Nữ nghệ sĩ Mỹ Chi, từ Cải Lương sang Tấu Hài

Nguyễn Phương
6.9.2008

Thưa quý thính giả, sinh hoạt nghệ thuật sân khấu ở Việt Nam có những hiện tượng nghịch lý chưa được quan tâm giải quyết. Trong lúc sân khấu cải lương với những đề tài nghiêm túc thì lại không được khán giả ủng hộ, trái lại một số vở kịch nói với đề tài nặng về tính thời sự hoặc những kịch hài xưa như Nghêu Sò Ốc Hến, Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt, Giải Oan Thị Mầu… thì lại được khán giả trẻ thưởng thức.



Đặc biệt loại tiểu phẩm hài, tấu hài, châm chọc nhắm vào những tiêu cực nhẹ nhẹ của những cán bộ tham nhũng, những thói dỏm học làm sang của những nhà giàu mới, của bọn người cơ hội, những thói hư tật xấu trong xã hội là nội dung của những tiểu phẩm tấu hài, chọc cười vô tội vạ. Loại tấu hài này được khán giả bình dân đón thưởng nồng nhiệt khiến cho nhiều nghệ sĩ cải lương đổi nghề hát cải lương, gia nhập các nhóm tấu hài và trở thành những danh hài. Hiện nay ở thành phố đã có hơn bốn mươi nhóm tấu hài, hằng đêm biểu diễn trên nhiều sân khấu, tụ điểm văn hóa.

Số nghệ sĩ cải lương trở thành danh hài trong các nhóm tấu hài có Bảo Quốc, Kim Ngọc, Bảo Chung, Tấn Beo, Minh Nhí, Giang Thảo, Nguyên Hạnh, Ngọc Giàu, Hữu Châu, Hà Linh, Duy Phương, Phú Quý, Lê Vũ Cầu, Hồng Vân, Mỹ Chi….

Khởi đầu từ Cải Lương

Nữ nghệ sĩ Mỹ Chi tên thật là Nguyễn Thị Mỹ, sinh năm 1949, quê ở Long Xuyên. Thân phụ của cô là ông Nguyễn Thành Đủ, chủ xe đò Tam Hữu nổi tiếng ở miền Tây. Thân mẩu của cô là bà Hồ Kim Anh. Nữ nghệ sĩ Mỹ Chi có người anh trai buôn bán đồ phụ tùng xe hơi. Mỹ Chi là chị của 6 em, ba trai ba gái. Mỹ Chi có người em gái( sinh năm 1952) là Nguyễn Ngọc Dung theo nghề sân khấu với nghệ danh là Ngọc Dung, hiện ở trong nhóm tấu hài Mỹ Chi, ngoài ra thì các anh em của cô đều sinh hoạt ngoài ngành sân khấu.

Năm 16 tuổi( 1955) Mỹ Chi học trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ ở đường Nguyễn Du. Những nghệ sĩ nổi danh từng cùng học khóa 2 trường Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigòn cùng với Mỹ Chi có Tú Trinh, Ngọc Đan Thanh, Kiều Phượng Loan, Huỳnh Thanh Trà…

Nữ nghệ sĩ Mỹ Chi học khóa Cải Lương với các thầy Năm Châu, Kim Cúc, Duy Lân, Năm Nở.  Cô tốt nghiệp ra trường năm 1968. Vì tình hình chiến sự Tết Mậu Thân 1968, đô thành có lịnh giới nghiêm ban đêm nên nhiều đoàn hát cải lương ngưng hoạt động, Mỹ Chi đi hát cho các Ban thoại kịch ở Đài Truyền Hình. Cô cộng tác với Ban Kịch Tân Dân Nam của kịch sĩ Anh Lân trong các vở kịch Yêu Trong Bóng Tối, Nổi Lòng Chị Bếp. Ở Ban Kịch Thẩm Thúy Hằng, nữ nghệ sĩ Mỹ Chi có mặt trong các vở Giọt Sầu, Ngậm Ngùi, Yêu Trong Hoàng Hôn…

Thành danh với Thoại Kịch

Năm 1970, Mỹ Chi thành lập Ban thoại kịch Mỹ Chi với thành phần các diễn viên : Mỹ Chi, Thanh Tú, Ngọc Đức, Hoàng Long, Diễm Kiều, Bà Năm Sa Đéc, biểu diễn các kịch bản Cạm bẩy, Má Hồng Phận Bạc, Chuyện Tình 17, Hai Hình Ảnh Một Cuộc Đời…

Tốt nghiệp khóa cải lương nhưng ra trường gặp thời điểm bất lợi cho các xuất hát tối của các đoàn hát cải lương, Mỹ Chi tham gia Ban Kịch Truyền Hình là một phương cách bất đắc dĩ để giải quyết sinh kế và để có dịp hành nghề sân khấu. Cô đã thành danh trong giới kịch sĩ và đặc biệt thành công trong các vai đào lẵng, các vai hài.

Trên sân khấu Đại Nhạc Hội, Mỹ Chi có sắc vóc đẹp, nét mặt phảng phất nhan sắc của nữ kịch sĩ Thẩm Thúy Hằng. Nếu Mỹ Chi diễn xuất chậm, dịu dàng đầm thấm một chút, chú ý khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật thì Mỹ Chi cũng có thể trở thành một cô đào thương có hạng. Nhưng vì đứng chung sân khấu với Thẩm Thúy Hằng, nữ nghệ sĩ Mỹ Chi muốn tạo cho mình một thế đứng riêng biệt, một lối diễn xuất mang đậm cá tánh của cô nên Mỹ Chi diễn thật nóng, nói mau, động tác và lời nói cường điệu để thu hút sự chú ý của khán giả. Lối diễn nầy đưa Mỹ Chi sang lối diễn tấu hài, chọc cười khán giả với những chiêu thức bình dân mà các khán giả trí thức không mấy gì ưa thích.

Sau năm 1975, nữ nghệ sĩ Mỹ Chi gia nhập nhóm Dân Nam Mới của kịch sĩ Anh Lân lưu diễn các tỉnh miền Trung và miền Tây với các kịch bản cũ như Nổi Lòng Chị Bếp, Nhạc Sĩ Bất Đắc Dĩ, Vụ Kiện Hi Hữu 

Năm 1978, Mỹ Chi cộng tác với đoàn Bông Hồng, hát chung với các nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng, Nguyễn Chánh Tín, Tú Trinh, Thanh Thủy, Kim Lan, Tâm Phan, Hoàng Long, Huỳnh Thanh Trà, Nguyễn Dương, Thu Tuyết… Nữ nghệ sĩ Mỹ Chi đã có những vai diễn được khán giả tán thưởng như vai Cô Chín Tài Bán trong kịch Đôi Bông Tai, vai Y tá Mai trong vở Đôi Mắt.

Khi thủ diễn vai Phượng trong vở kịch Cho Tình Yêu Mai Sau, vai Phượng là vai đào thương thuộc dạng chính kịch nhưng nữ nghệ sĩ Mỹ Chi cương thêm lời thoại, diễn theo lối hài hước, biến lớp diễn nầy thành như một tiểu phẩm tấu hài lồng trong chính kịch Cho Tình Yêu Mai Sau. Tác giả vở kịch không tán thành nhưng khán giả thích những màn diễn diễu để họ được cười thoải mái, do đó nhân vật Phượng được Mỹ Chi đổi thành một nhân vật hài. Bắt đầu từ vai Phượng, nữ nghệ sĩ Mỹ Chi chuyển sang diễn chuyên nghiệp các vai hài, nổi danh là một trong mười diễn viên hài được ưa thính nhất của thành phố.

Nổi danh với Sân Khấu Hài

Năm 1981, nữ nghệ sĩ Mỹ Chi cộng tác với đoàn kịch nói Kim Cương, thành công qua các vai hài trong kịch bản Cơn Bảo Cuối Cùng, Nhân Danh Công Lý, Người Tình Trẻ.

Năm 1983, Mỹ Chi rời đoàn Kim Cương, thành lập nhóm hài Mỹ Chi gồm có Mỹ Chi, Mai Sơn, Hoàng Dũng, Ngọc Dung, Anh Thư …diễn tấu hài các tiểu phẩm Bác Sĩ Ba Cu Đô, Một Vụ Hôn Nhơn, Ông Táo Bà Mánh…

Để chủ động cho chương trình hoạt động của nhóm, nữ nghệ sĩ Mỹ Chi sáng tác các kịch bản hài cho riêng cho nhóm trình diễn như các vở tấu hài Nồi Nào Vung Nấy, Thiên Lôi Đại Chiến Chủ hiệu Massage, Ngày Tàn của Thẩm Mỹ Viên SaKuDo, 49 gặp 50, Ngọc Hoàng Hạ Giới, Món Quà Bất Ngờ, Người Chồng Lý Tưởng…. Nội dung các tiểu phẩm hài nhắm vào việc phê phán những vụ bê bối, lường gạt trong xã hội thời kinh tế hội nhập, phê phán những tiêu cực của xã hội…

Sau 10 năm hoạt động ở lãnh vực hài, nữ nghệ sĩ Mỹ Chi đoạt được huy chương vàng trong Liên Hoan Sân Khấu Hài năm 1991. Mỹ Chi còn nhận được giải thưởng đặc biệt là Nhóm Hài có nhiều kịch bản được khán giả ưa thích nhứt.

Nữ nghệ sĩ Mỹ Chi thường diễn những vở hài kịch cuối năm về chuyện Táo Quân, hầu hết các vai Bà Táo đều được Mỹ Chi thủ diễn và được khán giả ưa thích. 

Từ năm 1992 trở về sau nầy, Ban Hài Mỹ Chi ít xuất hiện ở các tụ điểm ca nhạc hay các rạp ở thành phố. Cô chuyển qua hình thức biểu diểu  “song tấu”. Mỹ Chi  đã biểu diễn với Tùng Lâm qua tiểu phẩm tấu hài Song Hiệp Tranh Hùng; Mỹ Chi và Bảo Quốc qua vở hài kịch Chuyện Vui Ngày Cưới, Ông Táo Bà Mánh; Mỹ Chi với Duy Phương qua vở Anh Tư Em Bốn, Anh Hùng Râu Quặp; Với Nguyên Hạnh qua hài kịch Nàng Dâu Bất Ngờ, Hai Người Bạn Vui Tánh, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài…

Mỹ Chi cũng song tấu với Ngọc Dung, em ruột của cô trong các kịch bản : Cá Mè Một Lứa, Mẹ Nào Con Nấy, Bói Quẻ Đầu Năm, Tình Yêu Thời Đại…

Sau 27 năm theo nghiệp sân khấu, nữ nghệ sĩ Mỹ Chi tốt nghiệp khóa cải lương trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigon, nhưng cô lại biểu diễn kịch nói trong 12 năm liên tục, nhận được huy chương vàng Hội Diễn ngành kịch nói và sau nầy cô chuyển qua diễn hài trong 15 năm, cô cũng nhận được Huy Chương vàng Hội Diễn sân khấu Hài, được khán giả mến mộ và tặng danh hiệu “Tếu Nữ Mỹ Chi”.

Về gia đình, nữ nghệ sĩ Mỹ Chi có ba cháu : Hồ Kim Minh Châu, sanh năm 1971, tốt nghiệp kỷ sư xây dựng năm 1994; Hồ Minh Thúy Chi, sanh năm 1975, đang học Quản Trị Kinh doanh năm thứ nhì và con thứ ba là Trương Vương Gia Bảo sanh năm 1985, hiện đang còn đi học. Chồng của nữ nghệ sĩ Mỹ Chi hiện nay là bác sĩ Trương Văn Chuẩn.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/Vietnamese-traditional-music-NPhuong-My-Chi-09062008124317.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây