Thưa quý thính giả, nghệ sĩ cải lương khi tái tạo trên sân khấu một mẫu người nào đó tiêu biểu cho một hạng người đặc biệt trong xã hội thường được đánh giá là nghệ sĩ tài năng, có những vai hát để đời.
Khán giả ái mộ cải lương còn nhớ nghệ sĩ tài danh Tám Danh thể hiện vai gả ghiền thuốc phiện tên Hà Công Yên trong tuồng Tứ Đổ Tường, hát trong thập niên 30. Khán giả nhắc nghệ sĩ quái kiệt Ba Vân trong vai gả điên vì tình tên Phê trong tuồng Khi Người Điên biết yêu. Khán giả cũng không quên nghệ sĩ bậc thầy Năm Châu trong vai Nam Bình, một nghệ sĩ đã sống hết mình vì nghệ thuật nhưng chết trong nghèo đói và bị vợ là Thu Hồ phụ tình trong tuồng Men Rượu Hương Tình. Trong những năm gần đây khán giả lại thích thú với nghệ sĩ Giang Châu trong vai trùm Sò bất hủ trong tuồng Ngao Sò Ốc Hến.
Nghệ sĩ Giang Châu sanh năm 1952, theo lời tự thuật của Giang Châu thì anh là con nhà nghèo, thuở nhỏ đi chăn trâu, chăn bò, lớn lên một chút thì theo cô bác đi cấy lúa, gieo mạ. Lúc đó sau những giờ làm việc lao nhọc đồng áng, trong những đêm trăng thanh gió mát, những khi trúng mùa lúa, mùa cá mùa tôm, dân làng thường bày ra ăn nhậu và đờn ca tài tử, cậu bé Giang Châu vốn vui tánh, siêng làm mà cũng thích ăn nhậu ca hát như các bạn đồng trang lứa nên Giang Châu học nhạc lễ và cổ nhạc. Anh biết rành âm điệu và cách xữ dụng đờn cò, đờn gáo, kèn lá… anh cũng là một người nổi đình nổi đám trong nhóm đờn ca tài tử của làng anh.
Khởi đầu từ đoàn Hương Mùa Thu
Năm 1968, Giang Châu 16 tuổi, anh theo gánh hát cải lương Hương Mùa Thu, đóng vai kép phụ, vệ sĩ đánh võ để học hát. Giang Châu có làn hơi khỏe khoắn, ca cổ nhạc và vọng cổ rất có nét nhưng chưa biết diễn xuất nên anh chấp nhận tất cả các vai nào mà soạn giả kiêm bầu gánh Thu An trao cho anh. Chỉ hai năm sau, Giang Châu nhờ nơi giọng vọng cổ đặc biệt dài hơi và khỏe khoắn, anh đã đóng những vai quan trọng trong các tuồng Gánh Cỏ Sông Hàn, Tiếng Súng Một Giờ Khuya, Con Cò Trắng, Hai Chiều Ly Biệt trên sân khấu Hương Mùa Thu.
Năm 1971 nghệ sĩ Giang Châu thành hôn với nữ nghệ sĩ Ngọc Hiền, đệ tử của nữ nghệ sĩ Ngọc Hương tức bà bầu gánh hát Hương Mùa Thu. Nữ nghệ sĩ Ngọc Hiền và nghệ sĩ Giang Châu có nhiều dịp giúp đở nhau trong khi hành nghề ca diễn trên sân khấu Hương Mùa Thu nên có dịp hiểu nhau, yêu nhau và chánh thức thành hôn dưới sự bảo trợ của ông bà bầu gánh hát.
Đến năm 1975, Gánh hát Hương Mùa Thu ngưng hoạt động, tạm thời giải tán như tất cả các đoàn hát tư nhân lúc bấy giờ. Giang Châu và vợ anh là nữ nghệ sĩ Ngọc Hiền lui về quê. Ngọc Hiền lo bương chải làm ăn để giúp chồng và nuôi con. Đến cuối năm 1975, Giang Châu được cho hành nghề ở đoàn cải lương tập thể Saigòn 2.
Ở đoàn cải lương Saigon 2, nghệ sĩ Giang Châu nhờ có lối ca vọng cổ dài hơi và lối diễn xuất sống động nên anh nổi tiếng qua vai Trần Hùng trong tuồng cải lương Tìm Lại Cuộc Đời.
Sau đó, nghệ sĩ Giang Châu lại thành công rực rở qua vai Thừa trong tuồng Tiếng Hò Sông Hậu. Giang Châu đã diễn vai một người nông dân bộc trực, đi chân đất, mặc áo không cài nút, hút thuốc rê vấn như một người nông dân chánh cống. Dáng dấp cục mịch, lời ăn tiếng nói nghe rặc giọng nói của người miền quê hậu giang, anh đã ca ba câu vọng cổ rất hay để kết thúc màn hát, diễn tả tính khẳng khái bộc trực của người nông dân dám liều mình bênh vực bạn.
Ông Trùm Sò bất hủ
Giang Châu còn thành công qua những vở tuồng của đoàn cải lương Saigon 2, những tuồng vai người dân quê miền sông nước Hậu Giang, giống như chính bản thân của Giang Châu, một người xuất thân từ lớp dân nghèo ở miền quê.
Tuy nhiên sự thành công của nghệ sĩ Giang Châu vẫn mới dừng ở chổ nhờ có làn hơi phong phú, lối ca dài hơi và khi Giang Châu diễn các vai người nông dân cục mịch chất phác. Cho đến khi anh gia nhập đoàn hát cải lương Saigon 1, nghệ sĩ Giang Châu mới vụt sáng như một vì sao lạ, khẳng định được thế mạnh của anh trong lãnh vực ca diễn vai lẵng hài như vai Trùm Sò trong vở Nghêu Sò Ốc Hến của soạn giả Nguyễn Thành Châu.
Minh họa giọng hát của Giang Châu trong vai trùm Sò.
Thưa quý thính giả, vừa rồi là giọng hài hước của nghệ sĩ Giang Châu trong vai trùm Sò trong tuồng Nghêu Sò Ốc Hến của soạn giả Nguyễn Thành Châu.
Trong lớp diễn Trùm Sò phân bua với quan Huyện về chuyện mình bị mất cắp tài sản mà còn bị đóng tiền phạt và bị lính đánh 20 roi, Giang Châu trong vai Trùm Sò, khi bị lính lệ đánh, tiếng khóc như giọng khóc tiếng kéo đờn cò và cao dần tiếng khóc như tiếng kèn lá. Nghệ sĩ Giang Châu biết đờn cò, biết thổi kèn lá nên anh nâng tiếng khóc lên thành như tiếng đờn cò, tiếng kèn lá, nghe rất quái dị, đầy chất hài hước để diễn tả cái tham lam bủn xỉn đồng thời nổi lòng tiếc của của tên trùm Sò, một người lúc nào cũng hà tiện, bủn xỉn nhưng trước một quan huyện tham lam thì anh buộc lòng phải ứng ra một số tiền hối lộ. Mất tiền như bị đứt ruột, đứt gan, tiếng đau kêu thét như tiếng đờn cò não nuộc. Sự sáng tạo nầy của Giang Châu tạo ra một lớp diễn rất hay, khán giả cười ra nước mắt với trùm Sò trước những trò trái khoái nơi chốn công đường thời phong kiến.
Sau khi nghệ sĩ Giang Châu rời đoàn cải lương Saigon 1, khi đoàn hát tái diễn vở Nghêu Sò Ốc Hến, nhiều nghệ sĩ danh hài khác thế vai trùm Sò của nghệ sĩ Giang Châu nhưng không danh hề nào làm cho khán giả cười nghiêng ngửa như Giang Châu đã diễn. Khán giả và các nghệ sĩ công nhận đó là một vai hát để đời của Giang Châu.
Từ năm 1975 đến năm 1988, nghệ sĩ Giang Châu đã cộng tác qua 5 đoàn hát gồm có đoàn Saigon 2, đoàn Saigon 3, đoàn Saigon 1, đoàn 2/84, nhóm nghệ sĩ Sân Khấu Tài Năng.
Năm 1989, nghệ sĩ Giang Châu rời Saigon, đi tỉnh hát ở đoàn Phú Châu tỉnh An Giang, sau đó anh gia nhập đoàn cải lương Sông Hậu 1.
Năm 1990, nghệ sĩ Giang Châu đoạt huy chương vàng Hội Diễn Sân Khấu Chuyên Nghiệp Toàn Quốc 1990 với vở Tình Ca Đêm Chơi Vơi của đoàn cải lương Sông Hậu 1.
Năm 1992, anh trở về Saigon cộng tác với đoàn cải lương Hương Mùa Thu – Minh Phụng và sau đó thì anh nghĩ hát, chọn cái nghề tay trái là mở quán nhậu để kiếm sống qua ngày khi mà tình hình sân khấu cải lương mất quá nhiều khán giả.
Giang Châu hùn với nghệ sĩ Dương Thanh mở quán nhậu nhưng chưa được bao lâu thì Giang Châu rút lui khỏi cái quán nhậu, không dám đứng tên làm chủ nữa.
Theo lời kể của Giang Châu thì anh làm chủ được gần một tháng, chịu không thấu phải nhượng lại cho Dương Thanh. Khách đến nhậu trong quán của Giang Châu là những bạn bè, những khán giả ái mộ Giang Châu. Giang Châu nói: “Khách có lòng đến với mình thì mình phải tiếp. Tiếp bàn nầy mà không tiếp bàn kia thì người ta buồn. Xin hảy tưởng tượng, tôi chỉ “dô” với mỗi bàn nữa ly rượu thôi, từ sáng đến khuya thì chắc là xỉn hết biết.”
Giang Châu lại đi hát chầu, ca show ở Đầm Sen, hồ Kỳ Hòa. chạy show tỉnh, tuy nhiên không phải lúc nào anh cũng đắt show vì tình hình sân khấu gặp lúc khó khăn. Sau rốt Giang Châu lại thử thời vận, làm chủ quán nhậu nữa. Nghệ sĩ cải lương khi không còn đi hát, có nhiều người mở quán cà phê, quán rượu có ca nhạc, quán nhậu, v.v… Giang Châu không có một nghề chuyên môn nào khác ngoài nghề ca hát, đến lúc nầy mở quán nhậu thì cũng chỉ là vì túng thì phải tính, chớ thật lòng thì Giang Châu vẫn mong sân khấu luôn được sáng đèn, nghệ sĩ được hát một tuồng đầy đủ như hồi thời hoàng kim của sân khấu cải lương thì anh cảm thấy sung sướng rồi.
Gia đình của Giang Châu được ổn định nhờ nơi vợ anh, nữ nghệ sĩ Ngọc Hiền. Từ ngày kết hôn với Giang Châu, Ngọc Hiền hy sinh không đi hát theo như ước vọng cá nhân của mình mà chị lui về lo kinh tế gia đình, nuôi dạy con và bảo đảm kinh tế cho Giang Châu yên lòng đeo đuổi theo sự nghiệp sân khấu.
Hai anh chị có được đứa con gái tốt nghiệp đại học kinh doanh và một cháu trai còn đi học.
Dầu cuộc sống còn nhiều khó khăn, Giang Châu vẫn tìm mọi cách để được sống với nghề, để đêm đêm cống hiến cho khán thính giả những nét tài hoa ca diễn mà anh đã cả đời tích lủy được. Lòng chỉ mong sao cho sân khấu cải lương ngày một thêm đầy những khán giả tri âm.
Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc xin chấm dứt, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.