Nguyễn Phương
21.7.2007
Nhạc sĩ Minh Thanh. Hình của soạn giả Nguyễn Phương
Trong quyển hồi ký 50 năm mê hát cải lương, nhắc lại hồi năm 1931, ông Bầu của đoàn hát Phước Cương đưa hai nghệ sĩ Năm Phỉ và Bảy Nhiêu sang Paris đóng tuồng Xử Án Bàng Quí Phi trong cuộc hội chợ đấu xảo ở Paris, tác giả quyển Hồi Ký kiêm học giả Vương Hồng Sển có nói một câu: “Nơi nào ở nước ngoài mà còn thích chiếc áo dài Việt Nam và thích nghe đờn ca vọng cổ thì nơi đó còn có tâm hồn Việt Nam.”
Tôi bắt gặp được câu nói nầy ghi chép trên tập bài ca cổ nhạc của nhạc sĩ Minh Thanh khi anh cùng các nghệ sĩ Paris tổ chức buổi tiệc đón tiếp vợ chồng soạn giả Nguyễn Phương nhân dịp chúng tôi sang Paris thăm con cháu.
Trong buổi tiệc mừng hội ngộ đó, có một chương trình đờn ca tài tử giữa các nghệ sĩ và nhạc sĩ ly hương, gồm những trích đoạn các tuồng cải lương ở quê nhà khiến cho chúng tôi gần gũi thân thương với nhau hơn. Nghe tiếng đờn guitare phím lõm, nghe giọng ca vọng cổ, trong lòng mỗi người chúng tôi như được sưởi ấm tình quê hương.
Nhạc sĩ Minh Thanh đờn guitare điện, đờn độc chiếc, đệm cho tất cả các nghệ sĩ có mặt ca nhiều bài bản cổ nhạc và vọng cổ. Tiếng đờn của Minh Thanh sôi nổi, tình cảm và điêu luyện như những danh cầm guitare điện mà tôi từng quen biết.
Tôi đã theo nghiệp sân khấu cải lương trên bốn mươi năm và gần hai mươi năm sau nầy tôi vẫn gắn bó với sinh hoạt của các nghệ sĩ cải lương ba thế hệ, tôi quen hơn hai mươi nhạc sĩ cổ nhạc tài danh, vậy mà đây là lần đầu tiên tôi được nghe Minh Thanh đờn, lần đầu tiên tôi mới tiếp xúc được với một tài năng tuy có hạn chế nhưng lòng yêu nghề và phục vụ cho khán thính giả phải nói thật là dễ nể, đáng mến phục.
Thích cổ nhạc, mê hát cải lương
Nhạc sĩ Minh Thanh xuất thân từ một gia đình công chức nghèo ở thị trấn Mỹ Luông, Huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Mẹ anh mất sớm, anh sống với cha. Cha anh cũng thuộc về gia đình tài tử xưa, biết đờn cổ nhạc. Vì vậy khi Minh Thanh lớn lên, anh cũng thích cổ nhạc, mê hát cải lương nên anh xin cha cho anh đi theo đoàn cải lương để học hát.
Năm 1957, Minh Thanh gia nhập đoàn hát Tân Hương Hoa của ông Bầu Vân Sinh.. Bầu Vân Sinh nổi danh là một nghệ sĩ chuyên đào tạo các mầm non nghệ sĩ nên ngoài các diễn viên tên tuổi làm trụ cột của đoàn hát như các nghệ sĩ Minh Chí, Ba Xây, Văn Khoe, Văn Danh, Ánh Nguyệt, ông Bầu Sinh thu nhận nhiều nghệ sĩ trẻ mới học nghề nhưng nhiều triễn vọng như các em Thanh Thanh Hoa, Ánh Hoa, Hoài Dung, Hoài Mỹ, Nam Hùng, Minh Viễn.
Nhạc trưởng Năm Hưng, chuyên đờn kìm chịu trách nhiệm dạy ca, vũ sư Minh Cao dạy vũ và sắp lớp những màn đánh võ trong tuồng.
Chính ông Bầu Vân Sinh, vốn là một diễn viên kiêm soạn giả, ông đứng ra tập tuồng, chỉ dạy về diễn xuất. Minh Thanh lúc nầy là một học viên mới vào nghề. Minh Thanh sáng dạ, cao ráo đẹp trai, học mau nhập tâm các bài ca cổ, có triễn vọng thành một kép mùi nhưng chỉ mới được một năm học nghệ, Minh Thanh được đoàn hát Kim Hoàng – Như Mai mời cộng tác.
Gặp dịp may, Minh Thanh gia nhập đoàn hát Kim Hoàng – Như Mai với hy vọng được hát những vai tuồng quan trọng vì nếu vẫn ở đoàn Tân Hương Hoa thì nghệ sĩ Minh Thanh không thể nào vượt qua được những cây cao bóng cả như Minh Chí, Ba Xây, Văn Khoe…
Người tính không bằng trời tính, nghệ sĩ Minh Thanh hát chỉ chưa hết một năm, anh bị bể tiếng, mất giọng ca nên anh trở về quê ở thị trấn Mỹ Luông, huyện CHợ Mới, tỉnh An Giang.
Cơ duyên đặc biệt
Đã quen với đời sống trong gánh hát cải lương, quen với ánh đèn sân khấu, về quê nhà, vắng tiếng đàn câu hát, Minh Thanh thấy quá buồn chán, nhất là khi anh bị bể tiếng, ca không nghe mùi nghe ngọt như trước, anh bèn đi học đàn. Người thầy dạy anh đầu tiên là nhạc sĩ Út Chờ ở Chợ Mới.
Năm 1975, gia đình anh dời lên tỉnh Biên Hòa, anh học thêm những ngón đàn guitare sắc xảo của nhạc sĩ Ba Nhị, Biên Hòa. Nhạc sĩ cổ nhạc Minh Thanh gia nhập đoàn Văn Công huyện Thủ Đức, thời điểm sau 75 nếu không làm một việc gì do nhà nước quản lý thì người đó phải đi đào kinh thủy lợi, vì vậy anh chọn theo nghề đờn cho đoàn Văn Công, vừa phù hợp với sức khoẻ của anh vừa đúng theo nguyện vọng theo nghề ca hát.
Tại đoàn Văn Công Thủ Đức, nhạc sĩ Minh Thanh xây dựng gia đình với nữ nghệ sĩ Kim Chi, cũng là đoàn viên của đoàn nghệ thuật ở Thủ Đức.
Nữ nghệ sĩ Kim Chi quê quán ở Thủ Đức. Cô Kim Chi là cháu ngoại của nhạc sĩ Sáu Lê, một gia đình đờn ca tài tử nổi danh của địa phương. Cha mẹ của Kim Chi cũng thích cổ nhạc, cha biết đờn nên khi Kim Chi mới được 5 tuổi, ông đã cho Kim Chi đi học ca với nhạc sĩ Ba Tình, một danh cầm của địa phương. Nghệ sĩ Mỹ Út, em của nhạc sĩ guitare Văn Còn ở Dĩ An là người thầy thứ hai của Kim Chi.
Đây là một cơ duyên đặc biệt cho nhạc sĩ Minh Thanh vì anh có dịp học hỏi thêm ngón đờn guitare tuyệt diệu của nhạc sĩ Văn Còn, người nhạc sĩ từng đờn nhiều năm cho gánh hát Thanh Minh Thanh Nga. Văn Còn chính là nhạc sĩ đã sáng tạo lối đờn vọng cổ giây Bảo Chánh, sau được nhạc sĩ Bảy Bá, Viễn Châu đề nghị đổi tên thành giây đàn Ngân Giang mà các nhạc sư Văn Vĩ, Bảy Bá đều ưa thích và ca ngợi.
Năm 1977. gia đình Kim Chi có quốc tịch Pháp nên Kim Chi và Minh Thanh theo gia đình hồi hương về Pháp.
Lúc đó tại kinh thành Paris không có nhiều người biết đàn cổ nhạc nhưng lại có nhiều nghệ sĩ cải lương, các nghệ sĩ cải lương được hồi hương về Pháp trong diện gia đình có quốc tịch Pháp như các nghệ sĩ cải lương tài danh Dũng Thanh Lâm, Phương Thanh, Hà Mỹ Liên, Hữu Phước, Hương Lan, Chí Tâm, Hương Thanh, Minh Đức, Kiều Lệ Mai, Minh Tâm, Tài Lương, Mỹ Hòa, Quốc Hương, các nghệ sĩ cải lương ly hương đó mỗi khi gặp lại nhau hoặc trong các sinh hoạt của cộng đồng người Việt Nam, các bạn đều muốn ca cải lương vừa đở nhớ quê hương vừa phục vụ cộng đồng, nhạc sĩ Minh Thanh là người nhạc sĩ duy nhứt đệm đàn cho các nghệ sĩ đó ca hát.
Các nghệ sĩ ly hương
Về sau dàn cổ nhạc được sự tiếp tay của nhạc sĩ Michel Mỹ. Ông là một cầu thủ quốc tế nổi danh cùng thời với Tam Lang, ông đàn violon cổ nhạc tài tử nên ông góp sức với các bạn trẻ làm cho các chương trình cổ nhạc của các nghệ sĩ ly hương thêm phần tươi mát và sôi nổi.
Nhạc sĩ Minh Thanh và nữ nghệ sĩ Kim Chi tham gia vào Hội nghệ sĩ tỵ nạn do Hữu Phước tổ chức, gồm có tất cả các nghệ sĩ cải lương hồi hương về Pháp và nghệ sĩ Hoàng Long. Hữu Phước thực hiện được một số đêm hát cải lương nguyên tuồng ở rạp Maubert, nhạc sĩ Minh Thanh đàn chánh trong các chương trình nầy.
Có thể nói là trong các cuộc đờn ca dù là ở các restaurant trong các cuộc hợp mặt thân hữu hay ở các rạp hát trong đêm diễn nguyên tuồng hát, nhạc sĩ Minh Thanh và Kim Chi không bao giờ vắng mặt. Tuy ngồi sau cánh gà hay ngồi khiêm tốn sau lưng nghệ sĩ, nhạc sĩ Minh Thanh là người quan trọng, người tạo hứng khởi cho ca sĩ, nghệ sĩ trong buổi biểu diễn nghệ thuật đó.
Nhạc sĩ Minh Thanh và vợ, nữ nghệ sĩ Kim Chi đã đi lưu diễn, thu vidéo, cassette các băng cổ nhạc và tuồng hát cải lương cho những trung tâm băng nhạc như Thúy Nga, Phượng Hoàng, Bảo Anh, Thúy Uyển, Bảo Sơn.
Riêng Minh Thanh và Kim Chi đã thực hiện 7 băng tân cổ giao duyên: Minh Thanh 1: Bá Nha ngộ Tử Kỳ; Minh Thanh 2: Ẩn lòng Ni Cô,; Minh Thanh 3: Gặp Lại Cố Nhân; Minh Thanh 4: Mái Tóc Dạ Hương Huyền; Minh Thanh 5: Cố Đô sầu ly biệt; Minh Thanh 6: Thuyền Trăng Bến Ngũ Hồ; Minh Thanh 7: Tiếng độc huyền trên bến bắc Cần Thơ.
Tôi vuốt mấy ngón tay của Minh Thanh, những ngón tay chai, hằng sâu nhiều đường do giây đờn bằng thép ấn dấu, tôi hỏi Minh Thanh: qua Pháp sinh sống được bằng tiếng đờn của anh không, tôi hỏi vậy là vì thấy thì giờ tham gia các show diễn, show quay vidéo hay hát hợp bạn ở restaurant, ở các cuộc hợp công đồng… của Minh Thanh và Kim Chi quá là nhiều.
Minh Thanh cười, nói: “Chú Nguyễn Phương biết mà, tụi cháu có nghề nghiệp chính để mưu sinh, chớ ở kinh đô ánh sáng Ba Lê, đờn ca không thôi thì làm sao mà có thu nhập đầy đủ để đáp ứng cái sinh hoạt mắc mỏ ở Paris. Chẳng qua là, như ông Vương Hồng Sển nói: ở đâu còn người thích chiếc áo dài Việt Nam và thích nghe ca vọng cổ thì ở đó còn có tâm hồn Việt Nam. Chúng cháu nhớ Việt Nam, nhớ quê hương.
Nhiều bà con Việt Nam định cư tại Pháp cũng thích nghe ca hát về quê hương. Vậy đó, chúng cháu đờn ca là vừa giải tỏa nổi nhớ nhung trong lòng mình vừa đáp ứng được lòng mong muốn và tình cảm của cộng đồng Việt Nam định cư ở nước ngoài. Với lòng yêu nghệ thuật, Minh Thanh và Kim Chi quyết định là biết bao nhiêu thì phục vụ nghệ thuật bấy nhiêu cho khán thính giả ly hương nơi hải ngoại.”
Thưa qúy thính giả, chương trình cổ nhạc xin dứt, Nguyễn Phương xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/VnTraditionalMusicMusicianMinhThanh_NPhuong-20070721.html