Ngày Xuân nghe ca vọng cổ (2)

Nguyễn Phương
9.2.2008

Thưa quý thính giả, Ngày Tết ở Việt Nam, dân chúng già trẻ bé lớn đều nô nức chuẫn bị đón những ngày tươi đẹp nhứt trong năm.


Nghệ sĩ cải lương cũng không ngoại lệ, nhưng nghệ sĩ có cách ăn Tết khác người thường. Khi mọi người vui Xuân, chơi Tết thì người nghệ sĩ phải biễu diễn, cống hiến niềm vui cho mọi người.

Vậy nên từ ngày 25 tháng chạp âm lịch, sau suất diễn cuối cùng trong năm, bầu gánh hát, soạn giả, nghệ sĩ và công nhân sân khấu tập trung trên sân khấu, trước bàn thờ Tổ nghiệp, làm lễ cúng và đưa Ông Tổ về thiên đình, giống như người dân bình thường cúng và đưa ông Táo về trời ngày 23 tháng chạp.

Sau đó là tiệc cuối năm, có ê hề rượu thịt, có đờn ca tài tử để nghệ sĩ vui chơi đón Tết trước. Cuộc vui kéo dài thâu đêm suốt sáng. Ai say thì lăn ra trên sàn diễn mà ngủ, đợi sáng mai người nhà đến đưa về. Từ 25 tháng chạp đến 30 tháng chạp, các đoàn hát đều nghĩ hát để cho nghệ sĩ có thời gian lo cho gia đình, hoặc đi tảo mộ, hoặc về quê thăm viếng bà con.

Đêm 30 Tết, người dân thường cúng rước Ông Bà thì người nghệ sĩ cúng rước ông Tổ nghề hát để rồi trưa ngày mồng 1 Tết, đoàn hát hát khai trương tuồng mới nhân dịp đầu năm mới.

Trước năm 1975, các đoàn hát khai trương những vở tuồng rất hạp ý khán giả như đoàn Thanh Minh Thanh Nga thì có tuồng Tình Xuân Muôn Tuổi, đoàn Dạ Lý Hương có vở Đại Phát Tài, đoàn Kim Chưởng có vở Bến Hẹn Chiều Xuân, đoàn Kim Chung có vở Suối Mơ Rền Pháo Cưới, đoàn Minh Tơ có vở Lưu Bị Cầu Hôn Giang Tả, trước khi hát tuồng chánh, đoàn Minh Tơ còn hát thêm màn Lục Quốc Phong Tướng.

Mời các bạn tham gia mục Cổ nhạc do Soạn giả Nguyễn Phương phụ trách. Mọi email xin gửi về [email protected]

Tuồng hát hát Tết phải: Vui, Hên, Có Hậu, không được có cảnh chết chóc, đổ máu hay chia ly. Tôi còn nhớ ông Bầu Long có nhiều đoàn Kim Chung nên không dễ gì kiếm được nhiều tuồng Vui, hên và đoàn tụ như ý của khán giả đi coi hát để bói tuồng, nên khi đoàn Kim Chung 2 hát Tết ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, tuồng Cổ Xe Độc Mã của soạn giả Thể Hà Vân phải đổi tựa là Cổ Xe Song Mã.

Trong tuồng, vai nam chánh là tướng cướp Hồ Thiên Vương, bị bịnh cùi và bị đâm chết, được ông Quản Lý đoàn Kim Chung 2 yêu cầu soạn giả Thể Hà Vân sửa lại là Hô Thiên Vương bị bịnh cùi nhưng khi bị đâm ngã xuống, anh không chết nhờ tình cờ quơ tay chụp được một cây linh chi thảo.

Hồ Thiên Vương nuốt vội cây Linh Chi Thảo đó, nhờ vậy mà hết bịnh cùi, không chết và được sánh duyên cùng cô vợ hứa hôn là Bạch Lan Hương. Sau đêm hát mùng 1 Tết, khán giả nào đã xem rồi tuồng nầy trên Đài Truyền Hình đều phản đối, vì bịnh cùi đâu có thuốc nào điều trị dễ dàng như vậy. Tuy nhiên họ nói hát Tết thì cũng được, không có chia ly chết chóc là được rồi.

Sau năm 1975, các ông bầu gánh hát tư nhân phải giao gánh hát cho nhà nước tập thể hóa. Các ông trưởng đoàn hát mới là cán bộ nên họ không còn giữ việc kiêng cử dị đoan, tuồng hát như Một Cuộc Giải Phẩu, Khúc Ly Hương, Nhơn Danh Công Lý,.. được hát vào ngày thường hay ngày Tết thì cũng không ngại gì khán giả không đi xem.

Từ năm 1986 trở lại đây, thời kỳ mở cửa, kinh tế thị trường, sân khấu cải lương được kiểm duyệt nới tay hơn nhưng nhà nước dẹp bớt nhiều rạp hát để cho các dịch vụ khác mướn kinh doanh, đem lợi nhuận về cho chánh phủ nhiều hơn, đoàn hát cải lương không có rạp hát để diễn, nghệ sĩ xé lẽ ra để đi hát tấu hài ở các điạ điểm tấu hài của Văn Hóa Thông Tin Quận, Huyện quản lý.

Khi nghệ sĩ đi tấu hài thì hát cương nhiều hơn là có kịch bản hoàn chỉnh. Họ chạy show từ địa điểm tấu hài của quận nầy qua quận khác, có khi một đêm chạy được hai, ba show. Và vì chạy từ điểm nầy qua điểm khác, không thể có nhạc sĩ cùng chạy show, họ phải hát nhép thì mới có đủ sức khoẻ để mà hát ở nhiều điểm khác nhau trong một đêm.

Hát nhép có nghĩa là nghệ sĩ hát nhép đã thu thanh trước bài ca của họ ca có ban nhạc đệm nhạc và thu thanh vô dĩa CD. Khi nghệ sĩ chạy đến địa điểm show phải hát thì nghệ sĩ đưa dĩa CD đã thâu cho dàn nhạc phát lớn ra qua loa phóng thanh của tụ điểm, nghệ sĩ cũng cầm micro, nhép miệng và làm động tác như đang ca thật. Họ không tốn hơi sức nhưng cũng có thể biểu diễn được màn ca đó vì giọng hát trong dĩa CD chính là giọng hát của nghệ sĩ đang hát nhép đó.

Nghệ sĩ hát nhép thật là hay, nhiều khi mình ngồi gần sân khấu, thấy họ ca cũng tưởng là họ ca thật, không ngờ là hát nhép. Chỉ trừ trường hợp bất ngờ bị bể dĩa nên khan giả mới biết là hát nhép. Bể dĩa có nghĩa là CD đó bị dơ hoặc hư không hát được, dĩa hát cà lăm hoặc nghệ sĩ đưa lộn dĩa, người MC giới thiệu bài ca nầy thì dĩa CD đó phát ra bài ca khác.

Tết năm 2000, nhân dịp tôi về thăm quê hương các cháu của tôi đưa tôi vô dạo chơi trong khu Đầm Sen. Vì khí hậu oi bức nên chúng tôi ở lại dùng cơm trong Đầm Sen, tối xem ca nhạc, tấu hài. Vì mãi chuyện trò, chúng tôi ăn nhậu kéo dài trong quán ăn Hồng Thắm, gần sân khấu ngoài trời Đầm Sen, tôi chợt nghe giọng tấu hài của hai nghệ sĩ Vân Sơn và Bảo Liêm.

Tôi có mang máy quay phim theo nên tôi bấm máy thu thanh đoạn tấu hài nầy. Tôi định dứt màn tấu hài, tôi sẽ nhờ cháu tôi đưa tôi vô hậu trường để thăm hai anh bạn Vân Sơn và Bảo Liêm. Hai anh Vân Sơn và Bảo Liêm có cùng với tôi làm việc chung trong đoàn Hương Miền Nam do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết làm trưởng đoàn. Sau đó, tôi đi định cư ở Canada, Vân Sơn và Bảo Liêm định cư ở Hoa Kỳ.

Nhưng cháu của tôi nói là hai nghệ sĩ đang tấu hài đó không phải là Vân Sơn và Bảo Liêm, đó là hai diễn viên tên là Thanh Võ và Hùng Tấn, họ hát nhép theo băng thu giọng hát của Vân Sơn và Bảo Liêm. Xin mời quý thính giả nghe một đoạn hát nhép của hai nghệ sĩ hài Thanh Võ và Hùng Tấn.

Năm sau, tôi có dịp qua Cali thăm con gái tôi. Tôi đến khu Phước Lộc Thọ, gặp hai anh Vân Sơn và Bảo Liêm, tôi có đem băng thu được ở Việt Nam cho hai anh nghe, hai anh phá ra cười. Vân Sơn nói bài tấu hài đó các anh sản xuất năm 1988, anh đưa cho tôi xem.

Bài tấu hài của hai anh bạn nghệ sĩ ở Việt Nam cóp y chan của Vân Sơn. Ai mà biết được việc làm ăn ẩu tả như vậy. Một băng video được thu từ năm 1988, được hát nhái lại vào năm 2000, nghĩa là 12 năm sau, bài tấu hài đó được hát nhép với thành phần nghệ sĩ mạo danh cái tên ăn khách của Vân Sơn và Bảo Liêm.

Tôi nghĩ là chắc những người phụ trách hay một số khán giả ở Đầm Sen cũng biết việc hát nhép copie nầy nhưng vì là ngày Tết, mọi người đều cầu vui. Không ai thắc mắc tìm hiểu tác giả và nghệ sĩ chính hiệu là ai, miển vui cười được trong ba ngày Tết là hên quá rồi.

Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc chấm dứt, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/VongCoTraditionalMusicInTetSpringFestivalTime2_NPhuong-20080209.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây