Nguyễn Phương
4.3.2007
Kỳ phát thanh trước, Nguyễn Phương đã trả lời câu hỏi của ông Ngọc Anh trang web cải lương Việt Nam về phần 1: tình hình sức khoẻ của nghệ sĩ tiển phong Phùng Há. Xin phép được nhắc lại câu hỏi của Ngọc Anh :
Ngọc Anh: Thưa bác Nguyễn Phương, bác về Việt Nam thăm quê hương, hai bác có đến thăm bà Bảy Phùng Há và viếng chùa nghệ sĩ không? Bà Bảy có khoẻ không? Bác có thăm viếng các bạn nghệ sĩ ở trong Viện Dưỡng Lão nghệ sĩ bên đường Âu Dương Lân quận 8 không? Các nghệ sĩ dưỡng lão hiện nay sinh sống như thế nào hả bác?
Soạn giả Nguyễn Phương : Thưa quí thính giả, ông Ngọc Anh thân mến, lần nào vợ chồng tôi đi thăm bà Bảy Phùng Há, thì chúng tôi cũng viếng chùa nghệ sĩ và nghĩa trang nghệ sĩ vì bà Bảy ở hậu liêu sau chùa và sát bên nghĩa trang nghệ sĩ.
Chưa có trên thế giới
Nhân đây, Nguyễn Phương xin phép được giới thiệu những thành tích tốt có tẩm vóc quốc tế của giới nghệ sĩ cải lương: Đó là việc Hội nghệ sĩ ái hữu tương tế lập ngôi chùa nghệ sĩ, nghĩa trang nghệ sĩ và viện dưỡng lão nghệ sĩ cải lương ở Việt Nam.
Tôi dùng mấy chữ Tầm Vóc Quốc tế không phải để nói là ba công trình kiến trúc đó lớn rộng hay nguy nga, ngang tầm với những kiến trúc nổi tiếng trên thế giới, tôi chỉ muốn nhấn mạnh ở điểm là những công việc như xây chùa nghệ sĩ, lập nghĩa trang nghệ sĩ và viện dưỡng lão nghệ sĩ cải lương thì trên thế giới chưa có nghệ sĩ nước nào làm, chưa có một giới nào thuộc về ngành nghề khác làm được.
Nghệ sĩ cải lương chịu ảnh hưởng sâu đậm tính chất chơn chất của người dân miền đồng bằng sông Cửu Long, trong những thập niên 30, 40, 50, sống tập trung thành một đoàn hát, lưu diễn tha phương cầu thực, thu nhập bất định, cuộc sống khó khăn và thường bị ức hiếp, do tính chất sinh hoạt nghề nghiệp và sinh sống giống như người nông dân khi xưa đi khai hoang lập ấp nên nghệ sĩ cải lương mang tâm trạng khí khái của người xưa, thích làm việc nghĩa theo kiểu “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng” người nghệ sĩ thiết thực trong việc tương thân tương ái với nhau nên khi có điều kiện lập nên Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế, thì theo sau hoạt động của Hội Ái Hữu là việc nghệ sĩ giúp đở nhau khi sống, lúc đang còn hành nghề cũng như khi không còn hành nghề được vì già yếu neo đơn hay bịnh tật.
Ngay khi nghệ sĩ từ trần, việc giúp cho có chổ được yên mồ yên mã cũng là hành động biểu hiện một tinh thần tôn sư trọng đạo, một tình cảm thắm thiết giữa đồng nghiệp với nhau. Người nghệ sĩ thờ phụng Tổ Nghiệp. Tổ nghiệp sân khấu cũng là một dạng với đạo phật, vậy nên khi sống thì Tổ nghiệp độ cho nghệ sĩ hành nghề, khi chết thì Phật độ cho nghệ sĩ siêu thoát , vậy nên nhà thờ Tổ nghiệp và chùa nghệ sĩ là hai nơi linh thiêng cần thiết cho tâm hồn và linh hồn của người nghệ sĩ cải lương.
Còn nhớ ngày 19 tháng 4 năm 1948, Bộ Nội Vụ Việt Nam Cộng Hòa cấp giấy phép cho thành lập Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu thì Hội bầu nên Ban Trị Sự, tổ chức hát Hội để có một ngân quỹ xây dựng một Hội quán khang trang làm cơ sở chánh thức để hoạt động, gây quỹ cứu trợ nghệ sĩ bị bịnh tật hay tai nạn và và tổ chức cúng giỗ Tổ hàng năm để nghệ sĩ đoàn kết gắn bó với nhau.
Chùa Nhật Quang Tự
Cuối thập niên 60, bà Hội Trưởng Phùng Há vận động Hội Đua Ngựa Trường Đua Phú Thọ giúp tiền để mua một lô đất 6,080 thước vuông, tọa lạc tại xã Hạnh Thông Tây, Gò Vấp để xây chùa nghệ sĩ và lập nghĩa trang nghệ sĩ.
Các nghệ sĩ các đoàn hát tình nguyện hát không nhận thù lao trong các buỗi hát Hội để lấy tiền xây chùa và lập nghĩa trang. Các nhà Mạnh Thường Quân và người ái mộ nghệ sĩ cũng hưởng ứng lời kêu gọi của bà Phùng Há và Hội Nghệ Sĩ nên đóng góp cho quỹ của Hội được khá dồi dào.
Năm 1972, Chùa được xây cất xong với tên là Nhật Quang Tự, ngoải cổng vào nghĩa trang có hai câu liểng :
Nhựt Nguyệt Định Hành Đồng Nhứt Lý, Quang Minh Kỳ Diệu Chuyễn Luân Hồi.
Lấy hai chữ đầu trong câu liểng nầy làm tên chùa Nhật Quang Tự. Sư trụ trì đầu tiên là Thích Quảng An tức ông quản lý gánh hát Lê Minh Công, đi tu với pháp danh là Thích Quảng An. Chùa có một Ban Trị Sư do ông Bầu Thới bầu gánh hát Thái Bình được bầu vào Trưởng Ban Trị Sư để giúp sư Thích Quảng An trong việc quản trị chùa và nghĩa trang.
Vị sư kế tiếp sư Thích Quảng An là hòa thượng Thích Quảng Minh tức là nghệ sĩ Thanh Tao đi tu với pháp danh Thích Quảng Minh. Nhưng vì hòa thượng Thích Quảng Minh đọc kinh kệ, tiếng rất trong, rất hay như ca vọng cổ nên đồng bào phật tử đến cúng chùa và viếng cảnh chủa ngày một đông đão.
Đồng bào phật tử của Nhật Quang Tự thích gọi hòa thượng Thích Quảng Minh là Thích Thanh Tao. Nhà sư cũng hỉ xã chấp nhận tục danh của các bổn đạo của chùa ban cho, khi thì ông là hòa thượng Thích Quảng Minh, khi được gọi là hòa thượng Thích Thanh Tao, ông cũng mô phật rồi cười.
Nghĩa trang nghệ sĩ từ 1972 đến nay đã là nơi an táng mộ phần của hơn 440 cố nghệ sĩ cải lương của ba, bốn thế hệ nghệ sĩ . Ngoài các ngôi mộ kể trên, trong ngôi tháp đựng cốt, tôi đếm được 380 hủ hài cốt nghệ sĩ được hỏa táng, trong số đó có hủ cốt của các nghệ sĩ mất nơi nước ngoài như Tư Út( ở Nam Vang) Hữu Phước ( ở Pháp), Hùng Cường( ở Mỹ)…
Tôi quay phim toàn cảnh chùa nghệ sĩ và nghĩa trang nghệ sĩ, tôi chụp ảnh từng ngôi mộ nghệ sĩ trong nghĩa trang : Vì tôi viết về nghệ sĩ và nghệ thuật sân khấu nên tôi cần biết rõ ràng và chắc chắn ngày tháng và năm sanh cũng như ngày tháng và năm tử của nghệ sĩ.
Những nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật cải lương miền Nam có thể đến Chùa và nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp để viếng cảnh và tìm tài liệu. Trên một vách chùa có khuông hình rộng lớn để hình ảnh, tên tuổi, ngày tháng năm sinh và ngày tháng năm mất, quê quán của hơn bốn trăm nghệ sĩ được mai táng nơi đây. Ngoài ra có một tấm bản đồ ghi rõ những hàng mộ để giúp khách viếng chùa và thăm mộ dễ dàng tìm đến ngôi mộ mà mình muốn đến thắp nhang.
Tôi thấy trong số các ngôi mộ nghệ sĩ tiền phong có mộ của các anh Ba Vân, Tám Danh, Tám Cũi, Năm Đồ, Thanh Tao, Bảy Cao, Năm Kim Thoa, Hề Lập, Năm Châu, sinh phần của bà Bảy Phùng Há.. mộ các soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng, Hoàng Việt, Ba Giáo, Duy Lân, Duy Chức, ca sĩ Thành Công, Chín Sớm, hề Phúc Lai, Hề Minh, nghệ sĩ Túy Định,…Còn nhiều lắm, …
Nhà dưỡng lão nghệ sĩ
Nhà dưỡng lão nghệ sĩ nằm khuất sâu trong hẻm nhỏ đường Âu Dương Lân quận 8, có vòng rào, bên ngoài có bảng lớn đề : Nhà dưỡng lão nghệ sĩ. Căn nhà hai tầng lầu, khang trang, chia làm nhiều phòng nhỏ, mỗi phòng cho một nghệ sĩ, đủ để một cái giường một chổ nằm,một tủ nhỏ để đựng đồ đạt, áo quần.
Nhà dưỡng lão có một phòng khách rộng, dùng làm nôi hội hợp, đón khách tới viếng thăm, có bàn ghế để nghệ sĩ dưỡnbg lão ngồi đọc sách, viết thư hoặc để tiếp bạn hữu. Sân chung quanh ngà dưỡng lão khá rộng, trồng nhiều cây kiểng, có nhiều hàng ghế, băng bằng đá mài do những nhà hảo tâm tặng.
Trên các tặng vật: cây kiểng hay bàn ghế bằng đá mài đều có bảng ghi tên nhà hảo tâm đã tặng. Bên ngoài có một bụt cây dùng làm sân khấu cho những đêm ca tài tử Đêm Rầm Cổ Nhạc do các nghệ sĩ lão thành trong viện đờn ca, vừa giúp vui dân chúng trong xóm, vừa để đở nhớ nghề. Tiền boa tặng cho ca sĩ trong đêm hát được tập trung lại dùng trong việc sữa chửa nhà dưỡng lão khi cần thiết. Trên bảng đen sát vách sau bụt diễn, ai đó đã ghi bằng phấn trắng bốn câu thơ :
Buông bức màn rồi danh vọng hết, Người về lòng rũ sạch sầu thương Người vào cởi áo lau son phấn Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường.
Người về là nói về khán giả, người vào là nói về nghệ sĩ, người về và người vào là những khách trong cõi vô thường, có có không không, như hành vân lưu thủy, mây bay nước chảy, thoáng thấy đó bổng nhiên mất đó.
Nghệ sĩ trong viện dưỡng lão hiện nay có các cô Đoàn Thiên Kim, Kiều Thu, nghệ sĩ Thanh An, Thành Phát, Tám Lang, cô nhạc sĩ piano Ngọc Bê, Lệ Thẩm, bà Bạch Yến, hoạ sĩ Hoài Nam, hề Trường Sơn, quản lý Trường Sinh, ông Tám Hậu Đài, hề Nam Thanh, Tuyết Nga, bà Tô, bà Tám y trang, Minh Viễn…… Các cố lão nghệ sĩ từng ở Viện dưỡng lão và mất ở viện như bà Ba Vân, nghệ sĩ Mai Lan Phương Ngọc Chiếu, Bà Ba Sanh, Văn Sa, Sáu Ngọc Sương,…
Những lão nghệ sĩ nầy đã có một thời đêm đêm đem lời ca tiếng hát mua vui cho khán giả bốn phương, cuộc đời vô định nổi trôi đây đó nhưng niềm vui dưới ánh đèn sân khấu đã an ủi họ và mặc nhiên cho họ tự nhận kiếp tầm phải trả nợ dâu.
Giờ đây tuổi già sức yếu, giọng hát đã khan, nhan sắc đã tàn, cuộc đời về chiều trong cảnh cô đơn đói nghèo, họ gặp lại nhau trong tâm cảnh đồng hội đồng thuyền. Tiếng hát của họ trong các Đêm Rầm Cổ Nhạc tổ chức tại Viện Dưỡng Lão nghệ sĩ còn được tiếng vổ tay cổ võ của số khán giả hiếm hoi trong xóm nhỏ đủ gợi lại cho họ những hình ảnh rực rở của một thời hoàng kim sân khấu đã qua rồi.
Màn nhung sân khấu đã khép lâu rồi, nghệ sĩ dưỡng lão chờ màn nhung cuộc đời của họ sẽ khép trong một tâm thần cam chịu số phận hẩm hiu.
Chương trình cổ nhạc xin dứt nơi đây, Nguyễn Phương xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/VisitsCaiLuongArtistsRetirementHouseInSaigon_NPhuong-20070304.html