Nguyễn Phương
12.1.2008
Trong sân khấu cải lương, diễn viên hài có một vị trí khiêm tốn, tiền lương mỗi suất diễn chỉ bằng một phần ba hay một phần tư tiền lương của đào kép chánh, có khi còn ít hơn nữa nhưng nếu không có diễn viên hài, không có những đoạn tạo ra cho khán giả những trận cười thoải mái thì vở tuổng hát sẽ trở thành nặng nề, khô khan, tẽ nhạt.
Những trận cười do diễn viên hài đệm vô từng nơi từng lúc làm cho cốt truyện tuồng thêm đậm đà, ý nhị như trên một bức tranh, diễn viên hài là đường viền với màu sắc hài hòa hay tương phản để làm nổi bậc hình ảnh chính của bức tranh.
Những diễn viên hài phần lớn không có sắc vóc đẹp như các diễn viên chánh, không có giọng ca mùi, trái lại nhiều khi rất xấu trai, xấu gái, giọng nhảo nhẹt hay nhừa nhựa, chỉ cần có duyên và tài ứng đáp bén nhạy trên sân khấu. Nghệ sĩ Hồng Tơ trở thành danh hài cải lương trong một dịp tình cờ và nhờ vào tài ứng đáp bén nhạy và duyên dáng của anh.
Nghệ sĩ Hồng Tơ tên thật là Cao Văn Tơ, sinh năm 1963 tại xã Điều Hòa thành phố Mỹtho. Cha anh tên là Cao Văn Dực, công nhân, mẹ tên là Hồ Thị Châu, buôn bán. Hồng Tơ là em trai út trong gia đình có 7 người chị đều làm nghề thương mãi tại chợ Mỹtho.
Hồi nhỏ, Hồng Tơ học Tiểu Học ở trường Trịnh Hoải Đức, học Trung học trường Hùng Vương. Khi còn đi học, Hồng Tơ và bạn là Hoàng Sơn Kiệt, người cùng ở khu phố Phan Thanh Giản, thường cùng đi ca tài tử ở các xã Tân Lý Tây, Tân Hương, Rạch Gầm, Chợ Giữa, những nơi nổi danh là cái nôi của cải lưong. Đến năm 1975, chú của Hoàng Sơn Kiệt là nghệ sĩ Hồng Vũ, lập gánh hát cải lương Hoa Miền Nam tại Mỹtho, Hồng Tơ theo Hoàng Sơn Kiệt đi hát cải lương ở đoàn Hoa Miền Nam.
Nghệ sĩ đoàn Hoa Miền Nam lúc đó có Hồng Vũ, Hoàng Sơn Kiệt, Hoài Nam, Minh Long, Trang Hoài Phương, Vũ Minh Hải, Hề Phước, anh chọn nghệ danh là Hồng Tơ. Vào đoàn hát, Hồng Tơ chỉ làm quân sĩ trong các vở tuồng Đường Lên Núi Bạc, Lâm Sanh Xuân Nương, Bảo Biển và làm kép con trong tuồng Lối Mòn Về Xóm Cũ. Chỉ một năm sau, đoàn Hoa Miền Nam giải tán, anh trở về nhà thì cha mẹ bắt anh đi học nghề thợ tiện ở nhà người cậu ở đường Nguyễn Minh Chiếu Saigon.
Sau 7 tháng học nghề thợ tiện, Hồng Tơ về Mỹtho thăm nhà, đi ngang qua xã Tân Hiệp, thấy quảng cáo đoàn hát cải lương trong đình Tân Lý Tây, anh dừng lại, vô đình xem có gặp nghệ sĩ nào quen không. Không ngờ anh gặp lại nghệ sĩ Hồng Vũ, trưởng đoàn cải lương Sông Tiền. Đoàn đang thiếu một vai hề, Hồng Tơ được mời ở lại hát thế vai hề trong các tuồng Lâm Sanh Xuân Nương, Bảo Biển, Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà. Anh bèn bỏ nghề thợ tiện, theo đoàn hát.
Nhờ trước đây Hồng Tơ từng đóng vai quân sĩ trong các tuồng đó nên anh thuộc hết các lớp lang và câu chuyện tuồng, vô đóng vai hề là anh hát cương dựa theo ý tuồng nhưng cũng nhờ có duyên sân khấu nên anh được khán giả ái mộ nồng nhiệt. Đoàn cải lương Sông Tiền hát ở Cái Tàu Hạ, Cái Tàu Thượng, Nha Mân, Sadec, Mương Điều, dịp nầy, ông trưởng đoàn cải lương Đồng Tháp có xem Hồng Tơ diễn nên ông quyết định mời Hồng Tơ về hát cho đoàn Đồng Tháp với điều kiện lương bỗng hậu hĩ hơn gấp mấy lần lương ở đoàn Sông Tiền.
Diễn viên đoàn Đồng Tháp có Hồng Biên, Quang Minh, Hoàng Hải( con của Hoàng Giang), Kim Ảnh, Minh Tuấn, Phương Hoài Nam, Tuấn Anh, Phúc Hậu, Thanh Nguyệt, Thanh Dũng và hề Hồng Tơ.
Hồng Tơ đã hát qua vai Bảy Tài Xế tuồng Tìm Lại Cuộc Đời, vai Lính A trong vở Giọt Máu Oan Cừu, vai Năm Xì Ke trong tuồng Tình Yêu Của Em, vai Thái Tử Thát Hoan trtong tuồng Công Chúa An Tư. Hồng Tơ để râu giống hề Thanh Việt nhưng anh không được khán giả ưu ái như đối với Thanh Việt. Dầu sao thì Hồng Tơ cũng khẳng định được một vị trí xứng đáng trong làng hài cải lương.
Năm 1981, Hồng Tơ gia nhập đoàn hát An Giang – Khánh Hồng, hát với các nghệ sĩ Tài Bữu Tân, Tuấn Linh, Khánh Tuấn, Ngọc Đáng, Thu Nguyệt, Ngọc Ẩn, hề Nhẫn Nhục qua các tuồng Thanh Gươm và Nữ Tướng, Máu Nhuộm Bến Đò Xưa, Rừng Thần. Sau đó anh về cộng tác với đoàn Hậu Giang 1, hát chung sân khấu với các nghệ sĩ Linh Vương, Đổ Quyên, Bảo Châu, Dũng Thanh, Trang Mỹ Khanh, Vũ Đức Hiền, Hè Nai, Hề Lòng, Hề Vinh. Vì đoàn có quá nhiều hề nên Hồng Tơ hát ở đoàn Hậu Giang 1 một thời gian ngắn, sau đó anh gia nhập đoàn hát Tiếng Ca Sông Cửu, diễn hề qua các vở Lê Lai Cứu Chúa, Công Chúa Tóc Thơm, Trọng Thủy Mỵ Châu, Bên Cầu Dệt Lụa.
Năm 1984, Hồng Tơ về cộng tác với đoàn hát Phước Chung với thành phần nghệ sĩ hung hậu: Hoài Thanh, Đỗ Quyên, Tuấn Thanh, Thanh Tú, Trang Bích Liểu, Triều Giang Thủy, Vũ Phương Giang, Hoàng Liêm, Thanh Liêm, Giang Tâm, Phương Loan, Linh Châu, Hề Bé…Anh đã hát qua các tuồng Hạnh Phúc trong tầm tay, Tiếng Đàn Trên Sông Tô Lịch, Đôi mát Tinh Yêu, Rừng Ông Gốc, Thạch Sanh, Thoại Khanh Châu Tuấn, Vòng Cưới Anh Trao. Hồng Tơ đoạt huy chương vàng hội diễn sân khấu cải lương năm 1985 tại nhà hát lớn thành phố.
Hồng Tơ có vóc dáng thư sinh, dù có thêm bộ râu dê dưới càm kiểu râu quặp của Thanh Việt nhưng Hồng Tơ không diễn kiểu hề dê. Hồng Tơ diễn sạch, duyên dáng và luôn tìm một nét diễn mới cho các nhân vật hề của mình. Khi anh hát cho bất cứ đoàn hát nào, Hồng Tơ cũng được cảm tình nhiều của khán giả và bạn đồng diễn.
Nhược điểm của Hồng Tơ là ham vui, ham đến với đoàn hát mới, bạn diễn mới nên Hồng Tơ không để được một dấu ấn sâu sắc nào trong một tuồng hát gọi là để đời hay gắn bó với một bảng hiệu đoàn hát đặc biệt nào.
Hồi xưa khi nói đến hề Kim Quang, hề Châu Hí, người ta biết là hai anh ở đoàn Thanh Minh Thanh Nga, nhắc đến hề Văn Chung, hề Rư Rọm người ta biết là ở đoàn Dạ Lý Hương, nhắc đến Ba Vân, người ta biết là ở đoàn Phụng Hảo, đoàn Năm Châu…
Riêng hề Hồng Tơ, sau 20 năm theo nghề hát, anh đã cộng tác với gần 20 đoàn hát: Hoa Miền Nam, đoàn Sông Tiền, đoàn Đồng Tháp, đoàn An Giang – Khánh Hồng, đoàn Hậu Giang 1, đoàn Tiếng Ca Sông Cửu, đoàn Tháp Mười, lại trở về đoàn Đồng Tháp, đoàn Tiếng Hát Long Xuyên, đoàn Phước Chung, đoàn Sông Bé Mới, đoàn Tiền Giang 2, đoàn Trần Hữu Trang 2, đoàn Saigon 1, đoàn tuồng cổ Minh Tơ, trở về đoàn Phước Chung, rồi trở về đoàn Saigon 1, sau đó về hát cho sân khấu nhỏ 135 đường Hai Bà Trưng và hiện giờ anh cộng tác với nhiều nhóm tấu hài hát trên nhiều tụ điểm tấu hài ở thành phố.
Khi hát ở những tụ điểm tấu hài, những tiết mục không có gì là đặc sắc nhưng trong thời buổi sân khấu cải lương gặp khó khăn, nghệ sĩ Hồng Tơ tấu hài cũng có được một số thu nhập khá, ổn định được cuộc sống. Nhất là trong những năm gần đây có những tổ chức Đại Nhạc Hội ở các tỉnh Hậu Giang, các tỉnh miền Trung, tuy mỗi tuần chỉ được một, hai suất diễn nhưng Hồng Tơ được thu nhập cao, khoảng một triệư đồng một suất.
Nhưng Hồng Tơ thật bị Hồng Tơ giả phá giá, gây tiếng tăm không tốt trong giới nghệ sĩ và khán giả.
Năm 1996, có một người tên Dũng, thợ hớt tóc ở quận 6 tìm đến nhà của Hồng Tơ ở đường Lam Sơn, xin được làm quen. Hồng Tơ thấy Dũng có vóc dáng, nét mặt, mái tóc và cả hàm râu dê đều giống Hồng Tơ y như đúc nên Hồng Tơ rất vui. Dũng thường lui tới và ăn ở trong nhà Hồng Tơ như người trong gia đình. Dũng yêu thích văn nghệ, xin làm em nuôi của Hồng Tơ. Hồng Tơ đặt cho Dũng tên là Tơ Hồng để kỷ niệm cái duyên gặp gỡ. Hồng Tơ khi đi tấu hài đều dẫn Tơ Hồng theo, nhìều khán giả lầm tưởng Tơ Hồng chính là Hồng Tơ.
Một số ông bầu show liền khai thác chổ giống nhau giữa Hồng Tơ và Tơ Hồng. Họ tổ chức những show hát ở tỉnh xa, quảng cáo có danh hề Hồng Tơ tấu hài. Tiền cachet trả cho Tơ Hồng chỉ bằng một phần bảy hay một phần mười tiền cachet của Hồng Tơ. Ở các tỉnh xa, khán giả biết danh Hồng Tơ, mườn tượng dáng hình nên giữa Hồng Tơ giả tức anh Tơ Hồng nầy so với Hồng Tơ thật, họ không phân biệt được.
Những chương trình tấu hài của Tơ Hồng là nhại theo những vở của Hồng Tơ đã diễn trước đây. Tơ Hồng theo xem Hồng Tơ diễn, copie lời thoại cùng cách diễn của Hồng Tơ. Tất nhiên là các show diễn của Tơ Hồng không hay bằng Hồng Tơ, khán giả chỉ nghĩ là Hồng Tơ diễn sa sút chớ không biết là các ông bầu show đã bán của giả mạo cho họ.
Khi Hồng Tơ hay biết đứa em nuôi mạo danh mình để lừa khán giả, ảnh hưởng không tốt đến nghề nghiệp và danh dự của anh, anh trực tiếp gặp Tơ Hồng để yêu cầu Tơ Hồng không được làm vậy. Nhưng Tơ Hồng đổ lỗi cho bầu show và anh ta vẫn nhận đi tấu hài dưới danh nghĩa Tơ Hồng. Khi chào khan giả, anh ta xưng danh thật lớn là Hồng Tơ xin chào khán giả, xong anh giả vờ xin lỗi: Ủa hõng phải Tơ Hồng xin chào. Chữ Tơ anh nói thiệt nhỏ, thiệt mau, khán giả vẫn nghe tiếng Hồng thật lớn, một sự đánh lận con đen.
Giữa một thời buổi mà con người chen chúc nhau tìm một chỗ nhỏ nhoi để sống thì hàng giả nhái theo hàng thật có rất nhiều trên mọi lãnh vực sản xuất, về tấu hài thì hàng giả Tơ Hồng mặc tình nhái theo hàng thật Hồng Tơ, nhà nước bận tâm những chuyện quan trọng hơn là cái chuyện mạo danh nầy. Lỗi là tại Hồng Tơ rước Cọp về nhà.
Hồng Tơ cho biết là gia đình anh luôn nhận được những cú điện thoại của nữ khán giả từ các tỉnh xa gọi đến tìm anh Hồng Tơ để nhắc lời hứa hẹn yêu đương của ảnh lúc đi lưu diễn. Trong khi đó thì Hồng Tơ thật chỉ hát ở các tụ điểm tấu hài ở Saigon. Hồng Tơ thật lo sợ, sẽ có một ngày, một phụ nữ nào đó ở tỉnh, bỗng bồng một đứa trẻ mới sanh, tới nói đó là con của Hồng Tơ thì nỗi oan Thị Kính nầy không biết làm sao mà gở.
Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc xin dứt, Nguyễn Phương xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/ArtistHongTo_NPhuong-20080112.html