Ngành Mai
16.8.2014
Tuồng Nhựt ăn khách
Vào cuối năm 1965 đoàn Thanh Minh Thanh Nga khai trương vở hát “Men Rượu Sa Kê” của soạn giả Hoàng Lan, được khán giả đi coi đông đảo. Và chỉ nội cái tên tựa của tuồng người ta cũng biết là tuồng Nhựt rồi.
Trước đó từ những năm cuối thập niên 1950, tuồng Nhựt cũng được lên sân khấu cải lương khá ăn khách. Thế nhưng, chỉ 1, 2 năm thì khán giả lơ là loại tuồng này, và các soạn giả chuyển sang tuồng kiếm hiệp, tuồng chưởng, tuồng xã hội v.v… Rồi giờ đây nghe nói hát tuồng Nhựt trở lại, dĩ nhiên là phải có cái gì mới lạ thì mới thu hút khán giả.
Thật vậy, yếu tố ăn khách của vở tuồng Nhựt mới này, là kép Thành Được vừa về đoàn Thanh Minh Thanh Nga đảm nhận vai chánh đóng cặp với Thanh Nga. Khán giả sành điệu ai cũng nhận thấy từ lúc Thanh Nga nổi tiếng, suốt mấy năm chưa có chàng kép nào đóng cặp gọi là “xứng đào xứng kép” với cô nàng. Kép móm Hữu Phước tuy rằng ca hay diễn giỏi, nhưng không phải là kép đẹp, trên sân khấu đóng cặp với cô đào trẻ đẹp Thanh Nga thì chẳng xứng chút nào. Đào kép cải lương nếu gặp người đóng cặp không xứng, có thể giảm đi phần diễn xuất, có nghĩa là hát không hay.
Cố nghệ sĩ Thanh Nga. Photo courtesy of Wikipedia Cố nghệ sĩ Thanh Nga. Photo courtesy of Wikipedia
Do vậy mà khi nghe chàng kép đẹp trai, hào hoa Thành Được về đóng cặp với Thanh Nga thì bà con yêu thích cải lương ùn ùn đi coi thì cũng đúng thôi. Dù vậy, người ta cũng không phủ nhận cái ăn khách của vở hát “Men Rượu Sa Kê”, bởi đây là một kịch phẩm sống động, gút mắc, mang nhiều đặc tính dị biệt của dân tộc Phù Tang: Tinh thần võ sĩ đạo. Bố cục của soạn phẩm khá vững chắc, văn chương tương đối chải chuốt, nhứt là về mặt đối thoại.
Theo soạn giả cho biết, tài liệu lịch sử của vở ca kịch này, về nhân danh và địa danh đã được ông tùy viên văn hóa Tòa Đại Sứ Nhật Bản tại Sài Gòn giúp đỡ. Đoàn ca kịch Thanh Minh Thanh Nga cho khai trương tuồng “Men Rượu Sa Kê” để đánh dấu ngày nghệ sĩ Thành Được về hợp tác, và Ngọc Giàu, Thanh Thanh Hoa, Nam Hùng đang ở đoàn Thành Được bị rã gánh cũng chính thức trở lại hợp tác với đoàn này. Đây là vở hát đã làm cho bà Bầu Thơ “nặng túi” nhờ trình diễn suốt 2 tuần tại rạp Nguyễn Văn Hảo, mà đêm nào cũng hết vé.
Những nhân vật chính trong vở tuồng trong đợt khởi sắc này của đoàn đã do những nam nữ nghệ sĩ gạo cội của hai đoàn Thanh Minh Thanh Nga và đoàn Thành Được sáp nhập làm một thủ diễn. Sân khấu sáng đẹp nhờ phần tranh cảnh do họa sĩ Loka đảm trách, và y trang cho vở tuồng này cũng đều hoàn toàn mới tinh hảo. “Men Rượu Sa Kê” là vở tuồng Nhật thứ ba của soạn giả Hoàng Lan. Vở đầu nhan đề là “Mặt Nạ Cô Gái Phù Tang”, thoại kịch, do ban kịch Cảnh Sát Quốc Gia trình diễn tại nhà Hát Lớn Hà Nội hồi năm 1954.
“Sầu Lên Ngọn Cỏ”
Vở hát thứ hai của soạn giả là vở “Sầu Lên Ngọn Cỏ”, là một ca kịch phẩm phóng tác theo chuyện Lã Sanh Môn (Rashomon) của Nhựt nhưng lồng trong khung cảnh miền sơn cước Bắc Việt. Lúc ấy có tin đồn trong giới rằng, nghe tin đoàn Thành Được không thể sống lâu hơn, do nợ nần quá nhiều, thì những gánh hát giàu tiền giàu bạc như Dạ Lý Hương, Kim Chung đang chực chờ để “bắt” chàng kép đang là mục tiêu mua vé của khán giả này.
Lúc ấy thì đoàn Thanh Minh Thanh Nga đang xuống dốc, do bởi có đào mà không có kép tương xứng về tuổi tác, cũng như về hình dáng để đóng cặp. Bà bầu Thơ rất muốn kép Thành Được về hát đóng cặp với Thanh Nga để chống đỡ sự suy sụp đã gần kề. Và cũng biết rằng đoàn mình không có thực lực như 2 đoàn kia, nên bà nghĩ phương thế khác:
Soạn giả Hoàng Lan được bà bầu Thơ “đặt hàng” viết tuồng “Men Rượu Sa Kê”, mà trong đó có một cảnh nhân vật nam chánh bồng nhân vật nữ chánh trên tay. Trong lúc Thành Được còn lưỡng lự chưa quyết định cho đoàn hát rã, thì người môi giới bí mật trao cho Thành Được xem role vở tuồng. Và khi biết có “sen” ôm cô đào trẻ đẹp trên tay nên Thành Được ô kê liền, và “mỹ nhân kế” một cách tinh vi của bà bầu Thơ đã thành tựu. Nhưng đó chỉ là tin đồn thôi, chẳng biết có đúng hay không, biết đâu vì lý do khác. Đến khi tuồng “Men Rượu Sa Kê” được hát người ta thấy một cảnh trong tuồng: kép Thành Được bồng người đẹp Thanh Nga trên tay. Và đây là món quà đầu tiên đoàn Thanh Minh Thanh Nga tặng cho nghệ sĩ Thành Được, khi anh kép tài danh này về hợp tác.
Có người nói đêm hát này Thành Được đâu cần lãnh lương vì đã “đủ vốn” rồi mà còn lời nữa là khác. Và cũng có người nói trên sân khấu thì diễm phúc như thế, nhưng sau khi vãn hát rồi thì ai về nhà nấy. Nghĩ cũng buồn thật!
Hồi năm 2000, tôi điều hợp cuộc thi cổ nhạc Gò Công, tôi có mời Thành Được về Nam California tham gia Ban giám khảo, nhưng tôi quên hỏi vấn đề trên, mà nếu có hỏi thì chắc gì chàng ta nói thật.
Ngành Mai