Thưa quý thính giả, trong số những nghệ sĩ đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm trong thập niên 60 do ký giả lão thành Trần Tấn Quốc chủ xướng, có những nam, nữ nghệ sĩ huy chương vàng đã sống bằng nghề ca diễn trên sân khấu và trở thành những nghệ sĩ tài danh, lưu lại rất nhiều hình tượng nghệ thuật làm khuôn mẫu cho nghệ sĩ thế hệ sau.
Nhưng cũng có nghệ sĩ khi đoạt được huy chương vàng triển vọng đã chuyển sang nghiệp làm bầu gánh hát. Có người làm bầu gánh hát để xây mộng làm giàu hoặc muốn tạo cho mình một sân khấu theo ý thích riêng nhưng dầu với mục đích nào thì nghệ sĩ huy chương vàng đó cũng đã đi sai lệch mục đích của người chủ trương giải Thanh Tâm. Hậu quả là nghệ sĩ huy chương vàng đó phải khổ thân vì cái nghiệp làm bầu và trên địa hạt ca diễn, người nghệ sĩ đó không lưu lại được những vai hát để đời như các nghệ sĩ huy chương vàng khác. Phải trãi qua mấy chục năm sau, kiểm nghiệm những thành quả đã đạt được, người nghệ sĩ bầu gánh đó mới nhận ra là con đường mình đã chọn không được như ý.
Từ học nghề sắp chữ nhà in
Nghệ sĩ Phương Bình là huy chương vàng đi theo cái nghiệp làm bầu gánh hát. Anh tên thật là Nguyễn Văn Bình, sanh năm 1947, nguyên là một người đi học nghề sắp chữ ở nhà in của các nhật báo Dân Chúng, Đồng Nai. Anh Bình nuôi mộng trở thành nghệ sĩ nên đi học ca cổ nhạc với nhạc sĩ Văn Lắm, nhà trong hẻm đường Bùi Viện, nơi được gọi là xóm nghệ sĩ.
Lúc đó nhà báo bị đóng cửa, anh Bình thất nghiệp. Ký giả Ngọc Đỉnh thương tình, dẫn Phương Bình đến giới thiệu với Bầu Long, xin cho anh vào đoàn Kim Chung học hát. Phương Bình được Bầu Long chấp thuận, vào hát những vai phụ, kép ba, chuyên đánh võ, đấu kiếm. Đối với Phương Bình, ký giả Ngọc Đĩnh là người ơn giải tỏa bế tắc trong cuộc sống của anh và là người hướng dẫn con đường nghệ thuật của anh từ A.B.C. cho đến khi anh đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1967.
Huy chương vàng giải Thanh Tâm 1967
Đến năm 1964, ký giả Ngọc Đỉnh giới thiệu cho Phương Bình về đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga, anh cũng chỉ đóng được các vai phụ vì sân khấu Thanh Minh Thanh Nga lúc đó có Hữu Phước, Thành Được, Thanh Tú nên năm sau Phương Bình trở về cộng tác với đoàn Kim Chung 2. Anh được nghệ sĩ Mỹ Châu giúp đở nên tiến bộ về nghệ thuật ca và diễn. Phương Bình được qua hát đoàn Kim Chung 6, hai năm sau(1967) Phương Bình đoạt được giải Thanh Tâm một lượt với các nghệ sĩ Mỹ Châu, Ngọc Bích, Bảo Quốc và Phương Bình.
Nghệ sĩ Phương Bình có giọng ca khoẻ, nghệ thuật ca chân phương, có thể nói nghệ thuật ca diễn không phải thật xuất sắc lắm và cũng không tệ lắm. Anh có nhiệt tình trong nghề, khi ca diễn bên cạnh Mỹ Châu thì anh nổi bật, nhưng khi diễn chung với người kém hơn thì thấy anh cũng kém. Phương Bình được thưởng huy chương vàng không phải với vai trò chánh trong vở hát mà là vai hạng nhì của ba tuồng trong năm cạnh bên Mỹ Châu. Mỹ Châu là người bạn diễn đã giúp đở anh nhiều mặt ở sân khấu.
Sau khi đoạt giải Thanh Tâm, Phương Bình được ông bầu Long bố trí cho hát vai chánh ở đoàn Kim Chung 8. Thời gian nầy anh kết hôn với cô Ngọc Bê.
Ở đoàn Kim Chung, nghệ sĩ Phương Bình hát qua các vai Áo Vũ Cơ Hàn tuồng Tâm Sự Loài Chim Biển, vai Mộ Dung Thạch, tuồng Kiếp Nào Có Yêu Nhau, vai Sơn Tinh tuồng Sơn Tinh – Thủy Tinh.
Minh họa giọng ca của nghệ sĩ Phương Bình và Mỹ Châu.
Thưa quý thính giả, vừa rồi là giọng ca của nghệ sĩ Phương Bình.
Thành lập đoàn hát
Năm 1971, Phương Bình rời đoàn Kim Chung, cùng với vợ Ngọc Bê thành lập đoàn hát Hương Dạ Thảo – Phương Bình và vợ anh trở thành bà bầu Bê nổi danh trong giới làm bầu các đoàn hát trung ban ở miền Hậu Giang.
Từ 1971 đến 1975, đoàn Hương Dạ Thảo diễn ở các tỉnh nhiều hơn về Saigon và đoàn hát cũng chỉ ở dạng tiểu ban, trung ban, không có tuồng hay và soạn giả nổi bật, đoàn hát của anh hát nhiều tuồng cũ lấy từ các gánh hát đại ban.
Đến năm 1975, đoàn Hương Dạ Thảo – Phương Bình giải tán. Anh trở về Saigon nhưng sau đó lại về Cà Mau lập đoàn hát Ngọc Bê – Phương Bình của thị xã Cà Mau. Trong một thời gian, đoàn hát Ngọc Bê – Phương Bình không đạt được doanh thu cần thiết, anh ra Vũng Tàu, thành lập đoàn hát Hương Biển, đăng ký là đoàn hát thuộc Sở Văn Hoá Thông Tin Vũng Tàu.
Nghiệp bầu gánh hát
Trong vòng 20 năm, Phương Bình loay hoay mãi với cái nghiệp làm bầu một đoàn hát nhỏ ở tỉnh, anh vẫn không nhận thấy được là trong chế độ mới sau năm 1975, việc một bầu gánh hát tư nhân được tồn tại và phát triển là một chuyện không thể nào có được. Ở một tỉnh nhỏ nào đó chưa có gánh hát cải lương, nghĩa là tỉnh đó chưa có cái công cụ tuyên truyền cần cho tỉnh nên họ tạm cho anh giấy phép thành lập đoàn hát ở tỉnh đó. Đoàn hát muốn xuất tỉnh đi đến tỉnh khác hát phải được Sở Văn Hóa Thông Tin chủ quản chấp thuận và cấp giấy phép.
Nhìn lại sự nghiệp của mình, nghệ sĩ kiêm bầu gánh hát Phương Bình không ngại nói về những thất bại. Anh bộc lộ sự chán nản: “Sau nhiều chuyến đứng mũi chịu sào lập gánh hát từ năm 1971 – 1984 với tên bảng hiệu Hương Dạ Thảo, Hương Biển thuộc Sở Văn Hóa Thông Tin Vũng Tàu, tôi đã gặp nhiều sự cố. Đó là đối diện với những cơn bão, cộng với những điểm diễn heo hút, đời sống người dân quá nghèo lấy tiền đâu mua vé. Và thế là xả giàn, có cơm ăn cơm, có cháo cả đoàn húp cháo. Sự nghiệp của tôi với 5 ngôi nhà mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, 5 xe ô tô đời mới, 2 xe vận tải cứ lần lượt ra đi. Bù lỗ riết đến năm 1998, khi gánh Hương Biển trụ bến tại Quảng Ninh, gặp phải khí hậu khắc nghiệt mà một số bầu cạnh tranh bất chính, tôi tuyên bố rã gánh, trở về thành phố làm lại từ đầu.”
Thưa quý thính giả, qua lời tự thán của nghệ sĩ Phương Bình thì xuất thân anh là người học xếp chữ cho nhà in Dân Chúng, Đồng Nai, học ca cổ nhạc năm 1963, đến năm 1967 thì có huy chương vàng giải Thanh Tâm và năm 1971 làm bầu gánh hát. Từ vai trò một người học xếp chữ trong nhà in, cơm bữa đói bữa no, 8 năm sau anh trở thành chủ gánh hát triệu phú với cái tài sản kết xù 5 ngôi nhà mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, 5 xe hơi đời mới và 2 xe vận tải. Đó là chưa kể số tiền mặt, vòng vàng, hột xoàn, nữ trang mà anh mua sắm cho bà Ngọc Bê, vợ của anh. Đó là trước năm 1975.
Sau năm 1975, anh cũng đi hát, cũng theo nghiệp làm bầu gánh hát và tất cả tài sản ky cóp được trước năm 1975 đều bị tiêu tan hết. Đến nay, hiếm hoi lắm người ta mới thấy Phương Bình ca trên sân khấu Làn Điệu Phương Nam, và Làn Điệu Phương Nam thì mỗi tháng chỉ hát một suất vào ngày 4 tây đầu tháng, hát xong anh âm thầm ra về. Đôi lúc anh đi show đám tiệc các tỉnh miền Tây, sau đó về Saigon đi hát ở quán nghệ sĩ này đến quán nghệ sĩ nọ để mưu sinh. Hiện nay anh mướn nhà ở quận 6 với người vợ sau. Cô Ngọc Bê, vợ trước của anh đã mất.
Nghệ sĩ Phương Bình lập gia đình từ năm 22 tuổi, có 9 người con, tất cả đều gắn bó với sân khấu vì thông thường, cha làm bầu thì con đi hát nhưng có hai người con là Phương Lâm và Phương Loan là nối nghiệp làm bầu gánh hát như Phương Bình. Rồi chắc cũng là theo con đường tán gia bại sản như cha trong tình hình sân khấu ngày một xuống dốc thê thảm như hiện nay.
Chúng tôi được tin nghệ sĩ Phương Bình đã bị một nhóm 7 người đánh hội đồng trong show hát đám tang tại An Lạc – Bình Chánh. Theo lời anh kể thì Phương Bình vừa là ca sĩ vừa làm MC, đến 3 giờ sáng ngày 30 tháng 10, vì ban nhạc đã mệt mỏi nên Phương Bình quyết định ngưng chương trình. Một thanh niên say rượu yêu cầu anh giới thiệu tiết mục ca và anh từ chối vì đã quá khuya. Nhóm thanh niên đang nhậu ở bàn rượu, chửi bới và hâm đánh anh. Khi Phương Bình ra về, nhóm người nầy rượt theo xe Phương Bình và đánh hội đồng, dùng đá nếm vô đầu khiến cho Phương Bình bị tét da đầu phải vô bệnh viện Triều An khâu 17 mũi. May là không ảnh hưởng đến não.
Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc kết thúc, Nguyễn Phương xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.