Ngô Thế Vinh
4/7/2022
Hình 1: Nhạc sĩ Phạm Duy 90 tuổi; ảnh chụp vào dịp chuẩn bị sinh nhật thứ 90 của ông, trên đại lộ Thống Nhất tại bức tường trường Đại học Dược khoa, lúc này đang có một gốc cây đa bám vào vách tường rất đẹp, tôi chọn địa điểm này với ý nghĩa Phạm Duy là cây đa cổ thụ trong nền tân nhạc Việt Nam. [Photo và ghi chú của Nguyễn Phong Quang]
Lời Dẫn Nhập: Cám ơn bạn hữu gần xa, những người yêu mến nhạc và cả con người Phạm Duy, trong sự tin cậy, đã gửi và cả cho phép sử dụng các nguồn tài liệu quý giá trong đó có những thư từ trao đổi riêng tư với Phạm Duy cách đây cũng đã ngót 30 năm, không ngoài mục đích giúp người viết có chất liệu – đủ cho một cuốn sách, nhưng đó là công trình của tương lai. Đây chỉ một bài viết ngắn, nhưng cũng mong phác thảo được đôi nét chân dung của một nghệ sĩ lớn Phạm Duy — thần tượng của nhiều người qua nhiều thế hệ, với một cuộc sống đầy cảm hứng nhưng cũng rất phức tạp. Phạm Duy đã sống qua hai thế kỷ, “khóc cười theo vận nước nổi trôi” trong suốt chiều dài của một bi kịch Việt Nam cận đại, vừa hào hùng và cũng vô cùng bi thảm.
PHẠM DUY VÀ NHỮNG KHOẢNG CÁCH
Phạm Duy sinh năm 1921 hơn tôi 20 tuổi, khoảng cách một thế hệ, khác biệt trong mọi bối cảnh sinh hoạt và cuộc sống. Những năm 1940, thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi cùng gia đình tản cư lên sống ở một vùng quê Thanh Hoá trong Liên khu IV; trên những thửa lúa vàng, giữa tuổi ấu thơ, tôi đã cùng với đám trẻ quê nghêu ngao hát bài Em Bé Quê và mấy bài ca kháng chiến khác của Phạm Duy.
Ký ức chiến tranh lúc đó chỉ là hình ảnh một thị xã Thanh Hoá đang nguyên vẹn đẹp đẽ bị san bằng do chính sách “tiêu thổ kháng chiến” của Việt Minh. Liên Khu IV vẫn được coi như an toàn khu, không có lính Tây Lê-dương đến càn quét, và cảnh bom đạn nếu có là từ trên cao, với những chiếc máy bay Bê-Vanh-Nớp / B29 của Pháp bay dọc theo con sông Mã, gầm rú trên bầu trời, rồi từng đợt xả xuống những băng đạn lửa đum đum bắn chìm các thuyền đò, không có bộ đội chỉ có dân dã buôn bán di chuyển trên sông. Cảnh tang thương chết chóc lớn nhất mà tuổi thơ tôi đã chứng kiến là từng đợt máy bay Pháp bỏ bom oanh tạc ngôi chợ Rừng Thông với nhiều máu me và xác chết.
Năm 1951, khi hồi cư về Hà Nội, qua câu chuyện trong gia đình, tôi được biết, Phạm Duy tác giả Em Bé Quê đã có thời gian làm thợ sửa radio cho ông bác tôi ở phố Hàng Gai. Câu chuyện được nghe qua rồi cũng quên đi. Nhưng phải tới 70 năm sau, khi đọc cuốn Hồi Ký PD Tập I, tôi mới được biết về một Phạm Duy ở tuổi niên thiếu:
“Học chưa hết một niên khoá, tôi bị đuổi ra khỏi trường Kỹ Nghệ Thực Hành vì tôi phạm kỷ luật hơi nhiều: đánh nhau, bị cấm túc mà trốn ra khỏi trường. Tội nặng nhất là có một hôm, phạm một lỗi lầm nào đó nhưng không chịu được cái bợp tai của Besancon, tôi chửi nhau với xếp xưởng! Lại còn giơ búa định đánh nó nữa. Tôi bị đuổi ra khỏi trường ngay lập tức. Sợ ông anh quá, tôi không dám về nhà, đáp xe hàng về Trạm Chôi ở với gia đình vú… Sau vài ba tuần trốn mặt ông anh, tôi lò mò về nhà và bị đuổi ngay xuống garage ở.
Thế là sau khi đã bị coi như đứa bé rắn đầu ương ngạnh, tôi trở thành mục tiêu của sự dè bỉu nơi hai người anh ruột và anh rể. Một buổi tối nào đó, trong bữa cơm, không nhớ một trong hai người anh nói một điều gì quá đáng, tôi đập cửa ra đi. Đúng như lời mỉa mai của người anh rể, thường cho tôi là một kẻ sans foutiste, tôi ”đếch” cần tới sự vồn vã thương yêu hay sự che chở nâng đỡ của người lớn nữa rồi. Tới ở chung với một gia đình quen rồi sau vài tuần lễ, tôi xin được việc làm ở hiệu sửa radio Nguyễn Đình Thụ tại phố Hàng Gai.
[Kỹ sư Nguyễn Đình Thụ là anh của mẹ tôi, bạn của Thạc sĩ Phạm Duy Khiêm, anh của nhạc sĩ Phạm Duy – khi cả hai cùng du học tại Pháp. Ghi chú của người viết]. Phạm Duy kể tiếp:
Trước đây, dù mới ngoài 16 tuổi, tôi cũng có đôi chút kiến thức về radio và đã tự tay lắp được một máy radio nhỏ nghe bằng galène rồi, do đó tôi rất thích thú trong công việc mới mẻ này. Các máy radio của thời điện tử sơ khai còn dùng các bóng đèn và những mạch dẫn điện theo kiểu hétérodyne. Nếu so sánh với những chips điện tử bây giờ thì có thể nói rằng tôi đã đi vào điện tử ngay từ thời kỳ hồng hoang của nó. Làm thợ phụ, lương lậu không nhiều nhưng tôi rất vui vì kiếm ra những đồng lương đầu tiên trong đời mình. Hiệu sửa radio KS Nguyễn Đình Thụ ở ngay đầu Hàng Gai, tôi có dịp chứng kiến lối sống của lớp trẻ Hà Nội vào cuối thập niên 30 này.”
Ghi lại sự kiện này, chỉ để tôi không còn ngạc nhiên và hiểu được tại sao Phạm Duy lại có khả năng nhạy bén khi đi vào lãnh vực high tech của máy điện toán rất sớm từ thập niên 1980. Phạm Duy có lẽ là nhạc sĩ Việt Nam duy nhất và đầu tiên đã biết ứng dụng máy điện toán [computer] để sáng tác nhạc, viết hồi ký và phổ biến âm nhạc của mình.
PHẠM DUY VỚI CD-ROM MULTIMEDIA 1995
Những năm tháng sống ở Mỹ, xứ sở của khoa học kỹ thuật, Phạm Duy đã mau chóng tự học hỏi và thích nghi. Phạm Duy đã rất hãnh diện về bộ CD ROM Multimedia đầu tiên không phải của riêng ông mà của cộng đồng người Việt hải ngoại. Trong cuốn Hồi Ký PD Tập 4, Phạm Duy viết:
“Tôi là kẻ may mắn nhất vì được làm quen với computer từ buổi bình minh của phát minh này. Từ cuối thập niên 80, tôi và Duy Cường đã khởi sự dùng máy computer. Trước tiên, chỉ để thay máy đánh chữ, nhưng khi đó chưa có ai đưa được “fonts chữ Việt” vào máy computer. Chúng tôi phải tìm mãi mới kiếm ra được một ông kỹ sư tên là Nguyễn Văn Tâm * – đang làm cho Tổ Chức Không Gian NASA — là người đầu tiên viết ra ”fonts chữ Việt”.
*Ghi chú của người viết: từ trước cho đến nay, tôi chỉ được biết và quen hai kỹ sư Việt Nam ở Mỹ đã làm nên hai bộ nhu liệu [software] tiếng Việt.
Sớm nhất là KS Nguyễn Việt, sinh quán ở Hà Nội, lớn lên ở Đà Lạt, xuất thân là sĩ quan Hải quân VNCH từ 1969 tới 1975, di tản sang Mỹ 1975, tốt nghiệp kỹ sư BS 1979, rồi MS 1985. Anh sáng lập công ty Diplomat, có trụ sở ở Newport Beach, đã sản xuất được bộ chữ tiếng Việt VN Labs và được cấp bằng sáng chế từ 1985.
Người thứ hai là KS Hồ Thành Việt, sinh quán ở Nha Trang, trẻ hơn Nguyễn Việt 6 tuổi, cũng di tản sang Mỹ 1975, tốt nghiệp kỹ sư BS 1985, bước đầu làm cho công ty Diplomat sau đó có trụ sở riêng ở Westminster, sản xuất bộ chữ tiếng Việt VNI từ 1988. Tuy bộ chữ Việt VNI ra sau VN Labs của Nguyễn Việt, nhưng do Hồ Thành Việt có khả năng marketing tốt hơn, bộ VNI được sử dụng rộng rãi hơn trong giới truyền thông và cộng đồng người Việt.
Do Phạm Duy hai lần nhắc tới tên KS Nguyễn Văn Tâm làm cho NASA là “người đầu tiên viết ra fonts chữ Việt”, với sự thận trọng, người viết đã liên lạc với TS Trương Hồng Sơn tức nhà văn hoạ sĩ Trương Vũ, sang Mỹ từ 1975 và làm cho NASA cho tới khi nghỉ hưu, tôi nhận được email hồi âm của TS Trương Hồng Sơn: “Anh Ngô Thế Vinh ơi, tôi thật sự không biết. Hơi lạ. Tôi cũng không quen kỹ sư nào ở NASA tên Nguyễn Văn Tâm. NASA có nhiều trung tâm, ngoài số cơ hữu thì thành phần contractor khá đông nên có thể có mà mình không biết. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ như anh về những người đầu tiên làm nên bộ chữ Việt cho computer.”
Hình 5: Ban Hợp Ca Thăng Long và Đêm Màu Hồng Sài Gòn, hàng trước từ trái: Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh; hàng sau: Phạm Duy, Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Hoài Trung (Phạm Khắc Viêm). [nguồn: internet]
Tới thập niên 1960, khi tôi đã vào Đại Học Y khoa Sài Gòn, với sinh hoạt báo chí qua tờ báo Sinh Viên Y Khoa Tình Thương, quen biết với anh Lê Ngộ Châu, tôi có đôi lần gặp Phạm Duy ở toà soạn Bách Khoa. Phạm Duy không phải cây viết cho báo Bách Khoa nhưng rất thân với chủ nhiệm Lê Ngộ Châu, họ đã là bạn với nhau từ trong Liên Khu IV thời kỳ đầu kháng chiến. Bách Khoa có đăng một số bài của nhà nghiên cứu nhạc học George E. Gauthier người Canada viết về Phạm Duy [BK 332 (1/11/70), 334, 335, 337/338 (Xuân Tân Hợi), 339, 340, 342, 345, 346, 347, 350, 353, 354, 355, 363, 367, 372, và 375 (15/8/72), và cả bài phỏng vấn Phạm Duy của ký giả Lê Phương Chi. [BK 241-242, 243]. [tư liệu Phạm Lệ Hương]
Như câu chuyện dật sự, qua anh Lê Ngộ Châu, tôi còn được biết thêm về một số nét chân dung khác của Phạm Duy, kể cả trường hợp ra đời của bản nhạc Còn Chút Gì Để Nhớ phổ từ bài thơ Vũ Hữu Định ra sao.
Giai thoại 1: từ Lê Ngộ Châu và Trí Đăng [1970]
“Vào khoảng năm 1970 tòa soạn Bách Khoa nhận được bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định, một tên tuổi còn rất xa lạ với Lê Ngộ Châu nhưng do thấy bài thơ quá hay với hình ảnh nhẹ nhàng về phố núi Pleiku, Lê Ngộ Châu đã nhờ anh Trí Đăng [chủ nhà in Trí Đăng đang in báo Bách Khoa], chở xe gắn máy tới nhà Phạm Duy ở cư xá Chu Mạnh Trinh ngã tư Phú Nhuận, nơi quy tụ nhiều gia đình nghệ sĩ nổi tiếng như Năm Châu, Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, Minh Trang, Kim Tước… Lê Ngộ Châu đã đề nghị Phạm Duy phổ nhạc bài thơ Vũ Hữu Định – dù anh chưa biết Vũ Hữu Định là ai. Chỉ hai ngày sau Phạm Duy đã chắp cánh cho bài thơ bằng một ca khúc cùng tên và được phát ngay trên đài phát thanh Sài Gòn với giọng ca vượt thời gian của Thái Thanh. Phổ nhạc các bài thơ là một khía cạnh tài năng khác rất đặc biệt của Phạm Duy.” [https://www.voatiengviet.com/a/bach-khoa-le-ngo-chau/5943066.html]
Hình 6: Bìa gốc bản nhạc Còn Một Chút Gì Để Nhớ, thơ Vũ Hữu Định, Phạm Duy phổ nhạc 1970.
Giai thoại 2: từ Trương Điện Thắng với lời kể của Phạm Duy [2006]
Theo một nhà báo trong nước, Trương Điện Thắng thì: Những năm 1971-1972, bài hát Còn Chút Gì Để Nhớ của Phạm Duy là một trong những bài hát được yêu cầu nhiều nhất trong “Chương trình nhạc yêu cầu” trên đài Phát thanh Sài Gòn. Lúc đó tác giả bài thơ là nhà thơ Vũ Hữu Định — vừa qua tuổi 30, anh đang … trốn lính ở Sài Gòn và lang bạt ở Lâm Đồng, Bảo Lộc, Pleiku… Từ trong bóng tối với nhiều bút danh như Hàn Giang Tử, Vũ Hữu Định… chàng trai gốc An Cựu nhưng nói giọng Quảng Lê Quang Trung không nghĩ mình được nhạc sĩ tài ba Phạm Duy để ý.
Với bút danh Vũ Hữu Định, anh bắt đầu xuất hiện trên tạp chí Bách Khoa của Lê Ngộ Châu, tuần báo văn nghệ Khởi Hành của Viên Linh… Bài Còn Chút Gì Để Nhớ đăng trên Khởi Hành và được nhà văn Võ Phiến chép vào sổ tay. Sau này, khi chúng tôi gặp lại Phạm Duy ở Nha Trang trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 16 (12/2006), trong buổi ăn tối, Phạm Duy kể, ông đến chơi nhà Võ Phiến nhưng bạn đi vắng. Lân la chờ bạn trong phòng viết, thấy cuốn sổ tay bỏ ngỏ, ông giở vài trang đọc và bắt gặp bài thơ. “Lúc đó, tôi chưa biết anh Định là ai nhưng nhịp điệu và ngôn ngữ bài thơ làm tôi nảy ra ý định phổ nhạc.” [Còn Chút Gì Để Nhớ hay Số phận của mỗi tác phẩm, Trương Điện Thắng @T.Van 2017]
Giai thoại 3: từ Phạm Duy với mảng trí nhớ cuối đời [2012]
Trong cuốn sách Vang Vọng Một Thời do Phạm Duy biên soạn, Công ty Sách Phương Nam xuất bản 2015, Phạm Duy đã lại viết một phiên bản khác nữa về trường hợp phổ nhạc bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ, như sau:
“Saigon 1972. Tôi đi Pleiku để nghiên cứu nhạc Tây Nguyên. Trong một tuần lễ ở đó, tôi được gặp vài nhà thơ trẻ bị động viên đang đóng quân tại miền biên giới này. Lúc đó tỉnh lỵ Pleiku còn nhỏ hẹp lắm. Một nhà thơ trẻ Vũ Hữu Định, đã mô tả cái thành phố đi dăm phút đã về chốn cũ… trong một bài thơ rất dễ thương. Tôi phổ nhạc ngay lập tức, không thêm thắt hay sửa đổi một chữ nào trong bài thơ. Cũng vì tôi đang nghiên cứu nhạc Thượng nên tôi dùng ngay ngũ cung cơ bản – cung (do mi fa sol si do) trong phần giai điệu.” [Vang Vọng Một Thời, Phạm Duy biên soạn, Phương Nam xuất bản, 2015]
Hình 7: Cuốn sách Vang Vọng Một Thời và trang sách Phạm Duy kể về hoàn cảnh phổ nhạc bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định. [tư liệu Phạm Phú Minh]
Chỉ riêng việc Phạm Duy phổ nhạc một bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định, mà đã có tới 3 giai thoại / với 3 phiên bản khác nhau, và có thể còn thêm nhiều giai thoại khác nữa, tưởng cũng nên ghi lại ở đây, để độc giả tự tìm cho mình câu trả lời: đâu là một “sự thật – thật”.
…
Một đôi dịp khác, thảng hoặc tôi còn gặp Phạm Duy thoáng qua tại Quán La Pagode, nơi mà bạn văn Nguyễn Đình Toàn, ngoài giờ làm việc ở đài phát thanh, hầu như hàng ngày ra ngồi viết nơi quán Cái Chùa. Nguyễn Đình Toàn kể như một giai thoại vui là: Phạm Duy nó bị chứng cứng tay toa ạ, không bao giờ nó đưa được tay ra túi sau đụng vào chiếc ví của nó. Toàn nhỏ hơn Phạm Duy 15 tuổi, nhưng vẫn cứ xưng là mày tao – cũng như Mai Thảo vẫn xưng mày tao với Vũ Hoàng Chương hơn Mai Thảo tới gần một con giáp.
Vào thời gian đó, tôi cũng được đọc hai cuốn sách viết về Phạm Duy, một của Tạ Tỵ: Phạm Duy Còn đó Nỗi Buồn (1971), một của Nguyễn Trọng Văn: Phạm Duy đã Chết Như thế nào? (1971)
Sau 1975, từ trong trại tù cải tạo, tôi và các bạn tù cũng đã nghe những tin đồn lạ từ xa vọng về: nào là thống tướng Nguyễn Cao Kỳ đã về tới khu Công Giáo Tân Sa Châu, cầm đầu một tổ chức kháng chiến mưu đồ phục quốc, ly kỳ hơn nữa là câu chuyện Phạm Duy bị thổ huyết chết ngay trên một sân khấu ở Mỹ khi ông đang ôm đàn hát bài “Bầy Chim Bỏ Xứ”…
CON ĐƯỜNG CÁI QUAN RA TỚI HOÀNG SA – TRƯỜNG SA
Tôi qua Mỹ 8 năm sau, và gặp lại Phạm Duy ở miền nam California trong một bối cảnh hoàn toàn khác. Không biết tôi đã gắn bó với dòng Mekong-Cửu Long từ bao giờ, nhưng bài hát Chiều Về Trên Sông của Phạm Duy cũng đã góp phần không nhỏ nuôi dưỡng tình yêu của tôi với con sông thắm đỏ phù sa ấy.
Vào thập niên 1990s khi tôi đang viết những chương sách cuối cho cuốn Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng, trước viễn cảnh một Việt Nam bị hãm vây bởi Trung Quốc, không chỉ với con sông Mekong đổ xuống từ thượng nguồn, mà cả ngoài Biển Đông, Trung Quốc đã cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam từ 1974, và đánh chiếm đảo đá ngầm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa 1988.
Với Trường Ca Con Đường Cái Quan của Phạm Duy – con đường Việt Nam thống nhất chạy xuyên suốt từ ải Nam Quan xuống tới mũi Cà Mau đã như một nối kết lòng người. Nhưng nếu nhìn xa, Con Đường Cái Quan không dừng lại ở đó, bởi vì trong tâm khảm mỗi người Việt, Con Đường ấy còn thêm cả khúc đường biển tiếp nối ra tới hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam. Đó cũng là lý do cuộc gặp gỡ giữa tôi với nhạc sĩ Phạm Duy với một gợi ý cách đây 27 năm. Chắc ông còn nhớ buổi nói chuyện với tôi trong căn nhà thân thuộc trên đường Hunter nơi Thị trấn Giữa Đàng ngày nào. Bởi vì sau cuộc gặp gỡ ấy, Phạm Duy vẫn đều đặn gửi cho tôi các tài liệu liên quan tới những sinh hoạt của ông.
Trước viễn ảnh một Biển Đông Dậy Sóng, những dòng chữ này một lần nữa gửi tới ông (2006) qua một chương sách Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, vẫn với tâm cảnh của “tam bách dư niên hậu” với niềm tin rồi ra cho dù thời gian xa tới đâu, Hoàng Sa – Trường Sa cũng sẽ lại “châu về Hợp Phố”.
HỒI KÝ PHẠM DUY
Bộ Hồi Ký 4 Tập của Phạm Duy, với 3 tập đầu do Phạm Duy Cường Xuất Bản, từ trái, Tập I: Thời Thơ Ấu – Vào Đời (1990), Tập II: Thời Cách Mạng – Kháng Chiến (1989), Tập III: Thời Phân Chia Quốc Cộng (1991); Tập IV: Thời Di Cư Qua Mỹ: chưa in, chỉ phổ biến qua bản PDF.
Hình 8: Hình bìa 3 Tập Hồi Ký 1, 2, 3 của Phạm Duy do Phạm Duy Cường Xuất Bản. Tập 4: Thời Di Cư Qua Mỹ: phổ biến qua bản PDF. Ảnh bìa của Trần Đình Thục. [tư liệu của Nguyễn Công Thuần]
Bộ hồi ký 4 tập của Phạm Duy với hơn 1500 trang, qua giọng văn mộc mạc và bộc trực, Phạm Duy đã ghi lại khá trung thực các giai đoạn hào hùng và thăng trầm của cuộc đời ông và cũng là của đất nước qua hai thế kỷ. Điểm tích cực là qua bốn tập sách ấy, Phạm Duy không hề bêu xấu ai, và cả không che giấu những chi tiết rất riêng tư của mình. Không chỉ là một nhạc sĩ với tài năng lớn – có người gọi ông là thiên tài, nhưng qua bộ hồi ký, Phạm Duy còn là một nhà văn, với những trang sách ông viết tràn đầy sức sống và cảm xúc, rất hấp dẫn và cảm động. Với Một Ngàn Lời Ca, Phạm Duy còn là một nhà thơ.
Một học giả Mỹ, Tiến Sĩ Eric Henry đã cho rằng bộ hồi ký đồ sộ của Phạm Duy không chỉ hấp dẫn, nó còn giúp cho giới nghiên cứu tìm hiểu về xã hội Việt Nam qua các cuộc chiến tranh và những năm tháng hoà bình. Bản dịch tiếng Anh cuốn Hồi Ký Phạm Duy / The Memoirs of Phạm Duy đã được TS Eric Henry hoàn tất và được Cornell University Press nhận xuất bản. Một dự án hai bước [có một bản dịch hoàn chỉnh, và tìm được một nhà xuất bản Mỹ uy tín]; là điều mà Phạm Duy khi còn sống đã vô cùng ao ước. Nhưng sau khi Phạm Duy mất, do không có được sự đồng thuận của các người con Phạm Duy, The Memoirs of Phạm Duy cho đến nay vẫn chưa được phép xuất bản.
Hình 9: Phạm Duy và TS Eric Henry, dịch giả Bộ Hồi Ký Phạm Duy, đã gặp lại nhau trong một quán cà phê tại Sài Gòn ngày 30/07/2009. Bộ ảnh cùng với các ghi chú hài hước của nhiếp ảnh gia Nguyễn Phong Quang, bạn của Eric, được sắp xếp theo chiều kim đồng hồ, từ trên trái: (a) kể lể cho nhau nghe, trên phải: (b) tranh luận, dưới phải: (c) không dễ để thuyết phục được nhau, dưới trái: (d) cuối cùng chúng tôi đã có tiếng nói chung. [photo & ghi chú của Nguyễn Phong Quang, tư liệu Eric Henry gửi cho Ngô Thế Vinh]
Hình 10: Phạm Duy đang khoe với hai ký giả Phố BolsaTV bản dịch tiếng Anh bộ Hồi Ký Phạm Duy 4 tập của TS Eric Henry. Theo dịch giả Eric Henry, sau khi Phạm Duy mất, vì chưa có được sự đồng thuận của tất cả những người con Phạm Duy nên cho đến nay The Memoirs of Phạm Duy vẫn chưa được phép xuất bản. [tư liệu của BolsaTV 26.01.2012]
MỘT GIAI ĐOẠN CHỐNG CỘNG VÀ LAO ĐỘNG NUÔI CON
Phạm Duy tuy “nổi tiếng” về cuộc đời tình ái rất đa đoan của ông; nhưng nếu đã quen Phạm Duy, ai cũng biết ông là người cha rất thương các con. Cho dù đã là một nhạc sĩ với tên tuổi, nhạc của ông được ưa chuộng và hát khắp năm châu, tiền cachet của ca sĩ hát nhạc Phạm Duy có thể cao, nhưng lại không có phần đền bù tương xứng cho người nhạc sĩ sáng tác tài danh ấy.
Có thể nói, ở hai thập niên đầu sau 1975, cuộc sống tỵ nạn của gia đình Phạm Duy khá chật vật, nhưng Phạm Duy vẫn luôn luôn lạc quan, và không từ nan làm bất cứ công việc gì để cải thiện sinh kế nuôi vợ là Thái Hằng và một đàn 8 đứa con. Hai năm đầu tỵ nạn sống ở Florida, ngoài các tours trình diễn nhỏ, Phạm Duy còn viết sách nhạc dạy Tự Học Đàn Guitare, in lại các băng cassette* cũ mà ông mang theo được theo lối thủ công để bán và phát hành qua đường bưu điện… vậy mà ông “nuôi nổi cả gia đình, một nửa ở Mỹ, một nửa ở Saigon”.
[*Trong Hồi Ký PD Tập IV, Chương I, Phạm Duy kể: Khi vội vã ra đi, vợ chồng mang theo được 2 va li nhỏ, tới đảo Guam thì bị mất một va li đựng quần áo ấm, nhưng may mắn còn chiếc va li thứ hai đựng nhiều kỷ vật vô giá như ảnh cũ, băng nhạc cũ.]
Bao nhiêu tiền kiếm được Phạm Duy hết sức dành dụm để gửi về nuôi 4 người con trai còn kẹt lại ở Việt Nam, và sau đó đủ tiền mua chỗ cho chúng vượt biển thành công sang đoàn tụ với bố mẹ. Phạm Duy tiết kiệm tới mức, khi hai đứa con nhỏ xin tiền bố mua đồ chơi và ông không cho, tụi nó gọi Phạm Duy là “Bố keo”.
Tính “keo” của Phạm Duy là một đức tính của ông – nhưng lại bị nhiều người đem ra bỉ thử. Phạm Duy có người vợ hiền là Thái Hằng, được nhiều người tôn vinh là bà thánh. Bà đã hy sinh sự nghiệp ca hát rất sớm từ khi sinh đứa con cuối cùng là Thái Hạnh, và để toàn thời gian chỉ để chăm sóc chồng và tám đứa con. Nhưng Thái Hằng không phải là Bà Tú Xương:
Quanh năm buôn bán ở ven sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng
Khác với ông Tú, Phạm Duy một vợ và có tới 8 người con, chỉ có một mình ông cáng đáng lo toan phần sinh kế gia đình. Ông không chỉ là một nghệ sĩ lớn có sức sáng tác rất sung mãn, đi trình diễn khắp đó đây, khiến nhà thơ Nguyên Sa đã gọi ông là “Phạm Duy Đại Lực Sĩ”, và cả ví von “Hình ảnh Phạm Duy là một thanh niên ngàn năm hai mươi tuổi.” [trích Nghệ Sĩ Việt Nam ở Hải Ngoại]. Không những thế ông còn là một người cha rất có trách nhiệm và thương con. Có lần ông nói thẳng với người bạn thân: “Nếu không như vậy thì ai là người nuôi đám con moa.” Biết được như vậy, người ta chỉ có thể cảm phục Phạm Duy hơn.
Từ Florida dọn về California, nơi có đông đảo cộng đồng người Việt, Phạm Duy vẫn phải lao động cật lực nuôi một gia đình đông đúc 12 người: vợ chồng Phạm Duy, với 8 người con và cả các cháu nội ngoại trong một căn nhà 3 buồng ở Midway City, mà Phạm Duy đặt tên là Thị Trấn Giữa Đàng.
Hình 11: Gia đình Phạm Duy đông đúc 12 người đoàn tụ trong một căn nhà 3 buồng nơi Thị Trấn Giữa Đàng / Midway City. [tư liệu Phạm Duy, Hồi Ký PD 4]
Điều mà không phải ai cũng biết là Phạm Duy đã từng có dự định: mở quán ăn hay làm nhân viên địa ốc mua bán nhà cửa, và rồi ông nhận làm cả dịch vụ tài xế hàng ngày lái xe đưa đón các bệnh nhân tới phòng mạch các bác sĩ ở Quận Cam. Cùng một lúc ông vẫn dành tất cả thời giờ còn lại cho âm nhạc, cho niềm đam mê của mình.
Phạm Duy viết trong Hồi Ký PD Tập 4:
“Trong thời gian tôi gặp Nguyễn Chí Thiện, anh bạn của tôi là bác sĩ Trần Ngọc Ninh đã từ Denver (Colorado) dọn về mở phòng mạch tại Santa Ana. Tôi vừa mua được một căn nhà mới ở ngay cạnh căn nhà cũ để “cứu sống” mười hai mạng người trong gia đình, bấy lâu nay vì ở chung một nhà chỉ có ba phòng ngủ và một phòng vệ sinh độc nhất cho nên vào mỗi buổi sáng (nói đùa đấy nhé) phải “giết” nhau mới làm được việc tiểu tiện, đại tiện, đánh răng, rửa mặt, tắm rửa! Bỏ thêm chút tiền xây thêm phòng ngủ, phòng tắm cho cả hai căn nhà, từ nay trở đi gia đình chúng tôi sống êm thắm như trong bài học của sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Tôi có đầy đủ sự yên tĩnh để làm hai công việc vừa khởi sự là soạn tài liệu cho bài thuyết trình về Năm Mươi Năm Tân Nhạc và phổ một số bài thơ của Nguyễn Chí Thiện thành 20 bài ngục ca.
Giải quyết xong vấn đề ăn ở cho toàn thể gia đình, tôi rất rảnh rỗi, nhân anh chị Ninh cần người đưa đón bệnh nhân (người già hoặc mới qua Mỹ chưa có xe hơi), tôi không nề hà nhận làm việc này ngay. Tôi đã từng làm thợ rèn, thợ điện, nông phu, thầy giáo trong thời niên thiếu. Qua Mỹ, đáng lẽ tôi cũng phải làm việc chân tay nhưng tôi khéo xoay sở nên được làm công việc trí óc.
Bây giờ tôi đang có phương tiện (xe hơi), sức khoẻ và thời giờ — lúc này chưa được nhiều nơi mời tôi đi hát như trong những năm sau –, tại sao tôi không dùng nó để kiếm tiền nhỉ? Dù chỉ là tiền “petty cash” cao hơn tiền xăng nhớt một chút thôi! Nhưng công việc rất nhàn nhã này không kéo dài vì xảy ra vụ một số y sĩ gian lận về medicare bị đưa ra toà. Khi nhận giúp việc cho cả hai bên bệnh nhân và bác sĩ, rất ngây thơ và ngay thẳng, tôi không biết tới chuyện lạm dụng này, bởi lẽ giản dị anh Ninh không hề làm chuyện đó. Nay thấy cần phải tránh xa cái thế giới đang có “sì căng đan” lớn nên tôi “sì tốp” ngay việc giúp bệnh nhân đi khám bệnh. Vả lại tôi đã khởi sự được mời đi hát sau khi soạn xong 20 bài ngục ca.
Dù sao đi nữa, tôi muốn cám ơn những ngày được làm nghề tài xế cao quý (giống như các ông hoàng Nga trắng tị nạn Cộng Sản ở Paris) vì tôi có dịp tiếp xúc với người dân thường, hoặc đã qua Mỹ từ 1975 hoặc vừa mới tới đây bằng đường vượt biên.
Tôi được biết rõ tâm tình của người tị nạn, biết thêm những chuyện vui buồn thầm kín trong xã hội lưu vong. Cuộc tiếp xúc thân mật với dân chúng lần này trong chiếc xe hơi chẳng khác chi lúc tôi đi hát bằng xe lửa, ô tô buýt, bằng thuyền và thời tôi đi bộ trong kháng chiến, đi tới đâu tôi cũng học hỏi rất nhiều ở người dân.
Hình 12: Nhạc sĩ Phạm Duy và Bác sĩ Trần Ngọc Ninh, trong thập niên 1980. Bác sĩ Trần Ngọc Ninh là thuyền nhân rất sớm từ 1977 tới được Mã Lai, rồi tỵ nạn ở Mỹ – sau khi lấy lại bằng hành nghề y khoa xong, từ Denver (Colorado) dọn về mở phòng mạch tại Santa Ana. Phạm Duy viết: “nhân anh chị Ninh cần người đưa đón bệnh nhân (người già hoặc mới qua Mỹ chưa có xe hơi), tôi không nề hà nhận làm việc này ngay.”
Ngoài ra, đưa bệnh nhân tới phòng mạch phải ngồi chờ rất lâu rồi mới đưa bệnh nhân về nhà, tôi có nhiều thời giờ để sáng tác. Tại phòng khám bệnh của bác sĩ Ninh, trong khi anh bạn bắt bệnh nhân thè lưỡi ra coi hay xắn tay đo tension, tôi ngồi cắn bút viết ngục ca bên cạnh những chai nước khử trùng. Hèn gì ngục ca có mùi nhà thương trong nhạc, ngoài mùi nhà tù của thơ. Có lúc rỗi rãi, chúng tôi ngồi nói chuyện văn nghệ văn gừng trong phòng mạch hay trong quán ăn trưa ở gần đó. Có thể nói bác sĩ Trần Ngọc Ninh là thính giả đầu tiên của những bài ngục ca.”
LÁ THƯ ĐẦU NĂM ẤT HỢI 1995
Mùng Một Tết Ất Hợi, 31 February 1995
Hôm nay, ngày đầu năm, tôi khai bút (đúng ra là khai máy vi tính) để báo cáo anh chị vài tin mừng:
1. Gia đình tôi vừa có thêm cháu ngoại, con gái của Thái Thảo/Tuấn Ngọc, ra đời vào đúng ngày cuối năm, giống như bà ngoại cháu 65 năm về trước.
2. Tổ chức Phạm Duy Foundation dự tính thành lập từ lâu, nay đã chính thức ra đời. Người sáng lập là chị Phan Tú Khanh ở Los Altos, CA-USA. Hiện nay đã có bản điều lệ (by-law) (1) để gửi tới những người mà tôi mời vào Hội Đồng Quản Trị (Board of Trustees) (2) Lẽ tất nhiên tôi kính mời bạn làm hội viên hoặc bảo trợ viên của foundation này. Có thể foundation sẽ chính thức công bố (hay mở kỳ họp đầu tiên) vào tháng 4-1995 để đánh dấu 20 năm hải ngoại. Và một trong những công tác đầu tiên là tổ chức một cuộc hội thảo (symposium) về Nhạc PD hay chỗ đứng của PD trong lịch sử tân nhạc.
