Nguyễn Phương
24.2.2007
Bà Bảy Phùng Há lúc về già
Vừa rồi Nguyễn Phương đi du lịch qua nhiều nước, thăm viếng những nghệ sĩ cải lương Việt Nam đang định cư để tìm thêm các tài liệu cổ nhạc và tìm hiểu tiểu sử và hoạt động của các nghệ sĩ cải lương thế hệ đồng thời với Nguyễn Phương và các thế hệ sau để giới thiệu với quí thính giả.
Các nghệ sĩ Tú Trinh, Kiên Giang, Viễn Châu, Thanh Cao, ông Bầu Xuân, nhiếp ảnh viên Huỳnh Công Minh và ông Ngọc Anh, chủ trương trang Web Cải Lương Việt Nam, đã hướng dẫn Nguyễn Phương đi thăm viếng nhiều bạn nghệ sĩ cũ của Nguyễn Phương.
Hôm nay ông Ngọc Anh, chủ trang Web Cải Lương Việt Nam điện thoại qua Montréal thăm hỏi sức khoẻ của Nguyễn Phương và có mấy câu phỏng vấn. Tôi nghĩ là ông Ngọc Anh muốn giới thiệu với 15.000 thành viên của trang Web của ông về việc ông đã cùng với Nguyễn Phương viếng thăm các nghệ sĩ.
Tôi nghĩ rằng khi trả lời các câu phỏng vấn của Ngọc Anh là tôi được trực tiếp tường trình cùng quí thính giả của Đài RFA về tin tức của các nghệ sĩ mà tôi đã viếng thăm.
Những câu hỏi của ông Ngọc Anh chia ra hai vấn đề : phần một là hỏi về tình hình sức khoẻ và hoạt động của các nghệ sĩ quen biết cũ của Nguyễn Phương. Phần hai là hỏi về nhận xét các chương trình Vầng Trăng Cổ Nhạc, Làn Điệu Phương Nam và tuồng cải lương hát ở rạp Hưng Đạo mà Nguyễn Phương đã được xem. Xin mời quí thính giả nghe phần 1 của cuộc đối thoại nầy.
Ông Ngọc Anh: Thưa bác Nguyễn Phương, bác về Việt Nam thăm quê hương, chắc là thế nào bác cũng đi tìm thăm các bạn nghệ sĩ cải lương, bạn cũ của bác. Hai bác có đến thăm bà Bảy Phùng Há và viếng chùa nghệ sĩ không? Bà Bảy có khoẻ không ?
Tiêu biểu cho nghệ thuật và nghệ sĩ cải lương
Nguyễn Phương: Thưa quí thính giả, ông Ngọc Anh thân mến, Lần nào về thăm quê hương, vợ chồng Nguyễn Phương cũng viếng thăm bà Bảy Phùng Há trước tiên. Bà Bảy Phùng Há là người tiêu biểu cho nghệ thuật và nghệ sĩ cải lương, người cao niên nhất trong giới nghệ sĩ mà cũng là người có ảnh hưởng sâu rộng trong giới nghệ sĩ về đạo đức nghề nghiệp.
Bà Bảy đã đào tạo hàng trăm nam nữ nghệ sĩ tài danh trong các thập niên 60, 70, Bà khuyến khích và tự mình làm gương trong việc tương thân tương ái giữa các nghệ sĩ và nêu gương làm việc từ thiện trong nhiều chục năm qua.
Các nghệ sĩ thế hệ thứ hai, thứ ba noi theo gương bà Bảy, nổi danh về việc làm từ thiện như Út Bạch Lan, Lệ Thủy, Kim Cương, Tú Trinh, Kim Hoàng – Như Mai, ông Bầu Xuân, nhà tổ chức đại nhạc hội Duy Ngọc, nhạc sĩ Ngọc Sơn, Ngọc Anh trang Web cải lương.
Rất nhiều nghệ sĩ khác thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư, các bác sĩ trong các bệnh viện thành phố và rất nhiều nhà thương buôn ở các chợ An Đông, Chợ Bến Thành, chợ Cầu Ông Lãnh, các công ty thương nghiệp đã hưởng ứng theo lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân bảo lục và đồng bào già, nghèo yếu neo đơn của bà Bảy Phùng Há mà đã thường xuyên góp tiền của và công sức mỗi khi Bà Bảy Phùng Há và Chùa Nghệ Sĩ tổ chức việc làm từ thiện kể trên trong hơn một chục năm gần đây.
Mấy lần đến thăm bà Bảy, tôi đều có nghe tiếng hát ca của Bà. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, ông Bầu Xuân giải thích : “Chúng tôi thỉnh thoảng cho hát băng một số tuồng hay trích đoạn mà bà Bảy hát khi còn trẻ, hay những băng tiếng hát khi Bà dạy diễn xuất cho các học viên sân khấu. Bà nghe Bà rất vui vì Bà thường hay nhắc đến các vai tuồng đó.”
Đây là một sáng kiến giúp cho Bà nhớ những người bạn diễn, nhớ sân khấu, tránh tình trạng mất trí nhớ của người già. Nhà của Bà Bảy cất sau chùa nghệ sĩ, gồm có một phòng khách mỗi bề độ bốn thước, phòng ngủ độ chừng 36 thước vuôn và một phòng vệ sinh. Trước cửa phòng khách là đường ra bên hông chùa và nghĩa trang nghệ sĩ.
Một bảo tàng viện nhỏ
Phòng khách của bà Bảy Phùng Há được trang trí như một bảo tàng viện nhỏ ghi dấu cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Bà. Phía trên kệ cao là bàn thờ đức phật bà Quan Âm, tầng kế thờ hai vị Hòa Thượng trụ trì chùa Nghệ Sĩ trước tiên (ông Năm Công nguyên quản lý hánh hát và danh ca Thanh Tao, tôi không biết Pháp danh của hai vị nầy).
Kế bên dưới là tủ kiếng trưng bày những tặng vật, những huy chương, médailles mà bà đã nhận được trong hơn 80 năm theo nghề hát cải lương và dạy hát.
Có 9 médailles bà được tặng thưởng trong thời kỳ Pháp thuộc( từ năm 1930 đến năm 1954): médaille của chánh phủ Pháp bên chánh quốc tặng, của quan toàn quyền Pháp ở Đông Dương, của quan thống đốc Nam Kỳ, của Vua Bảo Đại, Vua Miên, Vua Lào, Chánh phủ Trung Hoa Dân Quốc, Vua Thái Lan và huy chương của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, nhiều huy chương và kỷ niệm chương ngoại quốc khi bà qua Pháp sinh sống (sau khi chánh phủ Nguyễn Khánh đỗ) từ năm 1964 đến năm 1967, bà và nữ nghệ sĩ Kim Cương được mời biểu diễn ở nhiều nước Hung Gia Lợi, Ba Lan, Mạc Tư Khoa và nhận được những huy chương nghệ thuật trong các buỗi biểu diễn ở Budapest, Prague, Moscou; ngoài ra Bà còn có huy hiệu Nghệ sĩ nhân dân và nhiều huy hiệu khác sau 1975.
Trên vách phòng khách treo nhiều ảnh chụp của Bà trong vai Lữ Bố, ảnh 8 Lữ Bố môn sinh của Bà, ảnh của Bà chụp với các ban chấp hành Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu, ảnh Bà chụp với Kim Cương khi diễn Lữ Bố – Điêu Thuyền ở nhà hàng Table des Mandarins ở Pháp, ảnh chụp với anh Năm Châu trong tuồng Hồn Bướm mơ tiên, tuồng Vợ và Tình, ảnh chụp với nữ nghệ sĩ Đổ Quyên, và nhiều khuôn hình chụp những chuyến Bà đi cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lục ở Đồng Tháp Mười, ở tỉnh Tiền Giang, ở Cai Lậy, ở miền Trung.
Vợ chồng tôi, bầu Xuân, Tú Trinh vào phòng ngũ của Bà để thăm Bà vì Bà không được khoẻ. Bà ngồi trên giường tiếp chuyện chúng tôi, có mặt hai cô thiện nguyện viên túc trực chăm sóc bên Bà.
Nguyện vọng
Bà Bảy Phùng Há đã 96 tuổi, sức yếu nhưng tinh thần vẫn còn minh mẫn. Khi gặp tôi, bà nhớ ngay Nguyễn Phương là soạn giả đoàn Phước Chung, đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Bà nói chuyện với vợ chồng tôi, vẫn thường gọi là anh chị, vì theo bà thì soạn giả là thầy tuồng, phải gọi bằng anh mới đúng.
Bà cầm tay vợ tôi, nói : “Chị Ba về, lần nào cũng ghé thăm tui. Trước khi về bễn, chị Ba ráng tới thăm tui lần nữa nghe. Sợ, lâu quá, chị hõng gặp tui được nữa.” Vợ tôi đã khóc rất nhiều khi nghe câu nói đó của bà Bảy.
Bà nói mỗi sáng Bà được cô Kim Hà và cô Hường, hai thiện nguyện viên dìu bà và theo bà đi bộ một vòng nhỏ trong khuôn viên chùa hay nghĩa trang nghệ sĩ, sau đó vô nhà Bà dùng cháo rồi ngồi đọc kinh hoặc thiền, Bà tiếp khách khi có người đến viếng. Buổi chiều và tối, Bà ngồi trên giường đọc kinh. Hai cô thiện nguyện viên Hường và Kim Hà thay phiên nhau, lúc nào cũng có một người túc trực bên bà Bảy để giúp đỡ khi cần.
Ông Bầu Xuân cho biết là các bác sĩ thiện nguyện thường xuyên chăm sóc sức khoẻ của bà Bảy, lo về chế độ ăn uống và thuốc men cho bà Bảy.
Bà nói với tôi : “Nguyện vọng của tôi là làm sao quyên tiền để lập một ký nhi viện cho các con em nghệ sĩ. Tôi đã lo cho giới nghệ sĩ được một cái chùa, một nghĩa trang, một viện dưỡng lão. Bây giờ nếu lo được một cái ký nhi viện cho con em nghệ sĩ nữa thì tốt quá. Tôi mãn nguyện rồi.” Tôi chỉ dạ dạ, không thể nói rõ là sân khấu cải lương xuống dốc thê thảm, nghệ sĩ kiếm sống còn quá khó khăn, không còn cảnh nghệ sĩ gánh hát sống tập trung như xưa, làm sao có con em nghệ sĩ để gỡi vô ký nhi viện?
Trong phòng ngủ của Bà, ngoài tủ đựng quần áo của Bà, có một cái bàn dài để nhiều tặng vật của khán giả ái mộ, trên vách phòng treo hai câu đối và bài thơ của soạn giả Viễn Châu tặng :
Đất nghệ sĩ bình an, Lao xao lá rụng bên thềm, ngỡ nhạc khúc bi hùng nơi hí viện, Chùa Nhựt Quang thanh tịnh, Phảng phất hương bay trước gió, nghe hồi chuông cứu khổ giữa thiền môn.
Chín mấy lần xuân bạc mái đầu Trọn đời giữ vẹn nghĩa tình sâu Đói nghèo xót trẻ nhiều cơ cực Lụt lội thương ai lắm dãi dầu Muôn nỗi đoạn trường sao kể xiết Chút tình nghệ sĩ thắm vào đâu! Đêm đêm qùy trước ngôi Tam Bảo Nước mắt tràn theo tiếng nguyện cầu.
Suốt đời làm việc thiện
Trên vách còn treo thủ bút của họa sĩ Vũ Hối, và bài thơ Kiếp Tầm và Nợ Dâu của thi sĩ Kiên Giang, ngoài ra còn rất nhiều thi văn của các nghệ sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ sáng tác ca ngợi 70 năm phục vụ sân khấu của Bà( năm 2001)
Đón cái Tết Đinh Hợi năm 2007 (bà sinh năm Tân Hợi năm 1911), Viễn Châu lại tặng bà 4 câu thơ :
Tuổi già lụm cụm thấy mà thương, Đâu quản gần xa mấy chặng đường Quà tặng trao tay người khốn khổ Đẹp đời nghệ sĩ, đẹp quê hương.
Vợ chồng tôi biếu Bà một triệu đồng, cúng một triệu đồng để góp phần nhang đèn cho chùa nghệ sĩ và cho cô Kim Hà một trăm đô CAN để cô chăm sóc cho bà Bảy, sau đó chúng tôi vô chùa, thắp nhang, lạy phật rồi ra nghĩa trang thắp nhang cho các ngôi mộ của các bạn Út Trà Ôn, Ba Vân, Tư Chơi, Hoàng Giang, Hà Triều, Hoa Phượng, Hoàng Việt, Thanh Nga, Phạm Duy Lân, nhạc sĩ Năm Cơ, Chín Trích (phụ thân của nghệ sĩ Tú Trinh)…
Ra về, lòng tôi cứ miên man suy nghĩ : Trọn đời Bà cống hiến cho nghệ thuật, trọn đời giúp đỡ cho đồng nghiệp mấy thế hệ, giúp trong việc đào tạo tài năng và cứu trợ khi gặp nạn hay nghèo yếu neo đơn, trọn đời bà làm việc từ thiện giúp đồng bào kém may mắn hơn mình và đã nêu gương, khuyến khích các nghệ sĩ và các nhà hằng tâm hằng sản theo bà làm công tác xã hội, làm việc từ thiện…, trên thế giới nầy có người nghệ sĩ nào như bà Bảy Phùng Há không?
Chương trình cổ nhạc đến đây xin chấm dứt, Nguyễn Phương xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/VisitingActressPhungHaInSaigon_NPhuong-20070224.html