Nghệ sĩ Chí Hải, gian nan lận đận trên đường sự nghiệp

Nguyễn Phương
8.12.2007

Sân khấu cải lương ở trong nước ngày một xuống dốc, nghệ sĩ khó khăn lắm mới kiếm được một suất diễn hoặc nghệ sĩ đó may mắn lắm mới được gia nhập vào nhóm nghệ sĩ thuộc về nhà hát Trần Hữu Trang hay nhóm nghệ sĩ mang hoài bảo thực hiện chương trình “Thắp sáng niềm tin”, tổ chức hát mỗi tuần một suất vào tối thứ năm tại rạp hát Hưng Đạo quận nhứt Saigon.


Trong tình hình khó khăn như vậy mà vẫn có người mê hát cải lương, mê sân khấu đến độ cả gia đình đều hổ trợ cho nhau để đi vào nghiệp hát xướng. Đó là một điều lạ, người ta giải thích: người nghệ sĩ đó mắc nợ tổ nghiệp.

Mắc nợ ông Tổ Cải Lương?

Nghệ sĩ Chí Hải là một mẫu người mắc nợ ông Tổ Cải Lương. Anh tên thật là Dương Chí Hải, sinh ngày 05 tháng 6 năm 1956, quê ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Chí Hải là em ruột của nghệ sĩ tài danh Chí Tâm, hiện đang sinh sống ở quận Cam, Hoa Kỳ.

Cha của Chí Hải là ông Dương Hưng, người Hoa, biết đờn ca tài tử cổ nhạc. Mẹ tên là Lý Thị Thuận, hai ông bà đều là người thương buôn ở địa phương.

Chí Hải có tất cả 11 anh chị em, có bốn người theo nghề hát cải lương do ông Dương Hưng, thân sinh của họ khuyến khích và tạo cơ hội cho các con theo nghề hát. Đó là các nghệ sĩ Chí Tâm, Chí Hải, Chí Hà, Chí Bình.

Cha của Chí Hải, ông Dương Hưng thích đờn ca cổ nhạc lúc thiếu thời, ông có lúc theo đoàn hát cải lương nhưng vì ông là con một nên cha mẹ bắt ông trở về cưới vợ và tiếp tục việc buôn bán của gia đình.

Từ đó ông không có dịp nào trở lại với sân khấu nên sau nầy, các con của ông, nếu đứa nào thích theo nghề hát cải lương thì ông chẳng những cho con theo sở nguyện mà còn tạo điều kiện cho con hành nghề và có cơ hội để trở thành nghệ sĩ tài danh.

Trước đây nghệ sĩ Chí Tâm cũng từng theo gánh hát cải lương, khi tình hình sân khấu gặp khó khăn, anh có nghề tay trái là mua bán, kinh doanh. Khi thuận tiện anh trở lại với sân khấu. Chí Tâm thành công, nổi tiếng ở đoàn Kim Chung và các hãng dĩa. Sau năm 1975, anh được một đoàn hát lớn mời cộng tác và theo ý của ông Dương Hưng, cha của anh, anh giới thiệu cho em của anh là Chí Hải vào đoàn hát đó để học hát.

Chí Hải không được phân vai hát vì anh ca cổ nhạc còn quá yếu, nếu tiếp tục ở lại trong đoàn hát thì chỉ có thể được cho làm quân hầu, vệ sĩ hay những vai múa, vai đánh võ chớ không có hy vọng được đóng một vai tuồng đàng hoàng nên ông Dương Hưng cho con của ông rời đoàn hát, ông đóng tiền cho Chí Hải học ca cổ nhạc với nhạc sĩ Út Trong.

Nhạc sĩ Út Trong là người đã đào tạo được nhiều nghệ sĩ tài danh cải lương như Thanh Nga, Thanh Thanh Hoa, Minh Trung, Kiều Minh Trang, Kiều Hoa, …

Nên chỉ sau một khóa học sáu tháng, Chí Hải biết ca vọng cổ và một số bài bản thường dùng trên sân khấu cải lương. Hàng đêm Chí Hải ngồi trong cánh gà để xem các nghệ sĩ khác hát, học theo các điệu bộ và cách nói lối, cách diễn xuất.

Thời gian nầy (năm 1976) mỗi đoàn hát chỉ có vài vở tuồng được cho phép trình diễn, diễn viên tập trung ở Saigon nhiều nên Chí Hải khó bề chen lấn vô sân khấu để có vai hát. Ông Dương Hưng bèn về tỉnh An Giang, bỏ tiền ra lập một đoàn hát cải lương đăng ký ở tỉnh An Giang, lấy bảng hiệu đoàn Long Giang.

Đoàn Long Giang quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng như Tài Bữu Bữu, Mộng Nghi, Tuấn Linh, Hoài Trúc Phương, Diệu Huê… Đoàn Long Giang hát những vở của các đoàn hát ở Saigon đã diễn như vở Cây Sầu Riêng Trổ Bông, Máu Thắm Đồng Nọc Nạn, Nghĩa Tình Trong Giông Tố, Đêm Phán Xét…

Khi đoàn hát Long Giang hát được khán giả tán thưởng, ông Dương Hưng mới đưa Chí Hải xen vô hát một vài tuồng ở một vài điểm diễn, hát thế vai nghĩa là anh coi người trước hát nhiều lần rồi theo cách đó mà hát.

Vì được cha tạo điều kiện để có thể xuất hiện trong những vai diễn quan trọng, Chí Hải ỷ lại, không cố gắn nên anh hát không hay bằng những người mà anh thế vai, tên tuổi của nghệ sĩ Chí Hải vẫn mờ nhạt, không để lại một ấn tượng nào trong lòng khán giả.

Cuối năm 1977, nghệ sĩ Chí Tâm có dịp về Long Xuyên xem đoàn Long Giang hát, anh thấy Chí Hải hát yếu quá nên Chí Tâm bỏ nhiều thời gian dạy cho Chí Hải nghễ thuật ca, diễn. Khán giả rất có cảm tình và tán thưởng giọng ca và nghề hát của Chí Tâm.

Khán giả thấy Chí Hải cũng có giọng ca và lối hát của Chí Tâm nên cũng bắt đầu có thiện cảm với Chí Hải. Nhờ có bệ phóng đó, nương theo lối diễn ca của Chí Tâm, nghệ sĩ Chí Hải hát thành công được vài tuồng thì năm 1978, đoàn Long Giang phải theo lịnh nhà nước tập thể hóa. Ông bầu Dương Hưng mất quyền làm chủ đoàn hát, Chí Hải trở thành một kẻ bơ vơ, đau khổ khi nghề hát chưa đi tới đâu.

Vượt nhiều khó khăn để theo đuổi đam mê

Để sinh sống, Chí Hải phải đi hát cho đoàn Sông Bé – Mộng Tuyền của ông Bầu Xuân. Trên sân khấu Sông Bé – Mộng Tuyền, Chí Hải đã hát qua các tuồng Hoa Thiên Lý, Bảy Mùa Mai Nở, Hoa Mộc Lan, Thúy Kiều.

Năm 1979, Bầu Xuân bị tù, gánh hát Sông Bé – Mộng Tuyền giải tán. Chí Hải về hát cho đoàn Lúa Vàng Đồng Tháp của nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan, Chí Hải được sự chỉ dẫn của nghệ sĩ Tám Vân và nữ nghệ sĩ tiền phong Phùng Há nên anh hát thành công các vở tuồng Sau Ngày Cưới, Tấm Lòng Của Biển,Quán đợi Chờ, Bên Cầu Dệt Lụa…

Năm 1981, nghệ sĩ Chí Hải công tác với đoàn hát Long An 1, trưởng đoàn Năm Cư.

Năm 1982, Chí Hải về hát cho đoàn hát cải lương Saigon 3, anh nổi tiếng trong vai Hà Mẫn Đạt trong tuồng Tình ca Biên Giới. Chí Hải củng cố được vị trí hát kép chánh trên sân khấu đoàn Saigon 3 qua các tuồng Nàng Sa Rết, Mái Tóc Người Vợ Trẻ, Hạt Bụi Và Non Cao, Ngày Bước Vào Đời, Chấp Cánh Chim Bằng. Công Chúa Aly Sa, Nữa Tuần Trăng Kỳ Lạ.

Năm 1990, Nghệ sĩ Chí Hải đoạt huy chương vàng Hội Diễn Sân Khấu Chuyên Nghiệp toàn quốc qua vai Hoàng Trọng Dũng tuồng Đêm Trắng.

Sự thành công của Chí Hải trong Hội Diễn Sân Khấu Chuyên Nghiệp đem đến cho anh niềm tự hào, vinh quang nhưng cũng tạo cho anh sự ganh ghét trong một số bạn diễn và một vài người có trách nhiệm trong đoàn hát. Anh bị cơn sốc nghề nghiệp nên rời đoàn hát, về nhà giúp cho một người bà con trong hãng trà Tiến Đạt.

Năm 1992, người bà con đó về Hải Phòng tiếp tục kinh doanh, Chí Hải và vài người bạn hùng vốn làm ăn nhưng rồi thua lổ mất sạch vốn.

Năm 1993, Chí Hải trở lại với nghề hát, anh đã cộng tác với các đoàn hát Tây Đô, Hương Tràm, Tuổi Trẻ Kiên Giang, Tháp Mười B, Tiếng Chuông Vàng và đoàn Tiếng Hát Kiều Hoa.

Từ sau năm 1996 trở lại đây, sân khấu cải lương bị thu hẹp đất diễn, ở Saigon nhiều rạp hát cải lương chuyển qua cho các phòng trà, vũ trường hoặc quán ăn có ca nhạc mướn, một số ít nghệ sĩ thuộc quyền quản lý của đoàn hát Trần Hữu trang còn có rạp hát Hưng Đạo làm nơi hành nghề, các nghệ sĩ khác phải theo các đoàn hát tỉnh đi hát các thôn, xã, vùng sâu vùng xa thì mới có khán giả.

Chí Hải đã thay đổi qua sáu đoàn hát, đã hát không dưới 60 vở tuồng hát, gây được ấn tượng trong lòng khán giả qua các vở tuồng Bên Cầu Dệt Lụa, Hoa Đồng Cỏ Nội, Yêu Trong Hoàng Hôn, Thái Hậu Dương Vân Nga, Hoàng Hậu Ba Tư, Mười Năm Tình Cũ…Chí Hải cũng được mời thu thanh nhiều vidéo cải lương.

Với một sắc vóc đep trai, một giọng ca cổ nhạc trầm ấm và kinh nghiệm diễn xuất dày dạn, nghệ sĩ Chí Hải đáng lý ra phải có một vị trí xứng đáng trong lãnh vực nghệ thuật sân khấu nhưng dường như anh không có thời, không được các ông chủ đại gia cải lương để mắt tới nên từ sau năm 2000, anh có ít được mời tham gia các suất hát trên sân khấu hay thu vidéo.

Chương trình cổ nhạc kết thúc, Nguyễn Phương xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau!

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/Vietnamese_Traditional_Music_NPhuong-20071208.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây