Nghệ thuật sân khấu cải lương có sức hút kỳ diệu, có những người mê xem hát và ái mộ nghệ sĩ đến độ nếu tự mình không đi hát được thì khuyến khích và tạo điều kiện cho con cháu đi học ca học hát.
Họ rất vui mừng và hãnh diện khi có con cháu là nghệ sĩ cải lương tài giỏi. Nghệ sĩ Trương Hoàng Long tên thật là Lý Thành Long, sanh năm 1945, quê quán ở xã Đôn Châu, quận Trà Ôn, tỉnh Trà Vinh, ông nội của anh là người Hoa, từ bên Tàu sang Việt Nam sinh sống. Cha anh cũng nối nghề thương mãi trong giới thương buôn người Hoa nhưng ông mê xem hát cải lương và thường tham gia những tổ chức dờn ca tài tử ở địa phương.
Nhạc sĩ Bảy Bá
Ông rất mê tiếng đờn tranh của nhạc sĩ Bảy Bá, xin thọ giáo ông thầy nhạc sĩ trẻ Bảy Bá nhưng ông không có khiếu âm nhạc nên ông nghĩ đến việc cho con ông học đờn.
Nghệ sĩ Bảy Bá vì có máu giang hồ, anh không thể ở Đôn Châu, một làng quê bé nhỏ yên tỉnh nên ông đi lưu lạc lên Saigon, tìm nơi phồn hoa đô hội, tìm cách sinh sống trong giới ca nhạc sĩ ở SÁI Thành hoa lệ. Nhạc sĩ Bảy Bá được mời đàn cho quán cổ nhạc Đức Thành Hưng sau chợ Sàigòn. Anh cũng đờn cho Đài Phát Thanh Pháp Á. Sau đó nhạc sĩ Bảy Bá được đoàn Việt Kịch Năm Châu thu nhận vào Ban cổ nhạc đờn cho gánh hát Năm Châu khi đoàn hát đi lưu diễn ở HàNội.
Nhạc sĩ Bảy Bá đờn cho đoàn hát và anh cũng soạn tuồng nổi danh với nghệ danh là soạn giả Viễn Châu.
Năm 15 tuổi, em Lý Thành Long mê ca hát quá nên được cha dẫn lên Saigon ký thác cho bạn đồng hương Bảy Bá dạy ca cổ. Em được cha đóng tiền học và tiền ăn ở tại nhà của nhạc sĩ Bảy Bá, em siêng năng, dễ dạy, được Bảy Bá xem như con ruột nên anh tận tâm chỉ dạy cho em ca rành rẽ ba Nam, sáu Bắc, bảy Bài và vọng cổ.
Năm 1960, Nhạc sĩ Bảy Bá đặt nghệ danh cho Lý Thành Long là Trương Hoàng Long và giới thiệu với soạn giả Điêu Huyên cho em đi hát với đoàn cải lương Sài Thành để tiếp tục học về diễn xuất và vũ đạo tuồng cổ.
Trên sân khấu đoàn cải lương Sài Thành, Trương Hoàng Long ca cổ nhạc chắc nhịp, hơi rông, hát thành công trong các vai kép ba, kép nhì trong hai năm.
Sau đó Trương Hoàng Long đi hát đoàn Thái Dương – Út Trà Ôn, đoàn hát Thành Được – Út Bạch Lan, đoàn Xuân Liên Hoa của đội nghệ sĩ Thanh Điền – Thanh Kim Huệ…Trương Hoàng Long diễn xuất rất đặc sắc trong vai Võ Đại Lang, tuồng Ai Bán Ân Tình tức tuồng Võ Tòng Sát Tẩu, vai Hoàng Tử Vương Trúc trong tuồng Tiếng Hát Rừng Hoang. Đó là hai vai tuồng mà Trương Hoàng Long được khán giả yêu mến nhiều nhất.
Giọng ca chân phương
Năm 1968, nghệ sĩ Trương Hoàng Long theo đoàn hát Kiên Giang của ông bầu Hoàng Mật đi lưu diễn một thời gian dài ở miền Trung. Lúc đó trong đoàn hát Kiên Giang, Trương Hoàng Long kết bạn thân thiết với các nghệ sĩ Trường Ninh, Minh Viễn, Thanh Hiền, Hữu Lộc, soạn giả Hoa Phượng, họa sĩ Phan Phan và chuyên viên ánh sáng Chín Siểng. Những người bạn nghệ sĩ nầy bồi dưỡng cho khả năng diễn xuất ngày một tinh tế của nghệ sĩ Trương Hoàng Long.
Nghệ sĩ Trương Hoàng Long cộng tác với đoàn Kiên Giang, một đoàn hát bực trung nên Trương Hoàng Long được nhiều dịp hát vai kép chánh và được hát tuồng của soạn giả Hoa Phượng nên anh tiến bộ rất nhanh. Anh nổi tiếng qua các tuồng Đời Luận Anh Hùng, Giữa Chốn Bụi Hồng, Tần Nương Thất…
Tuy nhiên nghệ sĩ Trương Hoàng Long thành công nhiều nhất không phải là vai kép mùi hát cặp với đào mùi, mà anh thành công trong các vai từ sồn sồn đến vai lão, mà phải là vai lão mùi, vai lão hiền, trung thần nghĩa khí chớ không phải các vai lão độc, lẵng hay lão ác, vai nịnh.
Nghệ sĩ Trương Hoàng Long có giọng ca chân phương, trầm ấm, khoẻ khoắn với âm vực rất rộng, nghe sang sảng như chuông ngân nhưng gương mặt của anh rất hiền, có vẻ trung hậu, mắt luôn nhìn thẳng, thái độ trầm tỉnh, từ tốn. Đó là phong cách của Trương Hoàng Long ở cuộc đời thường nên đã ảnh hưởng đến phong cách trình diễn của anh trên sân khấu.
Nhân đây, tưởng cũng nên nhắc qua những trường hợp của các nghệ sĩ người gốc Hoa như các anh Ba Xây( tên Tất Xây), Hoài Trúc Phương,… các anh cũng có giọng ca chân phương, trầm ấm và diễn xuất rất hay nhưng lại không được Tổ đải như nghệ sĩ Út Trà Ôn. Các nghệ sĩ gốc Hoa: Ba Xây, Hoài Trúc Phương, Trương Hoàng Long đều thủ diễn các vai lão trung thần, thuộc dạng kép nhì hoặc kép ba chớ không thể trở thành kép mùi được. Đó là chuyện khó hiểu, chưa có người quan tâm phân tích và lý giải.
Quá trình nghệ thuật
Sau năm 1975, nghệ sĩ Trương Hoàng Long trở về quê hương Trà Ôn một thời gian. Đến năm 1976, Trương Hoàng Long hát chánh cho đoàn cải lương Tiền Giang trong suốt 10 năm, từ năm 1976 đến năm 1986.
Ở sân khấu đoàn cải lương Tiền Giang, Trương Hoàng Long có những vai diễn thành công như vai Trương Định trong vở tuồng Bình Tây đại nguyên soái của soạn giả Nguyễn Thành Châu do nữ nghệ sĩ tiền phong Phùng Há đạo diễn, Trương Hoàng Long được huy chương vàng diễn viên trong Hội Diễn Sân Khấu Cải Lương toàn quốc năm 1980.
Năm 1986, Trương Hoàng Long về hát cho đoàn hát Phước Chung, anh thủ vai Thạch Sanh, vai chánh trong tuồng Thạch Sanh Lý Thông.
Năm 1988, Trương Hoàng Long cũng đã để nhiều ấn tượng tốt qua các vai lão trong tuồng Bài Ca Tìm Mẹ, Trả Lại Tình Xưa, Võ Tòng Sát Tẩu, Xác Quỷ Tình Người…
Sau đó, sân khấu cải lương ngày bị thu hẹp đất diễn, nhiều rạp hát đổi thành vũ trường, quán ăn ca nhạc hoặc thành những địa điểm dành cho đám cưới, tiệc tùng, còn lại ít rạp hát cải lương và khán giả ngày một thưa vắng, nghệ sĩ Trương Hoàng Long cũng như các nghệ sĩ bạn xoay qua kiếm sống bằng cách đóng các vai tuồng trong các video cải lương.
Trong địa hạt băng tuồng cãi lương, Trương Hoàng Long cũng có những vai tuồng đáng nhớ như vai Ba Mơ trong tuồng Đắng Cay Đời Mẹ, vai Sáu Hảo trong tuồng Nợ Nước Mắt, vai Nguyễn Trung Thành trong tuồng Tần Nương Thất, vai Xuân Lão tuồng Lâm Sanh Xuân Nương, vai thầy giáo trong Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, vai Hoàng Phủ Khánh trong tuồng Mạnh Lệ Quân….
Nối tiếp niềm đam mê của cha truyền lại, Trương Hoàng Long đã thành một nghệ sĩ tài năng như cha của anh mong muốn, như ông thầy Bảy Bá kỳ vọng khi truyền nghề cho anh và chính bản thân của Trương Hoàng Long khi đeo đuổi hơn bốn chục năm theo nghệ thuật sân khấu cải lương, anh rất vui và sống huy hoàng trong thời hoàng kim của sân khấu cải lương và hiện nay anh tuy vẫn theo nghiệp Tổ nhưng trong lòng anh quá nuối tiếc một thời vàng son đã qua chưa biết đến kiếp nào mới phục hồi trở lại.
Trên sân khấu cải lương xưa, khi nhân vật chánh bị chết vì tà ma ngoại đạo thì có thần tiên giáng trần, hóa phép cứu sống. Ngày nay cũng là sân khấu cải lương, cái thời mạt vận của cải lương tới đã lâu, sắp chết rồi, chẳng biết có ông Tiên bà Thánh nào có giáng trần để hóa phép cứu sống cải lương chăng?
Chương trình cổ nhạc xin dứt, Nguyễn Phương hẹn tái ngộ vào giờ này tuần sau.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/ActorTruongHoangLongAChineseVietnamese_NPhuong-08162008235028.html