Chuyện soạn giả cưới vợ đào hát

0
437
Chuyện soạn giả cưới vợ đào hát

Ngành Mai
14.9.2013

Chuyện soạn giả cưới vợ đào hátVợ chồng soạn giả Yên Lang (thứ hai từ trái sang) tại Mỹ năm 2011.

 Cùng một nghề, dễ thông cảm

Lấy vợ đào hát là cả một vấn đề rắc rối, khổ tâm về sau mà người am tường về cải lương ai cũng nhận ra thế, nhưng đó là người ta muốn nói người ngoại giới xông vào lãnh chức “dượng đào”, chứ còn thì nếu như soạn giả mà lấy đào hát làm vợ thì không ai ngạc nhiên gì cả, mà người ta còn cho rằng hợp tình, hợp cảnh nữa là khác, do bởi cùng làm một nghề như nhau thì dễ thông cảm nhau hơn.

Vả lại cuộc tình duyên nào giữa soạn giả và đào hát cũng bắt nguồn bằng một sự rung động, có thể là nàng cảm văn chương của chàng, còn chàng thì mến giọng ca ngâm, thích cái duyên dáng qua nghệ thuật diễn xuất của nàng. Thế nhưng, những cuộc tình duyên hợp tình, hợp cảnh ấy sẽ đi đến đâu? Theo như người ta ước lượng chừng có khoảng 2 phần 10 cặp vợ chồng như trên là ăn ở với nhau bền bỉ mà thôi, còn thì hầu hết đều sớm hoặc muộn cũng ra rời kim cải.

Trước hết xin đề cập đến những ai có duyên lấy đào, chừng như cũng là cái số nên trong những người mà soạn giả Mộc Linh ăn ở chính thức chỉ toàn là đào hát, mà lại trước sau đều là đào nổi tiếng. Dạo cộng tác với đoàn Thống Nhứt, soạn giả Mộc Linh phải lòng Bạch Tuyết (lúc đó chưa có biệt danh cải lương chi bảo) và sống ra mặt vợ chồng được hơn một năm.

Đến khi sang cộng tác với gánh Kim Chưởng thì Mộc Linh mê ngay đào Thanh Nguyệt, sau khi thất bại với một cô đào khác cùng sân khấu, và lễ thành hôn chính thức được tổ chức để sau đó Mộc Linh, Thanh Nguyệt sống êm ấm một thời gian dài. Họ đã có con cái với nhau, cho nên dầu Mộc Linh đã bỏ nghề viết tuồng để nhảy vào làng báo, và Thanh Nguyệt vẫn còn cố theo đuổi nghệ thuật sân khấu.

Người ta tưởng đâu rằng đôi vợ chồng này sẽ ăn đời ở kiếp được, do sự ràng buộc chặt chẽ giữa họ với nhau là hôn lễ và con cái, nhưng rồi họ cũng xa nhau. Có cái ngộ là trước sau hai cô đào nên duyên với Mộc Linh đều có huy chương vàng Giải Thanh Tâm, vì thế người ta thường gọi Mộc Linh là “dượng huy chương vàng!”

Kế đến là trường hợp soạn giả Thu An và đào Ngọc Hương, vụ này đã gây xôn xao trong làng cải lương một dạo, và khiến cho Thu An, Ngọc Hương phải rời bỏ đoàn Thủ Đô lánh mặt một thời gian, để rồi sang cộng tác với đoàn Kim Chưởng. Cuộc theo đuổi của Thu An đối với Ngọc Hương có phần hơi lâu và khá công phu, bởi lúc đầu nghe đâu gia đình Ngọc Hương không tán thành. Trong khi đó người vợ thứ nhì của Thu An cũng tích cực khuấy rối. Nhưng cuối cùng mọi trở ngại đều được san bằng để họ trở thành vợ chồng, đã có con cái, sự nghiệp với nhau.

Người ta có lý do thể tin rằng họ sẽ ăn đời, ở kiếp với nhau được. Đôi khi có nghe những xích mích vụn vặt xảy ra giữa đôi vợ chồng này, nhưng đó chỉ là những cơn gió mùa Hè cho thêm mát mẻ, có nghĩa là có xích mích vậy để sau đó họ lại khắng khít với nhau hơn. Thật vậy, cặp Thu An, Ngọc Hương lâu bền mấy chục năm, và trước đây nhân dịp về nước thăm nhà, tôi có đến thăm Thu An lúc ông bệnh nặng, Ngọc Hương tận tình chăm sóc, và vài tháng sau thì nghe tin ông vĩnh viễn ra đi với tuổi đời ngoài 80 tại Gò Vấp.

Nếu như soạn giả Mộc Linh có duyên lấy đào hát, thì ngược lại đào Trương Ánh Loan lại có duyên lấy chồng là soạn giả. Lúc đầu Trương Ánh Loan kết duyên với soạn giả Tây Giang Tử và qua một thời gian sống rất êm ấm có con cái vài đứa với nhau, thì soạn giả nhà ta vì bận binh nghiệp nên không còn viết tuồng nữa, thế là vợ chồng dần dần xa nhau để rồi sau cùng dứt khoát duyên nợ. Kế đó Trương Ánh Loan làm lại cuộc đời với soạn giả Viễn Hùng, người ta tưởng rằng cặp này sẽ lâu bền, không ngờ biến cố Mậu Thân xảy ra, chồng cộng tác một nơi, vợ cộng tác một ngả, để rồi Trương Ánh Loan rời bỏ luôn sân khấu đi làm nghề khác và cũng chào lui với Viễn Hùng, khiến anh này thở phào chán nản. Vậy là huề, và cũng từ đó Viễn Hùng thề không bao giờ kiếm vợ đào hát nữa, Viễn Hùng thường than vãn với bạn bè rằng: Khổ lắm đó các cha ơi! Khó lòng lắm, giải thích không nổi. Khổ thế nào thì chắc chỉ Viễn Hùng biết và các dượng đào biết mà thôi.

Ăn đời ở kiếp

Giờ đây xin đề cập đến trường hợp soạn giả Yên Lang lấy vợ đào hát. Lúc cộng tác đắc lực với đoàn Song Kiều, soạn giả Yên Lang phải lòng cô đào chánh đoàn này là Kiều Oanh, thế rồi gia đình đôi bên ưng thuận mang về quê làm đám cưới rình rang. Có điều Kiều Oanh vĩnh viễn rời sân khấu để về nhà lo bổn phận làm dâu, làm vợ và làm mẹ, đó cũng là một cách đảm bảo hạnh phúc chắc chắn nhứt và họ đã có con đàn, con lũ với nhau. Duy chỉ có Yên Lang thì bám sát nghiệp viết tuồng, viết hăng say đến đỗi lúc bấy giờ có người chọc phá nói rằng anh hy vọng một ngày nào đó sẽ bợ được một cô đào chánh nữa, để rồi khi hòa bình trở lại anh sẽ đựng gánh như Thu An, Ngọc Hương.

Thế nhưng, khi hết chiến tranh thì Yên Lang đi… cải tạo (bởi gốc là sĩ quan cảnh sát), và định cư Hoa Kỳ diện HO. Cặp này coi như ăn đời ở kiếp với nhau, bởi cho tới giờ này họ vẫn còn khắng khít, mỗi khi Yên Lang tham dự buổi hát đình đám nào thì hầu như đều có Kiều Oanh bên cạnh.

Năm 2004 do biết rõ thành tích, Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại đã mời hai vợ chồng tham gia Ban Giám Khảo, Kiều Oanh chấm thi sơ khảo ở San Jose Miền Bắc California, và Yên Lang thì chấm thi chung kết ở San Diego Miền Nam California. Hiện không thấy Yên Lang viết tuồng nào nữa, mà chỉ có lần quy tụ đàn em làm sô ra mắt CD kiếm chút cháo thôi.

 

Đến đây thì dành thời gian để nói tới cái anh chàng soạn giả si đào vào bậc nhứt, mà khi nhắc đến thì người trong giới uống tàn buổi cà phê vẫn còn cười. Thật vậy, từ khi mới vào nghề, soạn giả nhỏ thó Tuấn Khanh mà người trong giới gọi là soạn giả “oắc con”, anh chăng đã si mê đào Kim Phụng (lúc bấy giờ là vũ nữ của gánh Thanh Minh) đến phải viết hằng loạt bài báo ca ngợi nàng này là thần tượng, là mỹ nhân, nhưng thần tượng mỹ nhân đã không ngó ngàng gì tới, khiến cho anh ta chết lên, chết xuống thiếu điều thổ huyết như Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài. Mối tình câm ấy vừa nguôi ngoai thì chợt Tuấn Khanh đâm ra si Thanh Nga, thế mới chết! Không hiểu tại sao anh ta có cao vọng ấy chớ, mà chẳng rõ Thanh Nga có hay biết hay không nữa?

Cái thuở mà Thanh Nga đang lên đó, thì chẳng biết bao nhiêu người chạy theo tà áo của cô, nhưng gẩm ra thì chưa có ai can đảm cho bằng soạn giả Tuấn Khanh. Lúc đó thì Thanh Nga chưa phải lòng ai hết. Soạn giả Tuấn Khanh thì lần đầu tiên có vở hát “Xác Hoa Trên Tháp Đá” được đoàn Thanh Minh Thanh Nga vừa trình diễn thì anh ta luôn bám sát Thanh Nga. Lúc ấy ai cũng nghĩ rằng Tuấn Khanh, cái anh chàng soạn giả ốm tong ốm teo, lại nói tiếng mái

ấy thì chẳng có nước mẩu gì nên chẳng ai để ý. Vừa lúc có anh ký giả tên Văn Tài từ bên Tây mới về nước, chàng này mê mết Thanh Nga và nhờ Má Bảy Phùng Há mai mối dùm.

Chưa biết là chuyện khởi đầu ra sao, nhưng có hôm Má Bảy đưa Thanh Nga đi coi hát bóng với anh chàng Văn Tài tại rạp Majestic. Và chẳng rõ Tuấn Khanh rình mò từ bao giờ mà biết ra chuyện đó, và khi ba người đang ngồi xem hát, thì bỗng nhiên anh chàng soạn giả Tuấn Khanh xuất hiện ngay trước hàng ghế của ba người ngồi, để rồi la ó ầm ỉ. La rằng:

“Tại sao cô Bảy lại dụ Thanh Nga đi coi hát với trai? Tôi không bằng lòng chuyện thầm lén này.”

Thảm hơn thế là soạn giả nhà ta lại khóc ồ lên rằng:

“Nga! Nga, tại sao em đi coi hát với người ta chớ?”

Dĩ nhiên là Má Bảy Phùng Há cười khì:

“Cậu là cái gì của Thanh Nga? Còn tôi, tôi đưa Thanh Nga đi xem hát có xin phép với bà bầu Thơ rồi kia mà.”

Tuấn Khanh khóc lóc, than thở rồi đòi lao đầu vào xe nhà binh để chết cho rồi. Cũng may là anh ta thấy không ai có phản ứng gì nên lại thôi. Sau đó thì vắng biệt một thời gian không tới sân khấu Thanh Minh nữa. Người ta không hiểu tại sao Tuấn Khanh lại dám ghen kỳ cục như vậy.

Chưa hết đâu! Đến khi cộng tác với đoàn Thúy Nga thì Tuấn Khanh lại si mê đào Ánh Hồng đến mất ăn mất ngủ, nhưng tội nghiệp cho anh ta là Ánh Hồng không ban bố đến một nụ cười. Trong chuyến Trung du của đoàn Thúy Nga, thì hai soạn giả trụ cột của gánh hát là Trần Hà và Hoài Ngọc không theo đoàn, mà để cho hai soạn giả đàn em là Tuấn Khanh và Phan Yến Thu bám sát để thu tiền bản quyền.

Lúc đến Phan Thiết hát khá, Phan Yến Thu có được món tiền tuồng bỏ túi nên bao ăn, bao uống luôn cho Tuấn Khanh. Và một chiều nọ, hai soạn giả đi đạo phố, Phan Yến Thu thấy có chỗ bán dép Miên đẹp nên rủ Tuấn Khanh lựa mua, và dĩ nhiên trả tiền luôn cho. Phan Yến Thu chọn đôi dép có quai vàng, còn Tuấn Khanh thì đắc ý đôi dép quai xanh. Tối bữa đó hai soạn giả nhà ta lại ngủ rạp, mỗi người ngủ một nơi. Đào kép cũng ngủ ở rạp hết, trừ ông bầu Phước Trọng và bà bầu Thúy Nga thì ngủ khách sạn mà thôi.

Đào chánh của đoàn Thúy Nga khi đó là Kim Lành và Ánh Hồng. Kim Lành thì dầu có chồng có con rồi, nhưng đã thôi chồng nên kể ra như chưa chồng. Còn Ánh Hồng thì chưa có mối, thân phụ cô là nhạc sĩ cũng theo đoàn, và tối thì uống trà với mấy ông thầy đờn rồi ngủ tại đây, rất xa con gái.

Sau khi vãn hát, ăn uống xong, ai nấy tìm chỗ ngủ hết, rạp hát tắt đèn tối thui. Và chẳng rõ giờ đó là giờ nào, bỗng nhiên người ta nghe Ánh Hồng la lên tở mở: Ai? Ai đây? Bớ người ta… Và sau đó thì có tiếng chạy lạch cạch từ sân khấu ra cửa. Khi rọi đèn pin lên chỗ ngủ của Ánh Hồng thì người ta thấy có đôi dép mới tinh khôi nằm.

Thân phụ Ánh Hồng nổ khí xung thiên thét lớn:

“Đôi dép này của ai? Thằng nào đi đôi dép này?”

Phan Yến Thu cũng vừa thức dậy chạy tới, nhìn qua đôi dép và trố mắt đáp:

“Đôi dép quai xanh. À, đôi dép quai xanh.”

Ông già của Ánh Hồng trừng mắt hỏi anh chàng soạn giả:

“Nhưng mà nó là của ai chớ?”

Phan Yến Thu lấp vấp đáp lại:

“Dạ, nó là của… của ai chẳng biết nữa.”

Dép quai xanh đây mà, Phan Yến Thu thừa nhớ đó là đôi dép của Tuấn Khanh, nhưng còn biết làm sao mà dám nói sự thật đây?

Người trong đoàn nói rằng, mục tiêu của chàng ta là Kim Lành, vì cô đào này đã có một đời chồng, dễ chiếm hơn là Ánh Hồng còn con gái. Nhưng tôi hôm đó trước khi đi ngủ 2 cô đào này lại đổi chỗ cho nhau. Nếu nói theo nhà quân sự thì do mục tiêu di động, xê dich bất ngờ nên cuộc hành quân đột kích bị thất bại.

Tưởng thế là mộng cưới đào hát đã tiêu tan, không ngờ khi ra ngoài Trung làm môn đệ cho soạn giả Hoa Phượng, thì Tuấn Khanh lại nhờ sự hỗ trợ của sư phụ mà cưới đào Mỹ Hạnh và có với nàng này được một con, nhưng rốt cuộc bị gia đình bên vợ tẩy chay luôn, thành ra Tuấn Khanh đâm ra chán đào. Sau đó mới có vụ cưới vợ không phải là đào hát, nhưng nàng này cũng là cháu kêu bà bầu Kim Chưởng bằng dì, và kể từ ấy Tuấn Khanh làm phò mã cho triều đình Kim Chưởng.

Vẫn còn nhiều trường hợp soạn giả lấy đào hát làm vợ, những xin kể tới đây thôi, có dịp tôi sẽ kể tiếp vậy.

 

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/traditional-music-0914-nm-09122013135651.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây