Nguyễn Phương
14.7.2007
Thưa qúy thính giả, giới nghệ sĩ sân khấu cải lương và hát bội có một niềm tin kỳ lạ là người nào đã « ăn cơm cải lương hay hát bội, nghĩa là đã thọ lộc Tổ rồi » thì suốt đời sẽ theo « nghiệp tổ», không thể nào thay đổi nghề khác được. Và những người mới bước chân vào nghề hát, dù gặp khó khăn ngăn trở cách mấy, người đó cũng sẽ được ông Tổ cải lương độ cho vượt qua khó khăn để trở thành một nghệ sĩ chính cống!
Nguyễn Phương, Tám Vân – Nhị Kiều, Viễn Châu, Thanh Cao, Kiên Giang, Việt Hùng – Ngọc Nuôi, Hoàng Giang – Kim Giác, Thành Được, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Thu An – Ngọc Hương …vân… vân và rất nhiều bạn nghệ sĩ của chúng tôi, theo nghiệp sân khấu năm sáu chục năm liên tục, mặc dầu có nhiều khi bị đói kém, túng thiểu, khổ sở mọi bề, chúng tôi vẫn tìm vui được dưới ánh đèn sân khấu để mà sống và đeo đuổi theo nghiệp tổ cho đến ngày mỏn sức tàn hơi.
Có người cho là chúng tôi tin dị đoan, tin nơi phần số trời đã định. Có người lý giải theo tâm lý học là những nghệ sĩ lão thành chúng tôi đam mê nghệ thuật sân khấu, giống như nhạc sĩ mê tiếng đàn, thi sĩ mê thi thơ… Nhưng cũng có người lấy cuộc sống thực tế để mà suy luận thì rõ ràng trong cái thời điểm hành nghề của chúng tôi, có một lúc được gọi là thời vàng son của sân khấu, chúng tôi có một mức sống khá cao, tiền bản quyền tác phẩm được tính cả trăm ngàn đồng, nghệ sĩ có contrat cả triệu bạc và lương đêm cũng được tính một vài ngàn đồng một suất hát.
Những năm từ 1979 đến năm 1985, có nghệ sĩ chạy xuống tỉnh hát chui, được trả lương một suất hát vài chỉ vàng, có người được chia 10, 12, tới 15 phần trăm trên tổng số doanh thu của đêm hát đó.
Tuy nhiên cũng có khá nhiều nghệ sĩ khi mới bước chân vào nghề hát thì sinh hoạt sân khấu bắt đầu xuống dốc. Lương đêm của mỗi nghệ sĩ được tính « đồng giá tiền » cho những nghệ sĩ hạng A hoặc hạng B, đào kép chánh và những người quan trọng trong gánh hát được phân hạng A, những người khác đồng loạt được xếp vào hạng B. Nghệ sĩ không được ký contrat, không được mượn tiền trước.
Nói chung đời sống vật chất của nghệ sĩ cải lương trong thời điểm nầy thật là thiếu thốn, chỉ được hưởng tiếng khen ngoài miệng thôi. Vậy mà có người mê cải lương, lao đầu vào cuộc sống nghệ sĩ trong hoàn cảnh « có tiếng mà không có miếng ».
Thưa quý thính giả, nghệ sĩ Minh Long là một nghệ sĩ vượt qua được những khó khăn vì thời cuộc mà đến với nghệ thuật sân khấu và đã thành danh sau hơn hai mươi năm đeo đuổi theo nghề hát.
Nghệ sĩ Minh Long tên thật là Trịnh Minh Long, sanh năm 1955 tại Saigòn, cha mẹ là những thương buôn khá giả, trong gia đình không có ai là nghệ sĩ.
Minh Long học xong lớp 9 Trung học Phổ Thông trường Bồ Đề, sau Tết Mậu Thân 1968, trường học tạm đóng cửa, Minh Long xin cha mẹ cho em theo các lò cổ nhạc, học ca hát. Minh Long, Bình Trang, Tú Anh, Kiều Trang, Ngọc Hiếu và một số đông các em học viên khác dự lớp dạy ca diễn tại nhà của soạn giả Nguyễn Phương, nghệ sĩ Tám Vân dạy về diễn xuất, soạn giả Nguyễn Phương hướng dẫn đọc thoại và đài từ, nhạc sĩ Tám Lắm dạy ca bài bản cổ nhạc. Minh Long và Bình Trang học thêm phần ca vọng cổ với nhạc sĩ Văn Vĩ.
Cuối năm 1969, Minh Long, Bình Trang, Ngọc Hiếu được nghệ sĩ Tám Vân đưa gia nhập đoàn hát Dạ Minh Châu tức đoàn Thanh Minh Thanh Nga 2 của bà bầu Thơ, Tám Vân chịu trách nhiệm điều khiển đoàn hát thay cho bà Bầu Thơ. Chỉ vài tháng sau , Minh Long và Bình Trang đã thành công qua các vai chánh trong tuồng Hoa Mộc Lan, Bảy Mùa Mai Nở.
Rất tiếc là vì tình hình các tỉnh có giờ giới nghiêm ban đêm nên đoàn hát dù nghệ sĩ hát hay đến đâu thì cũng khó mà có số doanh thu cao với những suất hát ban ngày, đoàn Dạ Minh Châu đi lưu diễn các tỉnh miền Hậu Giang, chịu khó vào các thôn ấp xa xôi để hát nhưng rốt cuộc đoàn hát cũng phải giải tán vì thua lổ.
Năm 1971, nghệ sĩ Minh Long theo đoàn hát Ngân Giang của ông bầu kiêm nghệ sĩ Quang Nhiều đi lưu diễn các tỉnh miền Trung, Minh Long hát được nhiều vai trong các tuồng hát của đoàn Ngân Giang. Điều nầy rất quan trọng đối với một nghệ sĩ mới vào nghề hát như Minh Long vì đó là một cơ hội để cho Minh Long học hát qua các vai khác nhau, đồng thời qua nhiều suất diễn với các vai đa dạng, điều đó giúp cho Minh Long tự khẳng định mình là người có đủ khả năng phụ trách sân khấu, là giám đốc kỹ thuật, là đạo diễn.
Nhưng mùa hè đỏ lửa 72 lại đến, Minh Long bị bắt quân dịch, em đi lính bộ binh thuộc trung đoàn 8, sư đoàn 5 trú quân tại Lai Khê. Nghệ sĩ Minh Long nổi tiếng là một diễn viên tài danh, ở miền Trung được nhiều người biết tên biết mặt nên khi gia nhập sư đoàn 5, em được đưa về đơn vị Ban Văn Nghệ của Sư đoàn.
Năm 1975, Minh Long lại phải một lần nữa thay đổi công việc làm của mình. Vì Minh Long chỉ là lính quân dịch nên em đi học cải tạo ba ngày. Khi về Saigon thì em lại không được tiếp tục hát vì các đoàn hát của Saigon cũ bị giải thể, tất cả các nghệ sĩ phải chờ nhà nước tổ chức lại các đoàn hát tập thể. Đoàn cải lương Saigòn 1 được tổ chức đầu tiên, gồm những nghệ sĩ đàn anh đàn chị. Kế đó các đoàn cải lương Saigòn 2, Saigòn 3 thành lập, thành phần nghệ sĩ nhắm vào các nghệ sĩ nổi danh trong các thập niên 60, 70.
Minh Long thuộc về thế hệ đàn em nên qua ba đoàn cải lương vừa được thành lập thì Minh Long bị lọt sổ.
Nghệ sĩ Minh Long quyết đeo đuổi theo con đường đã chọn nên Minh Long cùng với nghệ sĩ Hoài Trúc Phương, Hồng Vũ đăng ký đi hát cho đoàn Tiền Giang ở tỉnh Mỹtho. Đoàn TIền Giang cũng không sống thọ nên Minh Long rời đoàn Tiền Giang để đi ra miền Trung, Đà Nẳng, gia nhập đoàn hát Bảo Toàn của nghệ sĩ kiêm bầu gánh Bảo Toàn. Khán giả miền Trung còn dành nhiều cảm tình cho kép Minh Long nên họ đến xem gánh hát Bảo Toàn đông đảo và khán giả rất thích Minh Long đóng vai chánh các tuồng Hoa Mộc Lan, Tìm Lại Cuộc Đời, Cây Sầu riêng trổ bông, Lâm Sanh Xuân NƯơng.
Năm 1978, nghệ sĩ Minh Long trở về Saigon, gia nhập đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ. Đây là một dịp tốt cho Minh Long rèn luyện tay nghề về nghệ thuật hát tuồng cổ vì hai nghệ sĩ bậc thầy về nghệ thuật hát tuồng cổ là Minh Tơ và Thanh Tòng đứng ra tập tuồng, chỉ dạy cho nghệ sĩ toàn đoàn hát đúng theo phong cách tuồng cổ. Minh Long vốn có nhiều kinh nghiệm về diễn xuất, lại có trình độ học vấn nên tiếp thu nhanh chóng các bài học về điệu bộ hát Quảng, hát tuồng cổ và tuồng sử Việt Nam. Minh Long đã thủ diễn những vai chánh trong tuồng Thanh Gươm Nữ Tướng ( vai Trần Quang Diệu, nữ nghệ sĩ Bạch Lê trong vai Bùi Thị Xuân. Nghệ sĩ Minh Long cón thành công trong các tuồng Câu Thơ Yên Ngựa.
Năm 1982, nghệ sĩ Minh Long về hát cho đoàn tuồng cổ Huỳnh Long. Anh thành công qua các vai chánh tuồng Lá Chắn Biên Thùy, sau đổi tựa là Nữ Tướng Hồ Đề, hát cặp với nữ diễn viên tài danh Thanh Thế. Minh Long có những vai hát để đời trong tuồng Tấm Cám, Về Đất Kinh Châu, Tô Hiến Thành Xử Án, Mặt Trời Đêm Thế Kỷ, Xuân Về Trên Đỉnh Mã Phi, Mạnh Lệ Quân, Xử Án Phi Giao, Tứ Tử Đăng Khoa…
Nghệ sĩ Minh Long vững tay nghề về nghệ thuật hát tuồng cổ, được liệt kê vào hàng nghệ sĩ được chân truyền như các bạn Truờng Sơn, Bữu Truyện, Hữu Huệ, Châu Thanh Hoàng…
Năm 1985, Minh Long và nữ nghệ sĩ Bạch Nga yêu nhau. Bạch Nga là em gái của nữ nghệ sĩ Bạch Mai, con của bà Bảy Hương, Phó đoàn Huỳnh Long. Không hiểu vì gia đình không tán thành cuộc tình giữa Minh Long và Bạch Nga hay vì một chuyện trắc trở nào khác, khi đoàn hát Huỳnh Long hát tại rạp hát Thủ Đô Chợ Lớn, nữ nghệ sĩ Bạch Nga nhảy lầu quyên sinh. Người ta nói là nhờ có ông TỔ Cải Lương độ mạng cho nên cô Bạch Nga không chết mà chỉ mang thương tật ở chân suốt đời. Thế là hai gia đình chấp nhận cuộc hôn nhân nầy.
Giới nghệ sĩ rất cảm phục mối tình chung thủy và dám hy sinh cho nhau của Minh Long và Bạch Nga. Minh Long và Bạch Nga có được hai con. Con trai lớn tên Trịnh Minh Châu, tốt nghiệp Đại Học, hiện là trưởng phòng một cơ sở Kim Khí Điện Máy ở Saigon và cô con gái tên Trịnh Ngọc Bảo đang học Đại Học.
Nữ nghệ sĩ Bạch Nga từ khi bị thương tật, không xuất hiện trên sân khấu để hát như xưa nhưng cô đã có nghề may trang phục cho nghệ sĩ hát Hồ Quảng. Những bộ trang phục rất đẹp, thêu mắc gà hay dùng những tơ lụa Hồng Kông, màu sắc hài hòa, mẫu mã được cách điệu hóa rất đẹp. Khán giả mới xem qua tưởng là nghệ sĩ mặc y trang nhập cảng từ Hồng Kông hay Đài Loan.
Các nghệ sĩ Hải ngoại khi cần mua trang phục để hát các tuồng sử VIệt Nam, tuồng Tàu hay tuồng Hồ Quảng, họ về Việt Nam đều tìm đến hai chị em Bạch Nga và Kim Phượng để mua và họ luôn hài lòng vì hàng đẹp, mẩu mã sắc sảo và đúng theo tiêu chuẩn của sân khấu Hồ Quảng. Chỉ cần nói hát tuồng gì, cho nhân vật tuồng vai nam hay vai nữ, tên của nhân vật thì lập tức Bạch Nga và Kim Phượng cho xem những mẫu y trang đẹp nhứt để cho khách mua lựa chọn.
Thời sân khấu cải lương bị suy thoái, nghệ sĩ Minh Long đã cố gắng dựng lại bảng hiệu đoàn hát Saigon 1. Anh cũng đã tập hợp nghệ sĩ dựng vở Giang Sơn và Mỹ Nhân, mong vực dậy cải lương nhưng anh không thành công vì quá nhiều nguyên nhân đã kéo cải lương xuống dốc. Minh Long là người có thiện tâm thiện ý muốn vực dậy sân khấu cải lương nhưng anh không có đủ kinh phí nên khó mà thành công. Dẫu sao thì nghệ sĩ Minh Long cũng đã thể hiện được hết lòng hết sức hoạt động cho sân khấu cải lương ngay những lúc hoàn cảnh khó khăn nhất.
Thưa qúy thính giả, chương trình cổ nhạc xin dứt, Nguyễn Phương hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/Vietnamese_Traditional_Music_NPhuong-20070714.html