Nhận định về 3 bài vọng cổ trúng giải Phụng Hoàng

Ngành Mai
23.8.2014

Nhận định về 3 bài vọng cổ trúng giải Phụng HoàngHội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại và ban tổ chức giải Phụng Hoàng trong buổi họp quyết định trao giải Phụng Hoàng bài ca vọng cổ.

Mấy tuần qua giới đờn ca tài tử cổ nhạc cũng như giới nghệ sĩ cải lương thuộc lớp trẻ, và những người hâm mộ cổ nhạc ở miền Nam California, Hoa Kỳ đã xôn xao, bàn tán không ít về 3 bài vọng cổ sáng tác vừa trúng giải Phụng Hoàng. Và hầu như ai cũng mong cho đến ngày phát giải để được nghe ca sĩ, nghệ sĩ trình bày.

Chờ đợi ngày phát giải

Hiện giờ giới cổ nhạc cũng như những người ưa thích môn nhạc cổ truyền dân tộc này, họ đang nóng lòng muốn biết ca sĩ nào, nghệ sĩ nào được chọn hát các bài ca trúng giải nói trên, để trình diễn trước quan khách, khán giả trong ngày phát giải Phụng Hoàng vào ngày 5 tháng 10 – 2014 sắp tới đây. Bởi nghe nói có 6 nam nữ ca sĩ đang học thuộc lòng 3 bài ca, có nghĩa là một cặp nam nữ ca sĩ sẽ hát một bài.

Ba bài vọng cổ sáng tác trúng giải có tên như sau:

Giải nhứt: “Yêu Lắm Quê Hương” của tác giả Vĩnh Hà ở Hawaii.

Giải nhì: “Tâm Sự Người Thương Binh” của tác giả Trần Văn Tứ, ở Úc Châu.

Giải ba: “Gánh Hàng Rong” của tác giả Phạm Văn Phúc ở Hawaii.

Từ nhiều năm nay chưa bao giờ giới hâm mộ cổ nhạc cải lương lại hân hoan, rộn rả đón mừng bài ca vọng cổ mới sáng tác như mấy tuần nay. Đó là do bởi từ nhiều năm nay đã không có bài ca mới xuất hiện, nên các ca sĩ cứ hát đi hát lại mãi những bài ca cũ rích, không còn thu hút được người nghe, vì đã quá nhàm chán.

Sau khi kết quả được loan báo thì hầu như ca sĩ nào, nghệ sĩ nào cũng muốn được hát bài ca trúng giải trước quan khách, khán giả. Chẳng hạn như ca sĩ Xuân Mỹ, từng chiếm huy chương vàng giải Phụng Hoàng. Cô rất muốn được hát bài ca trúng giải vừa nói. Thế nhưng, do bởi cô là nữ nghệ sĩ được chọn diễn tuồng cải lương “Ông Sáu Lầu” cũng trình diễn ngày hôm ấy, thành thử ra ban tổ chức đã từ chối lời yêu cầu của cô.

Là soạn giả thường trực của các đoàn Kim Chung hoạt động mạnh mẽ thời kỳ trước 1975. Yên Lang ngoài việc phát triển bảng hiệu Kim Chung, đã đóng góp vào kho tàng văn hóa nghệ thuật nước nhà những tuồng cải lương giá trị về mặt “ăn khách” mà trong số có các vở hát như: Đêm Lạnh Chùa Hoang, Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn, Tâm Sự Loài Chim Biển, tức Áo Vũ Cơ Hàn… Các nghệ sĩ nổi danh trên sân khấu Kim Chung như Minh Phụng, Lệ Thủy… một phần lớn là nhờ các vở tuồng thuộc loại “hương xa” của Yên Lang.

Hiện giờ giới cổ nhạc đang nô nức chờ đợi ngày phát giải Phụng Hoàng, mà trong đó có 3 bài vọng cổ sáng tác, và một tuồng cải lương trúng giải. Tôi có hỏi Yên Lang cảm tưởng của soạn giả như thế nào trước sự việc mà giới cải lương và người hâm mộ đang mong đợi.

Qua cuộc tiếp xúc với soạn giả Yên Lang, đã cho thấy rằng ông rất quan tâm, và đặt nặng vấn đề giải thưởng cổ nhạc. Đối với những người sành điệu về cổ nhạc cải lương, thì bất cứ bài ca vọng cổ nào, ca sĩ cũng phải học thuộc lòng thì ca mới hay. Điều này ai cũng biết, do vậy mà các nam nữ ca sĩ đang cố gắng học 3 bài ca trúng giải cho thật nhuần nhuyễn thì mới diễn đạt được hết ý nghĩa của bài ca.

Nghệ sĩ phải hát thật

Riêng về tuồng cải lương “Thu Sầu Nhả Tơ” của soạn giả Trần Văn Hương trúng giải Phụng Hoàng cuối năm qua, ông cũng được thông báo lãnh giải kỳ này. Đây là vở tuồng mà tình tiết câu chuyện nói về cuộc đời tình cảm của ông Cao Văn Lầu, tức nhạc sĩ Sáu Lầu, cha đẻ bài Dạ Cổ Hoài Lang, tiền thân của bản Vọng Cổ ngày nay. Theo tôi được biết thì soạn giả Trần Văn Hương đang cho các nghệ sĩ tập dượt thành thạo để hôm đó trình diễn trước quan khách, khán giả. Cái đặc biệt là nghe nói soạn giả buộc các nghệ sĩ phải hát thật, chớ không được “hát nhép”, tức là hát trước thâu sẵn vô băng, rồi ra sân khấu

chỉ nhép miệng ca theo tiếng hát của mình trong băng dĩa. Như vậy cho thấy ai cũng đặt nặng vấn đề trúng giải của bài ca hay là tuồng cải lương.

Ngược giòng thời gian của lịch sử cải lương, người ta thấy khi xưa thời thập niên 1960 có giải Thanh Tâm của nhà báo Trần Tấn Quốc. Sau 1975 ở trong nước có giải Trần Hữu Trang của Hội Sân Khấu. Và bây giờ ở hải ngoại có giải Phụng Hoàng. Cả 3 giải tuy có khác nhau về lề lối tổ chức, nhưng chung mục tiêu là phát triển, và duy trì bộ môn nghệ thuật đặc thù của văn hóa dân tộc, mà ta ai cũng quan tâm.

Ngành Mai

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/traditional-music-0823-nm-08222014133438.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây