Thưa quý thính giả, người nghệ sĩ cải lương được có một vai hát để đời, một vai hát mà khi khán giả nhắc đến vai hát là nhớ đến người nghệ sĩ đó, đây là một hạnh phúc và vinh dự lớn của nghệ sĩ.
Còn nhớ khi khán giả nhắc vai Hà Công Yên trong tuồng Tứ Đổ Tường, người ta nhớ đến danh tài nghệ sĩ Tám Danh, nhắc đến vai Phê trong tuồng Khi Người Điên Biết Yêu là nhớ đến nghệ sĩ Ba Vân, vai Lữ Bố – Phùng Há trong Phụng Nghi Đình, vai Bàng Quí Phi – Năm Phỉ trong vở Xử Án Bàng Quí Phi, vai Lĩnh Nam trong Sân Khấu Về Khuya là nhớ đến Năm Châu, vai Trưng Trắc – Thanh Nga trong Tiếng Trống Mê Linh, vai Tô Điền Sơn – Thành Được trong Khi Hoa Anh Đào Nở, vai cô Hương – Út Bạch Lan trong Nửa Đời Hương Phấn, vai Cậu Ấm Thân – Việt Hùng trong Đoạn Tuyệt.
Những nghệ sĩ trẻ như Thanh Sang gợi nhớ vai Tạ Tốn trong Cô Gái Đồ Long và vai Thi Sách trong Tiếng Trống Mê Linh, Mỹ Châu trong Nàng Hai Bến Nghé, Tài Linh vai Lý Thần Phi trong Xử Án Quách Què, Xuân Lan vai công chúa Bích Vân trong Bên Cầu Dệt Lụa…
Hạng ba giải Khôi Nguyên Vọng Cổ
Nữ nghệ sĩ Xuân Lan tên thật là Nguyễn Thị Xuân Lan, sanh năm 1950 tại Saigon, cha mẹ quê ở huyện Củ Chi, sống ngoài nghề sân khấu.
Đầu thập niên 60, thời hoàng kim của sân khấu cải lương, nhiều gia đình cho con em đi học ca cổ nhạc ngoài giờ học văn hóa ở trường. Xuân Lan cũng được cha mẹ cho em theo học cổ nhạc với thầy Bảy Trạch, nhạc sư trưởng ban cổ nhạc đoàn hát Kim Chung, hát thường trực tại rạp hát Aristo đường Lê Lai quận Nhứt. Cùng học với thầy Bảy Trạch có Minh Vương sau này là nghệ sĩ tài danh Minh Vương hát ở đoàn hát Kim Chung.
Năm 1964, nhạc sĩ Út Trong lập nhóm Trường Giang, ca cổ nhạc trên Đài Phát Thanh Saigon và tổ chức cuộc thi tuyển chọn Khôi Nguyên Vọng Cổ tại rạp Quốc Thanh. Các em Minh Vương được chọn là Khôi Nguyên Vọng Cổ, được ông Bầu Long ký hợp đồng về hát cho đoàn Kim Chung 1 và được đặt cho nghệ danh Minh Vương.
Nữ nghệ sĩ Diệu Nga được hạng nhì giải Khôi Nguyên Vọng cổ. Diệu Nga được bà bầu Thơ ký hợp đồng về hát cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Nữ nghệ sĩ Xuân Lan hạng ba giải Khôi Nguyên Vọng Cổ, được ông bầu Hoàng Mật ký hợp đồng về hát cho đoàn hát Kiên Giang.
Hai bạn Minh Vương và Diệu Nga nhờ hát ở các đoàn hát thường trực ở Saigon, có nhiều tác giả, có nhiều tuồng hay và được báo chí kịch trường viết nhiều bài khen ngợi nên nổi danh nhanh chóng.
Xuân Lan về hát đoàn Kiên Giang, một đoàn hát ở tỉnh, ít được báo kịch trường biết đến nên chịu nhiều thiệt thòi hơn các bạn Minh Vương và Diệu Nga.
Bù cho sự thiệt thòi đó, nữ nghệ sĩ Xuân Lan được soạn giả Điêu Huyền, Hoa Phượng và nghệ sĩ Minh Viễn dạy cho nghệ thuật ca diễn. Xuân Lan là đào nhì và cũng là thơ ký riêng của soạn giả Điêu Huyền. Em chép tuồng và ra rôle các vai tuồng của soạn giả Điêu Huyền.
Đó là một việc làm của một người thư ký bình thường nhưng lại giúp cho Xuân Lan một kiến thức soạn tuồng, sửa tuồng mà sau nầy khi trực tiếp làm bầu gánh hát đoàn cải lương Quận 6 năm 1980, Xuân Lan mới thấy hữu dụng.
Công chúa không phải là vai đào độc, nàng là một công chúa kiều diễm nhưng tâm hồn Bích Vân vẫn là một cô gái ngây thơ được cưng chìu nên luôn ảo tưởng là công chúa thì muốn cái gì cũng đạt được. Chính vì vậy khi bị Trần Minh từ chối không nhận hôn nhân, sự thất bại cay đắng của công chúa thật đáng thương.
Cố nghệ sĩ Thanh Nga
Chồng của Xuân Lan là nghệ sĩ Tấn An, cũng là thơ ký riêng của soạn giả Nguyễn Phương, đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Nghệ sĩ Tấn An cũng chép tuồng, ra rôle tuồng của soạn giả Nguyễn Phương và được hướng dẫn để sau này trở thành soạn giả lo việc tuồng tích cho đoàn hát cải lương quận 6 của bà bầu Xuân Lan.
Nữ nghệ sĩ Xuân Lan cộng tác với đoàn hát Kiên Giang đến năm 1972 thì được ông bầu hề Sa ký hợp đồng, mời về hát cho đoàn hát Sống Hề Sa, chuyên diễn các tỉnh miền Trung và Hậu Giang.
Năm 1974, thân nhân của bà bầu Kim Chưởng thành lập gánh hát Quốc Hương – Kim Chưởng, nữ nghệ sĩ Xuân Lan được mời về đóng vai đào chánh. Lúc đoàn hát Quốc Hương hát ở Tuy Hòa thì đoàn hát Việt Nam của bà Bầu Thu, vợ của nghệ sĩ Minh Vương thương lượng lý hợp đồng mời Xuân Lan về hát cho đoàn hát Việt Nam.
Xem quá trình đi hát của nữ nghệ sĩ Xuân Lan từ sau khi đậu hạng ba giải Khôi Nguyên Vọng Cổ năm 1964 – 1965, Xuân Lan hát vai nhì hoặc vai đào chánh các đoàn hát ở tỉnh, chuyên lưu diễn các miền Hậu Giang và miền Trung nhiều hơn ở Saigon.
Vai diễn để đời
Sau năm 1975, khi đoàn hát Thanh Minh được phép tái thành lập, vở tuồng Bên Cầu Dệt Lụa, lúc đó Thanh Nga thủ vai cô gái dệt lụa Quỳnh Nga, nữ nghệ sĩ Bạch Lê vào vai công chúa Bích Vân, Thanh Tú trong vai Nhuận Điền, Thanh Sang trong vai Trần Minh, Ngọc Nuôi trong vai Trần Mẫu.
Nữ nghệ sỉ Bạch Lê sau đó về hát cho đoàn hát cải lương tuồng cổ Huỳnh Long nên đoàn Thanh Minh mời Xuân Lan về thế vai công chúa Bích Vân của nữ nghệ sĩ Bạch Lê.
Nữ nghệ sĩ Xuân Lan tâm sự: Hồi tôi về đoàn Thanh Minh, tôi giống như một con bé quê ngốc nghếch giữa thành phố. Cái tên Xuân Lan đối với khán giả thành phố còn quá mới mẻ. Chị Nga chọn cho tôi công chúa Bích Vân. Vai nầy chị Bạch Lê đã diễn suốt một năm, chị Kim Phương cũng đang diễn và vì chị Bạch Lê và Kim Phương đi đoàn hát khác nên tôi về thế vai.
Những lần đi chung xe với chị Nga, chị thủ thỉ phân tích vai công chúa Bích Vân cho tôi, chị nói: “Công chúa không phải là vai đào độc, nàng là một công chúa kiều diễm nhưng tâm hồn Bích Vân vẫn là một cô gái ngây thơ được cưng chìu nên luôn ảo tưởng là công chúa thì muốn cái gì cũng đạt được.
Chính vì vậy khi bị Trần Minh từ chối không nhận hôn nhân, sự thất bại cay đắng của công chúa thật đáng thương.” Chị Thanh Nga uốn nắn cho tôi từng nét diễn, lo cho tôi nhiều thứ, từ cách hóa trang, làm tóc đến trang phục của công chúa.
Nữ nghệ sĩ Xuân Lan nhắc lại khi hát vai công chúa Bích Vân như sau:
Đêm tôi diễn đầu tiên ở rạp hát Gò Vấp, tới lớp diễn đối đáp giữa Quỳnh Nga và công chúa Bích Vân, chị Nga dặn tôi là lớp ấy tôi phải xấn xổ đi thẳng đến Quỳnh Nga nhưng bao giờ ra diễn thấy chị Nga đứng sừng sững trên sân khấu, tôi lại sợ, không dám bước sấn tới.
Tôi không sao quên được âm vang từng lời, từng chữ, từng cách nhấn nhá của chị Thanh Nga trong câu Quỳnh Nga nói với Bích Vân mà tôi thủ diễn: “Bán buôn có nhiều mặt khách, cũng như nước ở biển khơi sông lớn khi vào rạch vào mương cũng phải thu hẹp lại…”
Người thầy dạy đầu tiên cho Xuân Lan là nhạc sư Bảy Trạch, soạn giả Điêu Huyền, Hoa Phượng và nghệ sĩ Minh Viễn nhưng người thầy đã đưa Xuân Lan đến những bước vinh quang của nghề hát là chính chị Thanh Nga, minh sư và là thần tượng của Xuân Lan. Trọn đời Xuân Lan không bao giờ quên ơn các bậc thầy đã dìu dắt Xuân Lan vào nghề.
Nghệ sĩ Xuân Lan
Tôi nghe như muốn nuốt từng lời từng chữ, tôi nhìn chị Thanh Nga đẹp quá, sang quá, tôi như một kẻ mất hồn thành ra quên vai diễn của mình phải làm gì, vào hậu trường chị có vẻ không vui, trách là em làm hỏng lớp diễn…
Tôi khóc buồn giận mình nhưng thực lòng tôi biết ơn chị Thanh Nga. Anh Thanh Sang, chú Văn Ngà, anh Bảo Quốc cũng khuyến khích, chỉ vẻ thêm cho tôi hát cho đạt. Về sau tôi cố gắng nhập vai, hát được khán giả khen, chị Nga cũng rất vui lòng.
Chị Nga mất đã nhiều năm rồi, sau này tôi vẫn hay chiêm bao thấy chị về chỉ dạy cho tôi. Khi đến rạp Hưng Đạo, tôi luôn luôn đến thắp nhang van vái chị Thanh Nga trước khi tôi bước vô hậu trường sân khấu.
Lại còn nhớ khi diễn tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga, chị Nga vô vai Thái Hậu, Xuân Lan trong vai Hiệu Úy Kỳ Hoa, tôi hát mạnh bạo, oai dũng, trong thâm tâm cũng tưởng tượng mình là cận tướng hộ vệ cho Thanh Nga. Ấy vậy mà khi chị và chồng chị bị bắn chết thì Hiệu Uy Kỳ Hoa lại đang ở tận Củ Chi, nơi nhà của Ba Má tôi. Nhớ đến đây không thể nào cầm được nước mắt.
Người thầy dạy đầu tiên cho Xuân Lan là nhạc sư Bảy Trạch, soạn giả Điêu Huyền, Hoa Phượng và nghệ sĩ Minh Viễn nhưng người thầy đã đưa Xuân Lan đến những bước vinh quang của nghề hát là chính chị Thanh Nga, minh sư và là thần tượng của Xuân Lan. Trọn đời Xuân Lan không bao giờ quên ơn các bậc thầy đã dìu dắt Xuân Lan vào nghề.
Hiện nay vợ chồng Tấn An và Xuân Lan đã giả từ sân khấu, may mắn của vợ chồng Xuân Lan là có một công việc làm có thu nhập ổn định. Mỗi tháng, Xuân Lan và Tấn An đến thăm các nghệ sĩ trong khu dưỡng lão nghệ sĩ, cùng ca hát chung với các bạn già và giúp đở tiền nong cho quỷ của viện dưỡng lão, gọi là đáp ơn các nghệ sĩ đã từng dìu dắt mình bước vào nghề hát khi xưa.
Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc kết thúc, Nguyễn Phương xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.