Nguyễn Phương
20.1.2007
Bích Thuận và nghệ sĩ Paris tiếp đón vợ chồng Nguyễn Phương. Hình của Nguyễn Phương.
Sau loạt bài của Nguyễn Phương giới thiệu trên Đài Á Châu Tự Do về các nghệ sĩ và nghệ thuật cải lương, nghệ thuật hát Hồ Quảng, nhiều thính giả đã gởi thư và điện thư về Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do, đặt nhiều câu hỏi liên quan đến những nghệ sĩ cải lương và nghệ sĩ Hồ Quảng tài danh mà Nguyễn Phương chưa có dịp đề cặp đến, nhất là các nghệ sĩ cải lương và Hồ Quảng định cư ở nước Pháp và ở Hoa Kỳ.
Nguyễn Phương thực hiện một chuyến đi dài ngày qua Paris Pháp quốc, qua Virginia Hoa Kỳ, tìm gặp các nghệ sĩ cải lương và Hồ Quảng mà quí thính giả ưa thích để thu thập tin tức về đời sống và hoạt động nghệ thuật của các bạn đó.
Khi Nguyễn Phương sang Pháp, nghệ sĩ nghiệp dư: cô Việt Dương Nhân, người đã viết nhiều tin tức nghệ sĩ trên trang web cailuongvietnam, cô Việt Dương Nhân giúp cho Nguyễn Phương liên lạc với các nghệ sĩ cải lương đang định cư tại Paris.
Nguyễn Phương lại gặp anh Ngọc Anh, người chủ biên trang Web CailuongVietNam. Anh Ngọc Anh trực tiếp phõng vấn Nguyễn Phương về các hoạt động nghề nghiệp của nghệ sĩ cải lương Hải Ngoại.
Xin mời qúy thính giả nghe cuộc đàm thoại giữa Ngọc Anh và Nguyễn Phương. Tôi nghĩ là qua cuộc đàm thoại nầy, quí thính giả sẽ được nghe giới thiệu một cách tổng quát về tình hình nghệ sĩ cải lương đang cư ngụ tại Paris.
Ngọc Anh: Thưa bác Nguyễn Phương, Cháu tên là Ngọc Anh, một người ái mộ nghệ sĩ và nghệ thuật sân khấu cải lương, cháu được biết bác Nguyễn Phương là một soạn giả cải lương lão thành, định cư ở nước ngoài. Vừa rồi bác đi du lịch, có ghé qua thủ đô Paris. Bác có gặp các nghệ sĩ cải lương định cư ở Paris không bác ?
Nguyễn Phương: Trước hết, xin cám ơn Ngọc Anh đến thăm viếng Nguyễn Phương, đây là lần đầu tiên bác được gặp mặt Ngọc Anh nhưng có thể nói là trong một thời gian dài, bác đọc rất nhiều bài của Ngọc Anh viết trên internet, trang web cải lương Việt Nam. Bác thấy Ngọc Anh và Tân Cổ Giao Duyên đăng nhiều bài của bác do Đài Á Châu Tư Do phát thanh.
Trước hết là nghệ sĩ tiền phong Bích Thuận, người nghệ sĩ cải lương tài danh di cư vào Nam năm 1954, từng hát trên sân khấu Kim Chung, kịch đoàn Bích Thuận và sân khấu Phụng Hảo trong thập niên 50, 60. Cô Bích Thuận hiện nay 84 tuổi, vẫn còn giọng ca ngâm rất truyền cảm.
Trong khi tình hình sân khấu cải lương trong nước sa sút một cách trầm trọng, trang web cải lương của Ngọc Anh và các bạn hữu đã được rất nhiều đọc giả trong và ngoài nước thưởng thức, nhờ đó mà nghệ sĩ và nghệ thuật cải lương được nhắc nhở, trang web đó đã khuyến khích tinh thần các nghệ sĩ đang hành nghề cũng như những nghệ sĩ già yếu đang bị người đời quên lảng.
Hôm nay Nguyễn Phương trả lời những câu hỏi của Ngọc Anh là trong tinh thần góp phần thông tin về các hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ cải lương mà Nguyễn Phương quen biết.
Thành phố Paris rất là rộng lớn, số nghệ sĩ cải lương sinh sống ở Paris quá ít mà lại ở rải rác xa nhau, nên muốn gặp mặt được nhiều nghệ sĩ không phải dễ.
Hội nghệ sĩ ái hữu Paris
Tôi có được một cơ duyên may mắn là Hội nghệ sĩ ái hữu Paris vừa có cuộc hợp mặt đông đủ nhân dịp lễ giỗ tổ cải lương vừa qua nên khi nghe Nguyễn Phương qua Paris, cô Việt Dương Nhân liên lạc với anh hội trưởng cùng các anh chị hội viên Hội nghệ sĩ ái hữu Paris tổ chức một buỗi tiệc thân mật tại nhà hàng Saigon quận 13 để đón tiếp vợ chồng Nguyễn Phương.
Có 30 nghệ sĩ cải lương, nhạc sĩ tân và cổ nhạc đến dự buỗi tiệc tiếp đón vợ chồng soạn giả Nguyễn Phương.
Trước hết là nghệ sĩ tiền phong Bích Thuận, người nghệ sĩ cải lương tài danh di cư vào Nam năm 1954, từng hát trên sân khấu Kim Chung, kịch đoàn Bích Thuận và sân khấu Phụng Hảo trong thập niên 50, 60.
Cô Bích Thuận hiện nay 84 tuổi, vẫn còn giọng ca ngâm rất truyền cảm, cô Bích Thuận từng nỗi danh qua vai Lữ Bố trong tuồng Phụng Nghi Đình và vai võ tướng Triệu Tuấn trong tuồng Mộng Hoa Vương, hát cặp với nữ nghệ sĩ tài danh Phùng Há trong vai đào chánh Mộng Hoa Vương.
Kế đó là nhà văn Hồ Trường An với bạn của anh là anh Bernard, Hồ Trường An là nhà văn đã viết cuốn sách Sàn Gỗ Màn Nhung, xuất bản năm 1996, nói về cuộc đời nghệ thuật của các nghệ sĩ cải lương tài danh trong các thập niên 40, 50 và một số nghệ sĩ cải lương tiền phong của thập niên 20, 30.
Hai nghệ sĩ Trần Nghĩa Hiệp và Bạch Nhân Trang. Anh Hiệp bà con với cố nữ nghệ sĩ Thanh Nga, anh Hiệp quen biết vợ chồng Nguyễn Phương trước năm 1975 khi Nguyễn Phương cộng tác với đoàn Thanh Minh Thanh Nga, anh Hiệp thay mặt Hội Nghệ sĩ Ai Hữu Paris giới thiệu Nguyễn Phương và giới thiệu các nghệ sĩ ở Paris.
Hiện diện trong buỗi tiệc có đôi nghệ sĩ tài danh Minh Tâm và Tài Lương. Minh Tâm và Tài Lương cùng cộng tác với Nguyễn Phương ở đoàn cải lương Saigon 3 nên chúng tôi quen biết nhau nhiều. Nữ nghệ sĩ Tài Lương là chị ruột của hai nghệ sĩ nỗi danh đương thời, đó là nữ nghệ sĩ Tài Linh và nam nghệ sĩ Chí Linh.
Kế đó anh Hiệp giới thiệu đôi nghệ sĩ uyên ương Minh Đức, Kiều Lệ Mai, hai nghệ sĩ nỗi danh trong đoàn Kim Chung thập niên 60, 70. Sau 1975, Minh Đức Kiều Lệ Mai hát cho đoàn Trần Hữu Trang. Còn có các nghệ sĩ Minh Thanh( nhạc sĩ cổ nhạc) và vợ là nữ diễn viên Kim Chi.
Nữ nghệ sĩ Quốc Hương tức là nhà hoạt động tích cực trên các trang web cải lương với bút danh Việt Dương Nhân.
Nghệ sĩ Lý Kim Thanh, hội trưởng Hội Ai Hữu Nghệ Sĩ Paris, Nghệ sĩ Hoàng Long nghệ sĩ nỗi danh các thập niên 60, 70 trong các đoàn hát Dạ Lý Hương, Hùng Cường Bạch Tuyết, Thanh Minh Thanh Nga, Tiếng Hát Dân Tộc…
Nghệ sĩ Dũng Thanh Hồng, đoàn Kim Chung thập niên 70, các nghệ sĩ tân nhạc Đỗ Quyên và bà Vũ Lan Phương, cô Ngọc Sương, Nữ nhạc sĩ Organ Ngọc Hạnh,
Nhạc sĩ Trịnh Hưng, thi sĩ Đổ Bình, hai nhà văn Thọ và Linh.
Giữa buỗi tiệc thân hữu, các nghệ sĩ Thanh Bạch, Bạch Lê, Phương Thanh, Hà Mỹ Xuân và Hà Mỹ Liên gọi điện thoại tới chúc sức khoẻ vợ chồng Nguyễn Phương và xin lỗi vì kẹt việc riêng, không đến hợp mặt được. Tôi được biết Hà Mỹ Liên và Hà Mỹ Xuân là chủ của một tiệm ăn fast food, bận chăm sóc cửa hàng, và nữ nghệ sĩ Bạch Lê có show diễn.
Ngoài việc thăm hỏi sức khoẻ và vài mẩu chuyện tâm tình vì lâu ngày mới có dịp gặp mặt nhau, các nghệ sĩ ca nhiều bài tân cổ giao duyên tặng cho vợ chồng Nguyễn Phương. Tôi có làm bốn câu thơ lưu niệm cuộc hội ngộ đầy tình nghĩa giữa các nghệ sĩ chúng tôi, Cô Bích Thuận ngâm thơ cho mọi người cùng thưởng thức.
Các nghệ sĩ cải lương dù sống ở Pháp, ở Mỹ hay ở Uc Châu đều có một điểm giống nhau là các nghệ sĩ không thể dùng nghề hát cải lương là nghề tay mặt, cái nghề chính yếu để mưu sinh.
Nước đổi chủ, người đi kẻ ở, Màn nhung khép lại, bóng trăng tan, Sân khấu về khuya, đèn hiu hắc, Nghệ sĩ vẫn gìn vẹn nghĩa nhân.
Hoạt động nghệ thuật
Ngọc Anh: Bác có biết các hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ cải lương sống ở Paris như thế nào không bác ?
Nguyễn Phương: Các nghệ sĩ cải lương dù sống ở Pháp, ở Mỹ hay ở Uc Châu đều có một điểm giống nhau là các nghệ sĩ không thể dùng nghề hát cải lương là nghề tay mặt, cái nghề chính yếu để mưu sinh. Ngay như ở Việt Nam thì tình hình cải lương cũng sa sút, nghệ sĩ cải lương chỉ hát được vào tối thứ bảy hay tối chúa nhựt. Chương trình Làn Điệu Phương Nam thì một tháng hát một xuất vào ngày 4 tây mỗi tháng. Chương trình Vầng Trăng Cổ nhạc thì hát một tháng một xuất vào đêm trăng rầm.
Khán giả Việt Nam ở Pháp không đông, họ cũng phải đi làm việc, chỉ nghĩ được vào ngày thứ bảy, chúa nhựt hay các dịp lễ, vậy nên các nghệ sĩ cải lương chỉ có thể hát vào các dịp lễ hay nhiều lắm là vào một chiều chúa nhựt nào đó trong tháng. Các nghệ sĩ không hợp thành một đoàn hát tập trung như các đoàn hát trước 75 mà khi có tuồng mới, nghệ sĩ Minh Đức Kiều Lệ Mai mời các nghệ sĩ có vai đến tập tuồng, Minh Đức là đạo diễn.
Cũng có tuồng hát do hai nghệ sĩ Minh Tâm Tài lương đứng ra tổ chức và đạo diễn. Anh Lý Kim Hải cũng có show gồm nhiều bài ca tân cổ giao duyên, múa hát tạp kỹ.
Như ngày 14 tháng giêng năm 2007, các nghệ sĩ tập hợp dưới bảng hiệu Đoàn Cải Lương Nghệ Sĩ Paris, hát vở tuồng tưạ đề ” Biên Giới Một Chiều Mưa ” của soạn giả Trần Trung Quân, hát tại rạp Théâtre Maurice Ravel, diễn viên có Phương Thanh, Kiều Lệ Mai, Minh Đức, Hà Mỹ Liên, Lý Kim Thanh, Kim Chi, Trần Nghĩa Hiệp, Ngọc Tâm và Văn Đệ. Dàn nhạc có nhạc sĩ Minh Thanh, Thu Thảo và Thanh Sơn.
Sống bằng nghề hát
Ngọc Anh: Hiện tại theo ý Bác nhận xét thì các nghệ sĩ cải lương định cư ở Paris có thể sống bằng nghề hát không bác?
Nguyễn Phương: Tôi có đến nhà riêng của đôi nghệ sĩ Minh Tâm Tài Lương, tôi có nói chuyện tâm tình, han hỏi về đời sống của từng anh chị nghệ sĩ cải lương khác đang định cư tại Pháp thì theo tôi biết là các bạn đó đều sinh sống bằng một nghề nghiệp khác, có người rất giàu như Minh Tâm Tài Lương, Minh Đức Kiều Lệ Mai cuộc sống cũng quá là dư dã, các nghệ sĩ còn bỏ tiền túi ra để mua sấm y trang, tranh cảnh, đạo cụ, son phấn.
Tôi có đến thăm hai nữ nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân và Hà Mỹ Liên tại tiệm bán thức ăn nhanh của hai cô, hiệu tiệm đề Plats cuisinés Traditionnels Vietnamiens ở đường Blomet Paris, rất đông thực khách Pháp và Việt đến mua thức ăn làm sẳn để mang về, Hà Mỹ Liên và Hà Mỹ Xuân vừa bán hàng cho khách, thu tiền vừa lắng nghe tuồng cải lương phát ra từ một cái cassette nhỏ.
Khi bớt khách mua hàng, tôi hỏi Hà Mỹ Liên, bộ hai cô ghiền nghe tuồng cải lương quá hay sao mà vừa bán thức ăn cho khách Pháp, vừa nghe cải lương Việt Nam.
Hà Mỹ Liên cười, trả lời: Con đang học tuồng đó chớ … Ngày 14 tây sắp tới hát tuồng Biên Giới Một Chiều Mưa, con ca thu thanh vô cassette, hát tới hát lui để nghe mà học tuồng. Con có ít thời gian rỗi rãnh nên con cũng làm theo cách của các nghệ sĩ ở đây là tranh thủ học tuồng theo kiểu nầy đó.
Các bạn hát là để đở nhớ nghề, hát là để góp phần gìn giữ một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc, mà cũng một phần là muốn đem lại cái không khí Việt Nam cho các buỗi sinh hoạt cộng đồng Việt Nam ở Pháp.
Ngọc Anh: Các nghệ sĩ cải lương tài danh ở Paris như Bích Thuận, Việt Dương Nhân, Tài Lương, Minh Tâm, Minh Dức, Kiều Lệ Mai, Minh Thanh, Kim Chi, Phương Thanh, Hoàng Long, Hà Mỹ Xuân, Hà Mỹ Liên, Thanh Bạch, Bạch Lê, Lý Kim Hải, v.v…
Các nghệ sĩ đó đều có một quá trình lâu dài trong nghiệp cầm ca, xin bác Nguyễn Phương kể tiểu sử và hoạt động của các nghệ sĩ tài danh đó để giới thiệu với thính giả bốn phương?
Nguyễn Phương: Thưa qúy thính giả, để trả lời câu hỏi về tiểu sử và hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ cải lương định cư tại Pháp, Nguyễn Phương nghĩ là cần có nhiều chương trình sắp tới mới đủ thời lượng phát thanh.
Nguyễn Phương xin được chấm dứt nơi đây và xin hẹn tái ngộ vào chương trình kỳ tới. Xin cám ơn qúy thính giả đã chịu khó lắng nghe.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/LivesOfFormerFolkActorsActressesInFrance_NPhuong-20070120.html