Ngành Mai
12.10.2013
Dễ nhầm lẫn
Ngoài xã hội nếu như có 2 người trùng tên nhau cũng đã gây khó khăn cho thiên hạ xác định, mỗi khi đề cập đến một trong 2 người thì trong văn nghệ cũng vậy thôi. Trong làng sân khấu có đến những 3 nàng Thanh Lan, do vậy mà thiên hạ rất dễ nhầm lẫn.
Khi nói về một buổi trình diễn ở sân khấu, hoặc ai đó đang nói về người nghệ sĩ mà nghe họ đề cập đến 2 chữ Thanh Lan, thì chắc rằng người nghe phải nghĩ ngợi trong vài giây và tự đánh dấu hỏi xem người ta muốn nói đến Thanh Lan nào đây.
Thật vậy, trong làng sân khấu, ca nhạc có đến 3 nàng Thanh Lan xuất hiện ở 3 thời kỳ: Thanh Lan thời Đệ Nhứt Cộng Hòa; sang thời Đệ Nhị Cộng Hòa lại có nàng Thanh Lan khác xuất hiện, và sau 1975 lại có thêm một nàng Thanh Lan nữa. Do đó mà khán giả, thiên hạ rất dễ nhầm lẫn, người ta có thể hiểu ca sĩ này sang nghệ sĩ kia… Cái đặc biệt là cả 3 nàng đều có nét đẹp riêng và nổi tiếng mỗi người một cách.
Chúng tôi tạm thời gọi 3 nàng Thanh Lan bằng số 1, 2, 3 theo thứ tự thời gian trước sau mà các nàng ta xuất hiện ở mỗi thời kỳ.
Trước hết nói về Thanh Lan 1 thì nàng này xuất hiện trước nhất, đã tạo được tên tuổi cùng thời với Thanh Thúy ở những nhà hàng Văn Cảnh, Hòa Bình, Bồng Lai, phòng trà Anh Vũ và các sân khấu đại nhạc hội. Nếu như Thanh Thúy quyến rũ khán giả bằng giọng ca truyền cảm và nét đẹp dịu hiền, thì Thanh Lan 1 đã thu hút được người xem bằng sắc vóc và nét bạo dạn khi trình diễn. Thanh Lan đi vào tâm hồn khán giả do cái “duyên”, cái “bạo” chớ không phải do sự tạo rung động khó quên bằng giọng ca như Thanh Thúy hoặc Hoàng Oanh.
Thanh Lan 1 còn một lợi điểm nữa là rất ăn ảnh. Vì thế, nàng bước qua địa hạt phim ảnh thật dễ dàng. Trên màn bạc, Thanh Lan đã xuất hiện trong các phim “Đò Chiều”, “Bẽ Bàng”, “Cảnh Đẹp Miền Nam”, và thủ một vai chánh trong phim “Ảo Ảnh”. Con đường nghệ thuật đã đưa Thanh Lan 1 dến nếp sống trưởng giả, từ một nữ vũ sinh trong đoàn Kim Chung vào khoảng năm 1958. Nàng bắt đầu qua tân nhạc năm 1959, người hường dẫn về tân nhạc đầu tiên cho Thanh Lan là nhạc sĩ Phó Quốc Thăng.
Nét đẹp của Thanh Lan được công nhận năm 1962, khi người ta tôn phong nàng làm “hoa hậu nghệ sĩ” và long trọng trao vương miện cho nàng trên sân khấu Anh Vũ. Phòng trà Anh Vũ ở Sài Gòn, là nơi mà những nhân vật tai to mặt lớn thời Đệ Nhứt Cộng Hòa thường lui tới. Tên tuổi và sự giao thiệp đã đưa Thanh Lan lên địa vị một “phu nhân” giàu sang đến mức triệu phú, hồi chế độ Ngô Đình Diệm.
Thế nhưng, nếp sống trưởng giả không làm Thanh Lan quên nghệ thuật, vì vậy thỉnh thoảng vẫn phải tìm tới một nơi có nhạc để hát, hoặc tự ý, hoặc theo lời mời. Hát không còn là sinh kế, nhưng hát cho… đỡ nhớ. Thanh Lan bảo vậy đó. Thanh Lan cũng không quên mình là 1 nữ nghệ sĩ có ít nhiều nguồn gốc từ giới cải lương. Vì vậy nàng vẫn yêu sân khấu bộ môn này và vẫn thường đi coi cải lương, ngồi ở hàng ghế đầu theo dõi mà say mê thích thú.
Do xuất thân từ đoàn cải lương Kim Chung, nên khi nghe tin Thanh Lan được bầu làm hoa hậu thì cả đoàn Kim Chung đã cười rần lên (không biết cười vấn đề gì).
Có lần một ký giả kịch trường phỏng vấn:
“Thanh Lan bây giờ muốn những gì?”
Nàng đáp:
“Chẳng muốn gì nữa, chỉ ngủ trong hạnh phục sẵn có và niềm vui hiện tại là thích nhứt. Mỗi ngày Thanh Lan ở nhà cưng cậu con trai hoặc lái xe đi dạo phố.”
Bấy giờ nàng đã làm chủ những chiếc xe hơi, những ngôi biệt thự trị giá bạc triệu. Nghe nói thì Thanh Lan 1 là phu nhân của ông Cao Xuân Vỹ (chẳng biết có đúng hay sai). Từ sau 1975 người ta không nghe thấy nàng ca sĩ Thanh Lan 1 này ca hát gì cả, đã giải nghệ, và có lẽ đã ra hải ngoại nhưng không xuất hiện.
Tiếp đây là đề cập đến Thanh Lan 2, nàng này xuất hiện khoảng sau năm Mậu Thân, và nổi tiếng như cồn vào những năm cuối của thời Đệ Nhị Cộng Hòa. Thanh Lan 2 “lừng danh” nhiều hơn so với Thanh Lan 1, không những ở lãnh vực nghệ thuật mà luôn cả ngoài xã hội. Báo chí tốn khá nhiều giấy mực với nàng Thanh Lan 2 này, từ chuyện Dũng Long Biên (chồng của cô) đến chuyện đóng phim “Tiếng Hát Học Trò”, đóng phim “Tinh Khúc Thứ 10” với tài tử Nhật Bổn trên sông Hương v.v…
Không biết tại sao mà mỗi lần có việc gì đó xảy ra liên quan đến Thanh Lan 2 thì báo chí tập trung vào để nói. Tóm lại là Thanh Lan 2 nổi tiếng khá nhiều do những xì căng đan, mà báo chí thời bấy giờ đã triệt để khai thác, mà báo nói nhiều là thiên hạ bàn tán nhiều vậy. Hiện nay Thanh Lan 2 đã ở hải ngoại gần 20 năm, thỉnh thoảng vẫn còn đi hát. Khoảng hơn một năm trước đây cô có tham gia sô hát của kịch sĩ Túy Hồng.
Giờ thì nói đến nàng Thanh Lan 3 nhỏ nhứt, nàng này xuất hiện sau 1975, không có những “dậy sóng” như hai nàng kia, được khán giả biết đến là nhờ ca hát, và từng làm bầu gánh cải lương, nhưng rồi gánh hát rã nghỉ làm bầu luôn.
Thanh Lan 3 sinh quán ở Vĩnh Long, trong gia đình truyền thống cổ nhạc, và là em chú bác với nghệ sĩ Thành Tôn (hát bội). Nàng từng theo học lớp tân nhạc với Duy Khánh, và cũng từng học lớp có cổ nhạc ờ lò Út Trong. Sau đó thì chính thức đi vào nghề qua việc gia nhập đoàn cải lương tuồng cổ Phước Thành. Kế thì đi đoàn Đất Mũi và điều kiện thuận lợi đẩy nàng nhảy lên làm bầu gánh hát Sân Khấu Mới Đồng Nai. Thanh Lan có dịp kinh nghiệm được nỗi đắng cay nghiệp làm bầu, gặp cảnh đào kép eo sách, làm khó đủ thứ, đòi mượn tiền trước giao kèo rồi lại bỏ đi… Đoàn hát kiệt quệ, Thanh Lan cho đoàn rã gánh và đi hát chầu trở lại cho mấy đoàn khác. Thanh Lan 3 vừa mới nổi tiếng, được báo chí nói đến, đăng hình, nhưng rồi do “ngành cải lương cúc rũ thu tàn” nên hiện nay người ta chẳng biết Thanh Lan này ra sao, ở đâu?
Trên đây là thành tích của 3 nàng Thanh Lan, chúng tôi nêu lên tổng quát những sự kiện nổi bật, chớ nếu như đi vào chi tiết thì quá rườm rà…
Ngoài 3 nàng Thanh Lan cùng mang một tên, thì cũng có 2 nàng Kim Loan trùng tên với nhau.
Vào thời đầu thập niên 1960 trong làng tân nhạc có ca sĩ Kim Loan, vừa đẹp lại vừa hát hay, và nhân lúc Hoa Kỳ phóng phi thuyền Apollo 11, cô nàng nói với báo chí: “Tôi thích lên cung trăng nhưng cũng sợ nguy hiểm quá!” (Không biết nói đùa hay có dụng ý gì chăng)?
Trong khi đó thì phía bên cải lương cũng có cô đào Kim Loan, và dù rằng khác lãnh vực nhưng cả hai đều đứng trên sân khấu, nên có thể người ta hiểu lầm, gây ngộ nhận giữa Kim Loan này và Kim Loan kia. Cũng như có dư luận cho rằng hai nàng Kim Loan chỉ là một thôi, mà lúc bấy giờ nghe đâu hình như Kim Loan tân nhạc có phàn nàn, rằng bộ hết tên rồi sao mà lại lấy trùng tên với cô, để cho thiên hạ thắc mắc chớ? (Có lẽ Kim Loan cải lương xuất hiện sau).
Thật vậy, nếu phải chi Kim Loan cải lương mà tài nghệ yếu kém, chỉ là cái bóng mờ ít ai chú ý, hoặc là không được cải nhan sắc mỹ miều trời cho, thì người ta nghĩ chắc sẽ không có vấn đề gì. Đằng này cả hai đều trẻ đẹp, tuổi đời lại cũng được khán giả ái mộ, nên vấn đề mới được đặt ra, mà chung cuộc thì người sau luôn bị thiệt thòi.
Báo chí thời có có nêu lên sự thể, thiên hạ cũng lên tiếng phê bình này nọ, chạm đến lòng từ ái của một nghệ sĩ, đồng thời cũng có những đề nghị thế nào đó, nên sau ngày lãnh giải Thanh Tâm 1963, Kim Loan cải lương đã quyết định đổi tên là Mộng Tuyền. Cô tuyên bố với mọi người rằng, cô được khán giả mến chuộng là do khả năng tài sắc của mình, chớ đâu có phải nhờ ở cái tên “Kim Loan”! Quả thật thời gian sau Mộng Tuyền được phía điện ảnh mời đóng phim, đảm nhận vai chánh của mấy cuốn phim, và làm trưởng ban cải lương ở đài truyền hình, tên tuổi nổi như cồn.
Có thể nói Mộng Tuyền là một trong những cô đào sân khấu đẹp nhứt vào thời đó, cô đã hát qua nhiều gánh, và lọt vào bao nhiêu cặp mắt xanh của bầu bì, vương tôn công tử, cũng như những anh kép cùng trang lứa. Ngày ấy một hoa mai trắng rụng vào tim cô, trung tá Nam được cái diễm phúc ấy, và đám cưới tổ chức tại nhà hàng Bát Đạt ở Chợ Lớn. Có những cơn sóng gió xảy ra, nàng nói bởi vì mình đã chọn, mình đã yêu, thì phải chiều nhau cho đến ngày răng long tóc bạc! Nhưng chưa đến ngày đó, trước ngày tàn cuộc chiến vài tháng thì Mộng Tuyền đã bái bai ông xã hoa mai trắng kia.
Sau 1975 Mộng Tuyền chánh thức làm vợ ông Bầu Xuân, và khi ông này đi học tập cải tạo hơn 3 năm, nàng ôm cầm sang thuyền khác, và ôm theo trên cả trăm cây vàng khiến cho ông này khổ đau, chán ngán quá ở vậy luôn. Người ta nói có lẽ ông Bầu Xuân khó kiếm ra một cô đào nào mà tài sắc như Mộng Tuyền, nên không thèm có vợ nữa.
Còn Kim Loan tân nhạc thì về sau cũng nổi tiếng không kém, nhưng chỉ ít năm sau vào lúc danh tiếng nổi như cồn thì Kim Loan đi Tây Đức và ở luôn bên Đức. Kể từ lúc ấy trong làng tân nhạc vắng bóng Kim Loan, và khi Kim Loan kia đi rồi, nàng Kim Loan ở lại cũng mang tên khác, thành thử ra sân khấu Việt Nam chẳng còn ai là Kim Loan hết.