Ngành Mai
11.4.2014
Hoạt động cải lương từ cuối thập niên 1950 trở về trước không có nữ hề, mà nữ hề chỉ xuất hiện từ năm 1961 khi nghệ sĩ Bé Hoàng Vân được mời về đoàn Út Bạch Lan – Thành Được.
Trước đó trên sân khấu Thanh Minh của ông bầu Lư Hòa Nghĩa, tức nghệ sĩ Năm Nghĩa (dưỡng phụ của Thanh Nga), Bé Hoàng Vân đã nổi danh qua
các vai đào độc. Nhắc tới Bé Hoàng Vân, người ta nhớ một bà hoàng hậu ác độc trong vở “Con Trai Người Ăn Mày”, cái ác của bà hoàng hậu trong tuồng, đã được Bé Hoàng Vân khai thác hết mức, gây ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Có người xem xong vở tuồng khi về nhà còn giận không ngủ được.
Một cô gái hiền từ mà lại quá nổi danh trong các vai ác độc, Bé Hoàng Vân nhiều khi đêm về cũng không ngủ được vậy. Khoảng năm 1959, khi gánh Thanh Minh Thanh Nga trình diễn vở tuồng Đoạn Tuyệt của Duy Lân (vở hát đã chiếm kỷ lục về số thu). Với sự góp mặt của Má Bảy Phùng Há, Thanh Nga, Thành Được, Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Út Bạch Lan, Tám Vân… Bé Hoàng Vân đã đổi đời trong vai một cô sen ngớ ngẩn, và cũng đã thành công trong vai diễn. Năm 1961, khi gánh Út Bạch Lan – Thành Được thành lập, thì cô Út đã mời Bé Hoàng Vân về cộng tác. Tại gánh này, Bé Hoàng Vân bắt đầu thủ diễn các vai hề cùng với Văn Chung. Trong vở “Tìm Suối Tiên”, hai cây cười đã làm cho sân khấu vui nhộn và rộn rã tiếng cười. Cũng chính thời điểm này, Bé Hoàng Vân đã được gọi là “Nữ Trạng Hề” trên sân khấu cải lương. Sau đó, Bé Hoàng Vân đã về cộng tác với đoàn Dạ Lý Hương, đoàn Thái Dương và đoàn Tiếng Hát Dân Tộc. Ở các đại bang này, Bé Hoàng Vân càng rạng rỡ trong các vở tuồng Tình Chú Thoòng,
Nghệ sĩ Bé Hoàng Vân Files photos
Đời Là Một Chữ T…
Giới sành điệu cải lương nói rằng sở dĩ Bé Hoàng Vân được phong “Nữ Trạng Hề”, bởi xưa giờ chưa có nữ hề nào được phong “Trạng”. Không như hề thuộc phải nam, từ thời xa xưa đã từng xuất hiện các danh hề nổi tiếng như Bảy Xê, Ba Vân, Duy Chức, Sáu Được…
Rồi đến thập niên 1960 – 1970, làng hề lại có thêm Thanh Việt, Xuân Phát, Thanh Hoài, Khả Năng, Tùng Lâm… Hầu hết các hề nói trên đều nổi tiếng, kể luôn cả hề ca Văn Hường, Hề Minh những chẳng anh nào được phong “Trạng”. Do bởi bên gánh Kim Chung, ông Bầu Long đã phong cho 3 anh hề của mình là “Trạng Hề” rồi. Đó là hề Phúc Lai, hề Tư Vững, và hề Ba Hội. Do vậy mà hề miền Nam dù hay thế mấy cũng không được các chức “Trạng”!
Theo tờ báo Tia Sáng năm 1965, thuở xưa không hiểu sống trong hoàn cảnh như thế nào, mà Hoàng Vân không có hân hạnh được cắp sách đến trường như bao nhiêu cô bé khác. Rồi Hoàng Vân vào sân khấu cải lương từ lúc còn nhỏ tuổi, được người trong giới gọi là “Bé Hoàng Vân,” rồi dần dần Hoàng Vân được đóng vai đào. Cái nầy mới rắc rối, bởi không đọc được chữ Quốc ngữ, Hoàng Vân làm sao mà học tuồng? Cô nhờ người đọc từng chữ từng câu vai tuồng của mình, đọc mãi, đọc hoài cho đến khi thuộc làu vai tuồng. Biết phận mình, cô rất siêng năng học tuồng, nên bất cứ vai trò nào Hoàng Vân cũng thuộc bằng cách nhờ người đọc role của mình. Xem Hoàng Vân ca diễn đâu có ai rõ được Hoàng Vân không đọc được chữ Quốc ngữ. Đến khi biết được Hoàng Vân không biết chữ mà diễn rất linh động, chắc nhiều người đã phục cô.
Thời bấy giờ, kép Văn Chung cũng nhận thấy làn hơi ca vọng cổ của mình không thể tiếp tục làm kép mùi, như lúc còn làm chồng cô đào Thanh Hương, nên ông ta nhảy ra làm hề và đã thành công thích đáng. Văn Chung chuyên thủ vai các ông chồng sợ vợ mà lại hay dê, và đã phối hợp thật ăn ý với một cây cười nữ chuyên đóng vai những bà vợ ghen tuông đanh đá, chuyên ăn hiếp và khủng bố chồng trên sân khấu Út Bạch Lan – Thành Được. Nghề nghiệp dẫn đưa Hoàng Vân trở thành nữ hề, và là một trong số rất ít nữ hề của cải lương. Sau 1975 Hoàng Vân vẫn tiếp tục làm nữ hề và lẳng độc trên sân khấu đoàn Sông Bé 2 của Bầu Quới. Với những vai độc để đời trong thời con gái và các vai hài chanh chua, ăn hiếp chồng khi bước qua tuổi 30.
Nghệ sĩ hề nổi tiếng Tùng Lâm (trái) và Thanh Hoài (phải).
Đến năm 1994 do bị bệnh thấp khớp hoành hành cơ thể, đi đứng khó khăn nên Bé Hoàng Vân nghỉ hát. Cách đây trên 10 năm, nghe nói cô đang sống bình yên với gia đình tại con hẻm nhỏ bên đường Hưng Phú, Quận 8. Gương mặt còn trẻ hơn tuổi, có thể người ta sẽ không nhận ra một Bé Hoàng Vân dù đang bị bệnh. Các nghệ sĩ bạn đến thăm, Hoàng Vân vẫn với gương mặt hiền hậu, vui tươi, đôi mắt vẫn rực sáng, khi được nghe người nào đó chỉ cho một người thầy thuốc, hoặc một bài thuốc trị dứt bệnh thấp khớp, căn bệnh đã hành hạ cô suốt nhiều năm. Tính đến nay thì nữ trạng hề Bé Hoàng Vân đã ở tuổi ngoài 80, từ lâu nay không nghe tin tức gì, không biết cô có còn mạnh giỏi.
Nếu nói về hề trên sân khấu cải lương, thì ai cũng nhìn nhận hề đã có từ lâu, gánh nào cũng có hề, đôi khi một gánh hát có những 2, 3 anh hề, chẳng hạn như gánh Thanh Minh khi xưa có hề Văn Núi, hề Châu Hí và hê Kim Quang. Do đó mà trong tuồng vai hề được viết thêm để cho tất cả hề đều có vai trò. Hề cũng xuất hiện ở cảnh chánh, rồi hề cũng được phân vai có liên hệ đến tình huống kịch, như tiểu đồng, gia nhân, tôi tớ của gia đình quan chức, giàu có. Sau đó, soạn giả lại khai thác loại vai hài là ông chủ, con nhà giàu, “công tử bột”, với tính chất lố bịch đáng cười. Tóm lại thời ấy hề nào cũng có vai trò trong tuồng đàng hoàng, chớ không như sau nay hề không có vai trò trong tuồng, lợi dụng lúc tấm đề co phít bỏ xuống chuyển cảnh bên trong, thì phía trước 2 anh hề (có khi một nam một nữ) đi ra nói lung tung chẳng ăn nhập gì trong vở hát, gọi là “tấu hài”. Cách đây hơn một thập niên làng sân khấu lại rộ lên phong trào diễn hài, nghệ sĩ không phải hề cũng xông vào lãnh vực hài.
Tuy rằng cũng làm cho người ta cười, nhưng những người thật sự
mua vé vào xem thưởng thức nghệ thuật thì rất chán ngán khi bị coi cái màn này. Tôi đã từng ngồi gần mấy vị khán giả, lúc đang tấu hài, mấy vị nói với nhau:
– Mất thì giờ quá! Rất bực mình phải coi cái màn hề nói lung tung beng, hằng bà lằng này.
Theo như phần đông khán giả thì hề rất cần trong kịch bản cải lương, bất cứ loại tuồng nào: Dã sử, xã hội, hương xa màu sắc… nhưng soạn giả nên cho họ có vai trò thì mới hay. Các hề cần phải được đanh giá đúng mức, chớ không tạm bợ bằng cách “tấu hài” thì sẽ không có hiệu quả lâu dài cho cuộc đời nghệ thuật. Cũng cần biết là “tấu hài” chỉ xuất hiện sau 1975, chớ trước kia cải lương đâu có cái món này.
Nỗi lòng anh hề Tám Lọ
Thời kỳ trước 1975 dân nhậu ở Sài Gòn hầu như ai cũng biết quán nhậu “Tám Lọ”, quán nổi tiếng nhờ có nhiều rượu ngoại quốc mà dân sành điệu truyền miệng với nhau là rượu “thiệt” nhập từ bên Tây. Trong khi đó thì trong làng cải lương lại có anh hề Tám Lọ, thành ra nhiều người ngỡ rằng quán nhậu kia là của anh hề. Các nghệ sĩ cải lương vốn là đệ tử lưu linh như Hoàng Giang, Út Hiền… rất thường lui tới quán này, và giới cải lương đồn rằng Hoàng Giang chỉ ngửi mùi là biết rượu thiệt hay giả.
Một ký giả kịch trường phỏng vấn hề Tám Lọ:
– Có phải anh là chủ quán nhậu Tám Lọ?
Tám Lọ mặt mày buồn hiu trả lời:
– Chủ cái nỗi gì chớ! Có lần tôi từ tỉnh về Sài Gòn ghé vào quán tính mần vài cái còng xôm ma xông, trả tiền đàng hoàng, vậy mà người trong quán thấy tôi đi một mình, lại ăn mặc lôi thôi nên không tiếp. Đỡ tốn tiền!
Rồi anh tâm sự tiếp, nếu như làm chủ được cái quán nhậu đầy ắp rượu Tây như vậy, thì đâu phải bôn ba theo đoàn hát đi các tỉnh để rồi cả tuần lãnh lương mua chưa được một chai Martell. Không biết do đâu mà người ta lại lấy tên Tám Lọ đặt cho quán nhậu kia, có nhiều lần khán giả cũng thuộc dân nhậu đến hỏi thì được trả lời rằng:
– Ở đây chẳng có ai là “Tám” và cũng không có ai là “Lọ” cả, tên quán là do khách nhậu đặt đó thôi.
Có vài nghệ sĩ biết được câu chuyện Tám Lọ không được tiếp tại quán tên mình đã nói: “Thật đáng buồn, cười ra nước mắt, thôi về nhà nằm suy gẫm sự đời cho “dui” vậy!”
Ngành Mai