NS Thanh Phú trong vai Chúa Trịnh (vở Vương quyền tội ác) (ảnh Thanh Hiệp)
Có nghệ sĩ chỉ một lần thế vai cho đào hay kép chánh bị bệnh hay bất ngờ vắng mặt là người nghệ sĩ thế vai đó trở thành đào hay kép chánh ngay.
Nhưng cũng có nghệ sĩ thế vai cho kép chánh và nhiều lần thế vai cho những diễn viên trong các loại vai khác nhau như vai mùi, vai kép độc hay hề, lẵng, người đó thế vai nào cũng thành công nhưng suốt đời vẫn làm một anh kép phụ trong đoàn hát.
Người trong giới nói đó là Tổ không đải. Nghệ sĩ Thanh Phú nổi tiếng là một nghệ sĩ chuyên viên thế vai nghệ sĩ khác mà không được Tổ đải.
Nghệ sĩ Thanh Phú tên thật là Nguyễn Giêng Tuất sanh năm 1946 quê cha mẹ ở Hốc Môn nhưng anh được sanh ở Saigòn.
Cha anh là một công chức, mất khi Thanh Phú được hai tuổi. Mẹ là bà Lê Thị Kiếm, sanh năm 1918, đã sống trong đoàn hát cùng với Thanh Phú. Bà đã từng làm Bà Từ, chăm sóc bàn thờ Tổ các gánh hát Sông Cửu, Du Sỹ Ca, Hương Dạ Thảo.
Xuất thân từ Đồng Ấu Minh Tơ
Thanh Phú học văn hóa trường Kiến Thiết chung với Hùng Anh, con của nghệ sĩ Minh Chí nên Thanh Phú được Hùng Anh dẫn vô chơi trong gánh hát Minh Chí và đi theo đoàn lưu diễn nhiều ngày trong dịp nghĩ hè. Năm 1962, Thanh Phú mê cải lương, bỏ học văn hóa để học ca cổ nhạc với nhạc sĩ Hoàng Nô.
Năm 1963, Thanh Phú xin vào học lớp Đồng Ấu Minh Tơ chung với các diễn viên nhỏ tuổi Thanh Tòng, Bữu Truyện, Trường Sơn, Thành Tốt tức Hoàng Linh, Thanh Thế, Xuân Yến, Thanh Loan…
Thanh Phú được nghệ sĩ Minh Tơ dạy đóng các vai tướng Đông Ngô tuồng Triệu Tử Đoạt Ấu Chúa, vai Tào Hưu tuồng Phương Thế Ngọc Đả Lôi Đài, … Đoàn Đồng Ấu Minh Tơ diễn thường trực ở rạp hát Olympic.
Đến năm 1964, đoàn Đồng Ấu Minh Tơ giải tán, Thanh Phú gia nhập đoàn Kim Chung tại rạp hát Aristo, làm quân sĩ và cầm bổn tuồng ở hậu trường nhắc tuồng hát cho các nghệ sĩ. Thành phần diễn viên đoàn Kim Chung lúc đó có Ngọc Toàn, Huỳnh Thái, Kim Chung, Bích Hợp, Ngọc Lựu, hề Phúc Lai, Ba Hội, Tư Vững, Minh Cảnh, Hoàng Ghi…Khi đoàn Kim Chung 2 được thành lập thì Minh Cảnh là kép chánh.
Đoàn Kim Chung 2 có các nghệ sĩ Hùng Cường, Kim Nguyên, Lệ Thủy, Diệu Hiền, Văn Hường. Minh Cảnh xin Bầu Long cho Thanh Phú theo anh đi đoàn Kim Chung 2 để nhắc tuồng.
Nhắc tuồng và thế vai
Năm 1966, nghệ sĩ Thanh Phú được chuyển qua đoàn Kim Chung 4 làm nhiệm vụ nhắc tuồng và đóng các vai phụ. Có lần tại rạp hát Cây Gỏ Chợ Lớn, đêm hát vở Bẻ Kiếm Bên Trời, bất ngờ kép chánh Thanh Hải đau, không hát được. Vé hát đã bán hết, nếu đêm đó trả vé thì đoàn phải nghỉ hát cả tuần vì đêm sau khó mà bán vé.
Nghệ sĩ Phước Hậu, Thanh Nhàn được yêu cầu thế vai Thanh Hải nhưng hai anh từ chối, nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan không muốn đoàn trả vé nghỉ hát nên đề nghị cho Thanh Phú thay vai của Thanh Hải. Cô Út Bạch Lan khi hát cặp với Thanh Phú sẽ nâng đở cho Thanh Phú.
Thanh Phú thường xuyên nhắc tuồng hát nên vai nào em cũng thuộc và theo dõi nghệ thuật diễn xuất hàng đêm nên khi thế tuồng, Thanh Phú đã hát tròn vai, khán giả vổ tay khi Thanh Phú ca vô bài Nam Ai.
Lúc đó Bầu Long và ông Phạm Thọ Minh vào xem người thế vai cho kép chánh Thanh Hải, đêm hát đó được khán giả tán thưởng nên ông nâng lương cho Thanh Phú từ 60 đồng một suất lên 150 đồng một suất và cho ký hợp đồng 60.000 đồng trong hai năm.
Sau đêm thế tuồng kép chánh Thanh Hải, đáng lý ra thì Thanh Phú phải được phân vai hát quan trọng trong những vở tuồng sau nhưng hầu hết nghệ sĩ trong đoàn đều cần một người nhắc tuồng giỏi.
Vì mỗi tháng đoàn hát Kim Chung phải thay một tuồng mới để cạnh tranh với các đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chưởng, Dạ Lý Hương… nên vai trò người nhắc tuồng rất là quan trọng để bảo đảm cho nghệ sĩ hát được tuồng đó trong khi họ chưa thật thuộc tuồng. Vì vậy nghệ sĩ Thanh Phú vẫn làm nhiệm vụ nhắc tuồng và sẳn sàng thế vai cho bất cứ nam nghệ sĩ nào bất ngờ vắng mặt.
Trong thời gian hát qua các đoàn Kim Chung 1, 2, 3, 4, nghệ sĩ Thanh Phú có những vai hát được báo chí kịch trường khen ngợi như vai Quỷ Bảo trong tuồng cùng tên, vai Du Hải Long trong vở Xin Một Lần Yêu Nhau, vai Bạt Đức tuồng Người Tình Trên Chiến Trận, vai Xích Lâm tuồng Bảo Biển… Con đường nghệ thuật của Thanh Phú bị bốn lần gián đoạn vì anh bị bắt quân dịch.
Có lần tân binh Thanh Phú và kép chánh Hải Huyền Thi của đoàn Thủ Đô bị đưa ra vùng một chiến thuật ở chung đơn vị. Cả hai nhân dịp đi nghĩ phép nên trốn vô đoàn hát Đông Hí Ban của Bầu Giám ở Đà Nẳng. Sau đó Thanh Phú hát cho đoàn Trưng Vương của bà bầu Túy Nguyệt ở Đà Nẳng đến năm 1970 anh mới trở về Saigon.
Minh họa giọng hát của nghệ sĩ Thanh Phú.
Thưa quý thính giả, vừa rồi là giọng hát của nghệ sĩ Thanh Phú.
Trông coi sân khấu
Năm 1970, nghệ sĩ Thanh Phú gia nhập đoàn hát Hương Dạ Thảo với nhiệm vụ “trông coi sân khấu” một danh từ để nói về vai trò Giám Đốc Kỷ Thuật của đoàn hát. Đoàn Hương Dạ Thảo có các nghệ sĩ Út Trà Ôn, Phương Bình, Thanh Hải, Bạch Lê, Trang Thanh Xuân, Bửu Cầu, hề Văn Hường, Phương Dung, Quốc Trầm, Tô Kiều Loan. Nghệ sĩ Thanh Phú đã hát các vai độc lẵng trong tuồng Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn, Diêm Nữ Đô…
Năm 1972, hai nghệ sĩ Quốc Trầm – Phương Dung lập đoàn Du Sỹ Ca, Thanh Phú được mời về trông coi sân khấu…
Từ năm 1973 đến năm 1974, vì tình hình chiến sự sôi động, nhiều đoàn hát không hát được, nghệ sĩ Thanh Phú đã đi hát qua nhiều đoàn hát: đoàn Minh Cảnh, đoàn Kiên Giang bầu Hoàng Mật và đoàn Mây Tần của ông bầu Trương Vũ.
Đến gần cuối năm 1974, Thanh Phú về hát chánh cho đoàn Hương Mùa Thu, đóng tuồng cặp với nữ nghệ sĩ Ngọc Hương, hát qua bốn vở tuồng Saigòn Thác Bạc, Saigon Tuổi mộng, Bình Lan Xuân, Bà Chúa Ăn Mày.
Sau 30 tháng 4 năm 1975,Thanh Phú về hát cho đoàn Tiếng Ca Sông Cửu. Đến năm 1977, nghệ sĩ Thanh Phú về hát cho đoàn hát Trần Hữu Trang. Thanh Phú cộng tác với đoàn Trần Hữu Trang được liên tục 10 năm, đã hát qua những vở tuồng Đêm Phán Xét, Kiều Nguyệt Nga, Thái Hậu Dương Vân Nga, Chuyện Cổ Bát Tràng, Nguyễn Trãi. Có một thời gian anh điều khiển đoàn Đồng Ấu để đào tạo các nghệ sĩ trẻ.
Năm 1988, nghệ sĩ Thanh Phú cộng tác với Câu Lạc Bộ Cải Lương của Hội Nghệ Sĩ, hát qua những vở như Thủ Cung Sa, Hoa Mộc Lan, Nắm Cơm Chan Máu với các nghệ sĩ Bạch Tuyết, Phượng Liên, Ngọc Giàu, Thanh Sang, Hoài Thanh, Giang Châu, Minh Vương, Hồng Nga, Bích Sơn, Minh Phụng, Lệ Thủy.
Từ năm 1990, Thanh Phú thu hình băng video tuồng cải lương. Anh có vai trong các vở Mùa Thu Trên Non Cao, Xin Một Lần Yêu Nhau, Người Nhạn Trắng, Diêm Vương Nổi Giận…
Không được tổ đãi
Là một nghệ sĩ nhiều khả năng, được trui rèn từ đoàn Đồng Ấu Minh Tơ, nghệ sĩ Thanh Phú đã hát qua nhiều đoàn hát, nhờ làm việc nhắc tuồng nên anh thuộc nhiều vai, biết nhiều lối hát và có thể đóng các loại vai một cách hoàn chỉnh.
Điều thiếu sót của Thanh Phú là anh không có một làn hơi ca độc đáo, không có bản sắc riêng trong ca diễn vì anh diễn gần như rập khuôn những vai của người diễn trước mà anh thế tuồng vì vậy anh không được giới nghệ sĩ và khán giả xem như một người kép chánh, nhưng khi anh làm đài trưởng, người trông coi sân khấu thì anh lại được nghệ sĩ và bầu gánh tín nhiệm.
Có người nói là tại khi mới vào nghề, Thanh Phú chọn cái nghề nhắc tuồng và anh lại là người nhắc tuồng rất giỏi nên các anh chị đào kép chánh đều yêu cầu ông bà bầu để cho Thanh Phú làm nhiệm vụ nhắc tuồng hơn là phân vai cho anh hát.
Mãi cho đến sau năm 1975, Thanh Phú về hát ở đoàn Trần Hữu Trang, có người khác nhắc tuồng thì anh mới có cơ hội có nhiều vai tuồng để hát.
Các bạn và nghệ sĩ ái mộ Thanh Phú cho là phần số của anh như vậy, anh không được Tổ đãi, đó là câu nói an ủi một người nghệ sĩ có tài, suốt đời tận tụy với nghiệp vụ và cũng suốt đời lận đận với các bạn nghệ sĩ và nghề hát nhưng không được may mắn như những bạn nghệ sĩ khác.
Nghệ sĩ Thanh Phú đã lập gia đình với nữ nghệ sĩ Lan Hương đoàn hát Hương Mùa Thu. Anh chị có 5 cháu: hai con gái lớn Bảo Ngọc, Bảo Châu là hai nữ nghệ sĩ cải lương tài danh, Nguyễn Bảo Quý làm nhạc công, Nguyễn Thanh Hùng tài xế và con út là Nguyễn Thị Giáp Tý, còn đi học.
Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc xin chấm dứt, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.