Ngành Mai
7.8.2014
Bản Dạ Cổ Hoài Lang do ông Cao Văn Lầu, tức nhạc sĩ Sáu Lầu ở Bạc Liêu cho ra đời từ năm 1918, được rất nhiều tay ca tài tử học thuộc lòng và ca trong các buổi sinh hoạt, tiệc tùng, hội hè, đình đám. Đến khoảng giữa thập niên 1930 thì bản nhạc thịnh hành, lan rộng nhiều nơi vùng đất Nam Kỳ Lục Tỉnh. Thời điểm đó bài Dạ Cổ Hoài Lang nhịp 4 được rất nhiều người ca, và trong số có Năm Nghĩa.
Năm Nghĩa tên thật là Lư Hòa Nghĩa, người Bạc Liêu, lúc đó còn là tay ca tài tử chứ chưa đi hát, và cũng chưa lên Sài Gòn. Giới mộ điệu cổ nhạc hầu như ai cũng nhận thấy Năm Nghĩa có làn hơi ca đặc biệt, ru hồn người nghe, độc đáo là tiếng hơ hơ hơ cuối câu ca, đã làm cho bài vọng cổ thêm du dương, mùi mẫn.
Thế nhưng, bài Dạ Cổ Hoài Lang lúc ấy còn nhịp 4 quá ngắn, khiến cho làn hơi ca thiên phú của Năm Nghĩa bị ngăn chận lai, mất đi sự truyền cảm, nói rõ hơn là nhịp 4 đã không đủ thời gian cho Năm Nghĩa trổ hết tài năng cùng giọng ca độc đáo. Do vậy mà nhiều đêm Năm Nghĩa trằn trọc không ngủ được, suy tính làm sao cho bài Dạ Cổ Hoài Lang dài ra, chữ đờn nhiều gấp đôi mới đáp ứng được làn hơi ca trời cho của ông.
Trong một đêm nọ (1934) Năm Nghĩa chơi đờn ca tại nhà người bạn ở gần chùa Vĩnh Phước, gặp phải cơn mưa tầm tã không dứt nên ngủ luôn tại đây. Đêm khuya thanh vắng, giữa không gian âm u tỉnh mịch, bỗng tiếng chuông chùa vọng lại từng hồi. Năm Nghĩa giựt mình thức giấc, và không biết đang mang tâm trạng gì mà chỗi dậy viết ngay bài ca theo điệu Dạ Cổ Hoài Lang dài ra. Năm Nghĩa xuất thần viết một loạt 20 câu, với câu mở đầu “Văng Vẳng Tiếng Chuông Chùa”, và đặt tên bài ca là “Vì Tiền Lỗi Đạo”.
Sáng hôm sau Năm Nghĩa đến nhà thầy là ông Sáu Lầu, ca cho ông nghe thử bài ca vừa sáng tác, cũng theo điệu Dạ Cổ Hoài Lang. Đồng thời đề nghị với thầy là thêm chữ đờn vào mỗi câu, có nghĩa là kéo dài ra gấp đôi cho hợp với bài ca mới viết ấy.
Nhận thấy có lý, và cũng cảm nhận được giọng ca mùi của Năm Nghĩa cùng tiếng hơ hơ hơ thì mỗi câu phải dài hơn mới hay. Thế là nhạc sĩ Sáu Lầu mời thêm 2 ông thầy đờn khác là nhạc sĩ Ba Chột và nhạc sĩ Mười Khói đến bàn luận. Cả ba ông hội ý thêm chữ đờn kéo dài bài Dạ Cổ Hoài Lang tăng lên nhịp 8, tức gấp đôi để đủ thì giờ cho Năm Nghĩa hát thoải mái bài 20 câu “Vì Tiền Lỗi Đạo” do Năm Nghĩa mới sáng tác.
Thời gian gần một năm sau bài Dạ Cổ Hoài Lang nhịp 8 mang tên “Vì Tiền Lỗi Đạo” phổ biến lên Sài Gòn, giới đờn ca tài tử ở Hòn Ngọc Viễn Đông hân hoan chào đón, đưa vào sinh hoạt và giới hâm mộ hoan nghinh, gọi là bài “Văng Vẳng Tiếng Chuông Chùa” và cũng kể từ đó thì cái tên “Dạ Cổ” cũng được người ở Sài Gòn gọi trại là “Vọng Cổ” luôn cho tới bây giờ.
Thuở ấy hãng dĩa hát Asia của ông Ngô Văn Mạnh, mà thiên hạ thường kêu là Thầy Năm Mạnh thành lập trước đó chẳng bao lâu. Nhận thấy bài vọng cổ “Văng Vẳng Tiếng Chuông Chùa” rất được giới mộ điệu ưa thích nên cho người liên hệ với Năm Nghĩa để thu thanh dĩa hát.
Tài liệu liên quan bộ dĩa “Vì Tiền Lỗi Đạo”
Liên quan đến vấn đề này, ký giả kịch trường Thiện Mộc Lan người gốc ở Sa Đéc đã trao cho tôi một tài liệu như sau:
Một nhà báo khi viết về Năm Nghĩa trong những ngày đầu tiên đến với Asia đã ghi: “… có một chàng trai trẻ,
độ 20 tuổi người xứ Bạc Liêu. Anh mặc bộ đồ lụa ngà, mang đôi guốc vông, ăn nói chậm rãi. Thầy Năm Mạnh nghe giọng ca, ưng ý, tuyển chọn anh ca ngay bộ dĩa đầu tiên cho hãng. Đó là bản vọng cổ nhịp 8, 20 câu “Văng Vẳng Tiếng Chuông Chùa”. Giọng ca của anh thật đặc nét, nghe buồn não nuột ở những chữ ngân dài cuối câu hơ… hơ… miên man sầu thảm.”
Vào năm 1958, ký giả Tô Yến Châu (báo Tiếng Chuông) có mời một số anh em văn nghệ sĩ Sài Gòn về quê ông ở Cần Giuộc (Long An) dự đám giỗ thân phụ. Chuyến đi ấy có nghệ sĩ Năm Nghĩa (đang là bầu gánh đoàn Thanh Minh). Trong bữa tiệc vui, đông – đảo anh em có mặt hôm đó đồng thanh đề nghị anh Năm ca lại bản vọng cổ “Văng Vẳng Tiếng Chuông Chùa”.
Anh Năm liền đứng lên, lặng người trong phút giây rồi nói chậm rãi:
– “Các anh, các chị, các bạn, hôm nay tôi vui quá nên uống nhiều. Uống nhiều thì hơi say, mà hơi say thì nói hơi
nhiều. Nói nhiều vì có nhiều tri âm tri kỷ hiểu mình và từng thương nhau, ôm nhau trên sân cỏ hay trong hậu trường sân khấu. Sao tôi thích ăn nói chớ không thích ca trong khung cảnh này. Mấy chục năm qua rồi, Năm Nghĩa hồi đó và Năm Nghĩa bây giờ đã trải qua bao nhiêu bước thăng trầm. Tuổi đời đã cướp dần tiếng ca. Tôi ca dở hơn hồi nhỏ tôi sẽ buồn, nhưng tôi vẫn ca mặc dù tôi biết tôi sẽ buồn.”
Một tràng pháo tay nổi lên tán thưởng câu nói ấy. Mọi người đều im lặng để lắng nghe “Văng Vẳng Tiếng Chuông Chùa”. Trong lúc ca, anh Năm có vẽ mặt buồn khác lạ. Khi vừa ca xong ba câu thì anh “thở ra” rồi nói:
– Xin lỗi các anh, các chị, các bạn, tôi hơi mệt nên chỉ ca ba câu và hứa năm tới sẽ ca nguyên bản… Lần đám giỗ sau (có lẽ năm 1960) tại Cần Giuộc, cũng đông đảo những người thân của ký giả Tô Yến Châu nhưng vắng bóng nghệ sĩ Năm Nghĩa, vì ông đã vĩnh viễn giã từ sân khấu và bạn bè tri âm tri kỷ vào cuối năm 1959.
Kể từ ngày bộ dĩa “Vì Tiền Lỗi Đạo” được phát hành phổ biến cùng khắp cả Đông Dương, thiên hạ đã lấy câu mở đầu “Văng Vẳng Tiếng Chuông Chùa” để gọi, rồi dần dần trở thành tên của bài ca luôn
Ngoài tài liệu trên, anh Thiện Mộc Lan cũng trao cho tôi bộ dĩa hát “Vì Tiền Lỗi Đạo” gồm 2 dĩa mà thiên hạ đã gọi “Văng Vẳng Tiếng Chuông Chùa”. Bộ dĩa lịch sử vọng cổ nhịp 8 đầu tiên kia, tính đến nay đã 80 năm rồi, tôi nghĩ rằng chẳng mấy ai còn lưu giữ được, nếu không muốn nói là không còn thêm một bộ dĩa nào nữa mang tên“Văng Vẳng Tiếng Chuông Chùa”.
Tôi cũng nói thêm ký giả kịch trường Thiện Mộc Lan khi xưa cộng tác với tờ báo Đuốc Nhà Nam của ông Trần Tấn Quốc. Trong buổi nói chuyện ngày hôm nay, tôi nhờ làn sóng đài Á Châu Tự Do chuyển về lời chân thành cám ơn ký giả Thiện Mộc Lan ở SaĐéc.
Và bây giờ xin mời quí vị nghe một đoạn mở đầu dĩa hát “Văng Vẳng Tiếng Chuông Chùa” với giọng ca Năm Nghĩa. Do dĩa quá lâu, mà kỹ thuật thu thanh thời xa xưa ấy lại quá kém cỏi, quí vị ráng nghe vậy.
Bộ dĩa “Văng Vẳng Tiếng Chuông Chùa”, nghệ sĩ Năm Nghĩa ca do hãng dĩa Asia phát hành năm 1934 gồm 2 dĩa. Quí vị vừa nghe 1 mặt dĩa, tức 1 phần tư bài vọng cổ. Đây là bộ dĩa hát vọng cổ lịch sử, tôi đang giữ gìn, với ước muốn sau này nó được có mặt trong bảo tàng văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Ngành Mai