3. Dù chưa chính thức hoạt động, foundation đang bảo trợ tinh thần việc thực hiện một CD ROM về Nhạc PD. Tôi và kỹ sư Bùi Cương (là người nắm phần kỹ thuật) đã đồng ý đưa nhạc phẩm CON ĐƯỜNG CÁI QUAN vào CD ROM này có thể hát phần Việt ngữ theo kiểu karaoke. Hoặc cho con cháu hát theo để không quên tiếng Việt.
Vì là đĩa audio-visual có tính chất multimedia, ngoài trọng tâm là âm nhạc ra, CD ROM này còn có thêm những mục như:
- mục giải thích (bằng Anh, Việt ngữ) (3) những nhân vật hay sự việc mang tính chất huyền sử, lịch sử trong trường ca.
- mục viết về trường ca ra đời trong hoàn cảnh nào, phổ biến ra sao…
- mục giải thích nhạc ngữ, lời ca của trường ca.
- tất cả những bài báo viết về trường ca này trong mấy chục năm qua đều được cho vào CD ROM.
- Rất nhiều hình ảnh quê hương cũng hiện diện trong CD ROM.
Những tin vui này đã đến với tôi trước khi chúng ta bước vào năm mới, một năm mà tôi tưởng rằng sẽ chẳng còn gì để nói, để làm nữa. Tôi không ngờ rằng trước khi nhắm mắt lại được thấy phần thưởng cao quý nhất đến với tôi, không phải đến từ chính quyền trong nước hay một hàn lâm viện quốc tế… mà hoàn toàn đến từ những người yêu nhạc mà chị Phan Tú Khanh là đại diện tích cực nhất.
Phần thưởng không kém phần quý báu là kỹ sư Bùi Minh Cương đã giúp tôi phổ biến tác phẩm qua hình thức CD ROM. Trong tương lai gần, với sự giúp đỡ của bạn bè, tôi có thể dễ dàng cho phần văn chương gồm cuốn NGÀN LỜI CA và 4 cuốn hồi ký, và phần âm nhạc với một số hoặc tất cả trên dưới 1000 nhạc phẩm của tôi vào CD ROM.
Tôi nghĩ rằng, vào ngày đầu của một năm mới, điều đẹp nhất đối với tôi là xin được chia vui cùng bạn. Không tiêu cực như vào lúc đầu của kiếp lưu vong, hai mươi năm đã trôi qua, được tiếp tục hành nghề hát rong và nhất là được sống ở một nước với nền kỹ thuật cao nhất và biết đem kỹ thuật vào nghề mọn của mình, với kết quả tích cực nhất… thật là đáng sống! Hoan hô cuộc đời.
Chúc bạn, bước vào một năm mới, cũng vui như tôi. Rất thân ái.
(1) Trang đầu đính kèm vào thư này. Xin coi mục đích của tổ chức nơi Article 2: Purposes
(2) Tôi trân trọng mời các bạn Đỗ Văn (Anh Quốc), Thuỵ Khuê (Pháp Quốc), Mộng Thường (Úc), Đỗ Quý Toàn (Gia Nã Đại), Steve Addiss, Nguyễn Ngọc Bích, Đỗ Ngọc Yến, Phạm Văn Kỳ Thanh (Mỹ)…
(3) Ai là người có thể giúp tôi Pháp Ngữ?
T.B._ Lê Hữu Khoá có đồ án về Symposium, đính kèm.
Hình 13: Trên, thư viết tay Phạm Duy gửi Ngô Thế Vinh. Giữa, Khai bút đầu năm Ất Hợi 1995 của Phạm Duy gửi bằng hữu. Từ trái dưới, trang phác thảo dự án cuộc hội thảo “nghiên cứu về sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy” của Lê Hữu Khoá, Giám đốc Nhóm Nghiên cứu về Di dân Đông Nam Á / GRISEA (Groupe de recherche sur l’Immigration du sud-est asiatique) từ Paris; và bản điều lệ của Phạm Duy Foundation. [tư liệu Ngô Thế Vinh]
VỀ VIỆT NAM VÀ NHỮNG CHUYẾN ĐI THĂM DÒ
Nhiều người vẫn nghĩ Phạm Duy chỉ có ý định về sống ở Việt Nam sau cái chết của Thái Hằng 1999, nhưng không hoàn toàn đúng như vậy. Khá sớm từ trước 1994, qua nhưng thư từ gửi về Việt Nam, và cho bằng hữu, Phạm Duy đã có những ngỏ ý là muốn về sống ở Việt Nam, cả với hy vọng đòi lại được 3 căn nhà ở Phú Nhuận mà ông bỏ lại khi vội vã bỏ nước ra đi năm 1975.
Trong một thư riêng viết ngày 16/08/1994 gửi cho người bạn trẻ đang làm việc ở Singapore là Võ Tá Hân, tốt nghiệp MIT, một chuyên gia kinh tế ngân hàng, đang là Tổng Giám đốc của Singapore Finance, Võ Tá Hân cũng là tay đàn guitare cổ điển có hạng và rất mê nhạc Phạm Duy và là cháu ruột gọi nhà văn Linh Bảo là cô.
Phạm Duy viết: “Anh Hân thừa biết tôi đang được dân chúng hải ngoại yêu mến như thế nào rồi. Bây giờ mà tôi trở về với nhà nước vẫn còn là cộng sản, thì họ sẽ tẩy chay ngay”.
Cũng trong bức thư ấy, Phạm Duy viết tiếp: “Anh nên nhớ từ 1988, với 10 bài Rong Ca, tôi đã chấm dứt cái thứ âm nhạc được gọi là “chống cộng” rồi. Rong Ca là bỏ quên thế kỷ 20 đi, nhắm tới thế kỷ mới mà sống.” Rồi Thiền Ca là gì? Là: Tròn như viên đạn đồng đen, đã khô vết máu quên miền chiến tranh. Viên đạn sinh ra để giết người, thế mà nó còn quên được chiến tranh huống chi con người. (Chính quyền cũng đã quên được “lũ giặc lái Mỹ” ném bom cơ mà). Và nếu nghe Bầy Chim Bỏ Xứ thì thấy tôi đưa ra chủ trương chim lành chim dữ đều có thể sống chung với nhau được. Trong phần cuối bài tôi nói: diều hâu bạo dữ mời đi giữ biên cương… có nghĩa là chúng ta cũng rất cần có người cộng sản để ngừa Trung Hoa lúc nào cũng lăm le tràn xuống nước ta chứ!
Dầu sao đi nữa, tôi sung sướng vô cùng khi thấy có một số người trẻ hiểu tôi như anh Đỗ Trung Quân, Lưu Trọng văn (*con trai Lưu Trọng Lư). Hồi tôi gặp Trần Tiến ở Pháp cũng nghe nói Dương Thụ hết lòng bênh vực tôi. Thế là đủ rồi! Chẳng cần tới một hay hai vị quan chức “đoái thương” tới l’enfant prodigue — đứa con hoang đàng này ! Tôi nghe anh Trần Văn Khê nói rằng trong ban thường vụ chỉ có 2 người chống tôi thôi…” Thư Phạm Duy, 16/08/1994*
HOÀNG THƯỢNG KHANH VÀ CA KHÚC VỀ MIỀN TRUNG
Qua nhà văn Phan Lạc Tiếp từ San Diego, Phạm Duy mừng rỡ tìm lại được người bạn kháng chiến từ Bình Trị Thiên hơn nửa thế kỷ trước, hiện đang sống ở Hà Nội, anh tên Hoàng Thượng Khanh. Và tiếp ngay sau đó là những bức thư đầy cảm xúc của Phạm Duy gửi cho Hoàng Thượng Khanh.
Hình 14: Hình trên là bức thư thứ nhất, Phạm Duy viết tay ngày 19/06/1994 gửi qua máy Fax của Võ Tá Hân ở Singapore để được chuyển về Hà Nội. [tư liệu của Võ Tá Hân]
Bức thư thứ hai,
Ngày 04/07/1994,
Anh Hoàng Thượng Khanh,
Hai tuần trước, khi Phan Lạc Tiếp gọi điện thoại cho tôi biết đã gặp Hoàng Thượng Khanh ở Hà Nội thì tôi rất mừng và sau vài dòng chữ viết vội cho Khanh, tôi đã nhận được thư Khanh. Thư vẫn là của con người super sensible mà tôi đã quen ở Huế hồi 1944 khi tôi là ca sĩ của gánh hát Đức Huy và hồi 1946 khi tôi hát ở Quán Nghệ Sĩ, con người sau đó vào năm 1948, đã chia ngọt sẻ bùi với tôi trong một thời gian khá lâu ở chiến khu Ba Lòng, Quảng Trị.
Trong một nửa thế kỷ mà C.V. Gheorghiu và Günter Grass gọi là thời chó má, Camus gọi là thời dịch hạch, Marquez gọi là thời thổ tả vì sự tung hoành của những guồng máy quyền lực liên tiếp xô đẩy thế giới xuống chết chóc tan lìa (Việt Nam là nạn nhân của mấy đế quốc này)… và nhất là sau gần nửa thế kỷ xa cách nhau, thế mà anh và tôi vẫn còn sống sót để gặp nhau ngày hôm nay qua thư từ, và một ngày gần gũi nào đó qua một cái ôm hôn “cười trong nước mắt, khóc trong nụ cười”… chao ôi là hạnh phúc !
Tôi nhớ nhất là những ngày cùng anh ngồi bên những con suối không tên ở chiến khu, lau rửa những vết sâu quảng đỏ loét ở chân mình, đời sống lúc đó cực kỳ gian khổ mà tại sao lòng mình thảnh thơi đến thế? Tại sao chỉ ăn cơm hẩm với mắm tôm, chịu đựng một cơn bão rừng ghê gớm (Khanh còn nhớ trận bão đó không?) sống rất nguy nan giữa lòng địch ở Đại Lược… thế mà tôi vẫn có thể soạn được những bài hát cao lớn như Về Miền Trung, Bà Mẹ Gio Linh, Mười Hai Lời Ru? Câu trả lời cũng giản dị: vào lúc đó chúng ta còn rất trẻ, chúng ta rất yêu nước và riêng tôi thì được hưởng một tình bạn rất thân thiết mà anh đã ban tặng cho tôi. Trong thư, anh viết” “không một lúc nào quên Duy”, trong thư này tôi cũng xin viết như anh: “không một lúc nào quên Khanh”. Và xin viết thêm: “không có Khanh, chưa chắc tôi đã có bài Về Miền Trung!
Với thư này, tôi mong Khanh còn nhớ được kỷ niệm nào của chúng mình trong ba lần gặp nhau đó thì viết vào giấy hay nói vào băng cassette rồi gửi cho tôi để giữ làm tài liệu sống cho một bảo tàng viện về tôi (chắc chắn) phải có trong tương lai. Ở hải ngoại, tôi đã có vài “PD Học Hội” được thành lập để người yêu nhạc làm công việc sưu tập tài liệu và truyền bá nhạc PD.
Nhạc của tôi như Khanh sẽ thấy, không chỉ hoàn toàn là những hùng ca hay bi ca của một dĩ vãng vừa huy hoàng, vừa bi đát hay là những dằn vặt về thân phận con người (nhất là con người biệt xứ) hoặc những nỗi bất bình về tình hình đất nước… Nó còn mang dấu tích tư liệu của một người chứng thời đại, chẳng hạn Rong Ca là những trầm tư của một người Việt đã qua cầu thế kỷ 20, nay hát cho những năm 2000, nhưng nó không có cái nhìn khe khắt như các vị C.V. Gheorghiu và Günter Grass gọi là thời chó má, Camus gọi là thời dịch hạch, Marquez gọi là thời thổ tả kể trên.
Một nhà phê bình về tôi đã cho rằng “Hát về thế kỷ, hát về những chiều kích không gian thoáng rộng và thời gian dài không thể hát từ cõi tâm chật hẹp bị vướng mắc trong những khoảng cách, phân biệt. Phải đủ sức bay của chim Bằng mới bay khỏi tầm nhìn hữu hạn của thế gian mà có cái nhìn mênh mông hơn.” Đạo Ca, Thiền Khúc của tôi cũng không là tiếng hát của thằng mõ trong làng nữa, nó là tiếng ca vừa nhân hoà, vừa nhiên hoà của một bõ già chứng nhân của thời đại. Có câu hát này tôi cho là đắc ý :
Tròn như viên đạn đồng đen
Đã khô vết máu quên miền chiến tranh
Lẽ tất nhiên, Khanh cũng cho tôi biết Khanh đã sống ra sao trong một đất nước đã có quá nhiều oan khiên mà sự giải oan không có thể được giải quyết trong một năm, một tháng hay một ngày được. Chúng ta sẽ tránh không nói chuyện chính trị. Chúng ta chỉ trao nhau những lời tâm sự của hai thằng bạn già. Đúng như Khanh nói: “thì giờ còn lại ít lắm”! Và tôi cũng đã từng hát: “còn một ngày, vui muôn nỗi vui”! Vậy viết thư dài nhé, nên nhờ người bạn của tôi là chị Văn Dương Thành – mà chắc anh đã gặp — gửi đi cho đỡ tốn tiền tem.
Cuối cùng, vì được hân hạnh biết Tố Uyên, là bạn của Băng Thanh [là em gái nhà văn Linh Bảo, ghi chú cùa người viết], xin cho tôi gửi lời chào thân mến tới cô gái Huế họ Võ, người đã cùng em gái và tôi – trong một tiền kiếp nào đó — rảo bộ trên một con đường Vỹ Dạ, có nắng hạ có gió hè, xiết bao êm ấm.
Rất thân ái,
Phạm Duy
Kèm theo bức thư này, là một thư viết tay 3 ngày sau 7/7/94 gừi Võ Tá Hân:
Ngày 15/08/1994, Phạm Duy cũng từ Thị Trấn Giữa Đàng fax cho Võ Tá Hân, một bức thư thứ ba viết cho Hoàng Thượng Khanh, người bạn cố tri đang sống ở Hà Nội. Trong bức thư gửi bạn, Phạm Duy muốn bộc lộ hết tâm can:
Anh Hân,
Tôi vừa nhận được thư của Hoàng Thượng Khanh. Vội fax thư sau đây nhờ Hân chuyển cho ông ta. Cám ơn nhiều./.
Bức thư thứ ba
15 tháng 8, 1994
Anh Hoàng Thượng Khanh,
Hôm nay bà Nguyễn trở về Mỹ, đem theo thư của Khanh và ảnh Khanh do bà ta chụp. Khanh có vẻ bình tĩnh hơn trong ảnh do anh Võ Tá Hân chụp tháng trước. Bravo!
Vì Khanh muốn biết “gia cảnh” của mình nên xin “báo cáo”:
“Tới tháng 10 này, Duy vừa đúng 75 tuổi. Là người có nhiều tình nhân nhất trong đám văn nghệ sĩ lãng mạn thời 45, vậy mà Duy là người chồng ngoan nhất, vẫn cứ thờ một bà Thái Hằng mà tướng Nguyễn Sơn làm mối và chủ hôn, (này, nếu Khanh gặp bà Nguyễn Sơn thì hỏi có còn giữ tấm ảnh đám cưới của Duy-Hằng không?).
Vợ chồng nhà này sống với nhau gần nửa thế kỷ rồi, có 8 con (5 trai, 3 gái và 6 cháu nội ngoại) hầu hết đã có vợ có chồng nhưng vẫn còn ở chung với cha mẹ trong ba căn nhà ở cùng phố. Tụi này ở nước Mỹ đã 20 năm, trước kia đi làm có đóng thuế đầy đủ nên từ ngày về hưu (từ 1985 – PD nghỉ hưu ở tuổi 64) được lĩnh tiền vừa đủ để sống mà không cần nhờ vả tới các con. Nói chung, từ ngày rời miền Bắc vào Nam (1951) gia đình này lúc nào cũng đủ ăn và trước khi đi Mỹ, có 3 căn nhà ở Phú Nhuận. Qua Mỹ với 20 dollars trong túi, tụi này làm lại cuộc đời và cuối cùng cũng có được 3 căn nhà như xưa.
Trong mấy năm qua, tình hình thay đổi, Duy ngỡ rằng có thể bán nhà ở Mỹ đem tiền về sống nốt những ngày còn lại ở quê nhà… Thế nhưng vào tháng 4 năm nay 1994, vợ con Duy về Việt Nam rồi khi họ trở về Mỹ, thì Duy thấy rằng sự trở về của Duy chưa thuận tiện chút nào cả. Thôi thì đành ở lại cái đất “tạm dung” này vậy! Nói cho ngay, Duy cũng đã quá quen với đời sống Mỹ Quốc rồi, về già, vấn đề sức khoẻ rất quan trọng, ở đây y học rất tối tân mình đỡ lo hơn (Duy đã 2 lần mổ rồi, ở phổi và ở bọng đái).
Voilà! Vì Khanh hỏi nên phải khai ra là như vậy, chứ không dám khoe khoang gì đâu nhé…
Khanh nhắc tới trường Hàng Vôi, 16 Carreau, Hưng Yên… làm Duy cảm động. Nhưng nếu có ngày nào Duy trở về đường xưa lối cũ, liệu có còn dư hương của kỷ niệm xưa hay không?
Có người* đã viết về Duy như sau: “PD cảm nhận được khúc ngoặt to lớn của dân tộc, viết Tình Hoài Hương như một tổng kết, rằng từ nay không chỉ xa quê nhà trong không gian mà là xa mãi trong thời gian, tình cảm kết tinh thành một nostalgie như là chứng liệu một thời. Nước Việt Nam sau 1945 đã bước vào một thời đại mới của cuộc diện thế giới, vĩnh viễn xoá bỏ ý niệm “cố hương” theo kiểu cũ.
Cho nên Duy mô tả quê hương với tất cả các nét đằm thắm một thời của nó, đồng ruộng, luỹ tre, làn khói, con sông, cây đa, con trâu, bà mẹ… nhưng không một lời mơ ước là sẽ trở về. Còn đâu nữa mà về! Ông không mang ảo tưởng quay về cái cũ của những ngày đầu kháng chiến, ông cảm nhận được cú định mệnh đang giáng xuống Việt Nam bắt buộc đi vào một thời đại hoàn toàn mới, từ tình hoài hương ông kịp chuyển qua các báo hiệu cho một tâm cảm mới:
Chiều xoay hướng!
Sống vui trong mối tình muôn đường
Tình ngàn phương!
Biết yêu nhau như lòng đại dương
Thời đó ông chỉ có thể hát lên cung bậc chuyển tiếp cho một dự cảm. Người Việt Nam buộc phải ra khỏi cái nôi ấm áp thôn dã hàng ngàn năm của mình, cái bước đi đã được ý thức và được thực tập từ thời Đông Kinh Nghĩa Thục, thời Đông Du nhưng chưa bao giờ thật sự thành hiện thực. Sau cuộc chiến chín năm thì giấc mơ của Hoàng Giác:
Về quê xưa để đời sống êm đềm giấc mơ
Về quê xưa tìm bóng những ngày đã qua…
… rõ ràng không bao giờ thực hiện được nữa, “bóng những ngày đã qua” đã bay luôn. Phạm Duy đã nhìn ra những buổi chiều đã xoay hướng, chẳng có gì bắt phải nhìn mãi về phía quê nhà, và cũng đã chuyển làn khói ấm hương thôn ra thành tình ngàn phương, biến tình yêu đất nước thành tình đại dương rộng rãi. Con người thành người phiêu lãng, chứ không còn của một mảnh đất thân yêu cố định. Phiêu lãng là phiêu lãng đối với quê hương đã mất…”
[*Người viết ấy chính là nhà văn nhà báo Phạm Xuân Đài, tác giả bài Giấc Hương Quan (trong cuốn tùy bút Hà Nội trong mắt tôi xb 1994) mà Phạm Duy trích dẫn trong bức thư này. Và PXĐ cũng. đã viết bài “Cái Chết Trong Ca Khúc Phạm Duy” đăng trên báo Thế Kỷ 21 khiến Phạm Duy cảm hứng làm một chuỗi video giới thiệu và diễn giải các ca khúc của Phạm Duy liên quan tới chủ đề này:
PXĐ là người yêu mến và ngưỡng mộ nhạc Phạm Duy từ lâu. Khi nghe tôi đang viết về Chân Dung Phạm Duy, PXĐ đã cung cấp cho tôi tài liệu và anh cũng khuyên tôi chỉ nên viết những điều lớn lao của Phạm Duy, hãy quên đi những chi tiết đời thường của ông. [Ghi chú của người viết]
Duy mượn những lời trên để nói với Khanh về một vấn đề dễ làm ta mủi lòng: quê hương! Quê hương không chỉ là chùm khế ngọt mà thôi, quê hương trước hết là con người, là bạn bè, là người tình… Con người Việt Nam bây giờ ra sao? Bạn bè của Duy còn ai nữa đâu, nếu không tình cờ tìm ra Khanh thì có lẽ chỉ còn có Văn Cao là người bạn duy nhất. Người tình (hiểu theo nghĩa là người yêu nhạc PD), thì họ đâu được tự do nghe nhạc? Do đó, nếu chẳng bao giờ được trở về Việt Nam (vì lý do này nọ), thì Duy cũng đã chọn làm người của ngàn phương từ lâu rồi.
Thôi nhé, thư đã dài, hẹn thư sau. Mong thư Khanh. Chào Tố Uyên, Băng Thanh. Chúc quý bà tất cả những điều tươi tốt./.
Phạm Duy
Ba bức thư Phạm Duy gửi người bạn kháng chiến Hoàng Thượng Khanh — cả hai nay đã là người trăm năm cũ, không những là áng văn chương mà còn ghi lại những diễn biến nội tâm rất trung thực và phức tạp của con người yêu nước là Phạm Duy.
Cũng qua mấy bức thư ấy, để thấy rằng một Phạm Duy tuy nói thì như dỗi vậy thôi, nhưng ông vẫn kiên nhẫn tìm cách “vượt mọi cửa ải”, mong chờ ngày được trở về Việt Nam. Phải đến năm 2000, lần đầu tiên Phạm Duy mới được phép về thăm Việt Nam — để tự thân ông quan sát thực địa. Và như kỷ niệm cho chuyến đi đó, khi Phạm Duy trở về Mỹ, ông có ký tặng tôi bức ảnh khi ông đang đổ rượu trên mộ nhạc sĩ Văn Cao, người bạn kháng chiến thân thiết của Phạm Duy thuở nào.
Hình 15: Phạm Duy thăm mộ nhạc sĩ Văn Cao Mùa Xuân Năm 2000 với chai rượu muộn màng: trong hình Phạm Duy đang đổ rượu trên mộ Văn Cao trong chuyến trở về thăm Việt Nam lần đầu tiên. [tư liệu Ngô Thế Vinh]
Với tất cả thận trọng và dĩ nhiên cả sự khôn ngoan – như một bản năng sinh tồn, trong suốt 5 năm sau đó, Phạm Duy tiếp tục các chuyến đi thăm dò, và sau khi có Nghị Quyết 36, và nhất là khi ký được một Hợp Đồng 20 năm [2005-2025] với Phan Thị Lệ Giám đốc Công Ty Sách Phương Nam, Phạm Duy thấy có thể về sống được ở Việt Nam, ông đã chính thức ngỏ lời xin về Việt Nam từ năm 2000. Câu trả lời từ Hà Nội là phải chờ tới năm 2005. Và rồi thời điểm ấy cũng đã đến với Phạm Duy và gia đình.
TIỄN PHẠM DUY HỒI HƯƠNG 01.05.2005
Sau ba mươi năm sống ở Mỹ, tới tuổi 84, với chuẩn bị rất chu đáo cho một chọn lựa cuối đời, Phạm Duy về sống hẳn ở Việt Nam. Trước ngày về của Phạm Duy, nhà báo Đỗ Việt Anh, người rất yêu mến nhạc tâm linh của Phạm Duy – lúc đó đang là chủ nhiệm nhật báo Người Việt, đã cùng bạn hữu tổ chức một buổi họp mặt ấm áp tiễn đưa Phạm Duy.
Hình 16a: Thái Thanh, giọng ca vượt thời gian, trong bao năm đã chắp cánh cho nhạc Phạm Duy bay bổng. Có thể nói, Thái Thanh – Phạm Duy là một cặp đôi nghệ sĩ hoàn hảo. Thái Thanh với bó hoa đang nói lời giã từ, tiễn nhạc sĩ Phạm Duy trước ngày hồi hương. [photo by Huỳnh Tuấn Kiệt, tư liệu Đỗ Việt Anh]
Hình 16b: Ban tứ ca: Thái Thanh, Quỳnh Giao, Lệ Thu, Mai Hương hát tiễn đưa Phạm Duy trước khi về Việt Nam ngày 01.05.2005 tại quán Nghệ Sĩ, Little Saigon và nay thì Phạm Duy và toàn ban tứ ca đã là những người trăm năm cũ. [photo by Huỳnh Tuấn Kiệt, tư liệu Đỗ Việt Anh]
PHẠM DUY “NGÀY TRỞ VỀ”
Thời tuổi trẻ, có thể nói Phạm Duy đã có một cuộc sống hào hùng của một thanh niên dấn thân yêu nước, ông đặt chân tới khắp miền đất nước từ Bắc vô Nam. Rồi với ba mươi năm sống ở Mỹ, Phạm Duy đã có dịp đi trình diễn khắp 5 châu. Tới tuổi 84, Le Repos du Guerrier, Phạm Duy đã dứt khoát có một chọn lựa không phải là không khó khăn với cả nhiều vật vã nội tâm: Phạm Duy từ bỏ một cộng đồng Việt Nam hải ngoại yêu mến ông và chọn về sống những năm cuối đời ở Việt Nam.
Khi đã an cư lạc nghiệp nơi quê nhà từ 2005, Phạm Duy đã thích thú hồi tưởng lại “những ngày sau 1975, đã có một tấm ảnh Phạm Duy “to tổ bố” — vẫn chữ của Phạm Duy, được trưng bày trong khu bảo tàng Tội Ác Mỹ Nguỵ”, 28 Trần Quý Cáp – cũng là địa chỉ trường Đại học Y Khoa Sài Gòn cũ năm nào. Chính quyền mới lúc đó đã xem ông như kẻ phản bội kháng chiến và là biểu tượng cho nọc độc của “Văn hoá Mỹ Nguỵ”.
[Riêng với người viết, cuốn Vòng Đai Xanh viết về các sắc dân Thượng cũng bị kể là thứ rác rưởi của tàn dư văn hoá Mỹ Nguỵ nên cũng “được” trưng bày trong đó.]
Nhưng rất may mắn là mấy ngày cuối tháng Tư 1975, Phạm Duy có tên trong danh sách được nhân viên CIA Ed Jones giúp di tản, qua Mỹ kịp thời. Và hơn ai hết, Phạm Duy hiểu rất rõ rằng nếu kẹt ở lại, bị lùa vào trong các trại tù cải tạo cùng với bao nhiêu ngàn văn nghệ sĩ miền Nam khác, thì Phạm Duy sẽ “đi đoong” — vẫn chữ của Phạm Duy và chắc chắn là sẽ không có “Ngày Về” như hôm nay.
Như một flashback, tưởng cũng nên trích dẫn trong bài viết này: mấy dòng bút ký của Phạm Duy từ Guam một hòn đảo Mỹ trên Thái Bình Dương rất xa Việt Nam, và là chứng nhân cho những giờ phút sụp đổ của Sài Gòn:
“Ngày hôm nay cũng là ngày Saigon vừa được Bắc quân gọi là giải phóng. Giờ lịch sử đã điểm. Một ông nằm cạnh tôi đang dò đài Saigon với cái máy radio nhỏ tí. Mọi người trong phòng lặng lẽ kéo tới, khi nghe thấy có chương trình phát thanh về cuộc thắng của Bắc quân và cái thua của Cộng Hoà Việt Nam. Tôi cảm thấy buồn bã vô cùng! Chẳng nhẽ nằm đó và bịt tai lại, tôi vùng dậy, xuống thang ra khỏi chung cư.
Bây giờ tôi mới ý thức được rằng Guam là một hòn đảo. Tôi lững thững bước ra bãi biển. Đứng trước cảnh trùng dương bát ngát, lòng tôi rất im lặng, dửng dưng. Tôi không còn một chút rung động nào nữa trước cảnh biển cả mênh mông như những ngày trước đây. Tôi không còn là tôi nữa rồi ! Quay lưng lại biển, tôi lặng lẽ bước về chung cư.
Đi qua phòng thông tin của trại, bỗng nghe từ các loa lớn phóng ra tiếng nói của một xướng ngôn viên: — Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ Cộng Hoà đầu hàng.
Tôi càng buồn rầu hơn nữa, rảo bước về chung cư, ngồi bệt xuống sàn gỗ. Mọi người vẫn vây quanh cái radio để nghe những tin tức liên quan tới ngày Bắc quân tiến vào Saigon. Trong radio bỗng có tiếng Trịnh Công Sơn hát bài Nối Vòng Tay Lớn với giọng hát thất thanh và với tiếng đệm đàn guitare rất là sai dây. Tôi chạnh lòng nghĩ tới thân phận mình, nếu bị kẹt lại liệu mình có phải hành động như thế không?“ [ngưng trích dẫn, Hồi Ký PD tập 4]
Cũng trong Hồi Ký PD tập 4 Phạm Duy viết:
“Từ trước tới nay ‘người ta’ thường dùng đủ mọi cách để chia rẽ tôi và Trịnh Công Sơn, nhưng không ai ngăn được tình đồng nghiệp giữa chúng tôi, dù có khi hai người không có chung một quan điểm. Năm 1988, tình cờ Phạm Duy gặp lại Trịnh Công Sơn ở Paris, cùng Đặng Tiến, chúng tôi rong chơi trên vỉa hè hay ngồi quán café tán gẫu.
Tuyệt nhiên chúng tôi không nói chuyện chính trị chính em, văn nghệ văn gừng gì cả… nhưng khi tôi nhờ “người tình trẻ” mang về Việt Nam một cassette Mười Bài Rong Ca tôi vừa thực hiện xong thì Sơn OK ngay. Do đó tâm sự “người tình già” đã được phổ biến ở trong nước. Mùa Hè 2001, tôi có việc phải về Saigon, vài ngày sau đám tang Sơn, tôi rủ Trần Văn Khê tới thắp hương trước bàn thờ anh, riêng tôi đã khấn ơn anh ngày nào, thay mặt tôi đem Rong Ca về quê hương.” [Hết trích dẫn, Hồi Ký PD 4]
Hình 17: Năm 1988, ngẫu nhiên Phạm Duy gặp lại Trịnh Công Sơn tại Paris, từ trái: Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Đặng Tiến. [tư liệu Phạm Duy]
. . .
Bây giờ Khu bảo tàng Tội Ác Mỹ Nguỵ đã đổi tên, là nhà Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (War Remnants Museum), nơi vẫn còn trưng bày với các cỗ đại bác, bom mìn, đạn dược trong đó có cả bom 7 tấn, bom CBU, cả xe tăng, máy bay trực thăng, của Đế quốc Mỹ bỏ lại và cả những chuồng cọp kẽm gai biểu tượng cho tội ác Mỹ Nguỵ đầy ải các chiến sĩ cách mạng, được mang về từ Côn Đảo và Phú Quốc, đã trở thành một “tụ điểm nóng” của du lịch và tuyên truyền, với hàng trăm ngàn khách thăm viếng mỗi năm.
PHẠM DUY VỚI NHỮNG ĐIỀU VIẾT VÀ NÓI RA
Từ Việt Nam, qua các cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về động cơ nào khiến Phạm Duy chọn về sống ở Việt Nam, ông đã nói rất hùng biện và thuyết phục, Phạm Duy nhấn mạnh ông lúc nào cũng là người Việt Nam nên chọn lựa đó chỉ là: lá rụng về cội, cá lội về nguồn. Ông đem theo 1000 lời ca về tặng cho quê hương và sống với những người yêu nhạc của ông bấy lâu.
Với đôi chút dè dặt ban đầu, Phạm Duy nói về đây, ông sẽ chọn “làm thinh”, và nếu có “ồn ào” thì chỉ là làm thương mại, ông làm theo yêu cầu của Công Ty Phương Nam chỉ để bán CDs và bán sách.
Nhưng rồi sau đó ông đã “không còn làm thinh” nữa mà mạnh dạn nói tới nhiều điều. Người viết trích dẫn ra đây đôi lời của Phạm Duy từ hai cuộc phỏng vấn cùng vào tháng Giêng 2012, để thấy một Phạm Duy rất nhất quán về những điều ông nói ra, và không đưa ra thêm lời bình luận nào.
(1) Cuộc phỏng vấn của TS Nguyễn Nhã với nhạc sĩ Phạm Duy ngày 12/01/2012
(2) Cuộc phỏng vấn của hai ký giả Eccetera và Vũ Hoàng Lân Phố BolsaTV.com với nhạc sĩ Phạm Duy ngày 28/01/2012 (1 và 2)
Hình 18a: Chân dung Phạm Duy 91 tuổi trong cuộc phỏng vấn cùa TS Nguyễn Nhã ngày 12/01/2012. Phạm Duy đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc phỏng vấn này và đã đọc những điều đã được ông ghi trước trên giấy.
Hình 18b: Phạm Duy 91 tuổi trong một cuộc phỏng vấn khác của 2 ký giả Eccetera và Vũ Hoàng Lân ngày 29/01/2012. Phạm Duy khen ngợi và cũng cho biết ông là khán giả thường xuyên của đài PhốBolsaTV.com từ ngày về sống ở Việt Nam.
[Ghi Chú của Người viết: Hai cuộc phỏng vấn Phạm Duy, với thời lượng đã hơn hai tiếng đồng hồ, chỉ làm làm công việc trích dẫn đôi câu nói của Phạm Duy có thể không hoàn toàn đúng với ngữ cảnh, khiến có thể có những suy diễn bất lợi và cả không công bằng với Phạm Duy, vậy đề nghị với bạn đọc bỏ ra thời gian để xem / nghe trọn vẹn từng lời nói của Phạm Duy từ hai cuộc phỏng vấn ấy – tiếng Anh gọi đó là: Phạm Duy In His Own Words – trên cả hai YouTube với đường dẫn / links đã ghi ở trên.].
Đôi Dòng trích dẫn:
– Nói về người Việt tỵ nạn đang sống ở hải ngoại
Phạm Duy khi nói về người Việt Nam hải ngoại, về sự chia rẽ của cộng đồng tỵ nạn ấy, cũng là nơi Phạm Duy chung sống với họ 30 năm. Và nay từ căn nhà ba tầng trong cư xá Lê Đại Hành, Quận 11 được Công Ty Phương Nam cung cấp, ông nói về họ như sau: “Đúng là chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng, họ mới tới Mỹ, không một xu dính túi, còn ăn tiền trợ cấp mà đòi chống cộng cái gì, có tổ chức hội đoàn nào có được tới 4 người đâu, 3 là cùng.”
Với những người còn giữ trong lòng mối hận thù cộng sản, Phạm Duy nói với họ như một lời khuyên là: “Phải biết cám ơn, phải biết xin lỗi, và phải biết quên!” Với tướng Nguyễn Cao Kỳ từng là thông gia của Phạm Duy, ông khen: “Ông Kỳ can đảm, đã từng là Phó Tổng Thống mà biết hạ mình khi quyết định về Việt Nam”. Phạm Duy còn nói tới khả năng là nếu một chính phủ “hoà hợp” trong tương lai và ông Kỳ có thể sẽ đại diện cho cộng đồng hải ngoại tham gia chính phủ ấy.” [sic]
Đọc lại Tập 4 Hồi Ký Phạm Duy để thấy: một Phạm Duy trong suốt 2 thập niên đầu sống ở hải ngoại, ông đã rất tích cực hoà mình tham gia các phong trào chống Cộng cùng với cộng đồng người Việt tỵ nạn, ông phổ nhạc các bài thơ của Cao Tần Lê Tất Điều, phổ 20 bài Ngục Ca rất nổi tiếng của “ngục sĩ” Nguyễn Chí Thiện, hợp tác với Phong trào Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh đi trình diễn văn nghệ khắp năm châu.
– Nói về Nghị Quyết 36 và chính sách hoà hợp hoà giải của Hà Nội
Phạm Duy nhắc tới NQ36, ông tâm đắc với Thứ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Thanh Sơn về chính sách hoà hợp hoà giải, và đó cũng chính là động lực khiến ông tin tưởng quyết định xin về sống ở Việt Nam. Ông xin hồi tịch, và hãnh diện với tấm thẻ CMND (Chứng Minh Nhân Dân) và Hộ khẩu mà ông được cấp một năm sau, và ông sung sướng với mỗi bài hát của ông khi được nhà nước cho phép hát.
Ra thăm Hà Nội, Phạm Duy ca ngợi một Hà Nội đời sống hết sức tiến bộ, nhà cửa nguy nga, “đó là điều tôi rất vui”; [2] và cả với một Sài Gòn phát triển, ông khen khu Sài Gòn Mới như Phú Mỹ Hưng với nhà cửa đẹp hơn cả ở bên Mỹ, khen một đất nước mà nay người dân đã được ăn no mặc đủ và cách tiêu tiền ở Việt Nam còn hơn cả ở Mỹ. [sic] Và người ta cũng được biết là sinh nhật của ông đã có lần được tổ chức ở nhà ông Lê Thành Ân, người Mỹ gốc Việt từng là Tổng Lãnh Sự Sứ Quán Mỹ ở Sài Gòn. Môi trường sống của Phạm Duy ngày nay đã không còn là với Bà Mẹ Quê, Em Bé Quê mà là với xã hội trên cao.
Hình 19: Phạm Duy và gia đình được tuyên thệ vào quốc tịch Mỹ từ cuối 1984. Về Việt Nam năm 2005, ông xin hồi tịch, và chính nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, rất yêu Phạm Duy đã giúp nhạc sĩ Phạm Duy đi làm sổ Hộ khẩu và thẻ CMND một năm sau đó. Nhưng Phạm Duy vẫn giữ “Passport” với quốc tịch Mỹ, nên ông đã “nói đùa” với TS Nguyễn Nhã, người phỏng vấn ông ngày 12/01/2012 là: “Nếu Trung Cộng có đánh tới Nha Trang, thì ông vẫn có thể trốn vào Toà Đại Sứ Mỹ vì ông vẫn còn là công dân Mỹ. [sic] [nguồn: Hồi Ký PD Tập 4, và tư liệu Nguyễn Quốc Thái]
– Nói về mối đe doạ từ Trung Quốc và đại hoạ Biển Đông
Phạm Duy khen chính sách ngoại giao khôn ngoan của nhà nước cộng sản khi Việt Nam phải sống “dưới nách” của Trung Quốc. Theo ông, hiểm hoạ Việt Nam trở thành thuộc quốc và mất các quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa qua cuộc chiến tranh là không có và ông tin vào các hội nghị thương thuyết giữa các nước. Nếu ai vội vã chống đối có thể gây trở ngại cho giải pháp hoà bình và Phạm Duy có nhắc tới phản ứng “nóng nảy” của Cù Huy Hà Vũ*, con trai của Huy Cận bạn ông thuở nào.
[*Cù Huy Hà Vũ 2011 đã công khai lên tiếng phản đối đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc trong đó bao gồm cả Hoàng Sa – Trường Sa, ghi chú của người viết]
Rồi bằng một giọng nói khinh bạc / cynical Phạm Duy còn nói thêm với Nguyễn Nhã, người đang phỏng vấn ông: “Giả sử như Trung Quốc có đánh đến Nha Trang, thì tôi — Phạm Duy vẫn còn có thể trốn vào toà Đại Sứ Mỹ, vì tôi vẫn còn Passport với quốc tịch Mỹ.” [sic] [1]
– Nói về Tạ Tỵ người bạn chí cốt chí thân 42 năm sau
Mùa Thu năm 1970, khi được biết Tạ Tỵ viết một cuốn sách về Phạm Duy, ông đã có một bức thư viết tay hai trang gửi Tạ Tỵ, nói lên nỗi xúc động của mình. Trích dẫn:
“Gửi Tạ Tỵ thân mến,
Thật là cảm động và cũng thật là ngượng ngùng khi biết rằng Tỵ sẽ dành một cuốn sách cho cái mặt mẹt này, sau khi đã viết xong 10 khuôn mặt cao quý của làng văn nghệ nước ta.
Cảm động vì trong cơn hoả mù hiện tại, ít ra cũng có một người muốn soi sáng đến tận cùng con người và sự nghiệp Duy, nhất là người đó lại là Tỵ, từ thuở tiền kháng chiến, trong kháng chiến, hậu kháng chiến và trong những ngày sắp tàn cuộc chiến này, lúc nào cũng gần mình, hiểu biết mình, kể cả cái hay lẫn cái dở…” [Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn, do Văn Sử Học của Nguyễn Nhã xuất bản, 1971]
Hình 20a: Trái, bìa sách Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn của Tạ Tỵ (Nxb Văn Sử Học, 1971), giữa: chân dung Tạ Tỵ tự hoạ; phải, bìa sách Phạm Duy Đã Chết Như Thế Nào của Nguyễn Trọng Văn (Nxb Văn Mới,1971). [Tư liệu của Thành Tôn]
Hình 20b: Từ trái, Ký hoạ Phạm Duy qua Tạ Tỵ 1970; Phạm Duy với hai trang thư viết tay cảm ơn Tạ Tỵ đã viết cuốn sách Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn. [trích từ cuốn sách Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn, do Văn Sử Học của Nguyễn Nhã xuất bản,1971]
Nhưng rồi 42 năm sau lần xuất bản đầu tiên cuốn Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn, 7 năm sau ngày Phạm Duy trở về sống ở Sài Gòn – ở tuổi 91, ông đã nói rất khác về Tạ Tỵ, người bạn chí cốt chí thân của ông từ tuổi thanh xuân thuở nào. Khi TS Nguyễn Nhã cầm trên tay cuốn sách Tạ Tỵ viết về Phạm Duy do chính Nxb Văn Sử Học của Nguyễn Nhã xuất bản 1971, thì Phạm Duy với giọng bỉ thử gọi đó là Nỗi Buồn Cười hay Nỗi Buồn Nôn, và rồi nhận định: Cuốn sách ấy viết quá dở, không trách được vì ông ấy làm Tâm lý chiến, nên chỉ viết được thế thôi.
Cũng vẫn từ miệng Phạm Duy nói với Nguyễn Nhã: Tạ Tỵ là người nói láo khi kể lại những ngày đi tù cải tạo khi viết cuốn sách… *[Phạm Duy thì không nhớ tên cuốn sách ấy, nhưng ai cũng biết đó là cuốn hồi ký Đáy Địa Ngục, Thằng Mõ xuất bản, 1985] [1]
Hình 21: Hình bìa cuốn sách Đáy Địa Ngục, Thằng Mõ xuất bản ở hải ngoại 1986. Là cuốn hồi ký viết về 6 năm tù cải tạo của của Tạ Tỵ. Không rõ Phạm Duy có đọc cuốn sách này chưa nhưng Phạm Duy đã lên án: Tạ Tỵ là người nói láo khi kể lại những ngày đi tù cải tạo khi viết cuốn sách… Tạ Tỵ là bạn cố tri của Phạm Duy và đã mất trước đó 7 năm (2004).
Sau 1975, Tạ Tỵ không được may mắn như Phạm Duy được CIA đưa đi, ông bị bắt đi tù cải tạo 6 năm, hồi ký Đáy Địa Ngục ghi lại kinh nghiệm Tạ Tỵ đã trải qua trong những năm tháng nghiệt ngã tù đày với lao động khổ sai “ăn không đủ no, đói không đủ chết.” Ra tù 1981, khi gặp lại Lê Ngộ Châu tại toà soạn Bách Khoa cũ, Tạ Tỵ chỉ còn là một hình hài tàn tạ với đầu bạc răng long. Tạ Tỵ sau đó đã can đảm vượt biên, lần thứ hai mới tới được đảo Pulau Bidong, Mã Lai và cuốn hồi ký Đáy Địa Ngục đã được Tạ Ty viết ngay từ ngày đặt chân trên đảo. [Tuyển Tập II Chân Dung Văn Học, Ngô Thế Vinh, Việt Ecology Press 2022]
Lịch sử cận đại Việt Nam, rồi ra vẫn còn đó một “cuốn sách trắng” về quần đảo ngục tù Việt Nam từ Nam ra Bắc sau 1975, nơi đày ải bao nhiêu nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ miền Nam, và không thiếu người là bạn hoặc nếu không cũng đồng trang lứa với Phạm Duy, họ đã bị chết rũ trong tù như Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Nguyễn Mạnh Côn, Hoàng Vĩnh Lộc, Phạm Văn Sơn, Trần Văn Tuyên, Trần Việt Sơn, Vũ Ngọc Các, Anh Tuấn Trần Tuấn Phát, Dương Hùng Cường… hay vừa ra khỏi tù thì chết như Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường.
Và nay, trên báo chí trong nước, lại thấy ảnh Phạm Duy cùng mấy người con đang trở lại quê nhà, để một lần nữa đi trên Con Đường Cái Quan ngày nào. Và từ trên những sân khấu chói loà ánh sáng từ Sài Gòn ra tới Hà Nội, là hình ảnh Phạm Duy hoàn toàn khác, vẫn với mái tóc bạc phơ, khi nói thì cầm giấy đọc, và rồi tay ôm những bó hoa nhiều màu giữa những tiếng vỗ tay của khán giả.
PHẠM DUY: MỘT TÀI NĂNG LỚN VÀ NHÂN CÁCH
Sau 30 năm sống ở Mỹ, trong tình yêu thương của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, nay Phạm Duy chọn về sống ở Việt Nam, đó là quyền của ông, cần được mọi người tôn trọng. Và như ước nguyện, ông được sống và chết ở Việt Nam.
Sự nghiệp âm nhạc lớn lao của Phạm Duy thấm đẫm “Tình Quê Hương” đã in sâu vào tâm khảm nhiều thế hệ. Phạm Duy hiện diện như một tượng đài uy nghi trong nền âm nhạc cận đại của Việt Nam. Thế hệ này và cả những thế hệ sau sẽ vẫn hát một số những bài ca của Phạm Duy.
Giới trẻ thì muốn tìm tới Phạm Duy như một thần tượng, họ không chỉ ngưỡng mộ tài năng lớn của Phạm Duy, họ còn ao ước thấy một nhân cách lớn nơi ông. Nhưng rồi họ ngộ ra rằng Phạm Duy không có được cả hai.
Cùng với nhiều văn nghệ sĩ khác, Phạm Duy đã rất sớm rời bỏ kháng chiến để về thành, với lý do chính đáng là không chấp nhận một nền văn nghệ chỉ huy của những người cộng sản, và bảo vệ quyền tự do sáng tạo.
Với cảm hứng và có tự do, Phạm Duy đã sáng tác những bài ca bất hủ từ nốt nhạc tới ca từ. Nhưng rồi qua thời gian, qua từng thời kỳ, người yêu nhạc Phạm Duy không tránh khỏi ngạc nhiên khi thấy “ông đã tự kiểm duyệt mình”, ông sửa lời ca gốc của những bài hát viết trong thời gian kháng chiến sao cho hợp cảnh hợp thời. Ai đã từng theo dõi từng bước chân đi của Phạm Duy, không thể không rất lấy làm tiếc nhiều khi họ cũng đã bị lạc lối.
Nhạc sĩ Phạm Duy có đủ tuổi thọ để sống qua hai thế kỷ, trải qua mọi hoàn cảnh, “khóc cười theo vận nước nổi trôi”.
Không ai có thể nghĩ Phạm Duy không hiểu cộng sản, chỉ có thể nghĩ ở những năm cuối đời với tuổi tác, sự phán đoán của ông không còn sắc bén nữa. Để rồi vẫn thấy đó, một Phạm Duy của đời thường, theo tất cả cái nghĩa “trần ai” của một kiếp nhân sinh. Không nói tới cuộc đời tình ái đa đoan của Phạm Duy vì đó là phần đời tư của ông cần được tôn trọng, người viết chỉ đề cập tới ở đây một Phạm Duy của quần chúng và những gì liên quan tới sự nghiệp sáng tạo của ông.
Khi viết về chân dung Phạm Duy, để thấy rằng một Phạm Duy có nhiều chân dung trong các giai đoạn cuộc đời nghệ sĩ của ông. Phạm Duy luôn luôn khẳng định ông là một nhạc sĩ, một người Việt Nam, không quan tâm tới chuyện chính trị. Nhưng điều rất nghịch lý là vào giai đoạn cuối đời, với sự nghiệp đã to tát đến như thế Phạm Duy lại chọn trở về sống trong một đất nước vẫn chưa có tự do, vẫn có đó một nền văn nghệ chỉ huy – Phạm Duy đã chọn một cuộc sống an phận với cảnh “chim hót trong lồng”. Không ai ép buộc ông, nhưng ông đã tự nguyện nhiều lần có những phát biểu mang màu sắc chính trị, mang tính cách “xuôi dòng”, khiến ngay cả những người vốn yêu mến và luôn luôn bênh vực ông cũng đã phải sượng sùng đến chau mày.
Sau khi Phạm Duy mất, không ít những bài nhạc của Phạm Duy vẫn còn bị cấm kỵ. Việt Nam Việt Nam là bài rất tâm đắc của Phạm Duy — được ông nhắc tới năm 2012, tuy đã xin phép nhưng lúc đó vẫn chưa được phê duyệt. Lý do thầm kín, mà “bên thắng cuộc” không bao giờ muốn nghe, là đã có nhiều người nghĩ tới là bài hát này có thể được chọn làm bài quốc ca cho một đất nước Việt Nam tương lai có dân chủ.
Phạm Duy đã chết, con bài Phạm Duy, một sản phẩm của NQ36 đã chết theo ông. Tuy không có văn bản chính thức, nhưng dường như đã có một chỉ đạo từ trên cao là từ nay tên tuổi Phạm Duy không còn được ồn ào nhắc tới nữa, sách của Phạm Duy / bộ Hồi Ký đồ sộ 4 tập hay các sách viết về Phạm Duy cũng không dễ dàng có được giấy phép xuất bản sau khi Phạm Duy mất.
CUỐN SÁCH ẢNH PHẠM DUY NGÀY VỀ (2005-2013)
Một ví dụ điển hình là cuốn sách ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Phong Quang, với nhan đề Phạm Duy Ngày Về, cho dù trước đó đã được Nxb Trẻ nhận in, và dự định phát hành nhân kỷ niệm ngày giỗ đầu của Phạm Duy 28/01/2014 nhưng cho đến nay, tám năm sau (2022) sách vẫn không được cấp phép xuất bản mà không nêu bất kỳ lý do nào.
Nguyễn Phong Quang tuy là nhiếp ảnh gia tài tử, nhưng chụp hình rất đẹp, do anh rất ngưỡng mộ và có niềm say mê âm nhạc của Phạm Duy, nên ngay khi Phạm Duy trở về Việt Nam Nguyễn Phong Quang đã theo sát bước chân Phạm Duy và có thể nói Nguyễn Phong Quang là người duy nhất sở hữu một bộ ảnh đầy đủ về 13 năm cuối đời của nhạc sĩ Phạm Duy từ khi đặt chân trở lại Việt Nam cho tới khi Phạm Duy mất trên giường bệnh.
Người am hiểu tình hình trong nước đã đưa ra nhận định: “Những năm sau ngày Phạm Duy mất, có một chủ trương không qua văn bản, là không cho phép xuất bản các tác phẩm mới nào liên quan đến Phạm Duy! Dường như họ “dùng Phạm Duy” cho một giai đoạn gọi là “cởi mở” đã đủ, nay không cần nữa nên thôi! Bên cạnh đó, còn có vài nhân vật lãnh đạo văn hoá thành phố vẫn không muốn các tác phẩm của Phạm Duy đứng bên cạnh tác phẩm của họ, không muốn mọi người tung hô, xưng tụng Phạm Duy nhiều hơn họ…”
PHẠM DUY VÀ NHỮNG CHÂN DUNG
Phác thảo chân dung một con người sống động như Phạm Duy không phải là điều dễ dàng. Sẽ không thể thụ động quan sát Phạm Duy chỉ ở một góc nhìn mà phải qua nhiều góc cạnh để thấy được những khuôn mặt khác nhau của ông. Các mảng khác nhau ấy nếu kết hợp có thể tạo ra được hơn một bức chân dung có thần. Nói theo ngôn từ hội hoạ của Tạ Tỵ thì đó là: “chiều thứ tư / 4ème dimension” còn gọi chiều động trong kỹ thuật tạo hình của trường phái lập thể. Theo nghĩa đó, sẽ không có duy nhất một chân dung Phạm Duy – mà có những chân dung Phạm Duy luôn luôn biến dạng và cả đổi màu theo thời gian.
Một Phạm Duy đã sống qua hai thế kỷ, ông cưu mang tất cả sức nặng của tấn thảm kịch đất nước bốn ngàn năm thăng trầm — cả tấn bi kịch của một con người Việt Nam: vừa lớn lao và nhỏ nhoi, vừa đẹp đẽ và cả xấu xí.
Phạm Duy mất ở tuổi 92, qua câu thơ của thi hào Nguyễn Du: “thác là thể phách còn là tinh anh,” tinh anh ấy là gia tài âm nhạc đồ sộ của Phạm Duy, để rồi qua đãi lọc của thời gian, của “tam bách dư niên hậu”, sẽ chỉ còn lại những giai điệu bất tử, thanh thoát bay bổng với thấm đẫm tình quê hương, mang theo cả một phần hồn của dân tộc. Chúc ông an nghỉ ngàn thu trong lòng đất mẹ có tên thiêng liêng là Việt Nam – hay còn gọi là quê nhà.
Hình 22: Trái, Tượng đồng nhạc sĩ Phạm Duy do điêu khắc gia Nguyễn Văn Anh, sáng tác dựa trên bộ hình của nhiếp ảnh gia Nguyễn Phong Quang và với chỉ dẫn của Duy Cường, con trai Phạm Duy; phải, chữ viết của Phạm Duy được khắc trên tấm bia mộ là câu mở đầu của bản Tình Ca: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi.” [photo by Nguyễn Phong Quang]
THAY CHO MỘT KẾT TỪ
Ngày mất của Phạm Duy 27/01/2013, nhà thơ Trần Mộng Tú trong niềm cảm xúc đã viết “Lời Cám Ơn Nhạc sĩ Phạm Duy”, tuyệt vời như một bài thơ, gói ghém toàn sự nghiệp của Phạm Duy. Nay được phép của Chị Trần Mộng Tú, người viết xin trích đăng ở đây bài thơ xuôi ấy, như một Kết Từ cho bài viết Chân Dung Phạm Duy.
Trần Mộng Tú – Lời Cám Ơn Nhạc sĩ Phạm Duy
Trên mười ngón tay anh chẩy xuống ngàn ngàn dòng lệ long lanh ngũ sắc, bật lên những tiếng cười hoan ca cho dân tộc Việt.
Anh viết những dòng sử Việt bằng âm nhạc, anh bắn những nốt nhạc thay đạn vào suốt chiều dài của cuộc chiến ngoại xâm.
Anh nhắc nhở công ơn tổ tiên, anh hùng dân tộc mỗi ngày trên môi người Việt.
Anh khóc cười bằng nốt nhạc lời ca cho tình yêu, con người, quê hương, dân tộc,
Anh băng bó vết thương trong chiến tranh, anh đốt lửa tìm kiếm hòa bình.
Anh vung tay, mây trôi như lụa giũ, nước như thủy tinh vỡ, anh khắc hình cha Lạc Long Quân vào núi, núi không còn là đá, anh thả tình mẹ Âu Cơ xuống biển, biển không còn là đại dương.
Ngôn ngữ trong những ca khúc của anh trong suốt, lãng mạn, bát ngát tình tự dân tộc, đẹp như những viên ngọc trắng, trong như những giọt nước mưa.
Anh lên rừng, rừng thay lá, anh xuống suối, suối khóc òa. Bằng âm nhạc, bằng tình tự dân tộc anh đi từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau suốt cuộc đời mình không ngơi nghỉ.
Tình yêu quê hương trong ca từ của anh làm cho cả người hát và người nghe ứa lệ.
Ở những vết thương anh cho máu chẩy thành mật ong, đám khói là hơi thở của mái nhà, em bé là con trâu, cái áo rách, cái bếp lửa là mẹ, củ khoai, bát nước chè là những người con.
Ngôn ngữ Việt dưới ngón tay anh trở thành Tiếng Nước Tôi thiêng liêng của dân tộc. Anh mang những tinh hoa của ngôn ngữ Việt tặng cho người Việt.
Âm nhạc lời ca của anh ngập tràn tình yêu thương người Việt, nước Việt.
Trong tình yêu đôi lứa của nhân gian anh cho cô tiên hiện xuống giữa đời, cỏ hồng mọc trên những sườn non không bao giờ úa, anh rùng mình hạnh phúc bằng âm giai.
Anh thanh, anh tục, anh thiền, anh đập phá bằng âm nhạc.
Anh uống, anh ăn, anh thở, giữa âm điệu và lời ca.
Anh sống đời mình trong mỗi phân vuông của cuộc đời bằng âm nhạc, anh chưa để lãng phí một giây phút nào của cuộc sống.
Anh để lại cho đồng chủng anh, cho kho tàng âm nhạc của dân tộc Việt một khối gia tài không một ngoại bang nào chiếm đoạt được.
Anh là một món quà quý giá mà cuộc tiến hóa của bao đời tổ tiên Việt Nam đã đúc kết nên và trao cho dân tộc vào thế kỷ 20.
Anh sinh ra và nằm xuống trên quê hương mình, nước Việt Nam.
Xin gửi anh một lời Cám Ơn Trân Quý.
TRẦN MỘNG TÚ 27/01/2013
NGÔ THẾ VINH
Little Saigon, ngày 04/07/2022
THAM KHẢO:
1/ Hồi Ký Phạm Duy, Tập I, II, III. Nxb Phạm Duy Cường, [Tập IV bản PDF]
2/ Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn. Tạ Tỵ. Nxb Văn Sử Học, Saigon, 1970
3/ Ngàn Lời Ca. Phạm Duy. Phạm Duy Cường Musica Production,1987
4/ Vang Vọng Một Thời. Phạm Duy. Công ty Sách Phương Nam, 2015
Nguồn: https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/tinh-que-huong-trong-nhac-pham-duy-va-nhung-chan-dung/