Ngành Mai
22.6.2013
Nếu như một đoàn hát cải lương mà nay hát chỗ này, mai dời đi hát chỗ nọ, thì vấn đề tuồng tích chẳng phải là việc bận tâm cho bầu gánh, nhưng nếu hát một chỗ lâu ngày suốt 5 năm chỉ một rạp như gánh hát Phụng Hảo của Má Bảy Phùng Há ở Nam Vang thì tuồng tích là cả một vấn đề, một khó khăn bắt buộc người bầu gánh phải quan tâm mỗi ngày.
Kỷ lục lưu diễn
Người ta còn nhớ khoảng cuối thập niên 1950 gánh Hoài Dung Hoài Mỹ, vốn liếng chưa được 10 vở hát, kể cả những tuồng không ăn khách ít khi được mang ra hát. Thế mà vẫn đủ dùng, bởi lẽ tuồng hát ở tỉnh này, khán giả coi qua rồi kể như cũ, nhưng đi chỗ khác thì mới trở lại, bởi ở đó người ta chưa coi. Do vậy mà ông bà bầu là soạn giả Nguyễn Huỳnh và đào Hoài Dung chẳng hề lo lắng.
Lúc ấy đoàn có một vở hát mang tên tựa “Người Mẹ tội lỗi” của chính soạn giả Nguyễn Huỳnh là tuồng ăn khách, đoàn dọn đến đâu cũng hát tuồng chủ lực đó, có khi một địa điểm mà diễn đến hai, ba đêm, bởi khán giả còn mua vé đi coi thì tuồng lại tiếp tục hát, chắc ăn hơn là tuồng khác mà có thể ít người đi coi, xưa nay là thế.
Tuồng “Người Mẹ tội lỗi” vừa hát đêm chót tại Bình Dương, hai hôm sau đã thấy dựng bảng hát ở Đồng Xoài, rồi vài hôm nữa thì thấy Người Mẹ tội lỗi lại xuất hiện ở Ban Mê Thuột. Khán giả ở đây vừa coi tuồng này được vài ngày, thì tài xế chiếc xe đò từ Kontum về, báo cho biết, ông vừa đưa đào kép của gánh hát lên đó, trong lúc còn đang xuống đồ đạc thì đã thấy đoàn mướn xe lam đi rao quảng cáo hát tuồng Người Mẹ tội lỗi. Và khi dọn xuống Qui Nhơn, đi dọc theo miền duyên hải ra Đà Nẳng, Quảng Trị, bất cứ địa điểm nào tuồng ăn khách nói trên cũng được diễn. Về sau đoàn Hoài Dung Hoài Mỹ rã gánh, soạn giả Nguyễn Huỳnh trao tuồng “Người Mẹ tội lỗi” cho ông bầu Xuân, đổi tên là Tướng Cướp Bạch Hải Đường, trình diễn trên sân khấu Dạ Lý Hương cũng rất ăn khách. Các kỳ sau tôi sẽ có bài nói chuyện về tuồng Tướng Cướp Bạch Hải Đường.
Giờ đây trở lại chuyện gánh hát Phụng Hảo của Má Bảy Phùng Há, lên hát ở Nam Vang vào cuối thập niên 1940, đã đạt một kỷ lục bám trụ, mà sau này nhắc lại người trong giới ai cũng thán phục, thèm thuồng. Và như đã nói nếu gánh hát rày đây mai đó, thì tuồng hát cũ chỗ này, nhưng lại mới chỗ kia, chớ như gánh hát nằm một chỗ suốt 5 năm như gánh Phụng Hảo thì dĩ nhiên Mà Bảy phải tìm cách nào đó có tuồng lạ để hát, chớ không lẽ cứ hát đi hát lại mãi những tuồng đã diễn qua nhiều lần rồi, ai coi lại không chán.
Hát một rạp từ năm nầy sang năm khác thì bao nhiêu tuồng cũng đem ra xài hết, kể cả những tuồng ít ăn khách đã bỏ qua một bên từ lâu, cũng được chiếu cố. Người ta còn nhớ lúc đoàn Kim Chung vô Nam, năm đầu cũng đi lưu diễn như các gánh hát trong Nam thì thất bại, khán giả miền Nam không thích coi lối hát của đào kép miền Bắc dù rằng đào Kim Chung rất nổi tiếng. Do đó mà ông Bầu Long mới bỏ tiền vốn ra thuê mướn dài hạn rạp Aristo, cho đoàn bám trụ nằm thường trực tại rạp này.
Có lúc Kim Chung hát cả tháng chỉ một tuồng mà vẫn có khán giả, do là nhờ tình hình lúc đó đồng bào miền Bắc mới di cư vào Nam, phần đông thất nghiệp trăm phần trăm. Buồn quá! Nhớ quê hương, nhớ người thân kẻ thuộc ở lại ngoài Bắc. Sẵn tiền trợ cấp của Phủ Tổng Uỷ Di Cư, họ bỏ ra chút ít đi coi hát giải buồn. Mà coi cải lương thì chỉ có đoàn Kim Chung là thích hợp đối với họ, nên Kim Chung hát cả tháng chỉ một tuồng vẫn có khán giả là vậy.
Còn gánh Phụng Hảo ở Nam Vang thì không có 3 yếu tó “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” như đoàn Kim Chung lúc đó, phải thay đổi tuồng mới có khán giả. Gánh hát của Má Bảy chuyên hát tuồng Tàu, các tuồng Lữ Bố Điêu Thuyền, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Thần Nữ dưng Ngũ Linh Kỳ, Đào Tam Xuân, Trảm Trịnh Ân, Mộng Hoa Vương, Kinh Kha thích khách Tần Thủy Hoàng, Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê, Tái Sanh Duyên, Mạnh Lệ Quân thoát hài v.v… nói chung tuồng nào cũng hát qua trên cả chục lần, khán giả đã nhàm chán, chưa biết xoay sở ra sao để giữ khán giả, thì một bữa nọ vợ chồng nghệ sĩ Năm Châu, Kim Cúc từ Sài Gòn lên thăm Má Bảy cùng anh chị em nghệ sĩ, và sẵn dịp thăm bạn bè người thân ở bên Miên. Khi đi Năm Châu mang theo một số tuồng như Sân Khấu Về Khuya, Vợ Và Tình, Khi Người Điên Biết Yêu, Đoạn Tuyệt.v.v… nghệ sĩ Năm Châu đề nghị với Má Bảy hát tuồng xã hội, bà đồng ý ngay, bởi lý do gánh hát đã cạn tuồng, phải thay đổi khẩu vị cho khán giả, đồng thời cũng cho Năm Châu có số tiền bản quyền, chi phí trong thời gian ở Nam Vang. Các vai thì Năm Châu chia vai với kép chánh Tư Út, và đào Kim Cúc cũng có vai trò.
Kép chánh Tư Út
Thay đổi tuồng tích khán giả đi coi đông không thể tưởng, chỉ nội tuồng Đoạn Tuyệt do soạn giả Năm Châu phóng tác theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhất Linh, mà hát suốt ba tuần vẫn còn đầy nghẹt khán giả. Lên thăm Nam Vang lần đó Năm Châu dự tính có một tháng, mà ở luôn ba tháng, làm cho gánh Phụng Hảo tiền vô như nước, đào kép đi chợ Nam Vang mua sắm phủ phê, và vợ chồng Năm Châu Kim Cúc lúc ra về cũng nặng túi. Má Bảy cũng nói thêm rằng hai vở tuồng thu tiền nhiều nhứt ở Nam Vang là: Mộng Hoa Vương, tức “Một Đêm Trăng Trong Vườn Ngự Uyển”, và tuồng Đào Tam Xuân Báo Phu Cừu, tức “Trảm Trịnh Ân”. Nhưng 2 tuồng này đã không còn hát từ năm 1948, tức kể từ ngày kép chánh Tư Út đột quỵ trên sàn diễn ở Nam Vang.
Từ trái sang: Từ Anh, Năm Châu, Tư Út, Phùng Há, Ba Liên trong Tuồng Khúc Oan Vô Lượng, gánh Trần Đắc ở Cần Thơ diễn trên sân khấu khoảng năm 1931. Hình: Ngành Mai sưu tầm.
Nghệ sĩ Tư Út nổi tiếng cùng thời với Năm Châu, Năm Phỉ, Tư Chơi, Tư Sạng, Kim Thoa, Phùng Há, Hề Tỵ… ông từng đóng vai Điệp và cô đào tài sắc Năm Phỉ vai Lan, trong tuồng Hoa Rơi Cửa Phật. Trong tuồng Tái Sanh Duyên thì Tư Út đóng vai Hoàng Phủ Thiếu Hoa, Năm Châu vai Lưu Khuê Bích và Phùng Há vai Tô Ánh Tuyết. Tư Út đầu quân gánh Phụng Hảo, theo đoàn đi Nam Vang hát tại đây suốt mấy năm liền, và là kép chánh đóng cặp với nghệ sĩ Phùng Há nên khá nhiều người biết mặt.
Tuồng Trảm Trịnh Ân, nghệ sĩ Tư Út đóng vai Trịnh Ân được khan giả ngợi khen đáo để, người ta xúc động nhứt là cảnh Trịnh Ân bị ngự lâm quân dẫn ra pháp trường, dàn nhạc trỗi lên bản Nam Ai lớp mái, khiến người coi hát rụng rời, họ oán trách Hàng Tố Mai và Hàng Phụng Người ta cho rằng cái “trung” của Trịnh Ân thật là phi lý, quá đáng, bị người đời sau chê trách và lập luận của thiên hạ thì ít ra Trịnh Ân cũng phải chờ gặp vua để biết tự sự rồi có chết cũng được, đâu có muộn màng gì. Đằng nầy thấy chiếu của vua là chịu chết mà không một phản ứng nào hết, để cho sự thể xảy ra làm lớn chuyện luôn. Có đọc truyện Tàu ai cũng biết do Hàng Tố Mai phục rượu Triệu Khuôn Dẫn say mèm, không còn biết gì nữa rồi cầm tay cho ông vua phê chiếu đem Trịnh Ân xử trảm.
Đến màn Đào Tam Xuân kéo binh về báo thù chồng cũng được khán giả cho là quá hay, nghệ sĩ Phùng Há trong vai Đào Tam Xuân, đã ra lệnh quân binh tướng sĩ lục soát tam cung lục viện, bắt được Hàng Tố Mai trốn ở dưới chiếc ngài vàng. Cái chẳng nể nang ông vua chút nào của Đào Tâm Xuân, kẻ khen người chê. Số đông khán giả thuộc lớp người “dân chủ” thì khen phải làm như vậy mới được, bằng không gian thần lộng quyền. Còn thiểu số theo “Quân chủ chuyên chế” thì nói rằng “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”, họ chê Đào Tâm Xuân vì câu “phu phụ tình thâm” mà quên đi cái chữ “Quân thần nghĩa trọng”.
Cảnh chót Đào Tam Xuân cho lập bàn hương án, và Hàng Tố Mai thì bị quấn chặt bằng vải tẩm dầu, làm cây đèn cho Đào Tam Xuân tế chồng. Cảnh này nghệ sĩ Phúng Há ca bài Nam Ai lớp mái có đoạn: “dầu tử sanh thì cũng liều thân vợ mà nguyện trả được thù chồng”. Vừa dứt tiếng “thù chồng” thì rạp hát vang dậy, khán giả chú tâm theo dõi cảnh đốt Hàng Tố Mai. Đèn sân khấu tắt, thay Hàng Tố Mai giả vào (hình nộm) đốt vừa cháy lên là hạ màn ngay để lấy mền trùm lại cho tắt.
Kép chánh Tư Út được hoan nghinh nhiều nhứt là vai Trịnh Ân, và Má Bảy nói nếu như nghệ sĩ Tư Út chưa chết thì chắc rằng tuồng Trảm Trịnh Ân còn thu tiền dài dài ở Nam Vang. Do căn bệnh nào mà kép chánh Tư Út chết ở Nam Vang. Và cũng kể từ đó Má Bảy Phùng Há không hát trở lại tuồng Mộng Hoa Vương lần nào nữa. Tại sao vậy? Kỳ tới chúng tôi sẽ trình bày tiếp.