Ngành Mai
7.9.2013
Tựa đề bài nói chuyện hôm nay mới nghe qua chắc “lạ tai” đối với nhiều người, bởi xưa giờ trừ một số rất ít có giao tiếp, hoặc làm ăn mua bán với người Nùng thì có thể hiểu phần nào, chớ đại đa số trong chúng ta chưa từng nghe qua từ ngữ “văn nghệ Nùng” bao giờ.
Vậy trước khi nói về văn nghệ Nùng, tôi xin ngược dòng thời gian nhìn lại một biến cố lịch sử, từng xảy ra cách đây nửa thế kỷ, mà có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ.
Những chuyến tàu di cư
Số là vào năm 1955, một cuộc chiến ngay giữa Đô Thành Sài Gòn, Quân Đội Quốc Gia, các đơn vị người Nùng tác chiến dũng cảm, gan dạ đã đánh tan lực lượng võ trang Bình Xuyên ở vùng Chợ Lớn, đồng thời chiếm luôn tổng hành dinh của Bảy Viễn ở bên kia cầu chữ Y. Đặc biệt là người dân sống ở vùng Nancy Chợ Quán, và từ cầu Chữ Y dọc theo mé sông Bến Hàm Tử, chạy dài vô Chợ Lớn là biết rõ biến cố lịch sử của năm ấy. Đơn vị quân đội thiện chiến này nghe nói về sau là Sư Đoàn 5, có rất nhiều lính Nùng, một số mang cấp bậc lớn, thiếu tá, trung tá, và có cả đại tá.
Lúc bấy giờ tuy nghe nói, nhưng rất nhiều người chưa rõ người Nùng có gì khác biệt với người Kinh về hình dạng, màu da, ngôn ngữ, đặc tính hoặc ăn mặc ra sao, có giống như người Thượng ở vùng núi Bà Rá, Phước Long ở phía Bắc tỉnh Thủ Dầu Một, hay miền cao nguyên Ban Mê Thuột, Kontum chăng? Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đã thắc mắc rồi, thì nói chi là văn nghệ Nùng thì người ta lại càng mù tịt. Và sau đây là sự kiện có liên quan đến công cuộc bảo tồn văn hóa dân tộc vào những năm cuối của nền Đệ Nhị Cộng Hòa.
Nếu tính chung mọi hình thức văn nghệ thì Việt Nam ta cũng là quốc gia “đa văn hóa”, bởi ngoài môn nhạc của ba miền của đất nước mà ai ai cũng biết đó là cổ nhạc Bắc Phần, cổ nhạc Trung Phần và cổ nhạc Nam Phần (phát sinh ra cải lương) thì văn nghệ dân tộc đặc thù của các sắc tộc thiểu số, mà hầu như sắc dân nào cũng có âm nhạc riêng, và thường thể hiện trong các lễ hội đình đám, hoặc là được mùa. Ở đây tôi muốn đề cập đến “văn nghệ Nùng”, một sắc dân thiểu số miền Bắc, và họ đã hiện diện trong Nam sau ngày 20 Tháng Bảy 1954 sống hòa nhập với xã hội miền Nam.
Một lớp dạy hát Phưng Nùng của Người dân tộc Nùng. Photo courtesy of cema.
Năm 1954 Hiệp Định Genève ra đời chia đôi đất nước, theo làn sóng người Bắc di cư, sắc dân Nùng cũng có mặt trên những chuyến tàu đi vào Nam, và dĩ nhiên họ cũng mang theo văn nghệ đặc thù văn hóa. Lúc đầu họ cư ngụ rất nhiều ở vùng Song Mao, thuộc tỉnh Phan Rang, nhưng không thấy họ tổ chức văn nghệ ca hát, cũng đâu có ai nghe nói rằng người Nùng có văn nghệ! Có lẽ do cuộc sống mới định cư ở trong Nam, mà người Nùng mãi miết lo làm ăn lập nghiệp trước cái đã, mà quên đi cái món văn nghệ, và khi đã thực sự ổn định cuộc sống rồi thì lại nhớ đến.
Số là vào năm 1972, có nghĩa là sau 18 năm di cư vào Nam người Nùng mới nghĩ đến văn nghệ của mình, và vấn đề được đưa ra trong một buổi nói chuyện tại Bộ Phát Triển Sắc Tộc ở đường Nguyễn Du, Sài Gòn, với sự tham dự của viên chức chính quyền, đại diện các bộ môn văn nghệ trong đó có cải lương, điện ảnh v.v…
Phát huy văn hóa Nùng
Lúc bấy giờ ông Châu Thoại Tân, ủy viên báo chí đặc trách khối Nùng trong Ủy Ban Sắc Tộc, loan báo đã quyết định thành lập “Đoàn Văn Nghệ Nùng” để giới thiệu và phát huy văn hóa Nùng, và đoàn nầy sẽ bắt đầu sưu tập đề trình diễn những vũ bộ, những điệu hát, những nhạc bản cổ điển của sắc tộc này. Nếu tính vào thời điểm đó thì có đến gần 2 thập niên sau, kể từ ngày vào Nam mới nghĩ tới một đoàn văn nghệ Nùng thì cũng quá trễ, nhưng trễ còn hơn là không.
Những người tán thưởng quyết định của ông Châu Thoại Tân, là các ông Lý Thiều Quang, chủ tịch Ủy Ban Phát Triển Sắc Tộc Hạ Viên, Trung Tá Wòng Đồng Phóng, nghệ sĩ Thanh Nga… là những người đã ký tên vào quyển sổ vàng cho Đoàn Văn Nghệ Nùng. Các nghệ sĩ cải lương tham dự buổi nói chuyện còn có nghệ sĩ Năm Châu, Duy Lân, Phùng Há, Bảy Nam, Bảy Cao, nhạc sĩ Chín Trích, Năm Cơ… Riêng Thanh Nga thì không biết cô tham dự với tư cách là nghệ sĩ cải lương hay tài tử điện ảnh, mà lại ngồi chung với nhóm điện ảnh, trò chuyện với đạo diễn Lê Hoàng Hoa, tức đạo diễn cuốn phim “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” do cô là tài tử chánh.
Sau buổi loan báo thành lập Đoàn Văn Nghệ Nùng, tôi chưa có dịp rà lại xem đoàn này đã hoạt động đến đâu, có tiến triển hay tạo được thành tích gì chưa. Kế đến 30 Tháng Tư năm 1975 thì không nghe nói gì đến đoàn Văn Nghệ Nùng nữa. Không biết sau ngày ấy đoàn văn nghệ của một sắc tộc có tiếng thiện chiến kia có tồn tại được không, mà khi ra hải ngoại tôi cũng chưa một lần nghe ai nói tới.
Người dân tộc Nùng. Photo courtesy of cema.
Nghe nói ở vùng Phú Hoa, Định Quán, đường đi Đà Lạt, cũng có rất nhiều người Nùng định cư lập nghiệp ở đây, mà người ta lầm lẫn họ với người Tàu. Không thấy họ tổ chức văn nghệ gì hết, mà chỉ thích coi cải lương, bởi thỉnh thoảng cũng có gánh hát hạng B, hoặc gánh bầu tèo về đây trình diễn. Nếu đúng như vậy, thì khó có dịp nào thiên hạ được đi coi văn nghệ Nùng.
Trước đó hai năm có “Tuần Lễ Văn Nghệ” do phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa tổ chức vào Tháng Chín 1970, tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn, dưới sự chủ tọa của Bác Sĩ Phó Thủ Tướng Nguyễn Lưu Viên, đại diện thủ tướng chính phủ, dân tộc thiểu số, gồm nhạc của các sắc tộc miền Cao Nguyên Trung Phần ở các tỉnh Darlac, Pleiku, Kontum, Phú Bổn, Tuyên Đức; ban nhạc “Chàm Hoa Phượng” của người Chàm ở Châu Đốc và ban Văn Lân ở Phan Rang. Ban nhạc Khmer ở Sóc Trăng, và cũng có nhạc của các dân tộc thiểu số miền Bắc: Nùng, Mán, Mèo, Thái được thực hiện với sự cộng tác của ban văn nghệ khối Đại Đoàn Kết các dân tộc thiểu số Việt Nam, do Thượng Nghị Sĩ Wòng A Sáng làm chủ tịch.
Ngay trong buổi đầu khai mạc, ban văn nghệ Hội Đông Phương Cổ Nhạc ở Chợ Lớn đã trình diễn vở tuồng ca vũ nhạc dã sử “Từ Lang Châu”, làm sống lại thời Tống mạt, giang sơn Trung Quốc bị quan Nguyên dày xéo. Trong mấy lời nói đầu, một đại diện Hội Đông Phương Cổ Nhạc đã nhắc lại cảnh khốn đốn của một số người Hoa, gặp cơn quốc nạn phải lìa bỏ quê cha đất tổ, tản mác khắp nơi tìm chỗ dung thân, lại may mắn được Việt Nam mở rộng vòng tay thân hữu đón nhận và giúp họ được an cư lạc nghiệp.
Sau lời phát biểu của ông, khiến người ta ngược dòng lịch sử hơn 200 năm về trước kể từ lúc số người Tàu Minh Hương chạy trốn Mãn Thanh sang Việt Nam lánh nạn ở Đàng Trong, được Chúa Nguyễn chấp nhận cho tỵ nạn. Số người Minh Hương lập nghiệp luôn ở Việt Nam, họ sống qui tụ từng vùng, đặc biệt ở Chợ Lớn là đông đảo nhứt. Những người Hoa tỵ nạn này đã mang theo văn hóa hệ họ gìn luôn tới bây giờ. Họ đã hòa mình hội nhập trong nếp sống chung của Việt Nam, và cùng chung sức để xây dựng đất nước này trở thành quê hương của họ.
Cũng giống như người Việt định cư ở Hoa Kỳ hiện nay, đã dần dần hội nhập vào đời sống ở Mỹ. Tuy nhiên, nằm trong khuôn khổ cộng đồng quốc gia Việt Nam, về mặt nghệ thuật, người Tàu vẫn có những sắc thái riêng biệt, những truyền thống đặc thù.
Thời kỳ trước 1975 ở Chợ Lớn, người ta thấy nhạc cổ truyền của người Hoa ở Việt Nam, được coi như hình thức văn hóa đặc thù của một trong các dân tộc thiểu số, được thể hiện trong sinh hoạt hằng đêm tại các ngôi nhà Từ Đường, và ngày vía, ngày lễ, ngày Tết thì trình diễn ở các chùa Tàu. Ngoài ra cũng còn phục vụ ở các đám cưới, dắm ma, sinh hoạt giống như đờn ca cổ nhạc tài tử của miền Nam vậy.
Nhạc cổ truyền của Tàu có thể chia ra làm hai loại: Nhạc võ là nhạc văn. Nhạc võ thì rình rang với những trống lớn, trống nhỏ, cồng chiêng, chập chõa, đồng la, phách… Còn nhạc văn gồm: Đờn nguyệt (kìm), đờn gáo… kết hợp với thổi tiêu, sáo.
Thời ấy ở Chợ Lớn có đến cả chục đội nhạc cổ truyền, mỗi đội trên dưới 50 người, và hầu như đội nào cũng có rất nhiều thiếu nữ Tàu xinh đẹp cộng tác. Không riêng gì ở Chợ Lớn, các tỉnh miền Nam có người Tàu làm ăn phát đạt, mỗi khi có đám cưới, đám ma (thường là đám ma) họ cũng rước đội nhạc cổ từ Chợ Lớn về, và người địa phương lại đươc dịp nghe trống, chập chõa rình rang ồn ào suốt cả mấy ngày có đám.
Ngày nay không biết nhạc cổ của Tàu có còn hoạt động mạnh hay không, bởi lẽ cổ nhạc miền Nam cùng bộ môn cải lương gần như tê liệt, thì ít nhiều gì cũng ảnh hưởng đến nhạc cổ của Tàu.