Thụy Khuê
6/11/1994
Nhạc sĩ Cung Tiến trở lại Paris sau trên mười năm xa cách, anh không chỉ là một nhà soạn nhạc tài danh mà còn là một nghệ sĩ, dịch giả, thiết tha với văn chương và giới cầm bút. Nhân chuyến đi này, anh nói chuyện với chúng tôi về mối tương giữa Cung Tiến và giới âm nhạc Việt Nam tại Paris.
TK: Thưa anh Cung Tiến, nhân dịp gì mà anh sang Paris?
CT: Tôi sang Paris có một số việc làm. Một trong những việc làm đó là thâu thập những tài liệu về dân ca Việt Nam mà những thể chế của nước Pháp đã thâu thập trong gần thế kỷ qua.
TK: Tức là anh đi để tìm tòi nghiên cứu hay là anh sang để liên lạc với những người bạn về âm nhạc; trong công việc đó của anh, thì phần nào đối với anh là phần chính?
CT: Tất nhiên riêng tôi thì để gặp những người tôi đã ngưỡng mộ trong lãnh vực âm nhạc như anh Nguyễn Thiên Đạo, anh Tôn Thất Tiết và một người nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam là anh Trần Quang Hải, và có thể tôi tiếp xúc với giáo sư lão thành Trần Văn Khê, đó là những việc liên quan đến công việc làm của tôi, công việc mà tôi sang đây nghiên cứu. Thế nhưng còn một chuyện nữa, cũng quan trọng không kém là tôi muốn gặp một số bạn hữu trong đó có những nhà văn, nhà thơ, và có một người bạn quý của tôi mà tôi mới gặp cách đây hai năm ở California là bà Thụy Khuê.
TK: Thưa anh, trong những người bạn của anh về ngành âm nhạc, những người trong ngành sáng tác như anh Nguyễn Thiên Đạo hay anh Tôn Thất Tiết, thì anh thấy hiện giờ, giữa anh và những người bạn sáng tác này có một sợi dây liên lạc như thế nào?
CT: Anh Nguyễn Thiên Đạo và anh Tôn Thất Tiết là hai nhà soạn nhạc tôi quý mến từ lâu. Hai người đã nổi tiếng trong lãnh vực âm nhạc trên thế giới về kỹ thuật, về quan điểm viết nhạc. Chúng tôi muốn gặp hai nhà soạn nhạc này để học hỏi, là thứ nhất, thứ hai, tôi muốn hỏi họ về cái possibilité, cái khả hữu sử dụng chất liệu âm nhạc Việt Nam với kỹ thuật sáng tác Tây phương thế kỷ XX, mà lãnh vực này anh Đạo và anh Tiết đứng hàng đầu trong nền âm nhạc thế kỷ XX của thế giới, tôi không nói của Việt Nam mà của thế giới. Thí dụ như anh Đạo, những cách sử dụng nhạc cụ theo một lối mới của anh đã được nhiều sách Tây phương, ở Mỹ, ở Âu Châu nói đến rất nhiều, tác phẩm Tây Nguyên của anh Đạo hay là tác phẩm Ngũ Hành của anh Tiết, sách nào cũng nói tới hai tác phẩm này vì những cách sử dụng nhạc cụ theo một lối làm mới. Tôi muốn sang để học hỏi hai anh này cái possibilité để sử dụng những chất liệu, những làn điệu Việt Nam hay là những cái khác, với kỹ thuật Tây phương như thế nào, đó là một trong những mục đích tôi sang Paris.
TK: Thưa anh, anh có thể cho biết thêm sự khác biệt giữa anh và hai nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo và Tôn Thất Tiết?
CT: Thụy Khuê thì chắc là cũng thích âm nhạc, nhưng chắc là cũng không theo dõi âm nhạc, nhất là âm nhạc thế kỷ XX, nó có những khía cạnh kỹ thuật của nó mà chỉ một số người theo dõi thường xuyên mới tìm được ra giá trị của nó. Anh Tiết,và anh Đạo sáng tác theo một đường lối thế kỷ XX, không có chú trọng về bất cứ về những cái gì mà các thế kỷ trước đã đi theo, thí dụ như cách tổ chức thời gian cũng như cách tổ chức độ cao của âm thanh hay là trung tâm nào của âm thanh. Hai anh đó là là những người tiên tiến trong nghệ thuật âm thanh của thế giới. Riêng tôi, tôi chưa được am hiểu cũng như chưa được học kỹ càng về kỹ thuật sáng tạo của thế kỷ XX, thành ra sự khác biệt giữa tôi và hai anh đó không có gì phải nói cả. Riêng tôi, tôi vẫn cổ hủ, cổ điển, tức là dùng tonalité, dùng âm thanh có một trung tâm với một số kỹ thuật cổ điển nào đó, cổ hủ chứ không không phải cổ điển, giữa tôi và hai anh đó hoàn toàn khác nhau rất nhiều, và cái hơn là phần hai anh đó, cái phải học hỏi là phần tôi.
TK: Thưa anh bây giờ về giáo sư Trần Văn Khê, anh chờ đợi gì ở giáo sư Trần Văn Khê?
CT: Cụ Trần Văn Khê thì tôi đã kính phục, tôi đã đọc sách và những bài khảo luận của giáo sư Trần Văn Khê. Tôi muốn được đến để tìm hiểu những gì mà cụ Khê đã tìm ra, đã nghiên cứu được, nhất là về khía cạnh dân ca, tôi không nói về khía cạnh âm nhạc truyền thống musique traditionnelle trong triều đình Huế, ở những cái mà người Trung Hoa đã truyền sang, mà chúng tôi đã nghiên cứu và những người nghiên cứu về dân tộc học Trung Hoa cũng đã nghiên cứu rất nhiều. Riêng khía cạnh về dân nhạc, tức nhạc dân gian, nhạc dân Tày và Nùng, những nhạc hoàn toàn không có trong sách vở Tây phương, thì tôi muốn hỏi ý kiến của giáo sư Khê về những khiá cạnh của kỹ thuật của các vấn đề đó, để chúng tôi học hỏi.
TK: Trong khoảng thời gian gần đây, xin anh cho biết những công trình của anh, những sáng tác của anh.
CT: Thụy Khuê chắc cũng theo dõi và cũng biết tôi còn cái việc mưu sinh của những người ở ở hải ngoại, sống thì cần phải có thức ăn trên bàn những buổi chiều khi đi làm về, nên tôi phải làm việc khác. Nhưng âm nhạc là cái tôi thích từ thuở nhỏ mà không có phương tiện thực hiện và cũng không có những can đảm như những nghệ sĩ đã hoàn toàn bỏ những thứ [mưu sinh] đó đi để mà thực hiện điều mình muốn.
Mặc dù như vậy, tôi cũng đang làm một số công việc: Việc thứ nhất, tôi đang hoàn thành tác phẩm phổ thơ của Tô Thùy Yên, tập thơ Ta về khá nổi tiếng của nhà thơ này, dùng đơn đặt hàng của một tổ chức gọi là The Schubert Club của St Paul, bang Minnesota, thì tôi viết cho một giọng nói, hát và ngâm với một dàn nhạc thính phòng nhỏ trong đó chúng tôi sử dụng rất nhiều nhạc cụ gõ, instruments à percussion như mõ, chuông, vv… và việc thứ hai cũng là mục đích sang Paris, để thu thập tài liệu vì chúng tôi đang thực hiện một cái suite orchestrale, một tổ khúc cho dàn nhạc, lấy những làn điệu hay là bản chất đặc biệt của làn điệu quan họ Bắc Ninh để viết tổ khúc tạm gọi là Tổ khúc Bắc Ninh, một cái suite viết cho một dàn nhạc giao hưởng lớn, chuyên chở khoảng bốn chuyển động với một thời gian độ nửa tiếng; tức là dùng những chất liệu của vùng Bắc Ninh để viết nên một bản nhạc, nhưng không phải hoàn toàn dùng những làn điệu đó như là một arrangement tức là soạn lại những giai điệu đó, không phải, mà tôi dùng những chất liệu gọi là essence tức dùng bản sắc của những giai điệu đó để làm thành những tôn vinh âm nhạc quan họ Bắc Ninh của Việt Nam.
TK: Thưa anh, những sáng tác của Cung Tiến bây giờ với những sáng tác của Cung Tiến ngày xưa khác nhau như thế nào?
CT: Thưa chị, những bài hát ngày xưa những sáng tác gọi là sáng tác ngày xưa, chúng tôi là những người trẻ sống ở thành thị, học sinh thành thị, chưa tiếp xúc gì với âm nhạc dân gian Việt Nam, chưa hiểu gì về thế giới âm thanh của dân tộc Việt Nam, thì chúng tôi chỉ biết những gì mà tôi đã học mà tôi đã yêu, tôi đã thích, đó là nhạc Tây phương; dùng cái âm giai bẩy nốt của Tây phương, dùng cách tổ chức câu, tổ chức hòa âm, vv… của Tây phương, cái đó hoàn toàn tôi đã làm một cách sung sướng, bởi vì tôi là sản phẩm của những gì mà tôi đã học.
Nhưng mà từ khi sang Mỹ, từ khi rời khỏi Việt Nam sang Tây phương thì tôi cảm thấy một nhu cầu là dân tộc Việt Nam mà tôi là một người trong dân tộc đó, đã có những chất liệu đó, đã có những tổ chức âm thanh như vậy, tại sao tôi không mượn những cái đó, dùng những cái đó, tạm gọi là của “mình”, mình trong ngoặc kép, để làm những cái gì tạm gọi là mới trong thế kỷ XX. Tất nhiên khán thính giả cũng biết, là trong cuộc đời này, không có gì là mới cả, cái gì cũng là cũ, nhưng mà tôi thấy rằng sau một thời gian tôi làm âm nhạc theo tonalité của Tây phương, bây giờ tôi muốn làm cái gì của Đông phương, của Việt Nam, cái đó dẫn tôi đi làm cái mà tôi khoái, mà hiện giờ tôi khoái nhất là làn điệu quan họ Bắc Ninh.
TK: Xin cám ơn anh Cung Tiến.
Buổi nói chuyện trên đây được ghi âm vào tháng 5 năm nay [1994], sau khi chia tay, anh hứa sẽ gửi cho chúng tôi băng ghi âm buổi hòa nhạc mới nhất của Cung Tiến ở Hoa Kỳ, nhưng cho đến nay [tháng 11-1994] băng vẫn chưa hoàn tất. Trong chương trình này quý vị nghe Hương xưa, qua tiếng hát Lệ Thu, mở đầu; và tổ khúc Chinh phụ ngâm, kết thúc.
Thụy Khuê
Nguồn: trích từ https://damau.org/74083/cung-tien-ni-ve-cung-tien