Tuồng cải lương trúng giải, soạn giả có được dự thi tiếp?

Ngành Mai
4.1.2014

Tuồng cải lương trúng giải, soạn giả có được dự thi tiếp?Một cảnh diễn của đoàn nghệ thuật sân khấu Văn Lang.

Câu đầu đề bài nói chuyện hôm nay là câu hỏi của giới soạn giả chuyên nghiệp, lẫn thầy tuồng mới vào nghề, và cũng là câu hỏi của giới mộ điệu muốn góp ý vào việc phát giải cho tuồng cải lương năm tới. Đồng thời cũng là thắc mắc của người soạn giả vừa đoạt giải Phụng Hoàng đã gọi về ban tổ chức.

Câu hỏi quá sớm

Nhựt báo Người Việt, tờ báo lớn nhứt ở hải ngoại, tòa soạn ở miền Nam California Hoa Kỳ. Số báo ra ngày Thứ Ba 31 tháng Mười Hai 2013 cuối năm vừa qua, có loan tin ban tổ chức giải Phụng Hoàng và Hội Đồng Thẩm Định, mở phiên họp chung thẩm về vở tuồng “Thu Sầu Nhả Tơ” của soạn giả Trần Văn Hương, dự tranh giải Phụng Hoàng về tuồng cải lương hay nhứt trong năm 2013. Và sau khi thảo luận hội đồng quyết định trao giải Phụng Hoàng, gồm văn bằng và huy chương vàng cho soạn giả Trần Văn Hương, người viết vở tuồng” Thu Sầu Nhả Tơ”, mà nội dung diễn tả cuộc đời tình ái nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cha đẻ bản Dạ Cổ Hoài Lang, tiền thân của bản vọng cổ ngày nay.

Sau khi báo phát hành đã tạo ra bầu không khí phấn khởi cho giới mộ điệu cải lương, họ đã bàn tán sôi nổi vấn đề, nhiều người hỏi thăm lẫn nhau về giải thưởng, rằng chừng nào phát giải, lễ phát giải tổ chức ở đâu, có diễn trở lại tuồng Cao Văn Lầu cho những ai chưa xem, có dịp được đi coi tuồng trúng giải?

Riêng soạn giả Trần Văn Hương đã gọi điện thoại về ban tổ chức giải Phụng Hoàng bày tỏ sự vui mừng. Ông nói rằng sau khi báo đăng thì có quá nhiều người gọi điện thoại chúc mừng, hỏi thăm huyên thiên các vấn đề liên quan, bạn bè thân hữu cùng giới nghệ sĩ cũng hỏi thăm, ai cũng khuyến khích ông viết thêm tuồng cải lương mới.

Soạn giả Trần Văn Hương cũng đặt một số câu hỏi với ban tổ chức, mà trong đó có câu hỏi đáng lưu ý nhứt, đó là: “Được trúng giải rồi, sang năm sau nếu như viết thêm tuồng mới khác thì có được tham dự giải Phụng Hoàng lần nữa hay không”?

Câu hỏi quá sớm, lại là vấn đề quan trọng nên chưa thể trả lời được, bởi đó là việc mà Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại phải có phiên họp thảo luận vấn đề trước khi quyết định. Cũng như ban tổ chức giải Phụng Hoàng của năm sau chưa hình thành thì đâu thể trả lời được. Tuy nhiên, với tư cách cá nhân thì quan điểm của người soạn thảo thể lệ thì có thể tóm tắt như sau: “Việc dự thi tuồng cải lương hay nhứt trong năm, thì mục tiêu của Hội Cổ Nhạc là nhắm vào tuồng hay, chớ không nhắm vào người viết tuồng giỏi. Nói một cách khác giải Phụng Hoàng “chấm điểm tuồng cải lương” chớ không phải “chấm điểm soạn giả”. Do đó mà việc dự tranh tuồng mới trong tương lai của soạn giả từng trúng giải sẽ không trở ngại”.

Có những câu hỏi khác như Hội Đồng Thẩm Định đặt trên tiêu chuẩn nào để chấm điểm cho tuồng “Thu Sầu Nhả Tơ” được trúng giải, thì câu trả lời của một thành viên trong hội đồng là việc chấm điểm dựa trên 3 tiêu chuẩn, mà nội dung câu chuyện, tình tiết của tuồng được coi như yếu tô quan trọng, bởi hầu như người yêu thích cải lương, ai cũng muốn biết về cuộc đời của ông Sáu Lầu người sáng tác bản vọng cổ.

Hầu như ai cũng có nhận định rằng phát giải Phụng Hoàng cho tuồng cải lương, sẽ khuyến khích thêm nhiều người có năng khiếu soạn tuồng, họ sẽ tập sự viết tuồng để tham gia các kỳ thi. Biết đâu trong tương lai các soạn giả mới vào nghề sẽ cho ra đời tuồng cải lương hay và mới lạ không kém các tuồng từng đi vào lòng khán giả. Và rồi họ sẽ nổi danh đâu thua gì các soạn giả cải lương của ngày xưa vậy.

Phiên họp chung thẩm của giải Phụng Hoàng, bên cạnh Hội Đồng Thẩm Định là các quan sát viên. Những nhân sĩ có uy tín trong cộng đồng được mời vào thành phần này, trong số có nhân sĩ Nguyễn Văn Lực ở vùng San Diego. Tôi đã tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Lực và có đặt câu hỏi:

Vở tuồng cải lương “Thu Sầu Nhả Tơ” của soạn giả Trần Văn Hương, tham dự giải Phụng Hoàng và đã đoạt giải. Xin ông cho thính giả đài Á Châu Tự Do biết nhận xét của nhân sĩ thế nào về quyết định chung thẩm của hội đồng: Trao giải Phụng Hoàng gồm văn bằng và huy chương vàng về soạn tuồng cải lương cho soạn giả Trần Văn Hương?

Nhân sĩ có nghĩ rằng sau khi vở tuồng “Thu Sầu Nhả Tơ” trúng giải Phụng Hoàng, sẽ là động lực cho nhiều soạn giả khác viết tuồng dự thi, có nghĩa là trong trương lai sẽ còn nhiều tuồng mới được ra đời và bà con yêu thích cổ nhạc cải lương sẽ hoan nghinh, ủng hộ?

Hoàn cảnh ông Sáu Lầu khi về già

Kể từ lúc truyền thông báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình loan tin cuộc đời nhạc sĩ Cao Văn Lầu được đưa lên sân khấu, thì rất nhiều người muốn biết rõ hơn hoàn cảnh của ông Sáu Lầu khi về già ra sao? Có làm giàu nhờ bản vọng cô do mình sáng tác?

Do vậy mà hôm nay tôi xin trình bày thêm những gì mà tôi biết về ông Sáu Lầu.


Nhạc sĩ Sáu Lầu.

Cách đây gần nửa thế kỷ, một sự việc mang ý nghĩa tốt đẹp đã diễn ra trong giới nghệ sĩ và nhiều thành phần liên quan đến hoạt động cải lương. Đó là việc thiết lập “Hộp Thơ Sáu Lầu” để trợ giúp người nhạc sĩ cha đẻ bản vọng cổ, mà khi về già đã phải chịu vất vả trong cuộc sống nghèo nàn túng thiếu ở Bạc Liêu.

Số là khoảng cuối năm 1965, ký giả kịch trường Nguyễn Kiên Giang có dịp đi Bạc Liêu, ghé thăm một gánh hát đang diễn ở rạp Chung Bá, vô tình nghe tiếng kèn trống từ một nhà có đám tang. Ông rảo bước đến phía trước nhìn vào thấy một ông già đầu bạc, vóc dáng gầy gò trong bộ đồ bà ba đen đang đánh phèn la.

Một người đi đám nói với nhà báo Kiên Giang:

– Anh biết ai không? Ông Sáu Lầu đó, tại Bạc Liêu này đám tang nào cần có âm công đều nhờ giàn kèn của ông Sáu Lầu.

Thật vậy, ông Sáu Lầu năm đó đã 74 tuổi mà phải đi kiếm tiền để sống trong một dàn kèn đám ma. Cái nghề đờn thổi đám ma phải có mặt cạnh quan tài từ ngày đầu tiên tẩn liệm xác chết, cho tới lúc đưa đám tới nghĩa địa mới xong phận sự.

Sau đó thì ký giả Kiên Giang viết lên bài báo nhằm đánh động tâm tư những người nhờ bản vọng cổ mà làm giàu, có cuộc sống huy hoàng sung túc, lên xe xuống ngựa thì cũng nên “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây”.

Bài báo đã có tác dụng rõ rệt, bởi chỉ vài ngày sau thì có những cuộc họp của giới cải lương. Rồi thì một “Tiểu Ban Vận Động Trợ Giúp Nhạc Sĩ Sáu Lầu” được hình thành, do nhạc sĩ Hai Khuê làm trưởng tiểu ban. Tiếp đó thì “Hộp Thơ Sáu Lầu” được thiết lập, đặt tại nhà của nhạc sĩ Hai Khuê ở đường Cao Thắng, Sài Gòn.

Nhiều tờ báo có trang kịch trường cũng nhập cuộc, đã kêu gọi các nghệ sĩ sân khấu, các ca sĩ của hãng dĩa, đài phát thanh, các chủ gánh hát, các chủ nhà xuất bản bài ca, và mọi người có lòng hãy hưởng ứng bằng cách gởi thư an ủi, gởi tặng vật và tiền bạc để gia tăng quỹ nầy.

Tôi không nhớ rõ “Hộp Thơ Sáu Lầu” gây quỹ được bao nhiêu (hình như mấy chục ngàn). Tiểu ban vận động đã tổ chức một buổi hát, đồng thời cử người đi Bạc Liêu rước nhạc sĩ Sáu Lầu lên Sài Gòn trao tiền. Nhạc sĩ xúc động cám ơn…

Ngành Mai

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/traditional-music-0104-nm-01032014123903.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây