Nhạc sĩ Cung Tiến nói về con đường âm nhạc của ông

0
1170

Thụy Khuê
14/3/1993

Nhạc sĩ Cung Tiến sinh năm 1938 tại Hà Nội, học xướng âm và ký âm pháp một mình từ nhỏ, chính thức học nhạc lý với nhạc sĩ Thẩm Oánh năm 1949. Trong thời gian du học tại Úc châu về kinh tế học, từ năm 1956 đến 1962, Cung Tiến học các lớp dương cầm, hoà âm, đối điểm và sáng tác tại Âm nhạc viện Sydney. Và từ 1970 đến 1973, du học về kinh tế tại Anh quốc, Cung Tiến học thêm phần nhạc lý, nhạc sử và nhạc học.

Cung Tiến sáng tác rất sớm, Thu vàng ra đời năm 1952, khi Cung Tiến mới mười bốn tuổi; Hoài cảm được viết năm Cung Tiến mười lăm tuổi. Nhạc Cung Tiến, từ những Thu vàng, Hoài cảm… đến Hương xưa, Nguyệt cầm, Lệ đá xanh… mang âm hưởng lãng mạn Tây phương, tha thiết gợi nhớ, bổng cao, trong sương khói phôi pha của một thời đã xa, đã mất. Trong nhạc đã có chất thơ, cho nên mỗi bản nhạc Cung Tiến khi hát lên thì lời dường như tan loãng vào nhạc, lời không còn giữ nguyên hình hài của ngôn ngữ mà chức năng chủ yếu là truyền ý. Lời trong nhạc Cung Tiến có chức năng tạo tâm hồn, tạo linh cảm cho bản nhạc, lời trong nhạc Cung Tiến như ánh sáng đối với họa sĩ là chất liệu âm thanh góp phần với thanh âm trong nốt nhạc, tạo nên tác phẩm.

[Trích bản Đường hoa, thơ Quang Dũng, Cung Tiến phổ nhạc, do Quỳnh Giao và Nguyễn Thành Vân hát, ban nhạc giao hưởng Minneapolis, do nhạc trưởng Robert Bobzin điều khiển].

Thụy Khuê: Thưa anh Cung Tiến, anh sang đây từ năm nào?

Nhạc sĩ Cung Tiến: Thưa chị, tôi sang đây năm 1975. Ngày 29 tháng tư năm 1975, tức là ngày cuối. Sang đây được mấy tháng thì lại sang Úc, sang Úc tới cuối năm 1976, tôi trở về Mỹ.

TK: Anh sáng tác rất ít, thính giả tự hỏi: vì anh lựa lọc tác phẩm hay vì anh không có nhiều thì giờ dành cho âm nhạc?

CT: Cám ơn Thụy Khuê, sáng tác ít hay nhiều, về cái lượng thì rất ít, lý do chính là có việc làm khác, việc làm mưu sinh, còn thời giờ sáng tác, mỗi tuần có độ khoảng hai ngày cuối tuần, có khi tôi xin nghỉ ở sở, mà sáng tác bị cắt đoạn như vậy, thì ít khi thành lắm, nên ít là vì vậy, dù sao tôi cũng có một số tác phẩm đang viết.

TK: Từ 76 đến bây giờ [1993] anh hoàn tất được bao nhiêu tác phẩm?

CT: Nói tác phẩm thì hơi lớn, một vài ca khúc. Cái ca khúc đầu tiên mà tôi viết sau khi rời Việt Nam, là ở bên Úc [1976], phổ thơ, cũng là bài thơ cuối cùng của Vũ Hoàng Chương, dịch Thôi Hiệu hay Thôi Hộ, bài thơ Hoàng Hạc Lâu. Từ đó đến nay, tôi cũng có một số tác phẩm viết cho giọng hát với đàn dương cầm như là tập liên ca khúc Vang vang trời vào xuân, phổ 10 bài thơ của Thanh Tâm Tuyền viết từ trong trại cải tạo, sau này được in ở ngoại quốc. Ngoài ra cũng còn một số tác phẩm viết cho dàn nhạc, thí dụ như Chinh phụ ngâm, viết cho dàn nhạc hòa tầu, thế nhưng tôi cũng không hài lòng mấy với tác phẩm này, nó có một vài nét riêng mà tôi thích, nhưng nói chung cũng là một thứ ngôn ngữ tương đối chưa được phát triển mấy, về cách sử dụng ban nhạc, cũng như về structure bố cục âm nhạc, thì tôi cũng chưa hài lòng lắm, tuy nhiên đó là cái mà tôi đã viết, dù muốn hay không cũng là đứa con đã đẻ ra.

[Trích đoạn Vang vang trời vào xuân, thơ Thanh Tâm Tuyền, Cung Tiến phổ nhạc, Quỳnh Giao và Nguyễn Thành Vân hát, Lê Ngọc Chân đệm dương cầm]

TK: Thưa anh, lời trong nhạc Việt thường có một chỗ đứng quan trọng đôi khi hơn cả nhạc, còn riêng đối với anh, dường như anh đặt nhạc lên trên lời, có phải như thế không? Nếu đúng như thế, thì tại sao anh lại quan niệm như thế?

CT: Thưa chị, câu chuyện cũng dài, mà trong khuôn khổ buổi phát thanh ngắn như thế này, tôi chỉ có thể nói tóm tắt thôi, là cái truyền thống nhạc ở Việt Nam, hay các nước Á Đông, xưa nay vẫn là truyền thống có lời ca, lời hát, dùng tiếng nói con người để phát biểu tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ bằng âm thanh nhưng dựa vào cái ý của lời hơn là âm thanh.

Riêng tôi, thì từ nhỏ, từ 13 tuổi, cho đến bây giờ, tôi cũng đã viết một số ca khúc, nhưng mà phần lớn là phổ thơ, tức là lấy thơ, thí dụ của Thanh Tâm Tuyền, của Xuân Diệu, của Phạm Thiên Thư, của Vũ Hoàng Chương, của Quang Dũng, đó là những nhà thơ mà tôi thích, cái không khí những bài thơ hợp với tôi trong một giai đoạn nào đó trong cuộc đời tôi, thì tôi đã lấy những lời thơ đó để phổ vào nhạc. Trong một số tác phẩm đó, là tôi cũng dựa vào lời ca để vẽ nên cái không khí, bối cảnh, tâm tình, trong bài thơ, để diễn tả bằng nhạc cho bài hát mà thôi.

Ngoài ra thì chính tôi, tôi thích âm nhạc gọi là âm nhạc hòa tấu hoặc là viết cho một nhạc khí, một giọng người, dùng cái giọng người như một dụng cụ như rất nhiều nhà soạn nhạc trên thế giới trong thế kỷ XX đã ý thức được giọng người như một dụng cụ, như một nhạc khí như anh Nguyễn Thiên Đạo. Nhất là anh Nguyễn Thiên Đạo đã sử dụng rất thành công tiếng Việt Nam như một âm thanh, chứ không có cái ý nghiã ở trong đó, tức là cái chiều sémantique, ý nghiã học, không quan trọng bằng âm thanh. Tiếng Việt Nam, giọng Bắc, giọng Trung, giọng Nam, mỗi giọng là một âm nhạc và chỉ lấy cái essence là cái yếu tố quan trọng nhất trong giọng nói của con người ở một vùng địa dư, nó có cái âm thanh nào đó, tôi lấy cái đó làm một thứ instrument mà tôi thích.

Vâng, thì ngoài ra tôi vẫn thích viết nhạc, về nhạc, hơn là để chuyên chở cái ý của bài thơ, hay lời ca.

[Trích đoạn Vết chim bay, thơ Phạm Thiên Thư, Cung Tiến phổ nhạc, với Susanne Sutant, soprano, ban nhạc thính phòng Lạc Việt, dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Lê Ngọc Chân]

TK:Thưa anh Cung Tiến, anh có liên lạc thường xuyên với các nhạc sĩ khác ở hải ngoại hay không?

CT: Qua những thư tín correspondance, thì tôi đã liên lạc được với một số nhà soạn nhạc Việt Nam ở Pháp, thứ nhất là anh Tôn Thất Tiết, thứ nhì là anh Nguyễn Thiên Đạo, là hai nhà soạn nhạc mà tôi rất quý mến, rất cảm phục. Ngoài ra còn một số nhà soạn nhạc ở bắc Mỹ, như anh Lê Ngọc Chân, một số nhà biên khảo về dân tộc nhạc học như anh Nguyễn Quốc Phong, nhưng chỉ là gián tiếp thôi, tức là biên thư hỏi những người này ý của họ về âm nhạc mới và nhất là về âm nhạc Việt Nam hiện đại, và chúng tôi đã giới thiệu được một số nhạc sĩ, nhà soạn nhạc đó, trong mấy số Thế kỷ 21. Riêng tôi cũng có bài viết về hiện tình âm nhạc trên thế giới, tức là giới thiệu những cách sử dụng âm thanh, những cách bố cục âm thanh, trong thế kỷ XX và những chiều hướng trong tương lai. Vâng, đó là những sinh hoạt mà chị đã hỏi về những nhà soạn nhạc và nhạc sĩ Việt Nam ở hải ngoại.

[Trích Bài hát tự do, thơ Thanh Tâm Tuyền, Cung Tiến phổ nhạc, Mai Hương hát, với tiếng dương cầm của Lê Ngọc Chân]

TK: Thưa anh, người ta thường thấy một sự khác biệt rất xa giữa âm nhạc xuất hiện trong thị trường với âm nhạc của anh. Riêng anh, anh thấy âm nhạc của anh ảnh hưởng thế nào trong đời sống của cộng đồng người Việt tại hải ngoại?

CT: Thưa chị, tôi cũng, nói cho ngay, cũng bận rất nhiều về những công tác khác, những công việc khác, thứ nhất là mưu sinh, cho nên cũng không được nghe nhiều những âm nhạc mà cộng đồng Việt Nam ở đây thích; nhưng theo thiển ý của tôi, và theo những điều tôi nhận xét, có thể là rất chủ quan và phiến diện, thì âm nhạc nào cũng là hay cả, cái phát biểu của con người về âm nhạc cũng như là làm món ăn, làm bàn ghế, xây nhà cửa, không phải cái nào xấu, cái nào đẹp; âm nhạc là một lối phát biểu của con người mà mình phải quý trọng, nhưng mà có loại nhạc có thể bán chạy, có loại nhạc, không bao giờ bán được cả hay là bán chạy ít, cái đó là tùy thuộc khiếu thẩm âm của người thưởng ngoạn cũng như là túi tiền của người thưởng ngoạn, nhưng mà phần lớn là khiếu thẩm âm; vì thế nhạc của tôi, tôi không thể nói là để trên cái cán cân, có thành công hay không về mặt thương mại, bởi vì riêng tôi thì, tôi không có thu băng gì cả, có một số bài hát, thì một số ca sĩ có thu băng ở nơi nọ, nơi kia, nhưng hoàn toàn không phải do ý kiến của tôi; không biết người ta có bán được hay không, bởi vì tôi không trực tiếp ở trong chuyện đó, cho nên để trả lời câu hỏi của chị, tôi có ảnh hưởng gì trong cộng đồng không, thì tôi chắc là, riêng tôi, thì không có một chút nào cả.

TK: Trước khi từ giã xin anh nói một vài lời với những người bạn nhạc sĩ của anh ở Việt Nam.

CT: Cám ơn Thụy Khuê, tôi rất nhớ những người bạn đồng hành với tôi trong âm nhạc. Những người bạn đã sinh hoạt cùng với tôi, tôi rất nhớ, nhưng tôi tạm không có thể nêu tên lên được. Và những người bạn đó của tôi mà nghe tiếng của Cung Tiến trên làn sóng điện này, xin nhớ rằng Cung Tiến không bao giờ quên những người bạn.

TK: Chúng ta từ giã anh CungTiến bằng bản nhạc giao hưởng Chinh phụ ngâm, trong chuyển động III, tựa đề Khúc khải hoàn do ban nhạc giao hưởng Minneapolis trình bày dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Robert Bobzin.

Thụy Khuê

Nguồn: trích từ https://damau.org/74083/cung-tien-ni-ve-cung-tien

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây