Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: ‘Show chia tay xúc động và vất vả nhất của Thúy Nga’
BBC News Tiếng Việt đã có buổi gặp gỡ với nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn tại Bangkok trước chương trình Paris By Night 134 – Nguyễn Ngọc Ngạn – Lời Cảm Ơn, show diễn giã từ sân khấu của ông vào cuối tuần này.
Trả lời hai nhà báo Nguyễn Giang (qua điện thoại từ London) và Thương Lê (tại Bangkok), MC nổi tiếng Nguyễn Ngọc Ngạn cho hay sau nhiều trì hoãn, show diễn dự kiến vào 2020 ở Bangkok nay sắp thành hiện thực.
Trước câu hỏi “Ông có nhắn nhủ gì tới khán giả trong nước trước show diễn này?” nhà văn, người dẫn chương trình 30 năm qua của Paris Thuý Nga nói ông xúc động trước tin người xem từ Việt Nam đổ sang Thái Lan để xem show.
Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Cảm nghĩ đầu tiên của tôi là rất xúc động khi nhìn thấy lượng người mua vé rất nhanh. Thật sự thì tôi cũng không biết nhắn nhủ gì, có điều trong lòng tôi rất xúc động khi thấy lượng người ùa sang bên này để gặp gỡ mình.
Dĩ nhiên điều kiện sang Thái Lan tương đối dễ so với những quốc gia khác. Thúy Nga rất mong gặp gỡ khán giả ở Việt Nam, nhưng bao nhiêu năm nay thu hình tại Mỹ thì điều kiện hơi khó khăn. Chẳng những vì vấn đề xa xôi, vấn đề tài chính, xin visa vào Mỹ đôi khi khó khăn lắm…
Chính vì vậy mà Thúy Nga muốn tổ chức một show tại Bangkok, tương đối gần gũi, vật giá cũng tương đối rẻ và tạo được điều kiện để đồng bào từ Việt Nam sang đây tham dự.
BBC: Show diễn này có gì đặc biệt so với các show diễn tại Mỹ, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Show này ở Bangkok thì thực sự không khác với những show ở Mỹ. Cái khác là cảm xúc thôi, và cái khác nữa quan trọng hơn là lượng nghệ sĩ tham gia chương trình đông, gần như gấp đôi.
Có nghĩa là tất cả anh chị em nghệ sĩ đã làm việc với tôi 30 năm hoặc ít hơn, nhưng tình cảm giữa Nguyễn Ngọc Ngạn và những nghệ sĩ đó thì như là chú cháu, hoặc các nghệ sĩ trẻ thì thường gọi tôi là cha già dấu yêu.
Mối quan hệ đó giống tình thân hơn là công việc, có tính đại gia đình nhiều hơn. Vì vậy khi nghe tôi giã từ sân khấu thì không có nghệ sĩ nào không muốn tham gia. Hoặc là họ nói với trung tâm Thúy Nga, hoặc là nói trực tiếp với tôi: “chú Ngạn, chú cho cháu tham gia để gửi lời từ biệt chú”.
Vì vậy, lượng nghệ sĩ có thể nói là đông nhất từ xưa tới nay.
Poster chương trình Paris By Night 134 tại Bangkok
BBC: Sự ra đi của ông Tô Văn Lai và việc ông nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến trung tâm Thúy Nga trong tương lai? Trung tâm Paris By Night theo ông biết sẽ có kế hoạch ra sao, nhất là trong việc tìm người thay thế ông làm MC cho các chương trình?
Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Việc ông Tô Văn Lai ra đi thì phải nói là show diễn tại Bangkok trong vài ngày nữa là một nỗi ngậm ngùi. Tại vì từ mười mấy năm trước, ông Tô Văn Lai là người rất tha thiết, hối thúc cô Tô Ngọc Thủy và cá nhân tôi thực hiện một show Paris By Night tại Bangkok.
Vì ông Tô Văn Lai hay về Việt Nam, gặp gỡ khán giả Việt Nam rất nhiều, và tất cả khán giả Việt Nam, những người yêu mến Paris By Night đều mong Thúy Nga thực hiện một show thu hình tại Bangkok, là một nước láng giềng mà dễ qua du lịch nhất.
Cho nên ngay từ năm 2004, ông Tô Văn Lai thúc giục và nói với tôi rằng: “Ngạn ơi, em phải về Việt Nam làm một cuốn tại Bangkok”. Dĩ nhiên là tôi đồng ý ngay, Thúy Nga tổ chức ở đâu thì tôi cũng đi. Nhưng lúc đó Thái Lan có nhiều biến động chính trị, thay đổi thủ tướng… khiến cho việc tổ chức Paris By Night rất bấp bênh, do đó tạm thời phải hoãn lại.
Cho đến năm 2019 thì Thúy Nga làm thử một cuốn tại Singapore. Dĩ nhiên, đó là chương trình đầu tiên tại các nước Á Đông và rất thành công, nhưng Singapore khó khăn, đắt đỏ hơn Bangkok.
Sau cuốn Paris By Night 130 tại Singapore thì cô Thủy có ý định năm 2020 sẽ làm một show tại Bangkok. Lúc đó là cách đây hai năm, đã đặt rạp rồi liên lạc tất cả mọi thứ, báo cho tôi biết ngày nào chú chuẩn bị sang Bangkok, thì gặp phải đại dịch. Từ đó cứ chần chờ mãi cho đến nay mới đặt được rạp ở Bangkok, cũng phải co giãn tới lui mới quyết định ngày giờ.
Thành thử ra hôm nay khi ngồi chuẩn bị làm chương trình Paris By Night 134, nhất là show từ giã của Nguyễn Ngọc Ngạn thì tôi không thể không bùi ngùi mà nhớ đến ông Tô Văn Lai là người đầu tiên đã hối thúc, tha thiết thúc đẩy tôi về Bangkok để làm một cuốn, gặp gỡ khán giả từ Việt Nam qua. Đó cũng là ý tưởng của ông Tô Văn Lai.
Còn về hướng đi của Thúy Nga như thế nào sau khi ông Tô Văn Lai mất và Nguyễn Ngọc Ngạn nghỉ hưu, thì giống như cô Thủy đã từng trả lời, có thể phải tạm nghỉ một thời gian để tìm một hướng đi khác, tìm một số nhân sự mới.
BBC: Xin ông kể lại một số câu chuyện đáng nhớ trong sự nghiệp dẫn chương trình cho Paris By Night?
Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Lần thu hình nào cũng là kỷ niệm. Đối với Paris By Night thì thật sự có những show diễn rất vất vả. Dĩ nhiên ở một mức độ nào đó chương trình cũng đã thành công, có những thời kỳ gọi là cực thịnh của Paris By Night.
Ban đầu thì yếu tố tài chính rất vất vả, khi tôi vào Paris By Night thì ông Tô Văn Lai chỉ còn giữ vai trò cố vấn thôi. Người trực tiếp điều hành là cô Tô Ngọc Thủy và chồng là Huỳnh Thi. Hai người đó trực tiếp sản xuất chương trình Paris By Night cả về nội dung lẫn kỹ thuật.
Điều mà tôi hài lòng và cũng phải nói là cảm phục cô Tô Ngọc Thủy là đam mê nghệ thuật của cô ấy lớn lắm, trong những điều kiện tài chính rất khó khăn. Cô ấy vay mượn và dám đi tiên phong những chương trình rất lớn.
Trong 10 năm đầu thì thu hình tại Paris, trong một studio tương đối nhỏ, hoặc tại đài truyền hình của Pháp thì đơn giản lắm bởi vì sân khấu đã được setup sẵn, đèn đuốc cái gì cũng có rồi.
Khi sang Mỹ thu hình thì cũng tương đối dễ bởi vì rạp đã có sẵn. Nhất là sau này thường quay ở casino, thường có lợi thế là rạp sẵn, âm thanh ánh sáng mình chỉ thêm vào thôi chứ cái gì cũng đã có rồi, và lại được một số tài trợ từ casino.
Những chương trình khó khăn nhất là tại Singapore năm 2019 và chương trình tại Bangkok vào tuần này. Đối với tôi thì trong 30 năm, số ở Bangkok này là show kết thúc của tôi, lại là số vất vả nhất của Thúy Nga.
Bởi vì ở Bangkok không di chuyển ban ngày được vì kẹt xe, tất cả phải di chuyển vào ban đêm. Xe tải chở đồ đạc đến đều phải làm ban đêm không được làm ban ngày. Thứ hai, đó không phải là một rạp đã có sẵn sân khấu hay ghế ngồi, mà là một phòng trống như một sân vận động. Mình phải khiêng từng cái ghế, mỗi suất là 4,500 chỗ ngồi.
Một sân khấu mang bao nhiêu đèn trang bị, một số dụng cụ mang từ Việt Nam sang, kỹ thuật thì mang từ Úc sang, đạo diễn chương trình thì từ Pháp qua… Ông đạo diễn này đã làm cho Paris By Night từ thuở mới thành hình, và cũng đã làm việc với tôi bao nhiêu năm. Bây giờ ông ấy làm rất lớn ở bên Pháp nhưng vì tình thân đối với Paris By Night nên mới làm cuốn này. Ông đạo diễn này cũng mang một số chuyên viên từ Paris sang.
Lúc nãy tôi vào rạp coi thì thấy một nhóm khoảng 50 thanh niên người Thái thông qua một công ty địa phương làm hết mọi việc. Về sân khấu thì mang chừng mấy chục thanh niên từ Việt Nam qua, đạo diễn về âm thanh ánh sáng thì mang từ Mỹ qua, chưa kể nghệ sĩ rồi vũ công, chuyên viên làm tóc tổng cộng trên 100 người, thêm cả từ Việt Nam sang.
Vũ công thì của vũ đoàn Paris By Night đã có sẵn, nhưng vì muốn có thêm màu sắc địa phương nên đã mời thêm 10 vũ công người Thái để kết hợp.
Chỉ tiếc rằng khi tôi đề nghị lấy một bản nhạc Thái nổi tiếng ở Việt Nam để trình diễn trong show này thì cô Thủy nói cũng muốn lắm, nhưng gặp khó khăn về vấn đề bản quyền. Càng ngày vấn đề về tác quyền càng khó khăn, nhất là khi phát trên YouTube. Thay vào đó, cô Thủy mời một số vũ công của Thái, đó cũng là một số nét đặc biệt.
Đó là cả một công trình, phải làm thâu đêm kể kịp trình diễn vào cuối tuần này. Đây là một kỷ niệm mà trước khi chia tay khán giả tôi sẽ nhớ mãi, vì nó quá vất vả đối với trung tâm Thúy Nga.
BBC: Nay nhìn lại, ông thấy đóng góp của Paris By Night, của các nghệ sĩ trong đó có ông đối với nền văn hóa Việt Nam là như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Lúc đầu khi tôi mới tham gia thì tôi cũng không để ý lắm. Mình nghĩ mình làm một công việc như góp một phần trong một chương trình tổng quát của Thúy Nga thôi. Nhưng đến khi nhận thư của khán thính giả từ khắp nơi và nhất là đọc bài báo của tờ báo Mỹ Los Angeles Times, họ viết một câu rằng: Ba đặc trưng của một gia đình Việt Nam là tô phở, chai nước mắm và cuốn băng Paris By Night. Khi tôi đọc được bài đó, tự nhiên tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm, vì cuốn Paris By Night là đặc trưng mà mỗi gia đình Việt Nam đều có. Bây giờ thì có thể không còn nhu cầu lớn như thế, nhưng những năm đầu tiên khi người Việt mới ra hải ngoại, cuộc sống rất vất vả, hoang mang, một phần nhớ nhà, một phần lo hội nhập vào đời sống mới, cũng chưa có điều kiện đi du lịch hay ăn chơi nhiều. Cho nên là buổi tối quây quần để coi một cuốn Paris By Night, để tìm một cái nét thân thương đối với quê nhà, đối với đặc trưng của Việt Nam.
Thành thử ra khi tôi đọc được bài báo đó, tôi thấy ồ, hóa ra mình có một chút trách nhiệm gì đó. Bởi vì tờ báo Mỹ mà họ nói rằng cuốn Paris By Night là một trong ba đặc trưng của gia đình Việt Nam. Từ đó, tôi càng quan quan tâm tới vấn đề phổ biến văn hóa hơn bởi vì khi làm Paris By Night thì mục tiêu nhắm tới không phải là khán giả lớn tuổi về văn hóa. Khán giả lớn tuổi thì thưởng thức ca nhạc, nhưng cái tôi nhắm tới là thế hệ trẻ, thế hệ mà sinh ra hoặc lớn lên ở hải ngoại, văn hóa Việt sẽ bắt đầu phôi pha vì họ đi học hàng ngày ở nước sở tại. Không có điều kiện và thì giờ để nghiên cứu và tìm hiểu về văn hóa của Việt Nam. Tự nhiên lúc đó tôi cảm thấy mình có một chút trách nhiệm giúp cho các em các cháu hiểu thêm về văn hóa Việt Nam.
BBC: Lịch sử hình thành của Paris By Night và cuộc đời của ông gắn liền với giai đoạn làn sóng thuyền nhân, phải bỏ nước ra đi sau cuộc chiến Việt Nam, và những nỗ lực gìn giữ văn hóa Việt Nam đã được ghi nhận ở hải ngoại. Bây giờ thì thế hệ trẻ sinh sau chiến tranh hoặc từ Việt Nam sang rất nhiều. Vậy ông định nghĩa những hoạt động của mình mang tính chất đem thế giới đến Việt Nam, đem tiếng nói từ hải ngoại về Việt Nam, hay là đem Việt Nam ra thế giới?
Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Nó có hai ba giai đoạn. Giai đoạn đầu khi Paris By Night mới thành hình thì nhắm tới khán giả duy nhất là ở hải ngoại. Bởi vì vấn đề phát hành trong nước hoàn toàn bị cấm, khi tôi bắt đầu làm là năm 1992, Paris by Night cuốn đầu là năm 1983. Nhân tiện anh hỏi thì tôi cũng xin thưa lại một chút như thế này.
Năm 1983, lúc đó cộng đồng người Việt tại hải ngoại mới chỉ thành hình được mấy năm, nên đang vật lộn với cuộc sống, nhất là tại bên Pháp. Khi đó đời sống khó khăn và cộng đồng không lớn như bên Mỹ và những điều kiện, hoàn cảnh ở Mỹ người ta dễ dàng hơn. Ở bên Pháp đời sống khi đó rất khó khăn, ban ngày đi làm, buổi tối lớp thanh niên trẻ chưa có điều kiện đi bar uống rượu, đi nhảy đầm để hòa nhập. Thành thử ra họ muốn tìm một cái gì đó quây quần bên nhau. Và ông Tô Văn Lai khi làm ra sản phẩm này đặt tên là Paris By Night, có nghĩa là Paris về đêm, hay đêm Paris. Ông ấy định nghĩa rằng ban ngày đi làm, buổi tối gặp nhau, do đó ông ấy dùng chữ Paris By Night có nghĩa là cuộc vui buổi tối.
Lúc đầu thì người sản xuất Paris By Night cho đến chín năm sau tôi hợp tác cũng chưa ai nghĩ rằng băng Paris By Night được về tới Việt Nam. Bằng chứng là mãi những năm sau này khi ông Lai về nước vẫn bực bội là Paris By Night không được chính thức chấp nhận ở trong nước. Ông Lai bực ở chỗ nếu không được Bộ Văn hóa Thông tin chính thức chấp nhận thì có nghĩa là bắt băng lậu. Tại sao lại không được phát hành băng gốc mà băng lậu, băng sang lại tràn ngập tất cả các chợ trời. Nhưng lúc đó thì ông Lai cũng không ngờ là sự lan truyền của Paris By Night trong nước lớn như vậy.
Cho nên câu hỏi anh Nguyễn Giang đặt ra cho tôi thì lúc đầu tôi không chủ trương mang Việt Nam ra thế giới hay mang thế giới về Việt Nam, bởi lúc đầu mình có nhắm tới Việt Nam đâu, mình chỉ nhắm tới khán giả tại hải ngoại mà thôi.
Tình cờ nó phổ biến ở Việt Nam, với lượng khán giả tới chín mươi mấy triệu, hải ngoại thì giỏi lắm là hai ba triệu thôi. Mà hai ba triệu đó thì càng ngày càng nhỏ dần vì người già thì mất đi, các cháu bé thì không hiểu tiếng Việt nhiều, nên lượng khán giả càng ngày càng nhỏ, trong khi lượng khán giả càng ngày càng lớn. Lúc đó thì mới đặt thành vấn đề mình nhắm tới cái gì, chứ lúc đầu thì chỉ thuần túy là phục vụ khán giả tại hải ngoại mà thôi.
BBC Tiếng Việt
13/10/2022
Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c6pg775e8qlo