Nguyễn Phương
11.3.2007
Thưa quí thính giả, người nghệ sĩ nào được khán giả nhắc nhở đến vai tuồng hát của mình cũng đều lấy làm sung sướng vì đã diễn vai đó hay, đã để lại một ấn tượng đẹp trong lòng khán giả, tên của diễn viên và vai hát để đời thường được khán giả nhắc nhở chung.
Ví dụ: Phùng Há – Lữ Bố, Thanh Nga – Trưng Trắc hay Thanh Nga – Quỳnh Nga trong Bên Cầu Dệt Lụa, Út Trà Ôn – ông cò Quận Chín, Hữu Phước – cậu Tư Kiên, Thành Được vai Tùng, Út Bạch Lan vai Hương tuồng Nữa Đời Hương Phấn… Và còn rất nhiều nghệ sĩ tài danh và các vai diễn để đời của họ…
Soạn giả cũng cùng một tâm trạng đó, soạn giả cũng vô cùng hạnh phúc và biết ơn khán giả mộ điệu khi khán giả tỏ ra thưởng thức và nhắc nhở những tác phẩm của mình trên sân khấu.
Gần đây nhiều thính giả Đài Á Châu Tự Do cư ngụ ở các thành hhố của Hoa Kỳ như Wesrtminster, Virginia, San José… ở Canada, Montréal, Toronto; và thính giả ở Việt Nam đã gửi mail trực tiếp cho Nguyễn Phương hoặc thông qua Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do yêu cầu Nguyễn Phương giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của một số soạn giả, một số tuồng tích, một số nghệ sĩ tài danh với những vai tuồng để đời trong các thập niên 50, 60, 70, 80…
Đáp lại yêu cầu đó, trong buỗi phát thanh hôm nay, Nguyễn Phương xin giới thiệu về soạn giả Thế Châu, người đã sáng tác tuồng “Bên Cầu Dệt Lụa”, một vở tuồng gắn liền với tên tuổi của nữ nghệ sĩ tài danh Thanh Nga.
Cơ duyên đến với sân khấu
Soạn giả Thế Châu tên thật là Ngô Văn Long, sinh năm 1936 tại Bình Dương, nghề nghiệp chính là làm giáo viên Tiểu Học ở tỉnh Bình Dương.
Được hỏi cơ duyên nào đã khiến cho một ông giáo mô phạm, làm nghề gỏ đầu trẻ lại tham gia vào việc viết tuồng và theo nghề sân khấu, soạn giả Thế Châu cho biết trong những năm đầu thập niên 60, anh theo bạn anh là soạn giả Loan Thảo đến rạp hát chơi, xem hát và bị sức quyến rũ kỳ diệu của sân khấu nên anh bước vào nghề soạn giả một cách bất ngờ và đầy thích thú.
Được hỏi cơ duyên nào đã khiến cho một ông giáo mô phạm, làm nghề gỏ đầu trẻ lại tham gia vào việc viết tuồng và theo nghề sân khấu, soạn giả Thế Châu cho biết trong những năm đầu thập niên 60, anh theo bạn anh là soạn giả Loan Thảo đến rạp hát chơi, xem hát và bị sức quyến rũ kỳ diệu của sân khấu nên anh bước vào nghề soạn giả một cách bất ngờ và đầy thích thú. Năm 1964, Thế Châu viết chung với soạn giả Hoa Phượng tác phẩm sân khấu đầu tiên là vở Trường Tương Tư, hát trên sân khấu một gánh hát nhỏ trong thời gian Hoa Phượng lưu lạc ở miền Trung. Năm 1965, Thế Châu hợp soạn với Yên Ba và Loan Thảo vở Tiếng Hạc trong trăng, tác phẩm dựng trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga, tên tác giả trên tờ chương trình tuồng hát lúc đó chỉ ghi Yên Ba và Loan Thảo.
Trong thời gian nầy Thế Châu thường tới lui cộng tác với Loan Thảo và soạn giả Hoàng Việt để viết những bài tân cổ giao duyên và một số trích đoạn cải lương thu dĩa cho hãng diã VIệt Nam của cô Sáu Liên ở Chợ Cũ Saigòn. Những bài tân cổ giao duyên được giới mộ điệu ưa thích như bài: Người ngoài phố, Hai chuyến tàu đêm, Chẳng phải tại chúng mình.
Soạn giả Thế Châu còn hợp soạn với Hoàng Việt và Loan Thảo sáng tác các tuồng: Thủ Cung Sa, Mười Năm Không Nói, Hành Khất Đại Hiệp. Thế Châu hợp soạn với soạn giả Nhị Kiều Tám Vân vở Hoa cao đắng cay, An Lộc Sơn, Mùa Thu Lá Bay…
Hợp soạn với những soạn giả khác
Trước năm 1975, tên tuổi của Thế Châu không nỗi bật có lẽ vì anh hợp soạn với những soạn giả nỗi danh như Hoa Phượng, Loan Thảo, Hoàng Việt, Nhị Kiều, các ông bà Bầu gánh hát chỉ quảng cáo tên các soạn giả đã trực tiếp đưa tuồng và đứng ra tập tuồng trong gánh hát. Soạn giả Thế Châu lúc đó không có một tác phẩm đứng tên riêng nên tuy báo chí kịch trường có nhắc qua nhưng cũng không thật sự đề cao tên tuổi của Thế Châu.
Tôi phụ trách nhiệm vụ giám đốc kỹ thuật sân khấu ở đoàn Thanh Minh Thanh Nga nên tôi có làm việc chung với Thế Châu nhiều lần khi tập các tuồng của anh hợp soạn với soạn giả Nhị Kiều trước 75, tôi hỏi tại sao Thế Châu không sáng tác một mình mà lại phải núp dưới tên của người soạn giả khác?
Thế Châu cho biết có nhiều lý do: Trước hết anh là một giáo viên, anh có thể dựng cốt chuyện tuồng, viết đối thoại theo thể văn suôi, anh chưa biết nhiều về bài ca cổ nhạc và nhất là phải đứng trên sân khấu tập tuồng, chỉ dạy cho các nghệ sĩ diễn như thế nào, thì anh hoàn toàn mới lạ.
Anh cần một thời gian hợp soạn với các bạn để từ đó mà tự tìm tòi học hỏi thêm và có một thời gian dài để làm quen với sinh hoạt của sân khấu, làm quen với nghệ sĩ và giới bầu bì. Đó cũng là một cách giới thiệu với các ký giả kịch trường về khả năng sáng tác của anh.
Một lý do khác rất quan trọng là các đoàn hát lớn hát thường trực tại Saigon có ký hợp đồng với các soạn giả thường trực, hể tới tour tuồng của soạn giả thường trực nào thì đoàn phải tập tuồng đó, khi nào tuồng đó dỡ, bị bầu gánh hay nghệ sĩ chê thì mới kiếm tuồng khác thế vô cái tour đó.
Một lý do khác rất quan trọng là các đoàn hát lớn hát thường trực tại Saigon có ký hợp đồng với các soạn giả thường trực, hể tới tour tuồng của soạn giả thường trực nào thì đoàn phải tập tuồng đó, khi nào tuồng đó dỡ, bị bầu gánh hay nghệ sĩ chê thì mới kiếm tuồng khác thế vô cái tour đó.
Vì vậy, Thế Châu muốn có tuồng được hát thì phải hợp soạn với soạn giả Nhị Kiều hay soạn giả Hoa Phượng để được hát trong cái tour dành cho hai soạn giả đó. Và tuy Thế Châu nói là ham vui nên theo cái nghiệp sân khấu chớ thật sự thì tiền bản quyền của một vở tuồng nhiều gấp cả chục lần hơn lương một năm của một giáo chức Trung Học.
Thế Châu sống với nghề tay trái viết tuồng mạnh hơn, khoẻ hơn là đi dạy học, vậy nên sau đó anh bỏ nghể gỏ đầu trẻ mà chạy theo sống với cải lương.
Tuồng “Bên Cầu Dệt Lụa”
Sau năm 1975, tên tuổi của soạn giả Thế Châu bật sáng với tuồng ”Bên Cầu Dệt Lụa”, trình diễn trên sân khấu của đoàn hát Thanh Minh.
Cũng cần nên biết là trước năm 1975, (khoảng những năm 60…) soạn giả Thanh Cao có viết một vở tuồng, dựa vào cốt truyện Trần Minh Khố Chuối, hát trên sân khấu Tiếng Chuông. Hai soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng cũng dùng cốt truyện Trần Minh Khố Chuối viết một vở tuồng đề tựa là Quán Gấm Đầu Làng, hát trên sân khấu Bích Sơn – Ngọc An.
Vở tuồng Quán Gấm Đầu Làng của hai soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng (1959 – 1960) được báo chí kịch trường thời đó đánh giá là một vở tuồng hay, văn chương hoa mỹ, cốt truyện tình tiết đề cao tình yêu chung thủy, tình bạn nối khố giữa Trần Minh và Nhuận Điền, nhiều lớp đối thoại rất hay.
Nếu so về kịch bản thì tôi nghĩ là kịch bản Quán Gấm Đầu Làng của Hà Triều – Hoa Phượng không thua vở Bên Cầu Dệt Lụa của Thế Châu. Những tình tiết ăn khách nhất trong hai tuồng đó của hai soạn giả khác nhau, kẻ viết trước người viết sau nhưng ý viết vẫn giống nhau.
Tôi không cho là có sự đạo văn hay đạo ý, mà sở dĩ giống nhau là vì hai vở tuồng đó đều dựa vào truyện thơ Trần Minh Khố Chuối.
Vở Bên Cầu Dệt Lụa của soạn giả Thế Châu vừa gặp thời vừa gặp thế nên thành công rực rỡ khác với bình thường.
Thanh Nga & Thanh Sang trong Bên Cầu Dệt Lụa
Tôi nói “gặp Thời và gặp Thế” là theo ý sau đây. Sau năm 1975, mỗi tuồng cải lương phải trải qua một thời gian bị kiểm duyệt rất lâu mới có thể hát cho khán giả xem. Đầu tiên là kiểm duyệt đề cương vở tuồng. Được thông qua đề cương là đến phần kiểm duyệt phác thảo một. Phác thảo 1 là viết phóng tay, nói hết những ý tuồng được viết dưới dạng đối thoại, kịch nói. Chổ nào có hứng soạn giả viết luôn bài ca cũng được.
Trường hợp tuồng Bên Cầu Dệt Lụa bị đạo tuồng nhiều đến nỗi người ta gán cho nó là một “vở quốc tế của dân hát chui” và Thế Châu nỗi tiếng chứ không có miếng, Thế Châu muốn yên thân nên cũng không đi kiện cáo vì biết trước là phe ta sẽ binh vực phe ta.
Đạo tuồng
Rồi đến kiểm duyệt kịch bản có bài ca hoàn chỉnh. Khi nào kịch bản có bài ca hoàn chỉnh được Hội đồng kiểm duyệt thông qua thì mới mời đạo diễn, phân vai và ráp tuồng.
Rồi kiểm duyệt chạy đường giây, kiểm duyệt mộc tức là hát nguyên tuồng cho hội đồng kiểm duyệt xem mà không cần mặc y trang đúng theo tuồng, rồi đôi ba lần sửa chửa nữa, tập đi tập lại, cắt xén, thêm bớt theo ý của các ông lảnh đạo sân khấu thì mới được đưa ra kiểm duyệt phúc khảo chánh thức.
Đó là cái thời mà trước 1975 không có. Trước 1975 kiểm duyệt dễ dàng, tuồng mới ra nhanh và đều đều, do đó một tuồng hát hát trong vòng một tháng hay hơn là phải nhường chổ cho tuồng mới khác ra liền sau đó.
Thêm nữa, sau năm 1975, khi một tuồng hát ăn khách ở thành phố thì các tỉnh, các đoàn nhỏ cứ copie theo đó mà hát, khỏi hỏi tác giả. Trước nhứt là vì tuồng đã được Sở Văn Hóa Thông Tin cấp thành phố kiểm duyệt,(bảo đảm không sai đường lối chủ trương của Đảng) sau nữa, các đoàn hát đều là đoàn hát của nhà nước, của các tỉnh hay huyện hoặc được tỉnh đở đầu. Soạn giả bị lấy tuồng hát ngang xương cũng không biết đi thưa gỡi vào dâu.
Trường hợp tuồng Bên Cầu Dệt Lụa bị đạo tuồng nhiều đến nỗi người ta gán cho nó là một “vở quốc tế của dân hát chui” và Thế Châu nỗi tiếng chứ không có miếng, Thế Châu muốn yên thân nên cũng không đi kiện cáo vì biết trước là phe ta sẽ binh vực phe ta.
Ngoài cái Thời kể trên, Bên Cầu Dệt Lụa còn được cái Thế là có nhiều nghệ sĩ tài danh thủ diễn các vai tuồng như: Thanh Nga trong vai Quỳnh Nga, Xuân Lan vai Công Chúa, Thanh Sang vai Trần Minh, Ngọc Nuôi vai Trần Mẫu, Hoàng Giang trong vai quan Huyện, Thanh Tú trong vai Nhuận Điền, Văn Ngà trong vai Vua.
(Minh họa một đoạn ca vọng cổ giữa Nhuận Điền và Trần Minh khi họ uống rượu trong ngày tái ngộ).
Thưa qúy thính giả, quí vị vừa nghe Nhuận Điền và Trần Minh uống rượu nhắc lại tình bạn trong thuở hàn vi, diễn viên Thanh Tú đã có một vai hát để đời nhờ vai diễn Nhuận Điền.
Khán giả thích vai Nhuận Điền ở khí chất một nông dân bộc trực, hết lòng vì việc nghĩa, binh vực Trần Minh khi Trần Minh bị con của các tham quan giàu có ức hiếp, họ thích lớp hát “Rượu quán nghèo” tiễn bạn Trần Minh đi ứng thí, một tình bạn bất vụ lợi mà ngày nay người ta thấy khó tìm ra.
Ngoài tình bạn giữa Trần Minh và Nhuận Điền, tình mẹ con giữa Trần Mẫu và Trần Minh cũng là một tình yêu cao cả, đối thoại giữa Công Chúa và Quỳnh Nga cũng thể hiện hai tâm hồn lớn trước một tình yêu chung thủy.
Sau năm 1975, có nhiều thay đổi lớn trong tâm hồn của người dân miền Nam, có những trường hợp Ông trở thành Thằng, Thằng trở thành Ông, người ta hy vọng và nuôi mộng tưởng về giá trị thủy chung giữa vợ chồng, về tình mẹ con, về tình bạn chân thành.
Vở tuồng Bên Cầu Dệt Lụa của Thế Châu đã đem lại cho khán giả một niềm vui khi được nhắc nhở về đạo đức thủy chung của người Việt Nam.
Soạn giả Thế Châu mãn phần tại Saigon ngày đưa ông Táo 23 tháng chạp năm Giáp Thân tức là ngày 1 tháng 2 năm 2005.
Chương trình cổ nhạc xin chấm dứt, Nguyễn Phương xin chào quí thính giả, xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/WriterTheChau_NPhuong-20070311.html