Tuấn Khanh
14.9.2022
Cuộc trò chuyện rất đặc biệt với nghệ sĩ Bạch Lựu, người đã chọn lưu vong theo cùng vận nước nổi trôi, ra đi vì tự do trong tâm hồn nghệ sĩ của mình nhưng luôn đau đáu nhìn về quê hương với nỗi buồn khôn tả.
Cải lương Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm. Trong hình, nghệ sĩ Bạch Lê và Thanh Bạch trong một trích đoạn Cải Lương Hồ Quảng. (Hình minh họa: Bạch Lê – nghệ sĩ Cải Lương)
Bạch Lựu là con của nghệ sĩ Thành Tôn và Huỳnh Mai. Anh chị em của bà gồm sáu người đều theo sân khấu: Bạch Liên, Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Lý, Bạch Long, Thành Lộc. Anh rể là Thanh Bạch (chồng của Bạch Lê) cũng là một kép nổi tiếng.
Non nửa thế kỷ, lần đầu tiên nghệ sĩ Bạch Lựu mở lòng mình để nói nhiều điều về nghề, về đời từ quê hương thứ hai tại Úc.
*Nửa thế kỷ trong đời người thật dài, có nhiều thứ đã bị lãng quên đi, nhưng cũng có những thứ mà không bao giờ có thể phai tàn trong ký ức. Thưa chị, trong trí nhớ của mình, chuyến về Việt Nam lần cuối là năm nào? Và lúc đó ấn tượng với nghề cải lương, đồng nghiệp, đời sống văn nghệ… trong ký ức của chị có cảm nhận ra sao?
-Tôi trở về Việt Nam lần cuối là năm 2019. Thật ra, năm đó tôi trở về chỉ có một mục đích duy nhất là phụ với gia đình chuẩn bị cho hậu sự của mẹ tôi, cho nên tôi không có thời gian để đi xem mấy chương trình biểu diễn của bộ môn cải lương, mặc dù có rất nhiều lời mời cũng như được gửi vé mời đến nhà, nhưng giờ chót cũng không đi được.
Tuy không có thời gian để đi xem trực tiếp trên từng sân khấu cải lương, nhưng qua tiếp xúc với mọi người trong nghề, trong đó có em cháu trong bà con dòng họ của tôi đa số là nghệ sĩ, thì tôi được biết họ hoạt động có vẻ nhộn nhịp và xôm tụ lắm, nhưng hỏi ra thì cũng thỉnh thoảng chỉ có vài ba suất diễn trong một tháng, chứ không thường trực hằng đêm như thời tôi còn ở Việt Nam vào thập niên 1980.
Về tình cảm thì anh chị em đồng nghiệp trong ngành cải lương tuồng cổ xưa nay họ vẫn giữ mãi cái tình đồng nghiệp rất quý trọng, thân thương với nhau. Chuyện chia cơm xẻ áo, thương yêu quan tâm đùm bọc nhau là lối cư xử rất bình thường không thay đổi, thượng hạ tôn ti rõ ràng, dưới kính trên, trên nhường dưới… tôi thấy trong quan hệ vẫn đẹp vẫn hay như ngày xưa.
Nghệ sĩ Bạch Lựu. (Hình: Luu B. Nguyen)
Nhưng năm 2010, lúc chúng tôi hẹn nhau về để thử cùng hát chung với nhau, lưu lại những kỷ niệm với dòng họ bà con, nhất là khi tuổi đời của mỗi người trong dòng họ chúng tôi càng chồng chất và sức khỏe thì ai cũng dần yếu đi. Thật ra, các anh chị và ông xã tôi mới là diễn viên đứng sân khấu như anh chị tôi Bạch Lê, Thanh Bạch và ông xã tôi là Điền Thanh. Riêng cá nhân tôi, trước đây làm quản lý đoàn Cải Lương Tuồng Cổ Minh Tơ, với vai trò phó đoàn nội vụ hành chánh quản trị, phụ trách viết kịch bản lo cho chương trình phục vụ thiếu nhi của đoàn, chứ không phải là diễn viên trực tiếp sân khấu.
Phải nói là gặp được nhau rất mừng. Chúng tôi trở về lần đó rất vui, ngoài dòng họ bà con trong họ tộc, còn được cô chú, anh chị, bạn bè đồng nghiệp bên bộ môn cải lương cũng như kịch nói hay tân nhạc vào thăm như các nghệ sĩ Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Cẩm Ly… Tôi nhớ mình khóc rất nhiều vì xúc động và từng nghĩ rằng sẽ không bao giờ có một ngày nhìn nhau như thế này, nhìn như thấy cải lương ngày xưa đã rất rộn ràng… Chúng tôi hội ngộ cùng diễn với nhau liên tục suốt hai tuần lễ… với số lượng khán giả đông đảo không ngờ. Rõ ràng là dư âm và ánh đèn sân khấu của thế hệ chúng tôi đã ra đi, nhưng vẫn còn lưu luyến trong lòng miền Nam vô cùng.
*Người ta vẫn nói có hai hình thái cải lương ở Việt Nam: Trước năm 1975, sinh hoạt theo gánh hát, theo đồng nghiệp, theo tổ nghiệp… Nhưng sau 1975 thì theo đoàn thể, theo chương trình phục vụ và theo lăng kính chính trị… Chị có có hội đã trải qua hai thời kỳ đó, kinh nghiệm về sự khác biệt này, chị có nhận xét gì?
-Tôi xin trả lời rất trung thực trong cách nhìn của tôi. Sau 30 Tháng Tư, 1975, các đoàn nghệ thuật trước kia của thời VNCH đều bị rút giấy phép hoạt động, không một đoàn hát nào tư nhân nào có thể tiếp tục hoạt động. Nghệ thuật sân khấu cùng với các bộ môn khác bị kiểm soát rất gắt gao.
Lúc đó, chính quyền mới ra lệnh cho thành lập đoàn Cải Lương Sài Gòn 1 do một cán bộ lãnh đạo làm trưởng đoàn, đó là soạn giả Nguyễn Đạt. Đoàn tập hợp hầu hết những tài năng tên tuổi của sân khấu cải lương trước 1975 như Phùng Há, Ba Vân, Thanh Nga, Thành Được, Ngọc Giàu, Thanh Thanh Hoa, Nam Hùng, Tô Kim Hồng… Dĩ nhiên, cải lương là bộ môn rất đặc biệt, mà các tên tuổi chỉ có ở miền Nam. Không tập hợp được soạn giả hay nghệ sĩ, dù bị coi là của chế độ cũ, thì sẽ không thể có chuyện gầy dựng lại cải lương.
Ba chị em nghệ sĩ Bạch Lê (trái), Thành Lộc (thứ hai từ trái) và Bạch Lựu (phải). (Hình: Luu B. Nguyen)
Sau đó, tìm thấy số lượng nghệ sĩ cải lương miền Nam còn rất nhiều mà vẫn chưa có sân khấu để biểu diễn – như một cách kiểm soát – chính quyền cho thành lập tiếp theo hai đoàn Sài Gòn 2 và Sài Gòn 3, dĩ nhiên cũng do cán bộ ngành văn hóa phụ trách.
Cũng gom không xuể, nên chính quyền tạm cho phép Đoàn Thanh Minh được thành lập vào Tháng Chín, tương đương với thời gian của đoàn Minh Tơ, đoàn Kim Cương… Đây là ba đoàn tạm gọi là tư nhân được phép tái thành lập. Vì trước 30 Tháng Tư, 1975, ba đoàn này đã có tên trong lòng khán giả. Hai đoàn Minh Tơ và Thanh Minh (trước để bảng hiệu là Thanh Minh Thanh Nga) là do chính người bầu cũ đứng ra thành lập, đoàn Minh Tơ do nghệ sĩ Minh Tơ làm trưởng đoàn, đoàn Thanh Minh do Bầu Nguyễn Thị Thơ làm trưởng đoàn.
Riêng đoàn Kim Cương trước 30 Tháng Tư, 1975, không có thành lập đoàn, mà là ban: Ban Thoại Kịch Kim Cương trên đài Truyền Hình Việt Nam. Nhưng sau 1975 thì được thành lập đoàn cũng biểu diễn hằng đêm như bên sân khấu cải lương, do nghệ sĩ Kim Cương làm trưởng đoàn.
Sau nhiều lần xin phép cũng rất khó khăn, cuối Tháng Tám, 1975, đoàn Cải Lương Tuồng Cổ Minh Tơ chúng tôi mới được cho biểu diễn trở lại, sau khi phúc khảo vở tuồng “Trảm Trịnh Ân” (Điều Tam Xuân Báo Phu Cừu). Phúc khảo tức là cách các cán bộ văn hóa đến coi, duyệt, nhận xét, thậm chí có thể cắt bỏ câu này, đoạn kia trong phần diễn y như thật, nhưng không có khán giả.
Đoàn Cải Lương Tuồng Cổ Minh Tơ chúng tôi là đoàn hát truyền thống nhiều đời, có gốc hát bội cổ truyền từ cuối thế kỷ 19 sang đến đầu thế kỷ 20. Đến giữa thập niên 1950 thì chuyển thành Cải Lương Hồ Quảng chuyên hát những vở hát bội tích Tàu, chuyển thành những bài hát cải lương và bài hát Quảng.
Khi đổi chế độ, thì cái tên Cải Lương Hồ Quảng cũng bị đổi theo thành Cải Lương Tuồng Cổ, đó là ý kiến của lãnh đạo thời ấy. Và những kịch bản Cải Lương Hồ Quảng chỉ được trình diễn vài ba năm gọi là “cứu đói,” thay vào đó là những kịch bản lịch sử Việt Nam phải được đem vào cho hợp lý. (Chú thích: giai đoạn có chiến tranh với Trung Quốc, mọi thứ có thể gợi hình ảnh hay văn hóa Trung Quốc đều không được ưa thích).
Hai chị em Bạch Lê (trái) và Bạch Lựu. (Hình: Bạch Lê – nghệ sĩ Cải Lương)
Còn những đoàn cải lương có truyền thống lâu đời như Thanh Minh Thanh Nga, thì chỉ được để tên là Thanh Minh. Cho đến năm 1978, sau khi nghệ sĩ Thanh Nga mất, đoàn mới được để tên là Thanh Nga.
Và đến năm 1976 thì có thêm một số đoàn tư nhân được cho phép thành lập như đoàn Tuồng Cổ Huỳnh Long, đoàn Ca Nhạc Tạp Kỷ Hương Miền Nam, đoàn Kịch Nói & Ca Nhạc Bông Hồng, đoàn Trúc Giang, đoàn Phước Chung…
Nhưng rồi tất cả các đoàn nghệ thuật thành phố chấm dứt tình trạng tư nhân quản lý từ khoảng cuối năm 1979, mà tất cả đều phải là quản lý tập thể, có cán bộ văn hóa thuộc Sở Văn Hóa Thông Tin xuống theo dõi điều hành. Dĩ nhiên, người lãnh đạo đoàn phải làm việc theo chỉ thị của nhà nước. Từ kịch bản biểu diễn đến quản lý tài chánh đều thay đổi theo một chủ trương nhất định của Sở Văn Hóa Thông Tin.
Và đó cũng là lý do các đoàn tự cố gắng dựng tác phẩm nghệ thuật của mình sao cho phía kiểm duyệt “vừa ý” mà vẫn phải hấp dẫn khán giả. Điều này lập tức hạn chế sự phát triển nghệ thuật sân khấu, mọi thứ dần sáo mòn và kém đi sự sáng tạo cần thiết cho những tác phẩm nghệ thuật. Nghệ thuật không thể cứ chạy một đường “rail” nhất định, ắt hẳn khó tránh được sự co cụm, bào mòn và đuối dần. Đó cũng là lý do chính ảnh hưởng đến “nồi cơm,” sự sống còn của các đoàn tập thể lẫn quốc doanh dần về sau.
*Rõ là cải lương Việt Nam sau 1975 hoàn toàn không thể xuất hiện các kịch bản hay như trước đó, như chị đã nói, là sự kiểm duyệt văn hóa ngặt nghèo. Nhưng vì sao sân khấu cải lương Việt Nam hôm nay héo hơn, dù các ngôi sao sân khấu vẫn còn, và thậm chí là thế hệ mới tài năng vẫn xuất hiện?
-Như tôi đã khẳng định, nghệ thuật sân khấu mà vẫn phải chạy theo một đường “rail” nhất định thì làm sao sự sáng tạo được thăng hoa?
Nghệ sĩ Bạch Lựu và em trai – nghệ sĩ Thành Lộc – tại sân khấu 5B Võ Văn Tần năm 1988. (Hình: Tài liệu)
Khi các đoàn hát cũ của miền Nam còn ráng hoạt động, song song với các đoàn nhà nước, khán giả vẫn đến với họ đầy rạp hằng đêm như đoàn Minh Tơ, Kim Cương, Huỳnh Long, Trần Hữu Trang… Cùng một đêm diễn, nhưng các đoàn văn công của nhà nước vắng khách vì chủ đề tuyên truyền không quen thuộc của họ.
Sau một thời gian thất bại não nề, có lúc phía chính quyền đã thấy ra vấn đề nên cũng “cởi mở” hơn, bớt mục đích tuyên truyền cho sân khấu của họ, nên và khán giả từ đó mới chấp nhận mua vé của họ. Anh thử nghĩ xem, cứ mua vé vô xem ca nhạc mà cứ phải nghe “Bác Đang Cùng Chúng Cháu Hành Quân” hay “Cô Gái Sài Gòn Đi Tải Đạn”… Rồi kịch bản cải lương mà cứ xuất hiện hết bộ đội đến anh giải phóng quân miết trên sân khấu… thì nói như anh chị hồi đó tả, là có nước cạp đất mà ăn.
Riêng về bộ môn cải lương thì sau 1975, bộ môn bừng sáng lên trong một giai đoạn xong sau đó mọi thứ lại đi vào quy củ của chính quyền mới. Từng sân khấu nhạt dần, nhiều nghệ sĩ cũng buồn bã vượt biên, các kịch bản mới không thể hình thành… Khiến cải lương nói chung rồi cũng đìu hiu.
*Trước năm 1975, các sinh hoạt trong làng văn nghệ nói chung, và cải lương nói riêng, đều có tôn ti trật tự của tiền bối, hậu bối. Nhưng mất đi một giai đoạn dài, sân khấu cải lương không còn ánh đèn, dường như đã mất đi các giá trị truyền thống tôn trọng người đi trước… Thậm chí dường như có chủ trương nào đó về phía nhà nước cũng không muốn nhắc nhở gì đến cải lương thời huy hoàng của hai nền cộng hòa miền Nam Việt Nam. Gần đây, lại có chuyện nghệ sĩ Minh Vương (được coi là thành phần được nhà nước ưa thích) khi liệt kê các danh tài của cải lương trên đài truyền hình nhà nước, đã cố ý phế bỏ các tên tuổi tiền bối đi trước, chỉ kể đến giai đoạn sân khấu “cách mạng” với anh ta mà thôi. Chị nghĩ sao về điều này?
-Theo cái nhìn từ xa (vì tôi đã rời Việt Nam hơn 30 năm rồi), tôi được biết là các em cháu trong bộ môn nghệ thuật cải lương, hầu như vẫn được người đi trước hướng dẫn khá tốt từ nghệ thuật ca diễn, đến lề lối cư xử truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trọng tiền bối, lễ phép hòa nhã với bạn diễn chung quanh… nói chung các hậu bối cũng không và chưa dám nói năng hay làm điều gì xác phạm những người đi trước.
Thật ra, tôi và Minh Vương ít có thời gian làm việc với nhau nhiều. Biết và chào hỏi khi gặp nhau bên ngoài mà thôi.
Hình ảnh kỷ niệm các nghệ sĩ của đoàn Minh Tơ xưa. (Hình: Bạch Lê – nghệ sĩ Cải Lương)
Có lần nghệ sĩ Bạch Tuyết nhờ tôi trợ lực phụ với chị lo những việc linh tinh cho chương trình video của chị vào cuối thập niên 1980. Trong kịch bản “Đoạn Tuyệt,” có anh Minh Vương, lúc ấy đóng vai Dũng. Có vài lần trò chuyện, tôi thấy anh ấy cũng hiền lành, ít nói và thấy có vẻ biết mình “hạn chế” trong chuyên môn diễn xuất, so với dàn diễn viên gạo cội trong vở diễn thời bấy giờ, mặc dù anh đã có tên từng là “Khôi Nguyên Vọng Cổ” – một kiểu vinh danh của nhà nước.
Nhưng tính tình và cách ứng xử theo thời là chuyện khác nhau. Trường hợp anh Minh Vương phát biểu trong một chương trình được cho là khá quan trọng trong ngành cải lương sau này – chương trình “Chuông Vàng Vọng Cổ” – theo tôi cho đó chỉ là một suy nghĩ hết sức cá biệt!
Và vẫn theo cái nhìn hạn hẹp của tôi là… trước kia, bây giờ và tương lai về sau, có lẽ chỉ có mỗi một Minh Vương mới cá biệt độc đáo, dám nói những lời thô thiển xúc phạm đàn anh đàn chị đi trước, tự bôi xóa giá trị lịch sử một cách thiếu thận trọng và hạn chế tầm nhìn như vậy.
Đại diện cho lớp nghệ sĩ thành danh sau 1975, Minh Vương đã tỏ vẻ “trịch thượng” với đàn anh đàn chị đi trước rồi… Tôi hoàn toàn rất bất ngờ và cảm thấy “tội nghiệp” anh ấy quá!
Có lẽ Minh Vương đã ngộ nhận cái danh xưng phù phiếm, mà anh đã tự làm đơn để được nhà nước cho các danh hiệu hiện tại. Anh cứ nghĩ là có danh xưng thì mình ắt hẳn sẽ hơn người và ngang hàng với những cái tên làm nên lịch sử cải lương Việt Nam. Lúc ấy, nghĩ đến chị Thanh Nga, anh Thanh Sang, chị Mỹ Châu… tôi vừa thương yêu, trân quý vừa đắng lòng, và tôi đã khóc.
Lịch sử cải lương Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm. Sự tồn tại của cải lương không lệ thuộc vào thời thế và không đáng bị bôi xóa bất kỳ giai đoạn nào. Tôi mong rằng đừng có một hậu sinh về sau này lặp lại cái gương không đẹp một chút nào qua câu chuyện đáng tiếc như vậy.
Tuấn Khanh
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/cai-luong-xu-minh-chuyen-ngay-ay-bay-gio/