Nữ nghệ sĩ Phương Huệ long đong một kiếp tầm

Nguyễn Phương
7.6.2008

Nghệ danh của nữ nghệ sĩ Phương Huệ vận vào chữ Phương, có nghĩa là thơm mà cũng có nghĩa là phương trời nào đó.



Phương Huệ là một nữ nghệ sĩ trẻ đẹp, vóc dáng sang trọng trên sân khấu, giọng ca trong trẻo, mượt mà với làn hơi khoẻ khoắn, lẽ ra thì Phương Huệ phải chiếm được một vị trí khả quan trong hàng ngũ các nghệ sĩ trẻ tài sắc, có cuộc sống kinh tế khá giả và ổn định. Thế nhưng nữ nghệ sĩ Phương Huệ không được như vậy mà cô lại phải chịu long đong một kiếp tầm, khó khăn vất vả trong việc hành nghề ca hát và kiếm sống cho bản thân và gia đình.

Nghệ sĩ con nhà nòi

Nữ nghệ sĩ Phương Huệ sanh năm 1967, là con của nghệ sĩ Hữu Huỳnh, kép chánh của đoàn hát cải lương Tây Đô. Cô Phương Huệ được sanh ra và lớn lên trong đoàn hát. Lúc thơ ấu, Phương Huệ cũng như hầu hết các nghệ sĩ con nhà nòi, hàng đêm ngồi bên cánh gà xem hát, thường nghe tiếng đàn câu ca và nhìn thấy các điệu múa may diễn xuất của cha mẹ và các cô chú trong đoàn hát.

Phương Huê đã thuộc và biết ca nhiều bài bản cổ nhạc. Sớm bộc lộ khả năng ca diễn nên khi Phương Huệ được 10 tuổi, cô được đoàn cải lương Hậu Giang đưa lên sân khấu hát các vai đào, kép con như vai Bé Linh trong tuồng Ngược Dòng Lạc Thủy, vai Tiểu Đồng tuồng Lục Vân Tiên, vai con của Trần Thế Mỹ trong tuồng Bao Công xử án Trần Thế Mỹ.

Lớn dần trong đoàn hát, trưởng thành qua nhiều vai diễn, Phương Huệ tiến nhanh trên đường nghệ thuật, cô đã từng diễn qua các thể loại tuồng, lối diễn xuất duyên dáng, giọng ca truyền cảm cùng sắc vóc sáng đẹp và sang trọng trên sân khấu đã nâng Phương Huệ lên vai đào chánh của nhiều đoàn hát.

Năm 1987, Phương Huệ được 20 tuổi, diễn viên chánh tuồng Khi Rừng Thu Thay Lá của đoàn hát Phú Châu An Giang, cô được khán giả ái mộ nồng nhiệt qua tất cả các điểm diễn của đoàn Phú Châu An Giang.

Các đoàn hát Tây Đô Cần Thơ, Hương Tràm Cà Mau và Phú Châu An Giang tranh nhau ký hợp đồng mời cô hát vai chánh qua các tuồng Lá Thắm Chỉ Hồng, Trai Hùng Gái Kiệt, Đưa em về quê Mẹ, Hoàng Hậu Ba Tư, Gió Bụi Biên Thùy, Bóng Biển, Đứa Bé Không Tên. Nữ nghệ sĩ Phương Huệ nổi danh là một ngôi sao rực sáng trên bầu trời nghệ thuật vùng sông nước Hậu Giang.

Tìéng nói, giọng ca, kỹ thuật nhã chữ buông câu rõ ràng chắc nhịp của Phương Huệ giống nữ nghệ sĩ danh ca Thanh Kim Huệ một cách kỳ lạ và cái tên Phương Huệ như một cái tên tiền định, được cha mẹ của cô đặt cho trước khi biết đứa con gái của mình có giọng ca giống hệt thần tượng danh ca Thanh Kim Huệ.

Tài mệnh người nghệ sĩ

Phương Huệ cũng có chữ Huệ để chỉ giọng ca của cô giống danh ca Thanh Kim Huệ, cách đặt nghệ danh giống như các bạn nữ nghệ sĩ Linh Huệ, Ngân Huệ nhưng ngôi sao bổn mạng của Phương Huệ không được may mắn như Linh Huệ và Ngân Huệ. Nữ nghệ sĩ Linh Huệ thì nổi danh một thời, có chồng kỷ sư ô tô, được sống một thời gian sung túc rồi theo chồng đi định cư ở Canada.

Bây giờ thì tên tuổi Linh Huệ chỉ còn lung linh như một vì sao bay xa tít trong giải Ngân Hà xa thăm thẳm. Nữ nghệ sĩ Ngân Huệ thì nhờ chữ Ngân là bạc, cho nên dù không hốt bạc được nhiều trên sân khấu nhưng cô Ngân Huệ cũng sống được trong cảnh lắm bạc nhiều tiền.

Số tiền mấy tỉ  mà chỉ diễn được bốn hay năm suất chung cho hai tuồng rồi dẹp bỏ thì lãng phí quá. Phải chi nhà nước dùng tiền đó để sữa chữa nhiều rạp hát cải lương, giúp các đoàn hát cải lương có vốn để hoạt động được thì con nghĩ là nghệ sĩ cải lương còn kiếm sống được, khán giả vẫn còn ưa thích cải lương.
 
Còn nữ nghệ sĩ Phương Huệ thì nghệ danh của cô vận vào chữ Phương, có nghĩa là thơm mà cũng có nghĩa là phương trời nào đó. Vậy nên nghệ sĩ Phương Huệ có danh thơm, có tiếng mà không có miếng, nên phải đem lời ca tiếng hát đi lưu lạc tha phương, đi ca hát từ quán nghệ sĩ nầy đến quán ca sĩ khác để kiếm sống một cách chật vật, thiếu trước hụt, sao dù là tiếng ca giọng hát của Phương Huệ vẫn còn mượt mà, thu hút biết bao nhiêu là khách mộ điệu!

Năm 1993, con đường nghệ thuật của Phương Huệ đang rạng rở thăng hoa ở miền sông nước Hậu Giang thì gia đình cô gặp biến cố. Cô phải rời đoàn hát tỉnh để lên Sài Gòn bương chải để lo gia đình. Nhưng giữa đất Sài Gòn người đông của khó, không có một nghề chuyên môn, không có bạc vàng làm vốn, không có ở trong phe phái nào để có thể núp bóng lợi dụng chức quyền, tức là không tham nhũng được hay dựa hơi người tham nhũng để mà kiếm tiền thì nữ nghệ sĩ Phương Huệ lại phải trở về cái nghiệp dĩ ca hát mà cô đã chọn.

Đỉnh cao ăn khách

Nữ nghệ sĩ Phương Huệ gia nhập đoàn hát cải lương Sài Gòn 3, nhưng rồi Sài Gòn không còn có nhiều rạp hát, đoàn hát phải lưu diễn những vùng xa xôi trong các thôn, xóm thuộc các tỉnh miền Đông, miền Trung và cả miền Hậu Giang. Đoàn cải lương Sài Gòn 3 cũng ế khách, cuộc sống của nghệ sĩ gặp khó khăn, chật vật. Cô lại gia nhập đoàn Văn Công nhưng bơ vơ không bè cánh, kiếm được một vai đào chánh không phải dễ. Phương Huệ đành rời đoàn hát đi ca lẽ ở các quán nghệ sĩ , ở các tổ chức cúng chùa, lễ cúng Kỳ Yên ở các đình thần ở Vũng Tàu, ở Thủ Dầu Một…

Nữ nghệ sĩ Phương Huệ gia nhập Câu Lạc Bộ Cải Lương của Thành Hội Phật Giáo đi biểu diễn tại các chùa. Trong một lần hát tại chùa Nghệ Sĩ ở Gò Vấp, giọng ca của Phương Huệ được khán giả và khách thập phương viếng chùa nhiệt liệt hoan nghinh nên các hãng băng vidéo, hãng Sài Gòn audio, đài phát thanh và đài Truyền Hình, các bầu show mời cộng tác.

Tên tuổi của Phương Huệ nổi lên ở khắp các sân khấu công viên, tụ điểm ca nhạc, quán nghệ sĩ, các chùa và đình miếu, nhưng đó chỉ là con đường long đong phải chấp nhận của một kiếp tầm trong tình hình sân khấu cải lương không có rạp hát, cải lương không có tuồng mới hay như hồi trước 75.  Và nhất là trong hoàn cảnh tuyệt đại đa số dân Sài Gòn còn phải đi bương chải, tìm miếng ăn hàng ngày, vật giá leo thang phi mã, tiền ăn, tiền mướn một chỗ để ở cũng quá mắc mỏ mà thu nhập của dân nghèo thì không được nhiều nên người ta không dám bỏ tiền đi coi xem hát.

Sân khấu cải lương của người nghệ sĩ không thuộc biên chế của nhà nước bị thu hẹp nên Phương Huệ đành chấp nhận phần số không may của mình.

Vị nghệ thuật trong thời thương mại hóa

Khi về Việt Nam, tôi hỏi Phương Huệ  đối với cái nghiệp cầm ca mà cô đang đeo đuổi, cô có ước vọng gì không?

“Phương Huệ chỉ mong có rạp hát để hát, có tuồng cải lương đáp ứng được tâm tình của khán giả để khán giả ủng hộ cải lương như hồi trước. Người ta bỏ ra vài tỉ đồng để hát quảng cáo chơi vài ba suất hát rồi dẹp bỏ, chánh phủ dám bỏ hơn năm trăm triệu đồng để may sắm cho một tuồng hát để hát hai suất rồi số y trang  mũ mãng đó bỏ cất vô kho.

Nếu bỏ số tiền mấy tỉ ( gần 5 tỉ đồng cho hai tuồng Kim Vân Kiều và Chiếc Áo Thiên Nga, một tỉ đồng tiền may quần áo hát ) mà chỉ diễn được bốn hay năm suất chung cho hai tuồng rồi dẹp bỏ thì lãng phí quá. Phải chi nhà nước dùng tiền đó để sữa chữa nhiều rạp hát cải lương, giúp các đoàn hát cải lương có vốn để hoạt động được thì con nghĩ là nghệ sĩ cải lương còn kiếm sống được, khán giả vẫn còn ưa thích cải lương.”

Nữ nghệ sĩ Phương Huệ tha thiết đến nghề hát cải lương nên nói theo nguyện vọng của một người đang bế tắc trong việc kiếm sống bằng nghề hát. Cô không biết là rạp hát là của nhà nước, nghệ thuật cải lương là công cụ tuyên truyền của nhà nước nên nhà nước bỏ 5 tỉ đồng để hát chơi, lập kỷ lục về sân khấu đông người diễn nhất, quần áo y trang tốn kém nhất, nghệ sĩ bị treo tòn teng trên sân khấu nhiều nhất. Con số khỏan bốn chục ni cô) tham gia tuồng Kim Vân Kiều cũng là một kỷ lục trên sân khấu cải lương trong nước từ khi khai sanh ra ngành nghệ thuật cải lương nầy và đó cũng là kỷ lục thế giới.

Nữ nghệ sĩ Phương Huệ mất cuộc sống nghệ thuật ca hát cải lương bình thường nhưng cô được thơm lây về cái sân khấu cải lương hoành tráng không giống ai và cũng không có ai giống đó.

Không có cái bánh thật để ăn thì đành ăn cái bánh vẻ vậy.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/traditional_music_artist_Phuong_Hue_NPhuong-06072008161333.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây