Thầy tuồng bị xem là “tớ tuồng”

Ngành Mai
4.1.2013

Thầy tuồng bị xem là “tớ tuồng”Vở Con gái chị Hằng của soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng, với Tám Vân – Thanh Nga – Hữu Phước.

Cải lương ngày xưa, dù cho ai có tính cao ngạo đến đâu cũng phải nhìn nhận soạn giả hay người thầy tuồng là linh hồn của một đoàn hát.

Cha đẻ của tác phẩm

Thầy tuồng bỏ ra nhiều công phu đôi ba tháng, hoặc 5, 6 tháng và có khi cả năm, để chọn từng câu văn, từng chi tiết phổ biến thành một ca kịch phẩm để cho một nhóm nam nữ nghệ sĩ diễn đạt lại trong vòng 3 tiếng đồng hồ, dưới sự theo sát và chỉ dẫn từng cá nhân của người cha đẻ ra soạn phẩm.

Công trình tim óc nhọc nhằn đó không ngoài mục đích làm sống gánh hát, tức nhiên làm sống chủ nhân và tất cả nghệ sĩ trong đoàn, nên ngày xưa vai trò quan yếu của ông thầy tuồng mặc nhiên được đặt để ở hàng đầu, và được sự nể trọng của mọi người trong đoàn hát.

Cái uy quyền của các cụ soạn giả tiền bối như: Mộc Quán, Nguyễn Công Mạnh, Mười Vảng và kế đó là quý ông Nguyễn Thành Châu, tức nghệ sĩ Năm Châu, ông Huỳnh Thủ Trung tức Tư Chơi mà nhứt là ông Hai Trung tự Mộng Vân thì quả thật là tuyệt đối.

Ông Mộng Vân quê quán ở Bạc Liêu, là bầu gánh hát Mộng Vân kiêm soạn giả, ông được hầu hết người trong giới nể trọng. Rất nhiều kịch bản thời xưa do ông soạn cho nhiều đoàn trình diễn, mỗi khi ông đến thăm đoàn hát nào thì bầu gánh và cả nhóm nghệ sĩ đã đón rước ông thật rình rang, long trọng không kém cuộc đón rước Thần về làng.

Những lúc ông tập tuồng (dĩ nhiên là tuồng của ông viết) được loan báo trên tấm bảng đen khởi sự tập 9 giờ, sau ba hồi chuông báo hiệu, các nghệ sĩ có tuồng kể cả đào kép chánh đều phải lo chuẩn bị hội tụ đủ mặt trên sân khấu luôn trước giờ ấn định, dù cho là hàng gạo cội trong đoàn mà trễ một vài phút thôi cũng bị cúp lương rồi.

Còn mấy lúc sau này, tức thập niên 1960 trở về sau, trừ một số rất ít soạn giả tên tuổi, chớ phần nhiều thì vai trò của soạn giả không còn được coi như gọi là thầy tuồng nữa, mặc nhiên đã bị xuống cấp, bị một số đào kép chánh đè xuống hàng thứ yếu. Vai tuồng nào họ không thích, họ ngang nhiên quăng trả lại cho thầy tuồng ngay bữa ráp đầu tiên, không thì họ làm áp lực với bầu gánh, rồi bầu gánh áp lực lại thầy tuồng phải sửa vai tuồng lại theo ý muốn của họ. Như vậy thầy tuồng đã trở thành “tôi tớ” của đào kép chánh rồi!

Còn nói đến chuyện tập tuồng mỗi buổi sáng thì thầy tuồng phải đến sân khấu trước hơn ai hết, và đào kép chánh phần đông đến trễ hơn ai hết, bao nhiêu người có mặt buộc lòng phải lóng nhóng ngồi chờ họ. Chỉ trừ một số ít như trên đã nói như Hà Triều, Hoa Phượng, Hoàng Khâm, Yên Ba, Loan Thảo, Mộc Linh là còn được đào kép chánh nể nang thôi, như soạn giả Hoa Phượng thì không đào kép chánh nào dám ra mặt phản đối.

Tuồng nầy đã kiểm duyệt rồi, các anh chị em không được sửa một chữ, biết không? Nếu đồng ý thì nhận, bằng không thì trả lại ngay”!
Soạn giả Hoa Phượng

Có lần tôi thấy một buổi trao vai tuồng cho các nghệ sĩ có vài trò mà trong đó có kép chánh Hùng Cường, một nghệ sĩ gạo cội, thì Hoa Phượng tay cầm cuốn tuồng, tay kia vừa vỗ lên vừa nói: “Tuồng nầy đã kiểm duyệt rồi, các anh chị em không được sửa một chữ, biết không? Nếu đồng ý thì nhận, bằng không thì trả lại ngay”! Rồi ông cầm cuốn tuồng đi đi lại lại không nói thêm lời nào nữa, cả sân khấu cũng lặng yên. Độ vài phút không thấy ai hó hé gì, ông mới vui vẻ trao vai tuồng cho từng người và gương mặt người nào cũng hân hoan.

Soạn giả Hoa Phượng liên danh với Hà Triều (Hà Triều – Hoa Phượng) từng soạn các tuồng cải lương nổi tiếng như Nửa Đời Hương Phấn, Con Gái Chị Hằng, Khi Hoa Anh Đào Nở… Hoa Phượng cũng từng hợp soạn với soạn giả Ngọc Điệp cho ra đời vở tuồng Tuyệt Tình Ca, tức Ông Cò Quận 9. Thành tích như Hoa Phượng thì nghệ sĩ nể trọng là lẽ đương nhiên, ông mới đúng là “thầy tuồng”, chớ nhiều soạn giả khác thì thuộc về “tớ tuồng” thôi!

Gian nan thầy tuồng

Thời gian cải lương còn hoạt động hầu như lúc nào cũng nghe nói thiếu tuồng mới, vậy mà có thiếu thật hay không chớ! Đây là sự thật của vấn đề mà soạn giả cải lương phải chấp nhận do bởi họ yêu nghề viết tuồng.

Khi còn nằm trong bản thảo, kịch bản văn học sân khấu cải lương chưa đi trọn cái kiếp, có nghĩa chưa thể được gọi là tuồng, mà phải được dàn dựng, phải được diễn trên sân khấu thì mới gọi là tuồng. Nói một cách khác là nhân vật do soạn giả tạo thành, được đặt tên phải thoát ra khỏi những dòng chữ trên giấy, nói năng ca hát… chừng ấy mới gọi là tuồng. Do đó không thể biết được tuồng hay, dở khi nó còn trong giấy.

Đã không ít những tuồng khi viết xong, đã chịu nằm chết trong học tủ, trong ngăn kéo của soạn giả cả chục năm, có khi suốt cả đời chẳng ai ngó tới. Những nhân vật mà soạn giả đã lao tâm, khổ trí tạo ra đã không có cơ hội chào đời, không có dịp xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu. Tại sao vậy? Tại sao các đoàn hát than thiếu tuồng, mà tuồng soạn giả viết xong phải nằm một chỗ chờ chết?

Sau đây là tâm sự của một soạn giả mà người ta nêu lên, coi như một câu trả lời: “Mình đã chán cái cảnh mang kịch bản đi chào hàng lắm rồi! Đến các đoàn hát lớn thì đã có soạn giả thường trực đầy uy thế trong đoàn “trấn ải”. Len lỏi đến các đoàn hát nhỏ thì đa số chỉ thu băng thu đài, chép lại rồi phân rôle đem ra diễn, chả tốn hao gì. Đến phòng văn nghệ các đài thì càng lắm gian nan. Muốn các anh các chị chiếu cố đến mình cũng cực lắm”!

Trên thực tế cho thấy nhiều đoàn cứ lôi tuồng cũ, mấy mươi năm về trước, đem sửa chữa, đánh bóng lại, rồi trình diễn với một tựa tuồng mới. Trong khi đó biết bao nhiêu vở hát viết xong phải nằm chờ.

Mình đã chán cái cảnh mang kịch bản đi chào hàng lắm rồi! Đến các đoàn hát lớn thì đã có soạn giả thường trực đầy uy thế trong đoàn “trấn ải”.
Một soạn giả

Từ nhiều năm nay cải lương xuống dốc thê thảm, gần như tê liệt hoàn toàn, và điều đó ai cũng biết. Nhưng tìm cách nào để sống trở lại thì vẫn chưa có giải pháp. Nhưng hễ có ai chê bai sân khấu thì y như rằng, người ta sẽ đổ lỗi cho soạn giả.

Thời kỳ cải lương thịnh hành, người làm nghệ thuật sân khấu kiếm ăn được, vậy mà các soạn giả phải trải qua 6 cái “sợ”. Do đó mà khi cải lương ngất ngư, nói theo soạn giả Yên Lang là như cái “thi hài biết thở”, thì thử hỏi có thầy tuồng nào hăng hái viết kịch bản. Vậy 6 cái sợ ấy là gì?

Đầu tiên kịch bản đưa vào đoàn hát, soạn giả phải sợ bầu gánh trước nhất, kịch bản dù hay dù dở mà ông hoặc bà bầu nhà ta lắc đầu hay ngâm tôm ở đó nghiên cứu thì kể như dẹp. Kế đến là sợ các diễn viên chánh có vai không vừa ý là bắt đầu chê kịch bản này nọ, kế tiếp đó là sợ đạo diễn chưa bằng lòng kịch bản, rồi đề nghị sửa tới sửa lui mãi, tinh thần soạn giả cũng đủ bèo nhèo như cái mền rách rồi. Muốn vượt khỏi ba điều sợ này thì phải chịu mẻ tiền bản quyền.

Sau khi kịch bản được thông qua cho đào kép tập dượt, soạn giả lại còn phải trải qua ba điều sợ nữa. Thứ nhất là sợ khán giả xem không đông thì mọi việc đều đổ trút vào soạn giả, cho rằng tuồng không hay, tuồng không ăn khách. Thứ nhì là sợ các đồng nghiệp trong cái thế chen lấn mần ăn khó khăn sẽ có đủ trò làm người viết tuồng không yên tâm được. Thứ ba là sợ những kẻ tự cho mình cái quyền phê phán rồi nhận xét, tạo dư luận theo cảm tính cá nhân, khoác lên bằng thứ lập luận chê khen cũng bằng tình cảm riêng tư.

Chỉ mới có 6 cái sợ đó cũng đã làm giảm sút lòng tự tin tự hào của soạn giả rồi, còn nói chi đến trọng trách cao cả nữa chứ!

 

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/traditional-folk-art-87-nm-01042013124340.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây