Trong số những dĩa hát cổ nhạc phát hành từ thời xa xưa cho đến sau này, một trong những dĩa được thiên hạ ưa chuộng nhứt, phải kể là 6 câu vọng cổ “Tình Anh Bán Chiếu”, của soạn giả Viễn Châu do Út Trà Ôn ca.
“Tình anh bán chiếu” lên ngôi
Căn cứ vào những sự kiện nào để đánh giá như thế? Muốn biết rõ ta phải ngược thời gian trở về những năm cuối của thập niên 1940 và trọn hai thập niên 1950 – 1960 để mà so sánh thì sẽ có câu trả lời xác đáng.
Thật vậy, nếu như tính hết những tuồng cải lương và bài ca vọng cổ do Út Trà Ôn thu thanh dĩa hát thì có đến hàng trăm bộ dĩa được phát hành phổ biến cùng khắp. Thế nhưng, nếu nói có bao nhiêu bài ca do đệ nhứt danh ca thu dĩa mà được thiên hạ biết đến, thì con số chắc không nhiều.
Lý do phần lớn những dĩa hát do Út Trà Ôn ca đã không được giới đờn ca tài tử học thuộc lòng để ca trong các buổi sinh hoạt tiệc tùng, hoặc đình đám mà họ đã có những bài ca khác như “Bóng Người Kỵ Sĩ” do Thành Công ca, bài “Điên Vì Khói Lửa” do Minh Chí ca v.v…
Đến khoảng giữa thập niên 1950 thì các hãng dĩa hát sau khi phát hành bộ dĩa nào thì cho in cuốn bài ca nhỏ của bộ dĩa ấy, rồi mang về nông thôn bán ở các chợ làng quê. Nhờ vậy nên lúc bấy giờ một số bài vọng cổ do Út Trà Ôn ca độc chiếc cũng được dân đờn ca tài tử mua về học, nhưng dân đờn ca tài tử có người học, có người không, họ đã chẳng mặn mòi bao nhiêu với các bài vọng cổ này.
Và nếu như người nào đó thuộc các bài ca trên thì khi mang ra ca người nghe cũng lơ là chẳng mấy ai thích.
Đến giữa thập niên 1960 thì dĩa hát “Tình Anh Bán Chiếu” cũng do Út Trà Ôn ca được phát hành, người bán bài ca ở chợ vừa bán vừa hát, chợ chưa tan thì bài ca đã bán hết. Thế là một số lớn dân đờn ca tài tử đã học thuộc lòng và thiên hạ được nghe. Có thể nói Tình Anh Bán Chiếu đã thâm nhập hầu hết các nhóm đờn ca tài tử ở miền Nam, đi tới đâu cũng nghe bài vọng cổ này.
Thời ấy không riêng gì ngoài dân chúng, mà trong giới nhà binh người ta cũng nghe hát Tình Anh Bán Chiếu. Các ca sĩ tài tử nhập ngũ đã mang bài ca này vào quân trường, rồi khi ra đơn vị lại mang theo đi khắp các đồn trại từ Nam ra Trung. Các tài tử mặc áo lính rất nhiều người thuộc lòng bài Tình Anh Bán Chiếu, lắm lúc không có người đờn, họ vẫn một mình hát khơi khơi vậy.
Rồi sau 1975 Tình Anh Bán Chiếu cũng vào trại cải tạo, dân đờn ca tài tử gặp nhau trong trại là trở thành nhóm, giờ nghỉ sinh hoạt của họ là các bạn cùng trại lại được nghe bài ca ấy.
Đến khi ra hải ngoại thì bài ca này cũng có mặt nhiều nơi. Thế nhưng, do đâu mà Tình Anh Bán Chiếu lại được dân tài tử ưa thích, được người nghe mến mộ?
Đi vào lòng người
Nhờ yếu tố nào mà thiên hạ lại yêu thích bài vọng cổ Tình Anh Bán Chiếu? Đó là câu hỏi mà thời gian qua đã có rất nhiều câu giải đáp, nhưng phần nhiều chỉ là những câu trả lời có tính cách chung chung, cho rằng đó là bài ca hay, chớ ít ai nói rõ ràng chi tiết. Sau khi thu thập nhận xét của nhiều người thì người ta có thể kết luận rằng:“Bài ca vọng cổ “Tình Anh Bán Chiếu” chứa đựng một câu chuyện trữ tình, đi đôi với bối cảnh, địa danh có thật ở miền Tây. Bài ca nói lên tâm trạng si tình của một gã bán chiếu gốc ở Cà Mau, một mối tình đơn phương tuyệt vọng mà ai nghe qua cũng cảm thương, đồng thời cũng trách anh ta sao lại si tình một cách vô lý như thế. “
Cái tài tình của soạn giả Viễn Châu là sử dụng nghề nghiệp của anh chàng bán chiếu, đưa chàng ta vào phòng loan của cô gái con nhà khá giả một cách hợp pháp. Chiếc giường sơn gõ đỏ đủ nói lên nếp sống con nhà giàu của cô gái miền sông nước Hậu Giang.
Mùi hương cùng bày biện trang hoàng phòng loan của cô gái đã làm cho gã bán chiếu mê mẩn tâm thần, và đầu óc đã suy nghĩ vu vơ quá trớn. Thấy người đó, cảnh đó rồi âm thầm thương nhớ, chứ có ai nghĩ gì đến anh chàng đâu? Anh ta kể lể “Cô ơi! Đôi chiếu này tự tay tôi dệt lấy, tôi đã lựa từng cọng lát sợi gai…” Anh chàng vừa dệt chiếu vừa dệt mộng, lại càng vô lý hơn qua lời than vãn: “Khi họ cất bước theo chồng đã không một lời hỏi han từ giã…”. Không lẽ mỗi khi một cô gái về nhà chồng, lại đi tìm người bán chiếu để từ giã? Thật là ngớ ngẩn!
Cái hay của người sáng tác bài ca đã lấy bối cảnh, địa danh có thật để tô điểm làm đậm đà cho câu chuyện. Con sông Phụng Hiệp, bờ kinh Ngã Bảy đâu có lạ gì với người dân ở Cần Thơ hay miền Lục Tình. Chỉ nội người dân ở địa phương thắc mắc bàn tán hỏi han nhau, rằng cô gái mặc chiếc áo bông hường kia là ai? Và anh chàng bán chiếu với chiếc áo nhuộm bùn lấm tấm giọt mồ hôi kia là chàng nào, cũng đã làm cho bài ca nổi tiếng.
Tóm lại bài ca vọng cổ “Tình Anh Bán Chiếu” đã có một hấp lực mạnh mẽ thu hút giới đờn ca tài tử lẫn người nghe, do đó nó được phổ biến thật rộng rãi. Bạo phát mà không bạo tàn, trái lại còn lâu bền, và biết đâu nó sẽ sống mãi với thời gian.