Cuộc đời nhạc sĩ Sáu Lầu lên sân khấu cải lương

Ngành Mai
14.12.2013

Cuộc đời nhạc sĩ Sáu Lầu lên sân khấu cải lương
Nhạc sĩ Sáu Lầu.

Thu Sầu Nhã Tơ

Cuối tháng 11 vừa qua Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại, đã nhận được một vở tuồng cải lương gởi tham dự giải Phụng Hoàng kỳ 7. Vở hát mang tên Thu Sầu Nhã Tơ, tức cuộc đời tình ái của nhạc sĩ Sáu Lầu, người sáng tác bản Dạ Cổ Hoài Lang, là tiền thân của bản Vọng Cổ được hàng triệu người ưa thích.

Vở hát đang được đoàn nghệ thuật sân khấu Văn Lang tập dượt và sẽ ra mắt khán giả vào lúc 7 giờ tối Chủ Nhựt ngày 22 tháng 12 năm 2013 tại rạp Sài Gòn Performing, Fountain Valley, miền Nam California. Do đó mà ban tổ chức giải Phụng Hoàng đã thành lập “Hội Đồng Thẩm Định “gồm 2 thành phần Ban Giám Khảo và Hội Đồng Giám Sát Thi Cử cùng đi xem tuồng “Thu Sầu Nhã Tơ” trước khi có phiên họp quyết định về việc trao giải Phụng Hoàng vở tuồng hay nhứt trong năm nay.

Từ 3 năm trước, nhằm khuyến khích các soạn giả cải lương viết thêm tuồng mới phục vụ khán giả yêu thích bộ môn nghệ thuật này, nên Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại đã phổ biến thông báo về việc tuyển chọn “tuồng cải lương hay nhứt trong năm”. Và hôm nay soạn giả Trần Văn Hương đã gởi tuồng mới tham dự.

Nếu như bản vọng cổ đã đưa những người đến chỗ kiếm tiền bạc triệu, các hãng dĩa đã làm giàu, những nghệ sĩ đi xe hơi xài tiền như nước, thì trong lúc ấy cũng đang bắt một ông già cha đẻ của sáu câu vọng cổ, lê chuổi ngày tàn trong cảnh bần hàn, túng thiếu, vất vả.

Một nếp nhà tranh, trước nhà là cái sân đất có trồng một cây khá lớn có bóng mát, và bên trong gian nhà đơn sơ, bàn ghế không có gì ngoài bộ ván đã xưa và cái bàn thờ cổ kính.

Một đoàn âm công trong một buổi chiều nào đó, ông Sáu Lầu sau khi cùng các học trò làm xong phận sự đưa đám tang tới nghĩa địa, ông lại trở về nhà, một nếp nhà tranh nhìn ra lộ, nằm trong ấp Bạch Đằng, xã Vĩnh Lợi, Bạc Liêu.

Người cha đẻ ra bài vọng cổ mà thiên hạ đã từng nghe danh, trong những năm cuối đời, vào khoảng 1965 ông đã trên 70 tuổi rồi mà phải đi đờn đám ma kiếm tiền để sống trong một dàn kèn đám ma do ông làm trưởng đoàn.

Tại Bạc Liêu, đám tang nào cần có âm công là người ta đến nhờ giàn kèn đám ma (có nơi gọi là đờn thổi) của ông Sáu Lầu. Đến cái tuổi gần đất xa trời đáng lẽ có một nơi ấm cũng để dưỡng già, thế mà người cha đẻ của “sáu câu vọng cổ” còn phải dãi dầu sương gió bên cổ quan tài cho đến tận đêm khuya.

Dạ Cổ Hoài Lang

Vào giữa thập niên 1960, theo lời ông Sáu Lầu kể lại với một ký giả kịch trường, thì khoảng 1917 ông đang sống với người vợ hiền trong một cảnh gia đình êm ấm, nhưng đã mấy năm mà không có con, nên song thân ông lo tuyệt tự. Theo quan niệm xưa, không có con trai là đủ mang tội bất hiếu rồi, song thân cho vợ ông về lấy chồng khác, để ông tìm người vợ khác có thể sanh con nối giỏi… Thời xưa đối với lịnh nghiêm đường, phận làm con mấy ai dám chối cãi lời răn dạy của cha mẹ. Ông buồn đứt ruột song cũng phải vâng dạ ở ngoài miệng và chần chờ không nở bỏ người vợ không có phạm một tội lỗi gì.

Vợ ông hay biết chuyện này cũng buồn rầu lắm, song chỉ có khóc thầm trong lúc đêm khuya. Hồi ấy ông đang chơi đờn tranh, những đêm trăng, ôm đờn ra bờ ruộng, dạo vài cung áo nảo cho vơi bớt nỗi sầu.

Ông Sáu Lầu cho biết điệu “hoài lang” mà ông đặt ra lần đầu, tức là tên nguyên thủy của bản “vọng cổ”. Ông nghĩ đến tâm sự của vợ ông mai kia đây sẽ xa chồng, và khi nguồn cảm hứng dâng lên tràn ngập cõi lòng, ông gởi gấm tâm sự vào nhạc điệu. Làm thành 20 câu, nhịp tư, mà ông đặt tên là điệu “Hoài Lang” có nghĩa là “nhớ chồng”.

Ông đờn đi, đờn lại, nhạc phẩm mới này, và sửa cho thêm ai oán, thích hợp với tâm trạng một người đàn bà xa chồng, vì một phong tục cổ hủ lỗi thời của ngàn xưa để lại. Ông đờn cho vợ ông nghe và bà Sáu cũng xúc động đến chảy nước mắt.

Lúc ấy ông đang là nhạc sĩ đờn tranh trong giàn đờn của gánh cải lương Ba Xú ở Bạc Liêu. Hàng ngày tiếp xúc với thầy Thống là thầy tuồng, tức soạn giả của gánh này, tên là Tôn Xuân Thơ. Ông Sáu Lầu cho thầy Thống hay ông mới sáng tác ra một điệu mới và đờn cho thầy nghe. Thầy Thống cảm phục và khen ngợi ông, và thầy đề nghị ông để cho thầy đặt lời ca. Thầy hỏi tên điệu đờn, và ông Sáu Lầu đáp: “Tôi đặt tên là “Hoài Lang” để gởi gấm tâm sự một người đàn bà nhớ chồng”.

Thế là vài hôm sau đó thầy tuồng của gánh Ba Xú đưa ra lời ca để ông Sáu Lầu đờn còn thầy thì ca. Điệu Hoài Lang có lời ca của thầy Thống đã làm cho những nghệ sĩ ngồi nghe phải bùi ngùi xúc cảm. Dưới thời Pháp thuộc chưa ai nghe được một nhạc phẩm buồn rầu, áo nảo đến thế, và lời ca như sau:

Từ (là từ) phu tướng.

Bửu kiếm sắc phong lên đàng.

Vào ra luống trông tin chàng.

Vì người sang tác nhạc ôm ấp một tâm sự khác, nên bài ca không diễn đạt hết ý nghĩa của 2 chữ “Hoài Lang” hàm xúc ý tình một người vợ miễn cưỡng phải xa chồng, chớ không nghĩ đến một võ tướng “Sắc phong lên đàng” như thầy tuồng tưởng tượng. Vì thế, thầy Thống đề nghị đặt cái tên Vọng Cổ nghĩa là nhớ thời xưa cho rộng nghĩa.

Đó là câu chuyện về sự ra đời của bài bản Dạ Cổ Hoài Lang, tức bản vọng cổ sau này, theo tôi biết là như vậy. Nhưng đời với soạn giả Trần Văn Hương thì tình tiết của vở hát “Cuộc Đời Tình Ái của nhạc sĩ Sáu Lầu” ra sao, có đúng như vậy không? Do đó mà tôi có đi gặp soạn giả Trần Văn Hương để hỏi vài ba câu, và soạn giả Trần Văn Hương đã trả lời…

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/traditional-music-1214-nm-12142013113142.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây