Nguyễn Phương
4.5.2008
Nghệ sĩ Tấn Giao
Tôi còn nhớ khoảng tháng 3 năm 1996, nhân dịp về quê hương thăm con cháu, tôi được các cháu dẫn đi xem hát cải lương ở rạp hát Hòa Bình, hình như đó là đêm phát huy chương vàng giải Trần Hữu Trang năm 1995. Đêm hát đó diễn nhiều trích đoạn tuồng cải lương hay trước năm 1975.
Mc Thành Lộc giới thiệu trích đoạn Tiếng Hạc Trong Trăng do hai nghệ sĩ Tấn Giao thủ vai tướng cướp Thi Đằng và nữ nghệ sĩ Ngọc Tuyết trong vai cô gái mù Xuyên Lan.
Nguyễn Phương nhớ rõ cốt truyện tuồng Tiếng Hạc Trong Trăng và nhất là hai vai tướng cướp Thi Đằng do nghệ sĩ Thành Được thủ diễn và vai cô gái mù Xuyên Lan do cố nữ nghệ sĩ Thanh Nga thủ diễn trên sân khấu Thanh MinhThanh Nga.
Vở tuồng Tiếng Hạc Trong Trăng hồi xưa được ông Trần Tấn Quốc và Ban chấm giải thưởng Thanh Tâm tặng giải vở diễn xuất sắc trong năm 1966, nghệ sĩ Thành Được cũng được tặng giải diễn viên xuất sắc trong vai tướng cướp Thi Đằng năm 1966.
Sở dĩ tôi nhắc đến hai nghệ sĩ Thành Được và cố nữ nghệ sĩ Thanh Nga trong tuồng Tiếng Hạc Trong Trăng trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga vì khi tôi xem hát ở rạp Hòa Bình, sau khi MC Thành Lộc giới thiệu hai diễn viên trẻ trong vai Thi Đằng và Xuyên Lan, tôi sững sờ vì thấy hai diễn viên trẻ đó giống y như Thành Được và Thanh Nga dưới ánh đèn sân khấu.
Đã ba mươi năm trôi qua, ngày trước, năm 1966, Thành Được xuất sắc trong vai Thi Đằng, 30 năm sau, năm 1996, nam nghệ sĩ Tấn Giao giống nghệ sĩ Thành Được từ vóc giáng đến cách hóa trang, thậm chí đến lối ca vọng cổ của nghệ sĩ Tấn Giao cũng ngọt ngào, chân phương giống như giọng hát của nghệ sĩ Thành Được khi xưa.
Tôi thật sự xúc động vì nhớ đến gánh hát và các bạn đồng nghiệp dù cách nay đã ba, bốn mươi năm nên tôi xem được một lúc, tôi liền vô hậu trường rạp hát Hòa Bình để đến gần nghệ sĩ Tấn Giao mà tôi cho là một phiên bản của Thành Được, không sai một ly một tất nào.
Giống Thành Được
Thưa quý thính giả, trong hậu trường của rạp hát, tôi gặp hai soạn giả Kiên Giang và Hoàng Khâm, cả hai đều có mặt xem hát đêm đó ở rạp Hòa Bình, hai bạn cũng công nhận là nghệ sĩ Tấn Giao vào vai Thi Đằng, giống Thành Được tới 8, 90 phần 100.
Nghệ sĩ Tấn Giao nếu đi tranh giải huy chương vàng Trần Hữu Trang với vai tuồng Thi Đằng thì tôi tin là Ban Chấm giải sẽ không ngần ngại gì mà không tưởng thưởng ngay cho Tấn Giao huy chương vàng, vì Tấn Giao đã chứng tỏ đầy đủ bản lĩnh nghề nghiệp.
Nghệ sĩ Tấn Giao tên thật là Nguyễn Tấn Giao, sanh năm 1971 tại quận 10 Saigon, quê quán của cha mẹ ở huyện Chợ Mới tỉnh An Giang. Thân phụ của anh là ông Nguyễn Văn Sáu, sanh năm 1924, làm nghề tài xế, nhà ở đường Ngô Gia Tự quận 10. Mẹ của Tấn Giao là bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, sanh năm 1936, đã qua đời năm 1995.
Nghệ sĩ Tấn Giao có 6 anh em trai, người anh cả làm nghề tài xế, 3 người anh kế là công nhân của rạp Rex, Tấn Giao có hai em trai còn đi học. Trong bà con thân tộc của Tấn Giao không có người nào theo nghề sân khấu.
Tấn Giao học đến lớp 12 thì theo nghề sân khấu. Trong khi em đang học văn hóa cấp 3 tức Trung Học đệ nhị cấp, Tấn Giao yêu thích ca cổ nhạc nên đã học ca cổ nhạc với những thầy như nhạc sĩ Út Trọn, nhạc sư Út Trong và học ca tân nhạc với nhạc sĩ Bảo Thu. Tấn Giao tham gia các chương trình văn nghệ của nhà trường và nổi tiếng vì lối ca điêu luyện, giọng ca hay như một nghệ sĩ nhà nghề.
Năm 1987, Tấn Giao thi đậu vô trường Đào tạo diễn viên của nhà hát Trần Hữu Trang, em học khóa 3 trường Sân Khấu với các giáo sư kịch nghệ Phùng Há, Kim Cúc, Tấn Đạt, Hoàng Ba, Ngô Thị Hồng, Nguyễn Thị Minh Ngọc. Những bạn học cùng khóa 3 với Tấn Giao có các nghệ sĩ hiện đang còn hành nghề như Ngọc Tuyết, Nguyệt Hồng, Minh Hoàng, Hữu Quốc, Tất My Luân, Thanh Loan, Đào Dũng, Thanh Lựu…
Năm 1991, Tấn Giao tốt nghiệp trường Sân Khấu qua vai Tô Điện tuồng Tiếng Hạc Trong Trăng.
Tấn Giao và các bạn đồng học vừa được tốt nghiệp gồm có Minh Hoàng, Minh Cường, Thanh Lựu, Tất My Luân, Phú Cường, hề Đào Dũng, Ngọc Tuyết, Thanh Loan, Nguyệt Hồng, Quý Lý được tổ chức thành đoàn hát trẻ đi lưu diễn ở nhà Văn hóa Thủ Đức, Giồng Ông Tố, Duyên Hải, Nhà Bè, Bình Chánh, Hốc Môn, Củ Chi…v..v…Tấn Giao đã hát các tuồng Ân Oán Giang Hồ, Bản tình ca quê mẹ, Những Mảnh đời côi cút. Khán giả ở các vùng xa, các quận huyện ngoại thành phố tán thưởng tài nghệ của Tấn Giao, trong khi đó thì Tấn Giao không được khán giả Saigon biết đến. Tấn Giao quyết định đi hát cho đoàn cải lương Saigon 1, tuy nhiên đoàn hát cũ không có người thế vai em nên Tấn Giao phải trở về đoàn hát cũ.
Đoạt được nhiều huy chương và giải thưởng
Năm 1995, đoàn hát tham dự Hội Diễn sân khấu toàn quốc với vở tuồng Bản Tình Ca Quê Mẹ, vở hát được tặng thưởng huy chương vàng, nghệ sĩ Tấn Giao trong vai kỷ sư Nam của vở diễn cũng đoạt huy chương vàng dành cho diễn viên xuất sắc. Năm 1995, nghệ sĩ Hữu Quốc cũng được tặng thưởng huy chương vàng, nữ nghệ sĩ Ngọc Tuyết, huy chương bạc.
Nghệ sĩ Tấn Giao đoạt huy chương vàng cuộc tuyển lựa giọng ca cải lương năm 1991 do Hội Sân Khấu và Sở Văn Hóa Thành phố tổ Chức.
Năm 1995, Tấn Giao đoạt huy chương vàng giọng ca cải lương toàn tỉnh Sông Bé. Cũng trong năm 1995, nghệ sĩ Tấn Giao đoạt huy chương vàng giọng ca cải lương do Quận 10 tổ chức.
Một nghệ sĩ có sắc vóc đẹp trai, giọng ca mượt mà, kỹ thuật hát điêu luyện, nghệ sĩ Tấn Giao ba lần đoạt huy chương vàng giọng ca cải lương, một lần đoạt huy chương vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc, em nổi tiếng trên Đài truyền hình tỉnh Sông Bé nhưng khi thi dự giaải Trần Hữu Trang thì Tấn Giao không đoạt được huy chương vàng. Điều nầy có vẻ nghịch lý nhưng Tấn Giao cũng không lấy đó làm thành vấn đề quan trọng.
Năm 2006, Mười năm trước năm 1996, tôi được xem Tấn Giao và Ngọc Tuyết vào vai Thi Đằng và Xuyên Lan, Tôi thấy Tấn Giao có lối hát, giọng ca và nghệ thuật diễn xuất giống Thành Được, tôi đinh ninh khi gặp lại thì Tấn Giao phải là một nghệ sĩ thượng thặng như các nghệ sĩ đàn chú, đàn bác trước đây. Không ngờ năm 2006, mười năm trôi qua, tôi gặp lại Tấn Giao, tôi rất ngạc nhiên khi thấy em không có vẻ gì hơn khi tôi gặp lần đầu tiên ở rạp hát Hòa Bình. Em ít có vai tuồng nào gọi là để đời, cuộc sống kinh tế cũng chẳng khả quan lắm, danh tiếng thì cũng chẳng nổi bậc hơn khi em mới đoạt được huy chương vàng hội diễn sân khấu.
Tôi nói : Hồi trước nghệ sĩ Minh Vương được bầu khôi nguyên vọng cổ tại rạp Quốc Thanh thì sau đó cuộc đời lên hương chẳng những về nghệ thuật mà cuộc sống cũng thuộc về hạng sang giàu. Các nghệ sĩ đoạt giải thưởng Thanh Tâm như Thanh Nga, Bạch Tuyết, Mỹ Châu, Tấn Tài…v..v..đều ký contrat được bạc triệu, nghệ thuật ca diễn ngày một hay hơn, được khán giả ái mộ và biết đến nhiều hơn. Cháu Tấn Giao ba lần được huy chương vàng giọng ca cải lương, một lần được huy chương vàng hôi diễn cải lương toàn quốc mà sao cháu không phất lên được như các nghệ sĩ thế hệ trước cháu?
Tấn Giao cười buồn : “ Hồi đó có nhiều tuồng hay, nhiều rạp hát, nhiều khán giả, nhiều hãng dĩa, nhiều báo chí kịch trường quảng cáo và khen ngợi nghệ sĩ nên nghệ sĩ nổi danh được nhắc nhở tới luôn, được khán giả ái mộ mua vé xem hát nhiều hơn. Bây giờ thì khác hơn xưa về các điểm đó nên chúng tôi gặp khó khăn, vì chính sân khấu cải lương cũng mất dần khán giả, nghệ sĩ không có khán giả mua vé xem hát thì làm sao mà phất lên được?
Tôi cũng không biết nói sao trước một thực tế không lý giải được.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/Tan-Giao-Copy-Of-Thanh-Duoc-NPhuong-05042008140218.html