Nhạc Sĩ Trúc Phương Và Thế Hệ Của Tôi

Lê Nguyễn
21.9.2022

Nhạc Sĩ Trúc Phương Và Thế Hệ Của Tôi
Nhạc sĩ Trúc Phương

Ngày 18.9 vừa qua, một vài bài viết trên mạng xã hội nhắc đến ngày giỗ của nhạc sĩ Trúc Phương, một con người tài hoa đã cống hiến cho đời cái đẹp của nghệ thuật và đã trải những năm tháng cuối đời trong cảnh gieo neo, nghèo khó.

Những bài viết ấy gợi cho tôi về một món nợ ân tình đeo đẳng mãi trong lòng mà vẫn chưa trả được. Nói như thế, là vì thế hệ của tôi mang nợ Trúc Phương nhiều lắm, nhạc của anh thấm đẫm vào máu thịt lũ chúng tôi từ những năm mười tám, đôi mươi, góp phần vào những kỷ niệm không thể nào quên được…


Âm nhạc, ngoài giá trị tự thân của nó, còn gắn liền với cuộc sống riêng của mỗi người, với những hoàn cảnh, những kỷ niệm riêng tư. Vì thế, sự cảm nhận về âm nhạc không có những điểm chung hoàn toàn giữa người này với người khác, đặc biệt trong lãnh vực ký ức và hoài niệm.

Từ những năm cuối thập niên 1950, tại miền Nam, nhạc Trúc Phương với những Nửa Đêm Ngoài Phố, Hai Chuyến Tàu Đêm, Chiều Cuối Tuần, Đò Chiều … là cảm xúc, là tiếng lòng của một thế hệ những người đôi mươi đang sống với những tình cảm sôi nổi của tuổi đang yêu, đồng thời với nỗi bi thương của một cuộc chiến vô nghĩa giữa những người anh em chung một dòng máu, chung một tổ tiên. Nhạc của anh nói lên hình ảnh của một tuổi trẻ bị giằng xé giữa những thứ tình cảm đó, song không bao giờ ca ngợi sự chém giết hay khuyến khích hận thù. Đó là lý do chủ yếu khiến cho nhạc Trúc Phương ngấm sâu vào máu huyết của thế hệ chúng tôi, thế hệ không biết hận thù, có cầm súng thì cũng chỉ với cái trách nhiệm phải bảo vệ mảnh đất mình đang sống. Bản Đò chiều của anh với một giai điệu thật đẹp là tiêu biểu của thái độ tuổi trẻ miền Nam, đau đớn vì chiến tranh, song vẫn nuôi dưỡng trong lòng những tình cảm tốt đẹp của tuổi đôi mươi.

Nhạc của Trúc Phương bị quên lãng trong một thời gian dài sau 1975, thậm chí còn nhận được những lời thị phi của một vài kẻ không xứng đáng được nhắc tên chung với anh, song gần đây, nhạc của anh và thể loại Bolero mà anh là người tiêu biểu, được công chúng yêu âm nhạc tìm đến và mang lại vinh quang cho không ít giọng ca thời thượng.

Khác với nhiều nhạc sĩ cùng thời hay về sau này, âm nhạc của Trúc Phương là sự hòa quyện hoàn hảo giữa ngôn từ và giai điệu, nghe chúng, chúng ta không thấy có sự gượng ép nào trong từng câu chữ được thể hiện. Sau trên dưới 60 năm, dòng nhạc ấy bây giờ trở lại với người nghe thuộc thế hệ con cháu anh qua những giọng ca truyền cảm, mượt mà của Lệ Quyên, của Bảo Yến, và vẫn được say mê, vẫn được chờ đón như thuở đầu đời.

Chỉ có xác thân người nghệ sĩ đã hóa thành tro bụi từ 27 năm nay, mang theo bao nhiêu tiếc nhớ khôn nguôi của những người cùng thế hệ với anh, từng xem âm nhạc của anh là món ăn tinh thần hàng bữa và nay đang sống với những hoài niệm cuối đời. Trong những người ấy, có người đã nhiều lần để cho nước mắt ràn rụa khi âm nhạc hôm nay cất lên những giai điệu cũ, lời nhạc cũ của anh, nhắc nhở lại những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ.

Giọt nước mắt ấy không chỉ rơi xuống vì những hoài niệm, mà còn vì sự cảm thương đối với một kiếp người tài hoa nhưng quá nhiều bất hạnh. Người ta kể rằng sau 1975, Trúc Phương đã nhiều lần vượt biên để tìm lấy sự tự do theo cách hiểu của anh. Những chuyến đi thất bại liên tiếp, tù tội, nhà cửa bị tịch thu, gia đình ly tán, và theo một trang mạng, anh đã kể lại quãng đời đó như sau:

“Sau những biến cố của cuộc đời, tôi phải sống một thời gian kiểu rày đây đây mai đó, bèo dạt mây trôi. Nếu đói thì không đói ngày nào, nhưng mà nói no thì chưa được ngày nào gọi là no. Tôi không có mái nhà, lúc đó thì chuyện vợ con cũng tan nát rồi. Tôi sống nhờ nhà bạn bè. Nhưng mà khốn nỗi bạn bè cũng có hoàn cảnh bi đát, khổ sở. Không ai đùm bọc ai được. Thêm nữa, bạn bè không dám chứa tôi trong nhà, bởi vì tôi không có giấy tờ tùy thân, chẳng có thứ gì trong người cả… Tôi nghĩ ra một cách, là tìm nơi nào có khách vãng lai để chui vào ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ. Ban ngày thì lê la trong thành phố, đến đêm phải ra xa cảng (Bến xe Miền Tây), thuê một chiếc chiếu, thế chân 1 đồng. Ngủ đến sáng, xếp chiếu trả cho người ta, lấy tiền thế chân về. Một năm tôi ngủ ở xa cảng đến 9 tháng như vậy. Hôm nào có tiền đi xe lam, tôi ra sớm, chừng 5 giờ chiều có mặt ngoài đó thì còn có chỗ lịch sự, tương đối vệ sinh để trải chiếu nằm. Hôm nào ra trễ, chỗ tốt, sạch, vệ sinh… bị người ta giành hết rồi, tôi phải trải chiếu gần chỗ người ta đi tiểu, nhưng mà cũng đành chịu” (hết trích)

Sau 1975, cuộc sống của anh như thế đó.Vào những năm cuối đời, Trúc Phương bị căn bệnh phổi và suyễn hành hạ, trong cảnh nghèo khó, cuối cùng anh qua đời tại bệnh viện An Bình ngày 18.9.1995.

Từ rất lâu rồi, tôi mơ ước viết một quyển sách nhiều cảm xúc về cuộc đời Trúc Phương, về những cống hiến và sự bất hạnh của một tài hoa, viết như sự trả ơn người đã mang đến cho tuổi trẻ của mình nhiều kỷ niệm đẹp.

Để thực hiện được mơ ước đó, phải có dịp tiếp xúc với người thân của anh, với những người bạn đã chia sẻ cùng anh những vui buồn một đời nghệ sĩ (nay chắc không còn mấy người), với những nguồn tư liệu phong phú và khả tín … ngần ấy thứ chừng như vượt quá khả năng của một người đang ở chặng cuối con đường đời. Song tôi vẫn không tuyệt vọng, vẫn hi vọng một cơ may nào đưa đẩy để tôi có thể hoàn thành được tâm nguyên của mình.

Bài viết này như một sự tưởng niệm và hàm ơn nhạc sĩ Trúc Phương, cầu mong rằng ở một cõi trời thênh thang nào, linh hồn anh được an nhiên cùng cỏ cây, sông núi, rũ bỏ và quên hết những trái ngang đã đeo đẳng một kiếp người.

Lê Nguyễn
21.9.2022

ĐÒ CHIỀU (Nhạc Trúc Phương – giọng ca Lệ Thu)

ĐÊM GÁC TRỌ (Nhạc Trúc Phương, giọng ca Lưu Hồng)

Nguồn: Trang FB của Lê Nguyễn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây