Ngành Mai
10.5.2014
Xưa nay, nếu là khán giả cải lương sân khấu, thì hầu như người nào cũng là thính giả của cải lương dĩa hát, bởi nếu không được đến rạp coi trình diễn thì nghe dĩa hát cũng… đỡ ghiền. Đó là lời của những ông bà yêu thích cải lương, mỗi trưa mở radio nghe chương trình cổ nhạc phát thanh dĩa hát.
Người soạn giả có một vở tuồng được đưa lên sân khấu là mừng rồi, vì được lãnh tiền bản quyền sau mỗi đêm hát. Bởi có những kịch bản viết xong, kiểm duyệt rồi, lại bị bỏ nằm trong ngăn kéo từ tháng này sang năm nọ, kéo dài nhiều năm rồi quên luôn.
Do vậy mà các soạn giả chỉ mong cho tuồng của mình được hát là tốt rồi, chứ chẳng ông nào có cái mơ mộng tuồng được thu dĩa hát hoặc lên phim. Do đó mà khi soạn giả được hang dĩa mời thương lượng là coi như trúng số, tiền từ trên trời rơi xuống vậy!
Khi thu thanh vở tuồng Thuyền Ra Cửa Biển thì hãng dĩa Hồng Hoa đã mời các nghệ sĩ sáng giá lúc bấy giờ, và họ phân vai trò như sau: Út Trà Ôn vai Hoàng Đế Diệp Chấn Phong, và tuy đã tứ tuần nhưng lại thích hợp với vai vua cha. Vã lại cái danh hiệu “đệ nhứt danh ca” của Cậu Mười vẫn còn chứ chưa ai thay thế.
Út Trà Ôn lại đang là kép chánh của đoàn Thủ Đô, là mục tiêu mua vé của khán giả, chưa có nghệ sĩ nào có lương đêm cao hơn hơn ông lúc ấy. Vai này trên sân khấu Kim Chưởng do kép Trường Xuân đóng. Và kép độc thì không ai qua được Hoàng Giang, nên vai Hoàng Hạt Tử Lang về tay ông. Còn nghệ sĩ Minh Chí cũng là danh ca dĩa hát những năm trước đó, cái tên Minh Chí rất quen thuộc với những người từng nghe dĩa hát thời thập niên 1950.
Hãng dĩa chọn Minh Chí đóng vai Kiến Phương đã không quên khai thác giọng ca xàng xê của ông, vì Minh Chí nổi tiếng là “Vua Xàng Xê”. Và đào Thanh Hương cũng là danh ca dĩa hát, vang lừng với bài vọng cổ “Cô Bán Đèn Hoa Giấy”. Thanh Hương được hãng dĩa giao cho vai Chiêu Lan Đài, tức vai lẳng, độc của tuồng cũng là vai khá quan trọng. Giọng ca vàng của Thanh Hương vẫn được khai thác để ca vọng cổ lúc nàng hối hận.
Nghệ sĩ Thành Được và Út Bạch Lan năm 1960. Ảnh tư liệu của NSND Viễn châu Ảnh tư liệu của NSND Viễn châu
Đặc biệt hai vai nam nữ chánh Diệp Băng Đình và Chiêu Trúc Lệ do đôi uyên ương Thành Được, Út Bạch Lan đảm trách. Đây là cặp đào kép ăn khách nhứt thời bấy giờ, tiếng ca của cả hai còn rất trẻ. Trước đó chẳng lâu Út Bach Lan đã nổi tiếng, còn Thành Được thì chưa, vì còn ở gánh nhỏ. Út Bạch Lan đã phải lòng Thành Được nên khi mãn hợp đồng với đoàn Kim Chưởng, bà bầu mời tái ký giao kèo. Nhưng Nàng Út ra điều kiện nếu muốn cô không rời đoàn, tiếp tục ở lại hát thì bà bầu phải cho Thành Được về đoàn.
Thế mới thấy rằng Nàng Út đã quá nặng tình với Thành Được, và khi về hát chung với Út Bạch Lan thì hai người cùng nổi tiếng, được hãng dĩa mời đóng hai vai chánh nói trên.
Tuồng cải lương có kép mùi, có đào thương, kép độc, có đào lẳng rồi, thì phải có hề cho đủ bộ, và Hề Minh được mời đóng vai Lục Lăng, tức là vai mà hề ta đang diễn ở đoàn Kim Chưởng. Hề Minh là hề ca nổi như cồn với bài vọng cổ hài hước “Vợ Trẻ Chồng Già” được thu dĩa hát phát hành cùng khắp. Do đó mà bộ dĩa này Hề Minh ca đến 3 câu vọng cổ, tức ca gần bằng cặp đào kép chánh.
Thời điểm này hề Văn Hường chưa xuất hiện nên Hề Minh chiếm ngôi vương. Người ta mua vé đi coi đoàn Kim Chưởng, một phần cũng do giọng ca hài hước của Hề Minh. Chọn thành phần nghệ sĩ gạo cội như trên để thu bộ dĩa “Thuyền Ra Cửa Biển”, hãng dĩa Hồng Hoa đã có cái nhìn của nhà làm thương mại đầy kinh nghiệm.
Do vậy mà khi bộ dĩa được tung ra thị trường đã bán chạy như tôm tưới. Đài phát thanh Sài Gòn được thính giả yêu cầu nhiều, nên đã cho phát thanh bộ dĩa “Thuyền Ra Cửa Biên” cũng nhiều lần.
Và bây giờ mời quí vị nghe tiếp vở tuồng Thuyền Ra Cửa Biển.
Ngành Mai