Nguyễn Phương
25.8.2007
Các nghệ sĩ, danh ca tiền phong trong các thập niên 30, 40, 50 thường có các con cháu nối nghiệp cầm ca của dòng họ. Như nghệ sĩ Bầu Thắng có con là nghệ sĩ tài danh Minh Tơ, cháu nội là nghệ sĩ Thanh Tòng ; nghệ sĩ Thành Tôn cũng có các con là nghệ sĩ tài danh như Bạch Liên, Bạch Lê, Thành Lộc;…nghệ sĩ Năm Nghĩa có các con Thanh Nga, Hữu Thình, Bảo Quốc…
Nghệ sĩ danh ca Thanh Tao cũng có con là các nghệ sĩ danh ca Thanh Nhã, Thanh Xuân, Thanh Vũ và cháu nội là nghệ sĩ Linh Châu, một diễn viên kiêm soạn giả đang rất nổi tiếng trong giới nghệ sĩ cải lương ở Saigon.
Nghệ sĩ Linh Châu đã trãi qua những thử thách rất gay go, phải có một tinh thần tự tin và quyết tâm rất cao mới vượt được qua những thử thách đó để trở thành một nghệ sĩ hữu danh như hôm nay.
Năm 1976, Lê Thanh Hùng ở với bà nội tại Vũng Tàu, em không thích theo nghề hát cải lương của cha và ông. Thanh Hùng học đến lớp 10/12 rồi nghĩ học, đi đá banh cho đội banh Vũng Tàu, chuyên đá góc mặt và tiền đạo. Khi em được nổi tiếng là một cầu thủ hay của đội banh Vũng Tàu thì chú ruột của anh là nghệ sĩ Thanh Xuân dẫn Thanh Hùng về đá banh cho đội banh của đoàn hát cải lương Thanh Bình của tỉnh Tây Ninh. Thanh Hùng ngoài phận sự là cầu thủ đá banh còn làm nhơn viên soát vé của đoàn hát để được lãnh hai đầu lương trong đoàn hát.
Năm 1977, Đoàn cải lương Thanh Bình – Tây Ninh có trưởng đoàn là ông Ba Đa, diễn viên có Ngọc Điệp, Triều Dương, Hiền Lương, Linh Huệ, Phượng Nhung, Hoàng Oanh, Minh Được, Thanh Xuân và Yến Phượng.
Trong một trận đấu với liên đoàn bóng đá Trảng Bàng, Gò Dầu, đội banh của đoàn hát Thanh Bình thắng nhưng một cầu thủ nguyên là kép ba trong đoàn hát bị chấn thương gảy chân. Đêm đó hát tuồng Trai Hùng Gái Kiệt, thiếu một vai gả chèo đò tức là vai của kép hát cầu thủ bị gảy chân, Thanh Hùng được chú là Thanh Xuân giới thiệu vào hát thế vai.
Tuy “chữa cháy” được cho đêm hát nhưng Thanh Hùng chưa rành về cổ nhạc, em vừa học ca, học các vai thế và hát thành công được nhiều vai. Ba tháng sau, kép chánh Triều Dương bất ngờ rời bỏ đoàn, ông trưởng đoàn hát Ba Đa đưa Thanh Hùng tạm thời thế vai của Trrều Dương, nhưng cô đào nhì trong đoàn hát từ chối không hát với Thanh Hùng. Cô nói: “Nó là cầu thủ, chỉ biết đá banh chớ biết gì mà hát?”
Thanh Hùng rất buồn vì bị khinh khi trước mặt nhiều nghệ sĩ trong đoàn hát nhưng anh vẫn cố gắn học nghề và được ông trưởng đoàn phân cho hát vai chánh vài vở của đoàn. Cô đào nhì kia vẫn chống đối quyết liệt chỉ vì anh xuất thân là cầu thủ bóng đá.
Anh được bà Bích Liên, mẹ của nữ nghệ sĩ Yến Phượng giới thiệu với nhạc sĩ Xuân Nghiệp ở nhà hát Trần Hữu Trang để nhờ Xuân Nghiệp giới thiệu Thanh Hùng vô học khóa đào tạo nghệ sĩ sân khấu đầu tiên của nhà hát Trần Hữu Trang. Thanh Hùng được học cùng khóa với Thanh Thanh Tâm, Thái Châu, Thái Ngân, Hoàng Thân, Ngân Linh.
Các thầy dạy khóa nghệ thuật sân khấu gồm có những nghệ sĩ tài danh như Phùng Há, Kim Cúc, Tấn Đạt, Tri Trọng, Ngô Thị Hồng.
Năm 1980, Lê Thanh Hùng tốt ngjiệp khóa cải lương của nhà hát Trần Hữu Trang, anh được cô Út Bạch Lan mời về hát cho đoàn cải lương Long An mà Út Bạch Lan là trưởng đoàn. Út Bạch Lan trước đây có hát chung sân khấu với ông nội và cha của Thanh Hùng là danh ca Thanh Tao và nghệ sĩ Thanh Nhã. Cô Phùng Há đặt nghệ danh Phương Hoài Châu thay cho tên Thanh Hùng vì tên nầy trùng với một nghệ sĩ cải lương Thanh Hùng – Ngọc Hoa.
Trong đoàn cải lương Long An, nghệ sĩ Phương Hoài Châu được hát chung với các nghệ sĩ Út Bạch Lan, Phương Tùng, Linh Vương, Bảo Linh, Thanh Vân, Đỗ Quyên, Hề Minh Vũ, Triều Giang Thủy, Hoàng Oanh, Minh Được, Mai Lan. Anh có vai hát trong các vở tuồng Sau Ngày Cưới, Bạch Viên Tôn Các, Thái Hậu Dương Vân Nga, Cành hoa trong bảo táp…
Trong vở Sau Ngày Cưới, vở hát đầu tiên khi Phương Hoài Châu hát cho đoàn cải lương Long An, Phương Hoài Châu được cho đóng vai Quan, một vai hát chia với nghệ sĩ Triều Giang Thủy. Cô đào nhì từng chê bai, phản ứng không chịu hát chung với anh ở đoàn Thanh Bình – Tây Ninh, giờ đây đóng vai nữ của vở Sau Ngày Cưới, hát cặp với Triều Giang Thủy. Khi Phương Hoài Châu hát chia vai với Triều Giang Thủy thì cũng bị cô đào nhì nầy chống đối, không chịu hát chung chỉ vì Phương Hoài Châu xuất thân là một anh cầu thủ đá banh chớ không phải nghệ sĩ.
Lần thứ hai bị phỉ báng nhưng Phương Hoài Châu đã được các nghệ sĩ Út Bạch Lan, Đổ Quyên, Mai Lan, Linh Vương, Bảo Linh công nhận tài nghệ ca diễn của Phương Hoài Châu nên lời phản đối của cô đào nhì không có tác dụng gì.
Khi đoàn hát Long An đang lưu diễn vùng Cao Nguyên thì cô Phùng Há gọi anh trở về Saigon hát để anh tạo danh tiếng và có những vai diễn gây ấn tượng trong lòng khán giả. Cô Phùng Há đổi nghệ danh Linh Châu, thay cho tên Phương Hoài Châu và giới thiệu cho anh vào đoàn cải lương Saigon 2.
Năm 1981, nghệ sĩ Linh Châu lại gặp cô đào nhì từng chê bai Linh Châu hai lần khi cùng ở đoàn hát Thanh Bình – Tây Ninh và đoàn cải lương Long – An Út Bạch Lan, cô đào hát nầy cũng về hát cho đoàn Saigon 2, Khi gặp Linh Châu( cô chưa biết nghệ danh mới nầy của Lê Thanh Hùng), cô nói: “Ủa! mầy đi đâu đây? Mầy nên đi đá banh, chớ ở đoàn nầy, mầy chỉ kéo màn thôi, chớ làm cái gì được!”
Hôm đó đoàn Saigon 2 khởi tập tuồng Khách Sạn Hào Hoa, Linh Châu được phân vai Trung, cô đào nhì vai Hiều, hát cặp với nhau. Sau buổi tập, từ trưởng đoàn đến các nghệ sĩ đào kép chánh đều khen giọng ca của Linh Châu, vừa dũng mảnh vừa rất mùi như giọng ca của danh ca Thanh Tao ngày trước. Còn cô đào nhì nọ thì bị chê ca yếu, ca không có thần trong bài ca. Ông trưởng đoàn hát dự định chọn nghệ sĩ khác thay vai của cô ta. Hôm sau cô bỏ đoàn đi mất dạng.
Linh Châu kể chuyện nầy cho tôi nghe và nói: “Con không hờn giận gì cô ấy và còn cám ơn những lời nói khích của cô, vì vậy con cố gắng học ca, học hát nên mới có cái thành quả hôm nay.”
Ngoài sự cố gắng học nghề hát, Linh Châu cần phải biết rằng anh thừa hưởng được cái gène di truyền của ông nội là danh ca Thanh Tao, cha là Danh ca Thanh Nhã và bà cô Thanh Nhàn, chú Thanh Xuân, Thanh Vũ, nên giây thanh đới di truyền của dòng họ ông cha đã giúp cho anh có giọng ca tốt, hơi rông, phát âm rõ ràng giống như trường hợp của cô Thanh Hương được di truyền từ gịong ca của danh ca Tư Sạng.
Linh Châu cộng tác với đoàn cải lương Saigon 2 trong ba năm, hát các tuồng : Khách Sạn Hào Hoa, Theo Dấu Chân Hồng, Nắng Lên Chùa Tháp, cùng hát với các diễn viên Ngọc Bích, Tuấn An, Tư Rọm, Thanh Vân, Bảo Anh, Phương Tạm, Mai Anh, Bảo Chiêu, Ngọc Hà…
Sau đó Linh Châu được mời về hát cho đoàn Phước Chung, diễn qua các vở THạch Sanh Lý Thông, Đôi Mắt Tình Yêu, Hạnh Phúc Trong Tầm Tay, Rừng Ông GỐc.
Năm 1987, nghệ sĩ Linh Châu vè cộng tác với đoàn hát cải lương tuồng cổ Minh Tơ. Tại đây anh được trao dồi thêm nghệ thuật hát tuồng cổ, anh đã tạo được danh tiếng và sữ ngưởng mộ của khán giả qua các tuồng : Xuân Về Trên Đỉnh Mã Phi, Tô Hiến Thành Xử Án, Giai Nhân và Dũng Tướng, Thanh Gươm Nữ Tướng, Cánh Nhạn Mù Sương, Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ, Mã Siêu báo phụ cừu, Phụng Nghi Đình, Bích Vân Cung Kỳ Án…
Năm 1991, Linh Châu về hát cho đoàn cải lương HƯơng Mùa Thu qua các tuồng Tiếng Súng một giờ khuya, Hai Chiều Ly Biệt.
Năm 1992, Linh Châu về hát cho đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, hát các tuồng Ngũ biến báo phu cừu, Ngọc Kỳ Lân, Thập Tứ Nữ Anh Hào, Xử Án Phi Giao.
Năm 1993, nghệ sĩ Linh Châu về hát cho đoàn Sông Bé 2, cũng qua các tuồng cổ THập Tam Thái BẢo, Song KIếm Uyên Ương. Linh Châu cũng thu video tuồng cải lương Tây Môn Khánh( tuồng Võ Tòng Sát Tẩu), Triệu Tương Tử ( tuồng Dư Nhượng Đã Long Bào), Nhạc Phước ( tuồng San Hà Xã Tắc), Nhà Sư( tuồng Búa Thần Loạn Thiên Cung)…
Nghệ sĩ Linh Châu đạt được danh hiệu Diễn Viên được ưa thích nhất năm 1990, Danh ca vọng cổ được ưa thích nhất năm 1990, Diễn viên dự giải Trần Hữu Trang được ưa thích nhất liền trong ba năm 1991, 1992, 1993 và đạt huy chương vàng diễn viên xuất sắc giải Trần Hữu Trang năm 1993.
Linh Châu bước qua lĩnh vực sáng tác. Anh đã thành công khi tự mình sáng tác, tự làm đạo diễn và diễn viên chánh tuồng Long Tuyền Soi bóng nguyệt, một vở tuồng dã sữ Việt Nam, hát trên sân khấu đoàn cải lương Saigon 1.
Chính Linh Châu đã bỏ tiền túi ra để tổ chức ăn tập và biểu diễn vở tuồng nầy. Linh Châu cho biết các đoàn hát cải lương ngày một lâm vào bế tắc chính là vì không có địa điểm để hát. Toàn thành phố chỉ có một rạp duy nhứt để hát cải lương, đó là rạp Hưng Đạo.
Rạp Hưng Đạo lại thuộc quyền của ba đoàn hát Trần Hữu Trang. Trong tình hình cải lương xuống dốc, gặp mọi khó khăn, có thể thương lượng bớt tiền cachet của nghệ sĩ nhưng tiền mướn rạp thì rất mắc và phải trả đúng răng rắc.
Thưa qúy thính giả, chương trình cổ nhạc xin chấm dứt, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/ActorLinhChau_NPhuong-20070825.html