Nghệ sĩ Thanh Tuấn, người xứ Quảng thành danh ca vọng cổ Saigon

Nguyễn Phương
26.7.2008

Thông thường thì người miền Hậu Giang, hay ít nhất là những người sanh trưởng ở miền Nam, do âm nhạc và điệu thức của bài ca vọng cổ phù hợp với thổ âm nên phần lớn các danh ca vọng cổ đều được sinh ra và lớn lên ở miền Nam, đặc biệt ở các tỉnh Mỹ tho, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sadec, Soc Trăng, Châu Đốc, Long Xuyên, Bạc Liêu, Cà Mau.

Các khán, thính giả vẫn ghi nhớ tên các danh ca vọng cổ xuất thân từ các địa phương này như các danh ca Út Trà Ôn, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Bảy Nhiêu, Mộng Vân, Hữu Phước, Thành Được, Châu Thanh, Phùng Há, Năm Phỉ, Tư Sạng, Thanh Hương, cô Ba Trà Vinh, cô Năm Cần Thơ, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Phưọng Hằng… vân vân…

Người dân miền Trung thiện nghệ về hát tuồng và Bài Chòi, ít có danh ca vọng cổ vì thổ âm của người miền Trung, đặc biệt Huế và xứ Quảng, tiếng nói giọng nặng hơn dân miền Nam. Nhưng không ngờ có ngoại lệ, nghệ sĩ Thanh Tuấn, sanh quán thôn Thủy Triều, tỉnh Quảng Ngãi lại là danh ca vọng cổ có một giọng ca thật êm diụ, luyến láy lên bỗng xuống trầm không thua gì những danh ca Hữu Phước, Thành Được, dân chánh gốc miền Nam.

Có khiếu âm nhạc

Nghệ sĩ Thanh Tuấn tên thật là Nguyễn Thanh Liêm sanh năm 1948 tuổi Mậu Tý. Khi lên 8 tuổi, Thanh Liêm thích cổ nhạc, nghe các bài vọng cổ phát ra từ đài phát thanh của địa phương và từ các dàn máy hát dĩa trong xóm nên em học theo và ca nghêu ngao chơi. Em có khiếu âm nhạc nên bắt chước ca theo những bài vọng cổ đó, được bạn bè và người trong xóm tán thưởng.

Những người đốc canh trong thôn Thủy Triều yêu cầu Thanh Liêm ca các bài vọng cổ đó để mua vui, đổi lại người ta cho em quà bánh hay những miếng đường mía ngọt lịm. Em Thanh Liêm học trường tiểu học Phổ Hưng, nổi tiếng có giọng ca ngọt ngào, thuộc nhiều bài ca  nên được tuyển vào nhóm những giọng ca hay của trường và được Đài Phát Thanh Quảng Ngãi thu thanh một số bài tân nhạc.

Năm 14 tuổi ( 1962 ) do tình trạng sinh sống khó khăn ở vùng thôn quê Quảng Ngãi, Thanh Liêm đi tha phương cầu thực, lang thang đến Sàigòn, làm thuê làm mướn, làm qua nhiều nghề để kiếm sống. Đây là những chuỗi ngày cơ cực nhất trong cuộc đời của anh.

Năm 1964, dịp may, Thanh Liêm được vào làm công cho một tiệm thuốc Bắc ở đường Thuận Kiều, gần rạp hát Thủ Đô, lòng yêu thích cổ nhạc thúc đẩy em đến làm quen với các nghệ sĩ, để được vào xem hát cọp. Sau khi lãnh lương trong tiệm thuốc Bắc, em cũng ráng nhịn ăn để mua vé hát hạng ba để xem cải lương, nghe vọng cổ.

Lúc đó đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga về hát ở rạp Thủ Đô, ban ngày Thanh Liêm có đến chơi, xem đoàn hát tập tuồng, em gặp nhạc sĩ Út Trong, trưởng ban cổ nhạc của đoàn hát, em xin học ca. Thầy Út Trong có mở lớp dạy ca tại nhà thầy ở đường Nancy gần cầu chữ Y, có lớp buổi sáng và lớp buổi chiều, Thanh Liêm đóng học phí học buổi chiều.

Chỉ trong ba tháng học tập chuyên cần, nhờ có năng khiếu ca cổ nhạc từ nhỏ, Thanh Liêm học ca rành rẽ các bài ba Nam, sáu Bắc, các bản nhỏ dùng trên sân khấu cải lương và em có thể ca vọng cổ đúng nhịp điệu, nhưng ca chưa hay, chưa có hồn thì đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga đi lưu diễn miền Trung trong hai tháng.

Thầy Út Trong theo đoàn hát đi lưu diễn, lớp học cổ nhạc tạm thời ngưng hoạt động. Thanh Liêm tiếp tục học cổ nhạc nơi lò cổ nhạc của nhạc sĩ Út Trọn tức thầy Bảy Trọn ở bên kia cầu chữ Y, quận 8, được thầy Út Trọn luyện giọng, dạy kỷ thuật luyến láy khi ca cổ nhạc.

Hồi đó các nhạc sĩ mở lớp dạy đờn ca cổ nhạc thường có liên lạc với các ông bầu gánh hát và các trưởng ban cải lương đài phát thanh để giới thiệu các đệ tử xuất sắc của lớp cổ nhạc của mình. Đó là một phương cách giúp cho học trò có cơ hội để tiến thân đồng thời khi học trò đó thành danh trên sân khấu thì lớp cổ nhạc của thầy cũng được nổi tiếng, được nhiều học trò khác tin tưởng đến đăng ký để học ca.

Thành công Thầy Út Trọn rất hãnh diện về học trò Thanh Liêm của mình nên giới thiệu em về hát cho đoàn hát Bạch Liên Hoa là một đoàn hát trung ban và đặc nghệ danh cho Thanh Liêm là Thanh Tuấn, hàm ý Thanh là giọng ca, Tuấn là thanh niên tuấn tú, đẹp trai để giới thiệu học trò Thanh Tuấn của ông hội đủ hai yếu tố Thinh và Sắc.

Nghệ sĩ Thanh Tuấn thủ vai chánh trong tuồng Tướng cướp Bạch Hải Đường của đoàn hát Bạch Liên Hoa, được khán giả và báo chí kịch trường ngợi khen nhiệt liệt.

Ông bầu đoàn hát Thủ Đô – Hương Hoa Lan bí mật phái người thân tín đến xem Thanh Tuấn diễn, sau đó ông mời Thanh Tuấn ký giao kèo để đoàn hát chuẩn bị chuyến lưu diễn miền Trung.

Nghệ sĩ Thanh Tuấn, từ một người lưu lạc giang gồ, từ miền Trung vào Saigon, chuyên làm lao công và mọi công việc tạp dịch để kiếm sống, chỉ qua một thời gian học ca cổ nhạc, gặp dịp đoàn hát nhỏ khai trương, anh trở thành kép chánh và thành công quá sự mong đợi. Nhắc lại tời buỗi mới khởi nghiệp, Thanh Tuấn thường nói “Tổ đải, tôi lên như diều gặp gió”.

Hát miền Trung, Thanh Tuấn nổi danh lớn ở các điểm diễn Nha Trang, Phan Thiết, Qui Nhơn, Quảng Ngãi, Huế. Về Quảng Ngải, anh có dịp thăm lại gia đình và giúp đở tiền nông cho cha mẹ, đây là một chuyện mà người thân trong gia đình không lường trước được. Khi anh ra đi, anh không có nghề nghiệp, học vấn không cao và người ta cũng không biết ai biết nghệ sĩ Thanh Tuấn chính là đứa bé Thanh Liêm đã bỏ đi lưu lạc giang hồ vài năm trước đây.

Năm 1968, đoàn hát thủ Đô – Hương Hoa Lan hát Tết tại rạp Thăng Long tỉnh Buôn Mê Thuộc, ngay trong đêm giao thừa, một trái mortier rớt cách Thanh Tuấn ba thước, làm thiệt mạng hai người trong gia đình người soát vé ngủ gần chổ của anh. Hơn hai tuần lễ trong không khí chiến tranh ngay trong thành phố, chánh phủ ban lịnh giới nghiêm ban đêm, nghệ sĩ và các công nhân dàn cảnh, thợ đèn của gánh hát Thủ Đô – Hương Hoa Lan không có hát, không có lương, không có cơm hội để sống qua ngày nên mạnh ai nấy tìm đường sanh lộ cho riêng mình. Thanh Tuấn phải quá giang xe đò từng đoạn để có thể trở về Saigon. Đây là kỷ niệm buồn nhất trong cuộc đời đi hát của Thanh Tuấn.

Về đến Saigon, vì thành phố vẫn còn giới nghiêm ban đêm nên Thanh Tuấn gia nhập đoàn hát Minh Cảnh để đi hát trong các quận huyên thuộc các tỉnh miền Hậu Giang để sống tạm qua ngày.

Trong thời gian cộng tác với đoàn Minh Cảnh, Thanh Tuấn có dịp thưởng thức lối ca dài hơi và kỷ thuật luyến láy trong câu vọng cổ của danh ca Minh Cảnh để từ đó anh tự luyện cho mình một lối luyến láy độc đáo khi ca vọng cổ.

Một năm sau, anh rời đoàn hát Minh Cảnh, gia nhập đoàn hát Hương Mùa Thu, đóng thế vai diễn của kép ca Thanh Hải vừa rời đoàn, Thanh Tuấn thành công khi hát vai kép chánh, hát chung với cô đào xuân sắc Ngọc Hương qua các vở tuồng Tiếng Nhạc Rừng Xanh, Con Cò Trắng, Gánh Cỏ Sông Hàn… Thanh Tuấn có một lối ca vọng cổ luyến láy tài tình, có một sắc thái riêng biệt và rất hấp dẫn. Hãng dĩa Hoành Sơn khai thác giọng ca vọng cổ của Thanh Tuấn với Ngọc Hương qua nhiều bài tân cổ giao duyên của soạn giả Thu An.

Sau năm 1975

Nghệ sĩ danh ca Thanh Tuấn nổi danh trên sân khấu Kim Chung qua các tuồng: Đường Gươm Nguyên Bá, Người Tình Trên Chiến Trận, Thúy Kiều, Tây Thi, Mỵ Châu Trọng Thủy… 

Đến năm 1976, nghệ sĩ Thanh Tuấn nổi danh với các vai kép chánh trong tuồng Tìm Lại Cuộc Đời, Rạng Ngọc Côn Sơn, Khách Sạn Hào Hoa, Pha Lê và Cát Bụi, Kim Trọng – Thúy Kiều…

Năm 1982, Thanh Tuấn ngừng cộng tác với đoàn hát tập thể Saigon 2, anh đi hát chầu cho các đoàn tỉnh.

Nhân dịp đến hát ở Nha Trang – Phú Khánh, anh đăng ký xin thành lập đoàn lấy bảng hiệu là đoàn cải lương Cam Ranh – Phú Khánh, nhưng đến năm 1984, gặp mùa mưa dầm, đoàn hát Cam Ranh – Phú Khánh phải chịu rã gánh vì doanh quá thu thấp, không đủ tiền phát lương và không thể duy trì hoạt động của đoàn.

Thanh Tuấn trở về Saigon lập quán nghệ sĩ mang tên Thanh Tuấn, giải pháp tạm thời kiếm đồng ra đồng vào để giải quyết đời sống cho gia đình.

Năm 1995, nghệ sĩ Thanh Tuấn làm bầu gánh hát Cao Văn Lầu tỉnh Minh Hải, anh có được hai vai hay trong tuồng “ Yêu Con Đâu Chỉ Một Ngày “ và vở Khi Phiên Tòa Kết Thúc.

Về gia đình thì khi 20 tuổi, Thanh Tuấn đã có người yêu, chung sống được ba con, rồi lại chia tay, Thanh Tuấn lãnh nuôi các con. Thật ra thì Thanh Tuấn nhờ mẹ anh đứng ra nuôi nấng các con của anh vì anh bận theo gánh hát. Sau nầy anh gặp một người vợ ngoài nghề hát nhưng hết lòng yêu và chìu chuông anh nên cuộc tình kéo dài hơn hai chục năm. Hiện nay Thanh Tuấn đang chung sống với bà vợ hiền như ma soeur, khéo léo, tế nhị và 7 người con, 5 trai, 2 gái, nhà của Thanh Tuấn ở đường Công Lý cũ. Các con của anh không có người nào nối nghiệp ca hát nhưng đều học thành tài và có nghề nghiệp ổn định.

Hỏi về nghề hát của anh, Thanh Tuấn cười buồn: Hồi đó có giọng ca vàng thì hái ra kim cương, có xe hơi, nhà lầu. Bây giờ thì hết cái thời hoàng kim đó rồi… Bây giờ thì nhất thân, nhì thế, tam chế, tứ quy. Nghĩa là thứ nhất phải có thân nhân làm ông bà lớn. Thứ nhì phải có thế thần. Và cái thế thần nầy chắc chắn phải là người trong đảng thì mới có cái thế. Tam chế, thứ ba là hưởng theo chế độ. Tứ quy, thứ tư là làm theo quy định của nhà nước.   

Thưa quí thính giả, chương trình cổ nhạc kết thúc, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau. 

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/ActorThanhTuan_NPhuong-07262008150907.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây