Ngành Mai
14.6.2014
Mạnh ai nấy tìm sinh lộ
Từ sau cái Tết Mậu Thân 1968, cho đến đầu thập niên 1970 cải lương vẫn ở trong tình trạng khủng hoảng kéo dài, chưa thấy có dấu hiệu nào hồi phục. Do đó mà đào kép và những thành phần liên hệ đến cải lương đã lâm vào cảnh khốn đốn, nợ nần chồng chất, ai cũng than vắn thở dài. Những người xưa nay chỉ trông cậy vào bộ môn nghệ thuật này làm sự sống, hầu hết đã không còn tin tưởng vào nghề nghiệp của mình nữa, mà mạnh ai nấy tìm sinh lộ.
Trong khi cải lương sống dở chết dở, gần như tê liệt, thì bên phía điện ảnh lại khởi sắc, lên như diều, người làm phim rất dễ kiếm ăn, và thời kỳ này một số ít đào kép cải lương tên tuổi đã có cái may mắn hơn đại đa số đồng nghiệp. Họ được các hãng phim mời mọc, chào đón, để rồi một bước trở thành minh tinh màn bạc như Thanh Nga, Hùng Cường, Thanh Tú, Mộng Tuyền…
Do vậy mà thay vì mất chỗ đứng trong nghệ thuật, các đào kép này lại lên hương thấy rõ mà tiền thù lao cũng cao. Làm tài tử xi nê vừa có tiền, lại vừa được tiếng, và cô đào thương Út Bạch Lan là một trong số đào kép cải lương được mời đóng phim. Có điều là nàng Út chuyển nghề có hơi muộn, cô chậm chơn hơn các đào kép nhỏ tuổi hơn mình, thành thử ra không kiếm được nhiều tiền như các nghệ sĩ thuộc lớp đàn em.
Từ cuối 1969 thì Thanh Nga đã có mặt trong phim “Loan Mắt Nhung”, đảm nhận vai tài tử chánh đóng cặp với Huỳnh Thanh Trà. Tiếp liền sau đó lại đóng phim “Mãnh Lực Đồng Tiền” với số tiền thù lao gấp đôi phim trước.
Thấy cuốn phim do đào Thanh Nga đóng dễ ăn quá, những người am tường về điện ảnh căn cứ vào con số khán giả đi coi đã cho rằng phim Loan Mắt Nhung lời tối thiểu cũng 10 triệu. Do đó đã thúc đẩy ông Quốc Phong hợp tác với Trung Tâm Quốc Gia Điện Ảnh, lấy tên Liên Ảnh Công Ty, quay cuốn phim mà tài tử chánh là kép hát cải lương tên tuổi. Lúc ấy các tài tử điện ảnh chuyên nghiệp nghe vậy đã nằm chờ để “làm giá” như đã từng làm. Thế nhưng, Liên Ảnh đã phớt lờ đi, đã giáng cho các tài tử chuyên nghiệp một đòn đau điếng, bằng cách chọn kép cải lương Hùng Cường làm tài tử chánh đóng cặp với Kim Vui trong cuốn phim “Chân Trời Tím” và phim này cũng hốt bạc .
Nghệ sĩ Út Bạch Lan và Nghệ sĩ Thành Được trong vở Nửa Đời Hương Phấn, ảnh chụp năm 1959. Courtesy diendancailuongso
Đến năm 1971 thì kép Thanh Tú cũng nối gót Hùng Cường đánh bại các tài tử chiếu bóng chuyên nghiệp, để đóng cặp với người đẹp Bình Dương Thẩm Thúy Hằng ở cuốn phim “Chiều Kỷ Niệm”. Thời gian trước đó đạo diễn Bùi Sơn Duân đã mở cánh cửa điện ảnh cho đào kép cải lương bước vào, và Thanh Tú là anh kép được chọn đóng vai chánh cuốn phim “Ba Cô Gái Suối Châu”, phim thuộc loại tâm lý chiến của Trung Tâm Quốc Gia Điện Ảnh, chớ không phải phim thương mại.
Và rồi thì cô đào trẻ đẹp Mộng Tuyền cũng bước sang điện ảnh với cuốn phim “Gánh Hàng Hoa”, trước sự thèm thuồng của bao nhiêu đồng nghiệp đã không được các hãng phim ngó tới. Rất tiếc là cuốn phim Gánh Hàng Hoa khi tham dự Đại Hội Điện Ảnh đã bị loại, không cho tham dự giải. Lý do phim nhờ kỹ thuật ngoại quốc, mà điều lệ phải là kỹ thuật nội địa.
Không sống chết với cải lương nữa
Riêng đào thương Út Bạch Lan thì nhận thấy các đào kép thuộc lớp đàn em nhảy sang đóng phim, ai cũng khá, cũng lên hương, nên không còn bảo thủ “sống chết với cải lương” nữa, và bước qua điện ảnh. Dù rằng lúc đó đào ta đã ở tuổi 37, già hơn nhiều so với các cô đào trẻ đẹp đang tung hoành trên sàn quay.
Đầu năm 1972 thì Nàng Út mới bắt đầu nhảy vào địa hạt phim ảnh, coi như chậm chơn hơn các nghệ sĩ trẻ tuổi hơn mình đến những 2 năm, thành thử ra kiếm chẳng được bao nhiêu tiền, lại còn thêm xui xẻo: Suýt chết cháy trong lúc quay cuốn phim “Ba Hận Thù”. Kể ra thì đào Út Bạch Lan khá lận đận trong nghiệp cầm ca, mà bước qua lãnh vực phim ảnh cũng gặp chuyện không may ngay trong cuốn phim đầu tiên.
Lúc ấy người ta nói rằng Tổ nghiệp cải lương đã đãi ngộ Nàng Út suốt gần hai thập niên, danh vọng cao đến đỉnh, được thiên hạ người đời mệnh danh đệ nhứt đào thương, mà tiền bạc kiếm được nhờ cải lương cũng quá nhiều. Tóm lại tên tuổi của Út Bạch Lan đã gắn liền với nghệ thuật cải lương, ngay trong vở hát Thuyền Ra Cửa Biển nàng cũng nhận vai chánh, tiền thù lao còn cao hơn Út Trà Ôn.
Rồi giờ đây cải lương bị khủng hoảng, thì phải làm sao đó để cứu vản, chớ sao lại chạy sang lãnh vực khác. Có lẽ do vậy mà Tổ nghiệp cải lương linh thiêng đã không cho, mới khiến cho Nàng Út bị tai nạn ngay trong cuốn phim đầu tiên.
Nghe sao tôi ghi vậy, chớ vấn đề thuộc về vô vi thì làm sao biết được. Kỳ tới tôi sẽ nói tiếp rõ hơn chuyện Út Bạch Lan bị tai nạn trong lúc đóng phim.
Ngành Mai