Vở tuồng “Thu Sầu Nhả Tơ” – Cao Văn Lầu

Ngành Mai
28.12.2013

Vở tuồng “Thu Sầu Nhả Tơ” – Cao Văn Lầu
Một cảnh trong vở “Thu Sầu Nhả Tơ”.

Được sự thỏa thuận của đoàn nghệ thuật sân khấu Văn Lang, hôm 22 tháng Mười Hai 2013 tại rạp Sài Gòn Performing, Fountain Valley, miền Nam California Hoa Kỳ. Ban tổ chức giải Phụng Hoàng và Hội Đồng Thẩm Định đã hiện diện xem tuồng “Thu Sầu Nhả Tơ”, tức cuộc đời tình ái của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, người sáng tác bản Dạ Cổ Hoài Lang, tiền thân của bản vọng cổ ngày nay.

Chấm điểm theo thể thức giải Thanh Tâm

Vở tuồng Cao Văn Lầu đã được chấm điểm theo thể thức giải Thanh Tâm ngày xưa ở trong nước, tức theo nguyên tắc khảo thí (Festival). Trước đó dù có những đề nghị việc chấm điểm nên đổi mới theo thể thức tùy tuyển như loại Oscar, hoặc như trung tâm băng nhạc Thúy Nga. Thế nhưng, ban tổ chức giải Phụng Hoàng đã quyết định giữ nguyên tắc khảo thí như thể lệ đã đề ra trước đây. Hội Đồng Thẩm Định (gồm Ban Giám Khảo và Hội Đồng Giám Sát Thi Cử) đã đi xem tuồng. Và trong vài ngày sắp tới đây ban tổ chức giải Phụng Hoàng sẽ có một phiên họp chung thẩm để quyết định vấn đề trao giải về tuồng cải lương dự thi năm nay.

Đây là lần đầu tiên ở hải ngoại có một tuồng cải lương dự thi (tuồng mới). Người ta mong rằng sau vở tuồng này, sẽ là động lực cho các soạn giả viết thêm tuồng mới, có nghĩa tương lai sẽ có thêm nhiều tuồng khác dự tranh giải Phụng Hoàng. Có như vậy những người yêu thích cải lương sẽ được thưởng thức tuồng mới, vấn đề mà nhiều người bi quan cho rằng không thể thực hiện được, nhứt là trong giai đoạn cải lương tê liệt như hiện nay. Do đó mà những người vốn hằng quan tâm đến sự tồn vong của nghệ thuật văn hóa nước nhà đã đặt niềm tin vào Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại, tin tưởng vào giải Phụng Hoàng.

Nhân dịp tuồng cải lương ở hải ngoại, nội dung nói về cuộc đời nhạc sĩ Sáu Lầu gởi tham dự giải Phụng Hoàng. Tôi xin trình bày cũng vấn đề tuồng cải lương dự tranh giải Thanh Tâm từng diễn ra ở thời kỳ trước 1975, mà cho đến nay không biết những ai còn nhớ đến.

Số là giải Thanh Tâm năm đầu tiên 1958 phát cho nữ nghệ sĩ Thanh Nga, mà việc tuyển chọn thật đơn giản: Ban tuyển chọn chỉ có 5 người họp tại Bồng Lai Tửu Quán ở đường Lệ Lợi Sài Gòn. Năm người ban tuyển chọn lúc ấy là nghệ sĩ Bảy Nhiêu, Năm Châu, Phùng Há, nhà báo Trần Tấn Quốc (tức ký giả Thanh Tâm) và người thứ năm là một khán giả yêu thích cải lương, ông tên là Nguyễn Hoàng Minh, công chức Phủ Tổng Thống.

Chỉ sau một bữa tiệc là xong, chẳng có bàn cãi gì hết, mà điều lệ có hay chưa cũng không nghe nói. Rồi kể từ 1958 ấy cho đến 1964 giải ngày một lớn mạnh. Thời gian đó giải chỉ phát cho nghệ sĩ triển vọng với số tuổi tối đa là là 21 tuổi. Thế nhưng, đến năm 1965 thì giải Thanh Tâm đẻ ra thêm giải diễn viên xuất sắc (không giới hạn hạng tuổi) và năm đầu tiên này 2 nghệ sĩ Hữu Phước và Bạch Tuyết đoạt giải. Đồng thời cũng năm 1965 giải Thanh Tâm có thêm giải tuồng cải lương hay nhứt trong năm. Và kết quả vở tuồng “Nỗi Buồn Con Gái” của Hà Triều Hoa Phượng đoạt giải.

Tuồng đất mẹ, tuồng hương xa

Do năm 1965 có thêm 2 giải nữa nên ban tổ chức phải làm việc nhiều hơn. Sau khi bàn thảo sôi nổi, để tìm đường lối làm việc vững chắc cho ban tổ chức mùa Giải Thanh Tâm 1965, ban thường vụ của giải đã có những quyết định mới:

Mỗi đoàn hát có quyền gởi đến ban tuyển chọn hai tuồng dự thi (một tuồng thuộc loại đất mẹ, một tuồng thuộc loại hương xa). Trong trường hợp bất thường, một đoàn hát có thể gởi hai vở cùng một loại. Vấn đề thể thức và chi tiết gởi tuồng dự thi, ban thường vụ Giải Thanh Tâm 1965 ra thông cáo chánh thức cho các đoàn hát, và soạn giả gởi tuồng dự thi.

Tuồng dự thi được ban chấm thi đến xem tại hí viện mà đoàn đang trình diễn, để nhận xét giá trị nghệ thuật tuồng tích và tài nghệ diễn xuất của các diễn viên. Ban chấm thi có nhiệm vụ giới thiệu đặc biệt những soạn phẩm dự thi trước công luận. Ngoài ra, hình thức giới thiệu còn được áp dụng theo phương thức quảng cáo, để tạo sự chú ý của khán giả. Phương thức giới thiệu được áp dụng một cách đồng đều cho các vở hát dự thi. Vở tuồng “Nỗi Buồn Con Gái” của Hà Triều Hoa Phượng trúng giải Thanh Tâm 1965. Đêm tổ chức phát giải, vở tuồng được hát trở lại, quan khách được mời nhiều mà khán giả đi coi cũng đông đảo. Vé có ba hạng: Thượng hạng 250 đồng, hạng nhứt 160 đồng, hạng ba (trên lầu ba rạp Hưng Đạo) 60 đồng, vé bán hết mấy ngày trước. Trên 100 vé mời hạng 160 đồng, ban tổ chức đã mời tất cả nhân viên ban tuyển chọn từ năm 1958 cho đến năm đó, mỗi người 2 vé.

Đó là những nghệ sĩ, soạn giả và ký giả có tên như sau: Nguyễn Thành Châu (Năm Châu). Huỳnh Năng Nhiêu (Bảy Nhiêu), Duy Lân, nữ nghệ sĩ Phùng Há, ông Nguyễn Hoàng Minh, Anh Nguyên, Ngọc Linh, Sĩ Trung, Lê Hiền, Bạch Tùng Hương, Việt Định Phương, Hồng Sơn, Cẩm Thi, Tứ Lang, Thu An, Bạch Diệp, Viễn Châu, Nguyễn Ang Ca. Riêng Má Bảy Phùng Há lúc đó đang ở bên Pháp thì ban tổ chức không mời… về xem.

Đêm đó phát huy chương vàng (1 cái) cho soạn giả Hà Triều Hoa Phượng đã đoạt giải tuồng hay nhứt năm 1965 với vở tâm lý tình cảm “Nỗi Buồn Con Gái”. Phát huy chương vàng cho Bạch Tuyết (đoàn Dạ Lý Hương) và Hữu Phước (đoàn Thanh Minh Thanh Nga) đã đoạt giải diễn viên xuất sắc năm 1965. Tổ chức trình diễn vở “Nỗi Buồn Con Gái” là vở đoạt giải với sự có mặt của Bạch Tuyết và Hữu Phước. Bạch Tuyết đóng vai củ của cô là vai cô Huyền (về sau sửa lại tên Tần). Hữu Phước đóng vai ông Độ là vai tuồng do nghệ sĩ Út Trà Ôn thủ diễn trước đây. Ngoài ra có mặt Thanh Sang và các diễn viên của đoàn Dạ Lý Hương.

Giờ đây nếu như tuồng Cao Văn Lầu được trúng giải Phụng Hoàng năm nay, thì người ta tin chắc rằng trong ngày lễ phát giải, tuồng cũng sẽ được trình diễn trở lại và khán giả sẽ đông hơn. Hiện giờ theo tin tức nhận được thì rất nhiều người đang trông chờ kết quả. Hiên nay ở hải ngoại, miền Nam California đang là mùa thi giải Phụng Hoàng. Ngoài tuồng cải lương dự thi như tôi vừa trình bày. Các môn văn nghệ khác cũng đang được xúc tiến.

Theo tinh thần thông báo giải Phụng Hoàng Kỳ 7 sẽ mở rộng gồm các môn: Thi ca vũ nhạc kịch, ban tổ chức đã bắt đầu nhận ghi danh từ tháng trước. Và hôm chủ nhựt vừa qua Trung Tâm Việt Ngữ Minh Đức, thuộc Đại Đạo Thanh Niên Hội Cao Đài đã gởi phiếu ghi danh tham dự cuộc tranh tài các môn, gồm múa, đàn, hát và vọng cổ. Được biết Đại Đạo Thanh Niên Hội Cao Đài là một tổ chức của Tôn Giáo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh, hoạt động đã mấy chục năm nay từ trong nước ra hải ngoại. Và hình thức hoạt động tương tợ như Hướng Đạo vậy.

Từ khi ban tổ chức giải Phụng Hoàng loan báo bắt đầu nhận ghi danh cho các môn thi nói trên, thì nghe nói một số Trung Tâm Việt Ngữ và Gia Đình Phật Tử có tổ chức văn nghệ ở các ngôi chùa thuộc vùng Orange County, đã ráo riết tập dượt để vừa trình diễn các buổi lễ, và cũng để tham dự giải Phụng Hoàng.

Về phía ban tổ chức giải Phụng Hoàng thì sau cái ngày tuồng cải lương cuộc đời Cao Văn Lầu tham dự giải, và sau khi Hội Đồng Thẩm Định họp quyết định về vấn đề trao giải, thì sẽ khởi sự cho nhiều công việc khác, mà trong đó có việc lập danh sách mạnh thường quân.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/traditional-music-122813-nm-12272013144827.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây