Thưa quý thính giả, nghệ thuật hát cải lương được biết là xuất xứ từ các vùng sông nước miền Nam, các vùng Tiền Giang, Hậu Giang. Người ta không lấy làm lạ khi biết ở Mỹ Tho, nơi con sông Tiền Giang chảy qua được gọi là cái nôi của nghệ thuật sân khấu cải lương.
Cái nôi của cải lương
Mỹ Tho đã có những tên tuổi lớn trong nền nghệ thuật sân khấu cải lương như ông bầu Pierre Châu văn Tú được biết dưới tên Thầy Năm Tú, có những diễn viên kiêm soạn giả như Mạnh Tư Trương Duy Toản, Năm Châu, Tư Trang, Tư Chơi( làng An Hóa Mỹtho), Sáu Hải, Tám Cao, Nguyễn Phương, Phạm Trần, Việt Thường; các diễn viên tiền phong như Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam, Chín Bia, Mười Truyền, Tám Mẹo, Tư Xe, Ngọc Hải; các diễn viên các thế hệ sau như Kim Cương, Minh Phụng, Hùng Minh, Mộng Nghi, Hồng Tơ, Hoa Hạ …
Các tỉnh Hậu Giang cũng có những nghệ sĩ tài danh được nhắc nhở như các nhạc sĩ Hai Khi, ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Sáu Lầu, Trịnh Thiên Tư, Ba Chột, Năm Hưng, Viễn Châu;…các diễn viên Bảy Nhiêu , Kim Cúc, Kim Lan, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Ba Khuê, Kim Luông, Mộng Vân, Kim Hui, Kim Thoa, Hoàng Giang, Ngọc Chúng, Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Ngọc Lợi, v.v…
Khán giả dường như có định kiến là muốn ca vọng cổ hay, hát cải lương đúng cách phải là người sanh trưởng ở miền Nam. Những diễn viên sanh ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung đều có thể hát cải lương hay nhưng họ không bỏ được âm sắc của giọng nói địa phương miền Trung, miền Bắc vốn không thật sự thích hợp với cách ca và phát âm bài vọng cổ của ông Sáu Lầu Bạc Liêu.
Trường hợp ngoại lệ
Có những trường hợp ngoại lệ, tỉnh Quảng Ngãi là nơi mà giọng nói của người dân có âm sắc nặng hơn miền Nam, tiếng nói không trong suốt êm dịu như dân ở các miền sông nước Hậu Giang, ấy vậy mà Quảng Ngãi sản sinh được danh ca vọng cổ Thanh Tuấn và nữ diễn viên tài sắc Thy Trang mà giới sân khấu cải lương trước và sau năm 1975 đều thương mến và ca ngợi.
Cha mẹ của Thy Trang rời cái làng quê nghèo ở Đức Phổ, Quảng Ngải về Saigon sinh sống. Hai ông bà ở trong một ngôi nhà nhỏ trong xóm lao động nghèo ở chợ Lò Than, Quận 8, Saigon.
Trong xóm nghèo đó có anh Hai Mừng, trước kia đi đờn cho các gánh hát. Anh Hai Mừng đau mắt, không tiền thang thuốc chửa trị nên bị mù, anh rời đoàn hát về sống với vợ anh trong cái xóm Lò Than nghèo nàn đó. Vợ anh mua gánh bán bưng ở chợ Chánh Hưng. Anh đờn độc quyền trong xóm chợ, được bà con thương tình, thưởng cho anh chút đỉnh tiền bạc để anh tiếp tay với vợ anh mưu sinh. Tuy bị mù nhưng anh Hai Mừng là người lạc quan. Trong xóm có những cuộc quan, hôn, tang, tế, anh Hai Mừng đều xách đờn độc quyền đến đờn ca, góp vui. Các trẻ nhỏ nào muốn học ca, khi rảnh rổi anh Hai Mừng đều sẵn sàng dạy thí công. Thy Trang khi còn nhỏ, ở gần nhà anh Hai Mừng, Thy Trang là học trò học ca cổ nhạc siêng nhất và giỏi nhất của ông thầy đờn mù Hai Mừng.
Xuất thân từ Đồng Ấu Bạch Long
Trong những cuộc đờn ca tài tử trong xóm, những cuộc biểu diễn văn nghệ của Phường, của Quận tổ chức ở Chánh Hưng, Thy Trang được khen là một danh ca tý hon, có nhiều triển vọng. Khi được 11 tuổi, Thy Trang xem chương trình thiếu nhi trên đài Truyền Hình vở Cóc Kiện Trời của nhóm Đồng Ấu Bạch Long, cháu thích quá nên xin cha mẹ cho đi học hát. Má cô thấy kinh tế gia đình đã khá hơn trước, bà lại thích cải lương nên sẳn sàng đóng tiền cho Thy Trang học ca cổ nhạc với thầy Út Trong bên xóm NanCy và học diễn với thầy Bạch Long trong nhóm Đồng Ấu Bạch Long.
Thi vào trường Nghệ Thuật Sân Khấu 2
Thời gian nầy Thy Trang càng ngày càng được khán giả trong quận 8 yêu thích cô qua các buỗi diễn văn nghệ của Quận và của đoàn Đồng Ấu Bạch Long.
Năm 17 tuổi, Thy Trang thi đậu vào trường Nghệ Thuật Sân Khấu 2, khoa diễn viên. Nhờ có học ca và diễn khi còn bé, nhờ thiên tư diễn xuất, nhờ có giọng ca và nhan sắc thiên phú, Thy Trang rực sáng trong bạn đồng học ở trường Nghệ Thuật Sân Khấu. Chỉ sau năm học đầu tiên, Thy Trang và Lê Tứ được nhà trường chọn cho đi thi Liên Hoan Sân Khấu Tài Năng Trẻ toàn quốc năm 1998 ở Đà Nẵng. Thy Trang và Lê Tứ diễn trích đoạn cải lương Thúy Kiều – Từ Hải và đoạt huy chương vàng giải Diễn viên trẻ tài năng cùng với Lê Tứ.
Sang Paris biểu diễn
Trong năm học đầu tiên ở trường Nghệ Thuật Sân Khấu – Điện Ảnh, Thy Trang được tuyển chọn cho sang Paris biểu diễn trong dịp Tết cho kiều bào xem. Cùng đi xuất ngoại có các diễn viên Lê Tứ, Hà Như, Kim Tiến, Thiên Kiều. Qua hai năm sau Thy Trang lại một lần nữa được chọn trong nhóm nghệ sĩ xuất ngoại hát tại Paris trong dịp Tết.
Tính đến nay, Thy Trang là nữ nghệ sĩ được tuyển chọn cho xuất ngoại biểu diễn ở Paris 5 lần trong dịp 5 cái Tết ở xứ người.
Huy chương vàng Trần Hữu Trang 2007
Thy Trang các lần đó đều bỏ dở không thi giành huy chương vàng giải Trần Hữu Trang được dù mọi người đều thấy cô có thừa khả năng để đoạt huy chương.
Khi trở về nước, Thy Trang là đào chánh trong các chương trình Thắp Sáng Niềm Tin của đoàn Trần Hữu Trang hát tại rạp Hưng Đạo.
Thy Trang rèn luyện thêm về ca diễn khi cô đi hát cho quán ca nhạc của thầy Đổ Quyên và Hoài Thanh. Trong Câu Lạc Bộ cổ nhạc Đổ Quyên, Hoài Thanh, các học viên như Thy Nhung, Thy Hiền, Thy Phương thì Thy Trang được đánh giá là người nữ diễn viên tài sắc nhất trong nhóm.
Thy Trang đã hát thành công qua các vai Trưng Trắc trong Tiếng Trống Mê Linh, vai Thúy Kiều trong tuồng Thúy Kiều – Từ Hải, vai Dương Quý Phi trong tuồng Tình Sử An Lộc Sơn, vai Hoa trong tuồng Hoàng Hôn Mông Mênh, vai bà Loan trong tuồng Mùa Thu trong mắt Mẹ…
Năm 2003, Thy Trang đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang và năm 2007, Thy Trang đoạt giải Tài Năng Trẻ Sân Khấu Toàn Quốc qua vai Ngọc Hân tuồng Hồn Thơ Ngọc.
Nữ nghệ sĩ Thy Trang tiếp tục theo học lớp Cao Đẳng Sân Khấu – Điện Ảnh Saigòn để nâng cao tay nghề.
Tự luyện giọng ca miền Nam
Khi được hỏi gia đình cháu ở Quảng Ngải, Đức Phổ, cha mẹ cháu khi nói chuyện thì giọng nói vẫn còn âm sắc nặng như phần đông đồng bào ở Đà Nẳng, Quảng Ngải, với bí quyết nào mà cháu nói và hát vẫn giống như giọng nói và hát của người miền sông nước Hậu Giang?
Thy Trang trả lời: “Có lẽ khi vào Nam, con còn quá nhỏ. Con đi học ở quận 8, bạn học nói tiếng miền Nam. Mười một tuổi con đi học ca cổ với thầy Út Trong và học hát với thầy Bạch Long, hai thầy Út Trong và Bạch Long chú ý sửa chửa cách phát âm cho con mỗi khi con ca các bài ca cổ.
Sau nầy khi đến trường học và ca hát trong quán của thầy cô Hoài Thanh Đổ Quyên, tự con luyện giọng ca, con học theo giọng ca của các cô Ngọc Giàu, Hương Lan, Đỗ Quyên trong các bài ca thu dĩa để tự luyện cho mình có một giọng ca miền Nam. Con mang ơn cô Đỗ Quyên và thầy Hoài Thanh rất nhiều. Thầy cô đã tận tình chỉ dạy cho con trong những ngày đầu mới bước lên sân khấu chuyên nghiệp và tạo nhiều điều kiện cho con có cơ hội cọ xát với nghề.”
Tháng 12 năm 2006, nữ nghệ sĩ Thy Trang lên xe hoa với chồng là người mẫu, chủ nhiệm thời trang Nguyễn Minh. Cô và Nguyễn Minh quen nhau nhân dịp cô thi giải huy chương vàng Trần Hữu Trang năm 2003. Nguyễn Minh phụ trách dàn dựng phục trang cho hai chương trình. Thy Trang rất yêu cái tính chịu khó và nhẩn nại của Nguyễn Minh. Nguyễn Minh nguyên là học trò của nhạc sĩ Nhất Dũng và Kim Loan, giảng viên trường Cao Đẳng Sân Khấu và Điện Ảnh Saigon nên Nguyễn Minh cũng am hiểu về nghệ thuật diễn viên. Những vai diễn của Thy Trang có sự góp ý và chăm sóc phục trang của Nguyễn Minh nên hai người tâm đầu ý hiệp, dẫn đến hôn nhơn.
Nguyễn Minh đã xuất tiền mua 2000 lông công để thực hiện một chiếc áo cưới có đuôi dài gắn 2000 lông công để cho cô dâu Thy Trang trong ngày hôn lễ của Nguyễn Minh và Thy Trang. Sau hôn lễ, chiếc áo cưới long công độc đáo được trưng bày tại trung tâm Trang Phục Lê Nguyễn của đạo diễn Nguyễn Đạt.
Sau lễ cưới, Thy Trang biểu diễn xuất sắc trong tuồng Khát Vọng Vương Quyền ở rạp Hưng Đạo và xuất hiện trong chương trình ca cổ Lễ Hội Trà Việt tổ chức ở Đà Lạt.
Sau đó Thy Trang lại được mời sang Pháp biểu diễn với ngôi sao vọng cổ Võ Minh Lâm.
Nữ nghệ sĩ Thy Trang cao ráo, nước da trắng mịn, khuôn mặt đẹp, giọng ca truyền cảm lại được học ca và diễn một cách căn bản, được nhiều dịp xuất ngoại sang Pháp nên phong cách trình diễn và cách cư xử với bạn bè cũng có phong cách sang trọng, dễ chiếm cảm tình của bạn bè và khán giả. Đó là những lợi thế giúp cho Thy Trang đạt được thành công trong sự nghiệp ca hát của cô. Từ cái xóm nghèo ở Lò Than quận 8, cô gái Đức Phổ Quảng Ngải như được hóa thân thành công chúa đẹp trong truyện thần tiên Tấm Cám ngày xưa.
Giờ đây khán giả thân thương đều công nhận nghệ thuật sân khấu có thể biến cải và nâng cao nhiều cuộc đời. Cuộc sống của những công chúa, bà hoàng hậu trong các tuồng cổ đã ứng vào vận mệnh của những nữ diễn viên được Tổ Đải như nữ nghệ sĩ Thy Trang.
Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc xin chấm dứt, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.