Nguyễn Phương
19.5.2007
Nghệ sĩ cải lương định cư ở hải ngoại, phần lớn tập trung bên Hoa Kỳ, nhiều nhất là ở quận Cam, Cali. Nhiều nghệ sĩ phải làm một cái nghề nào đó trong các hãng xưởng để mưu sinh, thỉnh thoảng tham gia hát các trích đoạn cải lương hoặc ca vọng cổ trong restaurant ca nhạc để có thu nhập thêm và đở nhớ nghề.
Tuấn Châu là một nghệ sĩ trẻ đa tài, hát Hồ Quảng rất hay mà hát cải lương, ca tân nhạc và tấu hài đều thành công nên Tuấn Châu thường được mời đi show biểu diễn và được mời về VN thâu tuồng vidéo Hồ Quảng nhân dịp nữ nghệ sĩ Phượng Mai kỷ niệm 40 năm sân khấu.
Tôi có nhiều năm cộng tác với Tuấn Châu trong đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long từ những ngày đầu khi anh mới tập tểnh bước vào nghiệp sân khấu.
Nghệ sĩ Tuấn Châu tên thật là Bùi Văn Khanh, sanh năm 1963, tại quận 5 Chợ lớn, cha mẹ là người Hoa kiều. Đến năm 12 tuổi, bé Khanh không được đi học nữa mà phải ở nhà giúp cha mẹ trong việc mua bán hàng xén trên lòng đường Nguyễn Trải ngang hông rạp hát Thủ Đô trong Chợ Lớn. Vì vậy bé Khanh có nhiều dịp vô rạp hát coi các nghệ sĩ tập tuồng, em rất thích hát cải lương tuồng cổ.
Năm 18 tuổi, Khanh học ca tân và cổ nhạc với nhạc sĩ Thanh Sơn, nhờ có giọng tốt, hơi rông nên Khanh được hoan nghinh trong các buổi biểu diễn văn nghệ ở phường, khóm. Năm 1981, Khanh được nữ nghệ sĩ Thúy Manh giới thiệu với trưởng đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Trưởng đoàn Bạch Tùng Hương yêu cầu nghệ sĩ Thanh Bạch thử giọng ca, mọi người đều công nhận em Khanh có giọng tốt, ca chắc nhịp.
Bạch Tùng Hương chấp nhận cho Khanh gia nhập đoàn Huỳnh Long và đặt cho tên là nghệ sĩ Tuấn Châu. Em Khanh chưa hiểu tại sao, ông trưởng đoàn Bạch Tùng Hương giải thích : “Giọng ca của mày mùi như giọng ca của Thanh Tuấn và có vẻ cợt cợt diểu diểu như Giang Châu của đoàn Saigon 2, tao cho mày tên Tuấn Châu là trong đoàn mình có một nghệ sĩ ngon lành bằng hai nghệ sĩ Thanh Tuấn và Giang Châu cộng lại.”
Vai đầu tiên Tuấn Châu được hát là vai Ba Trạo trong tuồng Tình Sử A Nàng, sau đó Tuấn Châu hát vai Gìa Làng trong tuồng Lá Chắn Biên Thùy.
Bái sư phụ
Buổi tiệc thịt heo giả cầy bên hông rạp Thủ Đô thay đổi số phận Tuấn Châu. Tuấn Châu là người Hoa nên hành xử theo cách của người Hoa, anh tổ chức một buổi tiệc nhậu “ thịt giả cầy” để cám ơn những người đã dẩn dắt anh vào nghề hát.
Buổi tiệc thịt heo giả cầy bên hông rạp Thủ Đô thay đổi số phận Tuấn Châu. Tuấn Châu là người Hoa nên hành xử theo cách của người Hoa, anh tổ chức một buổi tiệc nhậu “ thịt giả cầy” để cám ơn những người đã dẩn dắt anh vào nghề hát.
Tuấn Châu rót ly rượu mời trưởng đoàn hát và mời nữ nghệ sĩ Thúy Manh là người đã giới thiệu anh vào đoàn. Bạch Tùng Hương bảo Tuấn Châu rót thêm hai ly rượu cho Thanh Bạch và Bửu Truyện, xong anh nâng ly mời bốn người cùng uống một lượt. Thanh Bạch bảo là Tuấn Châu mới vào nghề hát mà hát vai Gìa Làng trong tuồng Lá Chắn Biên Thùy được khán giả nhiệt liệt ngợi khen, đó là nhờ Tổ đải.
Bạch Tùng Hương chỉ cái lẩu thịt cầy, hỏi Tuấn Châu : “ Mầy nói đây là thịt cầy thiệt hay là thịt heo giả cầy?” Tuấn Châu chưa biết trả lời sao, Bạch Tùng Hương tiếp : “ Lời của khán giả khen Tuấn Châu giống như chúng mình đang ăn thịt heo giả cầy mà khen ngon, giống như thịt cầy chớ không phải thịt cầy thiệt.
Tuấn Châu hát được khán giả khen, ngoài cái giọng tốt, còn nhờ đóng vai Gìa Làng, nghĩa là không cần diễn xuất nhiều, cứ lụm cụm, khom lưng, hát chậm chạp là đạt được kết quả. Như vậy chưa phải là kép hát tuồng cổ, chỉ là giống kép hát chớ chưa phải thật sự một kép hát có tay nghề. Tao nói vậy, mầy có hiểu không? “
Tuấn Châu dạ dạ, gải đầu gải tai, hiểu ông Trưởng đoàn nhắc nhở là mình chưa phải thật sự có tài hát tuồng cổ nhưng không hiểu ông muốn ám chỉ gì. Bạch Tùng Hương nói tiếp : “ Tao đã nói vậy, sao mầy không làm lễ bái sư phụ để học nghề, để trở thành một kép hát thực thụ chớ không phải hữu danh vô thực. Bái sư phụ đi ! “
Tuấn Châu chấp tay xá xá Bạch Tùng Hương : “ Con bái sư phụ “ .
Bạch Tùng Hương gạt ngang : “ Bậy ! Bậy ! Hồi nảy tao biểu rót thêm hai ly rượu mời Thanh Bạch và Bữu Truyện là có ý nhắc mầy bái hai người đó làm sư phụ “ .
Tuấn Châu mừng quá, dạ râng, chấp tay xá xá Thanh Bạch và Bửu Truyện. Cả hai anh nầy từ chối vì thông thường thì thầy thích truyền nghề cho ai thì thầy tự chọn, ít khi bị ép nhận học trò, nhưng Bạch Tùng Hương nói : “ Lúc khởi đầu buổi tiệc, hai anh đã nhận hai ly rượu cám ơn, đó là rượu bái sư. Với lại tôi tin hai anh sẽ không thất vọng vì đứa học trò nầy đây.”
Thanh Bạch và Bửu Truyện nhận thêm bốn xá của Tuấn Châu và thêm một tuần rượu nữa. Tôi nhắc lại giai thoại nầy vì hiện nay Bạch Tùng Hương và Bửu Truyện đã ra người thiên cổ, Thanh Bạch định cư ở Pháp, các anh đã có được một đệ tử xuất sắc : nghệ sĩ Tuấn Châu, người nối nghiệp các anh trong nghệ thuật hát cải lương tuồng cổ và hồ quảng.
Năm 1988, vợ con của Tuấn Châu xuất cảnh, Tuấn Châu trực trặc giấy tờ, phải ở lại. Anh phải nghĩ việc vì lúc đó nghệ sĩ nào đăng ký xuất ngoại thì không được hành nghề nữa. Anh bổ túc hồ sơ và chờ đợi.
Tham gia nhiều vở tuồng
Sau vở Lá Chắn Biên Thùy, đoàn Huỳnh Long còn có các vở tuồng : Về Đất Kinh Châu, Lưu Kim Đính Giải Gía Thọ Châu, Đường Về Núi Lam, Hùm Thiêng Yên Thế, Con Tấm Con Cám… Qua từng vở tuồng, Thanh Bạch và Bửu Truyện dạy cho Tuấn Châu từng điệu bộ, cách nói lối, cách ca ngâm và hát các bản nhạc Hồ Quảng.
Hai năm sau, Tuấn Châu được mời về làm kép chánh, hát với đào chánh Mỹ Tiên trong đoàn hát Thanh Nga. Tuấn Châu đã đóng vai Lê Hoàn hát với Kiều Phượng Loan trong tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga, vai Lê Qúy Đôn trong tuồng Thiên Phúc Hoàng Đế, vai Lý Thánh Tông trong tuồng Nhiếp Chính Ỹ Lan. Tuấn Châu hát chia vai với Châu Thanh, tuồng Nữ Kiệt Sang Sông hát với Phượng Hằng.
Năm 1988, Tuấn Châu gia nhập đoàn hát Minh Tơ hát với các diễn viên tài danh : Tài Linh, Linh Châu, Bạch Lan. Trường Sơn, Thanh Loan, Xuân Yến, Thảo Nguyên, Công Minh, Thanh Tòng. Ở sân khấu cải lương tuồng cổ, Tuấn Châu như con cá được trở về ao hồ xưa, mặc sức vẫy vùng. Tuấn Châu có một số vai hát thành công : vai Trần Lâm tuồng Bích Vân Cung Kỳ Án, vai Tiết Đinh San tuồng Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ, vai Hồng Đại Lỉnh tuồng Thanh Xà Bạch Xà.
Năm 1988, vợ con của Tuấn Châu xuất cảnh, Tuấn Châu trực trặc giấy tờ, phải ở lại. Anh phải nghĩ việc vì lúc đó nghệ sĩ nào đăng ký xuất ngoại thì không được hành nghề nữa. Anh bổ túc hồ sơ và chờ đợi.
Nhờ có Duy Phương giúp cho đi hát chui bên tân nhạc và tấu hài trong các show của Duy Phương tổ chức nên Tuấn Châu cũng kiếm sống qua ngày. Tuấn Châu tấu hài cũng rất thành công nhất là khi anh diễn vai chú Ba Tàu, nói giọng lơ lớ rồi ca Hồ Quảng, vô vọng cổ nghe ngọt xớt.
Năm 1992, Tuấn Châu trở về hát trên sân khấu Minh Tơ, diễn viên có : Vũ Linh, Tài Linh, Kim Tử Long, Bửu Truyện, Thanh THế, Ngọc Đáng, Tuấn Châu thành công vai Vua trong tuồng Ngai Vàng và Tội Ác, vai lão trong tuồng Bui Mờ Ải Nhạn.
Di dân sang Mỹ
Năm 1994, Tuấn Châu hát cho đoàn Huỳnh Long hai vở tuồng Lê Long Đỉnh và Bao Công Xử Án Trần Thế Mỹ.. Năm 1996, đoàn Huỳnh Long, đoàn cải lương Saigon 2, Saigon 3 rã gánh, Tuấn Châu về nhà giúp mẹ trong việc kinh doanh thương mãi, vật chất tiền nông không thiếu thốn nhưng Tuấn Châu rất nhớ sân khấu và các bạn diễn. Anh thu vidéo cải lương được hai chục vở, sau đó anh xuất ngoại qua Hoa Kỳ, đoàn tụ với vợ con.
Ở khu Phước Lộc Thọ, Tuấn Châu gặp lại các nghệ sĩ đàn anh đàn chị nên được mời tham gia khi có show ca nhạc trong các nhà hàng. Thỉnh thoảng Tuấn Châu được mời về Việt Nam thâu vidéo cải lương hồ quảng nên tuy định cư ở hải ngoại, Tuấn Châu vẫn còn sống được với nghề hát sân khấu.
Tuấn Châu có giọng ca trầm ấm, âm vực mạnh, vang vang lại có vóc dáng cao lớn nên anh thích hợp với các vai võ tướng, vai các quan trung thần, vai vua hoặc vào các vai nông dân lực điền, Tuấn Châu có khả năng hát nhiều loại vai tuồng và rất đứng đắn trong việc làm, không bỏ show, không khó dễ nên anh vẫn là một nghệ sĩ sáng giá và đắc show nhất hiện nay.
Thưa qúy thính giả, qúy vị vừa nghe nghệ sĩ Tuấn Châu trong vai An Lý Vương, tuồng Chiếc Hổ Phù, nguyên tác Quách Mạc Nhược, chuyễn thể Hoài Giao và Bạch Mai.
Chương trình cổ nhạc đến đây xin dứt, Nguyễn Phương xin hẹn tái ngộ giờ nầy tuần sau.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/TraditionalMusicTuanChau_NPhuong-20070519.html