Nghệ sĩ danh ca Minh Phụng

Nguyễn Phương
30.6.2008

Trong thập niên 1960, thời kỳ vàng son của sân khấu cải lương, các nghệ sĩ trẻ có giọng ca vàng, chỉ cần nổi tiếng ca vọng cổ hay là lập tức được các bầu gánh hát tranh thủ đến mời ký hợp đồng cộng tác với đoàn hát, với một số tiền hợp đồng ngày một tăng cao.



Những nghệ sĩ trẻ từ 12 đến 16 tuổi, có giọng ca vàng được ký hợp đồng từ 50, 60 ngàn đồng đến hơn một trăm ngàn đồng chỉ nhờ có giọng ca vọng cổ trong thời gian nầy có Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Út Hâu, Diệu Hiền…Các bạn trẻ danh ca này đều xuất thân từ những gia đình nghèo, ít học, nhưng các em đều có một niềm đam mê mãnh liệt về ca cổ nhạc nên tự mày mò học lóm các bài ca vọng cổ nổi tiếng của các danh ca đương thời, nhờ có giọng tốt và dạn dĩ nên các em ca hát những khi hứng khởi, thu hút được sư chú ý của những người sành điệu. Vì vậy có những nhạc sĩ khám phá ra những giọng ca thiên phú đó, họ tự nguyện đến dạy cho các em ca cho đúng bài bản, đúng nhịp điệu.

Xuất xứ nghiêm tốn của giọng ca vàng

Các ông bầu gánh hát phát hiện và kịp thời khai thác những giọng ca vàng này, tóm lại nhờ những cơ duyên đó mà các em thăng tiến trên con đường nghệ thuật cổ nhạc, để trở thành những nghệ sĩ danh ca có giọng ca âm sắc đặc biệt và một kỹ thuật ca điêu luyện.

Nghệ sĩ danh ca Minh Phụng tên thật là Nguyễn Văn Hoài, sanh năm 1945 tại quận Châu Thành tỉnh Mỹ Tho, con nhà nghèo, trong gia đình có đến 10 anh chị em. Khi em Hoài lên 7 tuổi, hàng ngày em phải thức dậy từ 4 giờ sáng để phụ giúp mẹ em bày hàng ra chợ Mỹ Tho để mẹ bán. Khi thì bán cá, khi bán khóm, khi thì bán đồ hàng bông, mua đầu chợ bán cuối chợ.  

Sau những giờ học buổi chiều, em Hoài còn phải đi bán đậu rang, bánh chuối để kiếm thêm thu nhập. Em Hoài đôi khi đi học trễ giờ, bị thấy giáo bắt phạt quỳ nơi cột cờ, em khóc chớ không dám nói thật là do việc phụ giúp mẹ bán hàng ở chợ mà em trễ giờ học. Tuy nhiên em Hoài sáng dạ, học bài mau thuộc nên em cũng được thầy khen bạn mến. Mỗi ngày khi đi bán bánh, em gặp những cuộc đờn ca tài tử trong thôn xóm là em ở lại nghe, và đôi khi em cũmg tham gia ca vài bài.

Em có khiếu nhạc nên em tự học ca theo các bản nhạc được phát trên đài phát thanh như các bản Trăng Rụng Xuống Cầu, Khúc Ca Ngày Mùa của Ngọc Cẩm, Nguyễn Hữu Thiết và các bài vọng cổ do Hữu Phước, Út Trà Ôn hay Út Bạch Lan ca như các bài Ông Lái Đò, Tần Quỳnh Khóc Bạn, Gánh Chè Khuya… Em Hoài cũng học thêm ở chú Tư Xuân trong xóm những bài bản cổ nhạc để ca trong những cuộc hợp đàn ca tài tử.

Bước đầu của tài năng mới

Nhân dịp đoàn cải lương Tân Đô tập tuồng tại sân khấu đình Điều Hòa, em Hoài được soạn giả Hương Huyền Anh thử giọng ca và giới thiệu để ông Bầu Công Tạo thu nhận em vô đoàn hát và đặt cho em Hoài nghệ danh Tân Tiến. Em Hoài tức nghệ sĩ Tân Tiến đóng vai ông sư là vai đầu tiên trong tuồng Bến Tang Thương, hát tại rạp Viễn Trường Mỹ Tho năm 1962.

Sau đoàn hát Tân Đô, nghệ sĩ Tân Tiến đi hát ở các đoàn hát nhỏ khác như đoàn Hoa Thảo – Hậu Tấn, đoàn hát Thanh Phương. Tại đoàn hát Thanh Phương, lúc đó Hoài được 17 tuổi, em bỏ nghệ danh Tân Tiến, lấy tên hai đứa cháu của một người bạn gái là Minh và Phụng để làm nghệ danh Minh Phụng. Nghệ sĩ Minh Phụng đã thành công trong vai kép chánh Ai Dũng Phương trong tuồng Bên Cầu Định Mệnh.

Đầu năm 1964 , nghệ sĩ Minh Phụng về hát cho đoàn hát Quốc Việt, nhờ sắc vóc đẹp trai, giọng ca truyền cảm, nghệ sĩ Minh Phụng được các ký giả kịch trường viết nhiều bài báo khen tặng. Thời gian này Minh Phụng hát với nữ nghệ sĩ  Kiều Tiên. Anh yêu Kiều Tiên vì cô trẻ đẹp, thông minh và là đào chánh của đoàn hát. Tình yêu chỉ mới khởi đầu thì nghệ sĩ Minh Phụng được ông Ba Bản, bầu gánh hát đại ban Thủ Đô mời cộng tác với một số tiền contrat hậu hỉ. Đối với một kép trẻ mới vào nghề như Minh Phụng mà được ông bầu đại ban mời về cộng tác là một vinh dự lớn và là một dịp may hiếm có, Minh Phụng sợ ông bầu Quốc Việt biết được thì sẽ làm khó dễ, không cho đi, nên anh từ giả Kiều Tiên, hứa khi nào nổi tiếng thì anh sẽ cưới Kiều Tiên. Xong rồi anh trốn đi gia nhập gánh hát Thủ Đô.

Những bước thành công vượt bực

Lực lượng đào kép đoàn hát Thủ Đô lúc đó có Thanh Hải, Tấn Tài, Phước Trọng, Trương Ánh Loan, Như Ngọc, Thúy Nga, Dũng Thanh Lâm nên tuy được ông Bầu Ba Bản mời cộng tác, khởi đầu Minh Phụng vẫn phải làm công việc của người cầm bổn nhắc tuồng trong những suất hát của đoàn. Nhờ đứng trong cánh gà nhắc tuồng, Minh Phụng thuộc được nhiều vai trong các tuồng hát của đoàn, nắm được kỹ thuật diễn xuất và biết những điểm hay và các yếu kém của những diễn viên đóng các vai tuồng đó trước anh nên khi có dịp thế tuồng, Minh Phụng đã thành công vượt bực. Sau đó Minh Phụng được phân vai chánh  chánh thức hát các tuồng mới chớ không còn ở vị trí sơ cua và đứng cánh gà nhắc tuồng.  

Nghệ sĩ Minh Phụng nổi danh qua các vai chánh tuồng Sầu Quan ải, Chiếc Quạt Trầm Hương, Hoa Chiều Hương Muộn, Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ, Mây Trôi Về Phương Cũ, Võ Tòng Sát Tẩu… của soạn giả Thiếu Linh trên sân khấu Thủ Đô.

Bầu Long đoàn Kim Chung thấy nghệ sĩ Minh Phụng được khán giả ái mộ đông đảo và được báo chí kịch trường ngợi khen nhiều tuồng, ông lập tức mời Minh Phụng ký hợp dồng với một số tiền contrat kỷ lục và để Minh Phụng hát chánh trong các đoàn hát Kim Chung của ông. Lúc đó Kim Chung có năm đoàn hát lớn, nghệ sĩ Minh Phụng đã được bố trí hát vai kép chánh với các nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan, Diệu Hiền, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Diệu Nga, Diệu Huê, Kim Ngọc… Minh Phụng nổi tiếng qua các tuồng Bóng Hồng Sa Mạc, Đợi Anh Mùa Lá Rụng, Tâm Sự Loài Chim Biển, Xin Một Lần Yêu Nhau, Kiếp Nào Có Yêu Nhau…

Về gia đình thì thời gian cộng tác với đoàn Kim Chung, nghệ sĩ Minh Phụng chung sống với nữ nghệ sĩ Diệu Huê. Hai người đã có với nhau ba con, đứa con gái lớn là Tiểu Phụng. Tiểu Phụng lớn lên thành nữ diễn viên tài sắc. Cô Tiểu Phụng từng cộng tác với đoàn hát Phước Chung, đoàn Thanh Nga, Tiểu Phụng cũng thành công lớn trong lãnh vực phim ảnh, băng vidéo và ca tân nhạc.

Từ năm 1964 đến năm 1975, nghệ sĩ Minh Phụng hát chánh cho công ty Kim Chung. Anh thâu thanh độc quyền cho hãng dĩa Việt Nam, ngoài các băng tuồng đã hát trên sân khấu kim Chung, Minh Phụng còn thâu thanh vọng cổ ca độc chiếc, tân cổ giao duyên ca chung với Út Bạch Lan, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Phượng Liên, Diệu Hiền. Các dĩa vọng cổ ca độc chiếc của nghệ sĩ Minh Phụng có một thời gian dài được thính giả ưa thích, được hãng dĩa Việt Nam tái xuất bản nhiều đợt. Có thể kể các bài vọng cổ do Minh Phụng ca như An Lộc Sơn, 14 năm Mong Đợi, Cho Xin Sống Lại Một Ngày, Ñừng Nói Xa Nhau, Phố đêm, Nước Mắt Quê Hương, Trường Hận, Thương Về Cố Đô.

Sự nghiệp sân khấu của Minh Phụng từ 1975

Sau năm 1975, nghệ sĩ Minh Phụng  là trưởng đoàn Tiếng Hát Quê Hương của tỉnh Bến Tre, nổi danh trong vai Lục Vân Tiên. Sau đó anh giao đoàn Tiếng hát Quê Hương cho Văn Hóa Thông Tin tỉnh quản lý, năm 1976 Minh Phụng gia nhập gánh hát Hương Mùa Thu, làm kép chánh, đóng tuồng chung với nữ nghệ sĩ Ngọc Hương, Kiều Tiên, Hoàng Giang, Kim Giác. Anh đã hát qua các vở tuồng Gánh Cỏ Sông Hàn, Con Cò Trắng, Lửa Phi Trường.

Năm 1976, vì một lý do riêng không được công bố, Minh Phụng ly dị với vợ là nữ nghệ sĩ Diệu Huê. Ba đứa con của Minh Phụng và Diệu Huê trong đó có nữ nghệ sĩ Tiểu Phụng ở lại bên Mẹ là Diệu Huê ở đoàn hát Thanh Nga.

Nghệ sĩ Minh Phụng gia nhập đoàn hát Hương Mùa Thu, anh gặp lại nữ nghệ sĩ Kiều Tiên, người mà anh đã yêu hơn mười năm về trước khi cả hai mới bước vào nghề hát. Minh Phụng kết hôn với Kiều Tiên và năm 1977, sanh đứa con gái tài sắc Y Phụng. Cô Y Phụng đã nổi danh minh tinh màn bạc, đã đóng vai chánh nhiều phim nhựa, đã nổi danh ca sĩ. Tiẻu Phụng và Y Phụng đều có chồng ở Hoa Kỳ nên hai cô theo chồng về Hoa Kỳ sinh sống.

Tiểu Phụng và Y phụng vẫn sống được với nghề ca sĩ tân nhạc. Hai cô khi có dịp cũng hát cải lương, ca vọng cổ để cống hiến cho khán giả ái mộ.

Năm 1994, nghệ sĩ Minh Phụng mướn xác gánh hát Hương Mùa Thu, lập lại đoàn hát Hương Mùa Thu với thành phần diễn viên như Minh Phụng, Linh Cảnh, Kiều Tiên, Bảo Ngọc, Ngọc Cẩm Thúy, Vương Bình, Thanh Phú, Điền Tử Lang, Thanh Thủy, Ngọc Ánh, Diệu Thanh, hề Giang Tâm, Đoàn Hương Mùa Thu của Minh Phụng diễn ở tỉnh Minh Hải (tức Cà Mau) và các quận huyện lân cận.

Sau đó nghệ sĩ Minh Phụng đổi bảng hiệu Hương Mùa Thu thành đoàn Tiếng Chuông Vàng Minh Phụng. Thành phần đoàn Tiếng Chuông Vàng Minh Phụng có thêm các diễn viên Bích Hạnh, Chí Hải, Bảo Trân, Bảo Chiêu, Hồng Ngọc, Ngân Thanh.

Từ năm 1996 trở về sau này, các gánh hát thua lỗ, ít khán giả xem hát cải lương nên nhiều đoàn hát phải giải tán hoặc treo bảng hiệu, tạm ngưng hoạt động. Đoàn hát Tiếng Chuông Vàng Minh Phụng cầm cự, kéo dài đến qua năm 2000, rồi gánh hát cũng phải ngưng hát. Nghệ sĩ Minh Phụng đã thua lỗ khá nhiều cho đoàn hát, sau đó anh bị bịnh phải vô bệnh viện mổ tim, rồi bị bịnh thận, tưởng là không sống sót.

Nhờ sự tận tâm cứu trị của các bác sĩ, Minh Phụng có thể tham gia hát cải lương nhưng không còn phong độ như xưa nữa. Anh có dịp xuất ngoại, gặp lại hai con gái Tiểu Phụng và Y Phụng.

Minh Phụng và Y Phụng có song ca bản tân cổ giao duyên  Tương Phùng Nơi Xứ Lạ, sáng tác của soạn giả Yên Lang ở San José, Hoa Kỳ.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/traditional_music_artist_MinhPhung-06302008132757.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây