiếp tục học văn hóa và rèn luyện thêm nghề hát như sở thích của em.

Qua thời gian bốn năm, vừa học văn hóa, vừa học hát và hằng đêm ca hát trên sân khấu Câu Lạc Bộ Cải Lương Hoài Thanh – Đổ Quyên trong quán ca nhạc Bông Lúa để mưu sinh, nữ nghệ sĩ Thy Nhung đã biểu lộ sự cần mẫn và cố gắng vượt bực, với một quyết tâm sắt đá, một cá tính mạnh mẽ và tự chủ, Thy Nhung đã đạt được những thành quả đáng khích lệ về học vấn và về nghệ thuật ca hát.

Sự nghiệp ca hát

Sau khi tốt nghiệp lớp 12, nữ nghệ sĩ Thy Nhung rời Câu Lạc Bộ Cải Lương Hoài Thanh – Đỗ Quyên để đi ca trong các Đại Nhạc Hội của bầu Duy Ngọc và Minh Quân, chính ông Bầu Duy Ngọc đặt cho Linh Phượng nghệ danh Thy Nhung mà cô sử dụng đến nay. Tuy tên tuổi của Thy Nhung được nhiều khán giả mến mộ, nhưng Thy Nhung chưa thỏa nguyện vì em thích ca cổ nhạc nhưng vẫn phải hát tân nhạc nhiều hơn là ca vọng cổ.

Nữ nghệ sĩ Thy Nhung vẫn tìm những cơ hội thuận tiện để học hát cải lương, em tham gia trình diễn các trích đoạn cải lương dù phải thủ một vai khiêm tốn để có cơ hội học và diễn cải lương. Năm 2003, khi hay tin giải triển vọng Trần Hữu Trang được tổ chức. Thy Nhung đăng ký tham gia. Thy Nhung lọt được vào vòng bán kết và được đánh giá là một gương mặt trẻ có nhiều triển vọng. Sau cuộc thi này, Thy Nhung nhận được lời mời thu thanh, thu hình nhiều bài ca cổ và đóng tuồng của nhiều chương trình Đài Truyền Hình và Đài Phát Thanh.

Năm 2007, nữ nghệ sĩ Thy Nhung lại dự thi giải Trần Hữu Trang với vai một cô bé ăn xin mất cha trong một đêm mưa( tuồng Chàng Ngáo Đòi Nợ Phật) Với giọng ca ngọt ngào trong trẻo, sắc vóc đẹp và diễn xuất chân thật, Thy Nhung đã gợi được sự thương cảm đối với nhân vật trong lòng khán giả. Thy Nhung lọt vào vòng chung kết với số điểm cao thứ ba trong số 14 thí sinh.

Trong đêm chung kết, vì chọn vai không phù hợp với sở trường nên em không đạt được huy chương giải Trần Hữu Trang theo như ước muốn.

Thy Nhung tâm sự: “Cháu là thí sinh tự do nên cháu phải tự lo mọi cần thiết cho việc trình diễn trích đoạn dự thí. Còn các thí sinh khác thì đang hát trong đoàn nên khi đi thi thì các bạn đó có đoàn hát và các nghệ sĩ cùng đoàn theo giúp đở, khuyến khích. Phần cháu thì được gia đình, ông bà ngoại theo cháu xuống Cần Thơ mấy ngày để ủng hộ tinh thần cháu, dù không đạt được huy chương vàng, cháu cũng mản nguyện rồi.

Khi được hỏi: Cô đã hai lần dự thi nhưng không đạt được kết quả, vậy nếu còn trong hạng tuổi để thi tranh giải Trần Hữu Trang, cô có đăng ký để thi lần thứ ba không?

Mơ ước là một diễn viên cải lương

Thy Nhung cho biết là việc dự thi giải Trần Hữu Trang là để cô có dịp thử thách khả năng của mình, biết yếu kém điểm nào để học thêm. Điều quan trọng là Thy Nhung vẫn yêu mến cải lương, vẫn muốn được trình diễn cải lương nguyên tuồng. Thy Nhung biết là ở các vùng quê, ở các tỉnh miền Đông cũng như các tỉnh miền Hậu giang, Tiền giang, khán giả vẫn còn thích xem cải lương, thích nghe ca vọng cổ nên cô đeo đuổi theo nghề hát cải lương với tất cả niềm say mê của cô.

Hiện nay nữ nghệ sĩ Thy Nhung đang theo học khóa diễn viên cải lương của trường Cao Đẳng Sân Khấu và Điện Ảnh. Mơ ước của Thy Nhung là sau khi tốt nghiệp khoa diễn viên, em sẽ xin về đoàn hát để có nhiều dịp ca, diễn cải lương. Em cũng nuôi hy vọng khi có nhiều kinh nghiệm và thành công trong vai diễn, em sẽ hướng tới việc học để trở thành biên tập viên hay đạo diễn cải lương.

Thưa quý thính giả, Thy Nhung là một nữ diễn viên hội đủ yếu tố Thanh và Sắc, có lòng đam mê nghệ thuật và theo đuổi nghệ thuật diễn viên không mệt mõi. Từ chổ là một cô gái quê nghèo, ở huyện Cũ Chi hằng ngày đạp xe đạp đi Saigon học ca hát đến khi cô trở thành một ca sĩ, nghệ sĩ có khả năng biểu diễn ở các Đại Nhạc Hội và có thể thi tranh giải diễn viên xuất sắc, đó là con đường khổ ải, lắm khó khăn trở ngại, thậm chí chịu đói kém mà các nghệ sĩ cải lương ngày xưa đã trải qua để đeo đuổi theo nghề hát. Lịch sử sân khấu cải lương đã minh chứng là khi có những người đam mê theo nghề hát, cống hiến suốt đời mình trong việc tự rèn luyện và biểu diễn hằng đêm trên sân khấu thì người đó sẽ thành đạt, sẽ trở thành nghệ sĩ giỏi, được khán giả ái mộ và góp phần làm thêm phong phú nghệ thuật sân khấu.

Điều cần thiết là phải có những ông bầu gánh hát biết cách vun trồng và khai thác các tài năng nghệ thuật đó. Bầu gánh hát hiện nay là những cán bộ của Sở Văn Hóa Thông Tin, hay nói chung nhà nước là bầu gánh hát, có quyền hạng hơn bầu gánh hát tư nhơn ngày xưa nhiều mặt, nếu bầu gánh hát hiện nay tạo điều kiện đầy đủ cho có nhiều tuồng hay, có nhiều rạp hát tốt, giá vé phải chăng thì các nghệ sĩ kế thừa yêu nghề như nữ nghệ sĩ Thy Nhung và còn rất nhiều nghệ sĩ khác nữa sẽ góp phần làm cho hồi sinh nghệ thuật sân khấu cải lương không mấy khó khăn. Nếu ông Bầu làm theo ý riêng của ông Bầu mà không chiều theo thị hiếu của khán giả và không giải quyết cho cuộc sống của diễn viên thì gánh hát sẽ rã là điều hiển nhiên có thể thấy trước được.

Khán giả yêu mến cải lương thì ở trong nước có rất nhiều, ở thành thị lẫn trong các làng mạc xa xôi vì cổ nhạc và cải lương gần gũi với tình cảm dân tộc, nghệ sĩ trẻ, những thanh niên nam nữ yêu mến nghệ thuật cải lương như nữ nghệ sĩ Thy Nhung cũng rất là nhiều, nếu được giúp đở, được khuyến khích và tạo điều kiện cho các em học ca hát, nhứt định sẽ nảy sanh ra những nghệ sĩ có tài và có giọng ca vàng. Điều thiếu thốn hiện nay là thiếu những ông Bầu gánh hát như Bà Bầu Thơ, bầu Kim Chưởng, Bầu Xuân, Bầu Long, thiếu môi trường cho các gánh hát hoạt động và phát triển như trong thời hoàng kim của cải lương…

Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc xin chấm dứt, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/Artist-thy-nhung-nphuong-03082009114608.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây