Nguyễn Phương
31.5.2008
Trong tình hình sân khấu cải lương ngày một mất dần khán giả, ngành biểu diễn hài kịch, tấu hài trong các khu trung tâm giải trí được mùa phát triển. Từ một vài nhóm tấu hài ban đầu, ngày nay có hơn bốn chục nhóm chuyên môn tấu hài, hát quậy để chọc cười khán giả. Các nghệ sĩ cải lương không kiếm sống được bằng nghề hát cải lương đành bước sang ngành kịch nói, nhất là ngành tấu hài.
Không ít nghệ sĩ cải lương đã thành công quá sức tưởng tượng khi bước sang lãnh vực tấu hài. Trong số những diễn viên cải lương đổi nghề mà thành công rực rở đó có nữ nghệ sĩ Kim Ngọc, người mà ngày xưa trên sân khấu Dạ Lý Hương, Kim Ngọc nổi danh Chu Chỉ Nhược trong tuồng Cô Gái Đồ Long, Kim Ngọc là một cô đào hát tài sắc, ngày nay Kim Ngọc nổi danh nữ quái Kim Ngọc trong làng tấu hài.
Thuở nhỏ cơ hàn
Nữ nghệ sĩ Kim Ngọc sanh năm 1946 tại chợ Giồng Ông Tố quận Thủ Đức, con thứ hai trong gia đình có tới 14 anh chị em. Theo lời tự thuật của Kim Ngọc thì gia đình của Ba má cô rất nghèo vì nhà đông con. Má của Kim Ngọc bán thịt heo ở chợ Giồng Ông Tố, bà cứ sanh con năm một và có năm bà lại sanh đôi. Ba của Kim Ngọc đặt tên các con như sau : « Hoàng, Ngọc, Ẩn, Non, Côn, Vàng, Cầm, Nơi, Hoa, Lệ, Thủy Triều, Phượng, Nở » ý nói nôm na là « Hòn ngọc ẩn ở núi Côn không sánh bằng nước mắt của người tình trong mùa phượng nở » Năm 1970, Ba của Kim Ngọc mất vì bịnh xuất huyết bao tử khi cô đang tập tuồng hát tại rạp Quốc Thanh. Chuyện đặt tên có vần có ý nghĩa của cha cô Kim Ngọc như là một lời tiên tri, ứng vào cuộc đời của Kim Ngọc. Kim Ngọc là vàng ngọc nhưng lại không bằng giọt nước mắt người tình mùa Phượng nở nên Kim Ngọc chịu nghèo khổ khá lâu mới được rạng rở như ngày hôm nay khi cô nín đau trong lòng để chọc cười khán giả.
Những năm 14, 15 tuổi, Kim Ngọc còn ở nhà giúp mẹ, khi thì đi chợ Giồng Ông Tố phụ bán thịt heo, khi thì phải thay mẹ ở nhà chăm sóc đàn em dại, giặt giũ áo quần cho chúng. Kế bên nhà của Kim Ngọc, ông Ba Xậy có máy hát dĩa quay bằng tay, thường hát các dĩa vọng cổ của Út Trà Ôn ca Tổn Tẩn Giả Điên, Thái Sư Văn Trọng giáng thập điều, Tình anh bán chiếu…Kim Ngọc nghe riết rồi học ca theo, thuộc lòng các bản vọng cổ của thần tượng Út Trà Ôn.
Khi ngồi giặt áo quần cho các em, Kim Ngọc ca nghêu ngao những bài vọng cổ học lóm đó, anh Minh Thành, thợ hớt tóc trong xóm, xưa kia là nhạc sĩ cổ nhạc, nghe Kim Ngọc có hơi ca tốt mà không rành nhịp điệu và bài bản nên anh gọi Kim Ngọc đến mỗi ngày cho anh dạy Kim Ngọc ca ba nam, sáu bắc và vọng cổ. Khi Kim Ngọc ca rành rẽ các bài bản cổ nhạc, cô được thầy Minh Thành và cha của cô dẩn đi ca tài tử trong các cuộc tiệc vui trong xóm.
Ông bầu Ba Bản thành lập đoàn Thủ Đô, nghe đồn giọng ca của Kim Ngọc, ông đã đến nhà xin cha mẹ Kim Ngọc cho cô theo đoàn ông để học hát và ông trao cho má Kim Ngọc một ngàn năm trăm đồng để bà mướn người làm công việc nhà thay cho Kim Ngọc để Kim Ngọc đi học hát. Nhưng gánh hát Thủ Đô của ông bầu Ban Bản mới thành lập, tập trung nhiều đào kép thượng thặng nên Kim Ngọc chỉ được cho ngâm thơ hậu trường hay ca vọng cổ ngoài màn chớ chưa có vai nào trong tuồng hát của đoàn. Năm sau, Kim Ngọc về đoàn hát Trùng Dương, rồi theo đoàn Tuấn Kiệt hát chung với Phương Quang, Phượng Liên.
Nổi tiếng trên sân khấu
Năm 1962, Kim Ngọc được báo chí kịch trường khen là cô đào trẻ đang lên nên ông bầu Minh Bằng( gia đình của nữ diễn viên Diệp Tuyết Anh) đến mời cô hát chánh trong gánh hát của ông. Vở tuồng đầu tiên Kim Ngọc hát là vở Trăng Lên Đỉnh Núi, hát cặp với kép chánh Trọng Sỹ. Nữ nghệ sĩ Kim Ngọc nhận được contrat 10.000 đồng khi đi hát với gánh hát của bầu Minh Bằng. Cô đưa hết số tiền đó để giúp cha mẹ cô trong việc nuôi đàn em đông đúc của cô ăn học và được no ấm.
Năm 1964, Kim Ngọc được ông bầu Thu An ký hợp đồng vế tập tuồng, chuẩn bị khai trương gánh hát Hương Mùa Thu nhưng chưa đầy một tháng sau, ông Bầu Xuân đoàn Dạ Lý Hương ký một số tiền contrat cao gấp đôi số tiền của đoàn Hương Mùa thu để Kim Ngọc về hát cho đoàn Dạ Lý Hương.
Kim Ngọc sáng chói trong tuồng Cô Gái Đồ Long của Hà Triều Hoa Phượng, nghệ sĩ Tấn Tài trong vai Vô Kỵ, Ngọc Giàu trong vai Triệu Minh, Kim Ngọc trong vai Chu Chỉ Nhược, ba giọng ca vàng nầy đã làm cho bảng hiệu Dạ Lý Hương rực sáng, làm cho các đoàn hát thượng thặng như Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chung, Thủ Đô phải mệt nhoài để đối phó.
Lúc đó Kim Ngọc quá đẹp, với vòng đo thân mình 80-61-85, nặng 43 kí, nét mặt xinh tươi sắc sảo, giọng ca lanh lãnh, hơi rông, ca giọng cổ điêu luyện. Kim Ngọc sánh chung với vua vọng cổ trên làng dĩa nhựa Tấn Tài và giọng ca nhung lụa của Ngọc Giàu là một dàn đào kép lý tưởng của đoàn Dạ Lý Hương khiến cho các ký giả kịch trường và khán giả ái mộ, gởi thơ đề cử cho Kim Ngọc vào dự thi giành huy chương vảng giải Thanh Tâm năm 1964. Theo lời Ban chấm giải, đáng lý ra Kim Ngọc cũng được huy chương vàng năm 1964, cùng với nữ nghệ sĩ Lệ Thủy như vì giải thường quy định chỉ chọn một nam, một nữ, mà vai nữ thì Lệ Thủy cao ráo hơn, sắc vóc chiếm ưu thế hơn Kim Ngọc nên Kim Ngọc mất dịp may không được giải Thanh Tâm.
Tuy nhiên năm 1973, 1974, nhật báo Trắng Đen tổ chức giải thưởng văn nghệ Kim Khánh thì Kim Ngọc hai năm liền được đọc giả bỏ phiếu tặng thưởng huy chương Kim Khánh của nhật báo Trắng Đen của ông chủ báo Việt Định Phương.
Năm 1972, Kim Ngọc về đoàn hát Bạch Tuyết – Hùng Cường, khi hát tuồng Trăng Thề Vườn Thúy, hề Tùng Lâm té xe gảy tay, Kim Ngọc tình nguyện thế vay Hề Đồng của Tùng Lâm để bảo đảm đêm hát không trở ngại, không ngờ Kim Ngọc hát quá hay, quá có duyên nên cô chuyển qua diễn một số vai hài của đoàn Bạch Tuyết – Hùng Cường.
Di cư qua PhápSau năm 1975. Kim Ngọc cũng như nhiều nghệ sĩ khác, vì đoàn hát tư nhân bị giải tán, trong khi chờ chánh phủ mới lập đoàn hát theo kiểu văn công hay tập thể, Kim Ngọc mỗi khuya ba giờ, cùng với cô con gái tên Kim Ngân xuống chợ Cầu Ông Lãnh, lột võ tôm mướn để kiếm sống qua ngày. Vàng Ngọc (tức Kim Ngọc) và Vàng Bạc tức Kim Ngân, hai mẹ con có tên ngọc ngà trở thành thợ bốc võ tôm để kiếm sống theo cách lao động chân chính.
Sau đó, có đoàn hát, Kim Ngọc trở về với sân khấu, nhưng thời hoàng kim của sân khấu cải lương đã qua rồi, Kim Ngọc sống chật vật với những vai tuồng mới, với đồng lương mới. Hoàng Long, chồng cô đã vượt biển với đứa con trai lớn là Hoàng Phương. Trước đó thì hai vợ chồng đã chia tay nhau vì những vụ ghen hờn. Kim Ngọc nuôi đứa con gái Kim Ngân, Hoàng Long và Hoàng Phương định cư tại Pháp.
Chuyển qua tấu hài, Kim Ngọc lập tức nổi danh Nữ Quái với vai Tư Xã Láng và diễn viên hài Quốc Hòa trong vai Hai Mưa Nắng trong nhiều chương trình truyền hình Chuyện trong nhà ngoài phố. Cặp diễn viên hài Kim Ngọc – Quốc Hòa diễn chung được nhiều năm, kiếm sống được vì khán giả thích được chọc cười.
Khoản năm 1980, khi đi hát chung trong một đoàn hát, nhạc sĩ Đức Lang, người đờn chánh cho đoàn hát Thanh Tú – Trang Bích Liểu mà Hồng Nga và Kim Ngọc đang cộng tác bỗng trồng cây si Kim Ngọc. Chỉ hát qua vài bến diễn, nhạc sĩ Đức Lang bèn chân thành ngõ ý cưới Kim Ngọc. Các bạn diễn trong đoàn hát cũng tán thành cặp nghệ sĩ hiền hậu nầy, nên rồi chiều theo ý trời và lòng người, Kim Ngọc bước thêm bước nữa với nhạc sĩ Đức Lang. Kim Ngọc đã được hơn ba mươi năm hạnh phúc với ông chồng Đức Lang nhạc sĩ, một người chỉ biết yêu vợ và chiều lòng vợ.
Hai người có với nhau một đứa con tài ba là nghệ sĩ hài Hiếu Hiền. Hiếu Hiền được Kim Ngọc dạy tấu hài nên Hiếu Hiền và Kim Ngọc trở thành một cặp diễn hài ăn khách nhất hiện nay. Khán giả thích cặp tấu hài So Le với các tiểu phẩm Bà Bầu Liều Mạng, Hoa Hậu Vũ Trụ, Câu Chuyện Cái Ti Vi.
Kim Ngọc lại có một đứa con nuôi tên Kim Đạt, cùng xuất hiện chung trong một chương trình tấu hài. Vừa bước ra sân khấu, khán giả đã cười vì Kim Đạt thì cao như một cây tre miễu, còn Kim Ngọc và Hiếu Hiền thì mập và lùn như hột mít. Nhóm hài Kim Ngọc đã diễn ở các tụ điểm giải trí Saigon, ở các tỉnh Bình Dương, Long Khánh, Vũng Tàu, Bà Rịa, các tỉnh miền Hậu Giang, Đồng Tháp, Cà Mau.
Con gái của Kim Ngọc tên Kim Ngân, kinh doanh một cơ sở sản xuất lưỡi câu rất là phát đạt. Gần đây Kim Ngân mở thêm một cơ sở sản xuất xe đạp hiệu Thanh Bình, đạt chất lượng cao, được ưa chuộng trên thị trường cả nước.
Nữ quái Kim Ngọc vẫn say mê sân khấu, cô vẫn thèm muốn được hát một tuồng chính chắn như các tuồng hát hồi xưa. Nhưng Chu Chỉ Nhược xinh đẹp ngày xưa, giờ đây đã mập tròn và nặng gần tám mươi ký, hết hát đào mùi được thì cô đành đem nụ cười lại cho khán giả, đó cũng là ước vọng của Kim Ngọc khi tuổi đã đến sáu mươi.
Chương trình cổ nhạc xin dứt, Nguyễn Phương hẹn tái ngộ vào giờ này tuần sau.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/FamousCaiLuongWomanComedianKimNgoc-Nphuong-05312008124045.html