Soạn giả Nguyễn Phương trả lời phỏng vấn về cuộc đời Thanh Nga

Nguyễn Phương
28.10.2006

Trong thời gian qua, Nguyễn Phương đã được các bạn cao niên ở Montréal hỏi thêm một số các chi tiết liên quan tới cuộc đời của nữ nghệ sĩ tài danh Thanh Nga. Chương trình Cổ Nhạc kỳ này mời quí thính giả theo dõi cuộc trò chuyện của soạn giả Nguyễn Phương với thính giả hâm mộ Thanh Nga.



Thính giả : Allô, xin chào soạn giả Nguyễn Phương.

Nguyễn Phương: Xin chào ông. Thưa ông, xin ông vui lòng cho biết quý danh. Ông gọi Nguyễn Phương có vấn đề gì không ông?

Thính giả : Tôi tên Châu Văn Bê, ở hội Cao niên Montréal. Chúng tôi thường nghe đài Á Châu Tự Do, nhất là chương trình cổ nhạc do ông thực hiện. Tôi đọc sách báo xuất bản ở Hoa Kỳ nói về nữ nghệ sĩ Thanh Nga. Tôi thấy có nhiều điểm không đúng nên tôi muốn hỏi ông một số chi tiết về nữ nghệ sĩ Thanh Nga, thưa có được không?

Nguyễn Phương : Thưa ông Bê, trước hết Nguyễn Phương xin cám ơn ông Bê, ông đặt câu hỏi thì tôi xin cố gắng giải đáp. Có điều gì tôi không hiểu, tôi sẽ hỏi lại những vị cao minh, rồi sẽ hồi đáp với quí vị.

Thính giả : Tất nhiên như vậy rồi! Tôi đọc trong một cuốn sách nói về Thanh Nga, tôi thấy tác giả nói nhiều chuyện khác với sự thật. Hồi xưa gia đình tôi ở đường Phát Diệm, gần nhà cô Thanh Nga, tôi cũng có đi coi hát đoàn Thanh Minh Thanh Nga …

Nguyễn Phương : Dạ xin lỗi ông Bê, ông vừa nói ông định hỏi gì về cô Thanh Nga, xin ông cho biết ngay vì thì giờ phát thanh có hạn.

Thính giả : Dạ, tôi xin hỏi cô Thanh Nga hồi nhỏ có học trường Đầm không? Hồi trước có bầu gánh đoàn nầy đi coi hát ở đoàn khác không?

Nguyễn Phương : Thưa ông Bê, thưa quí thính giả.

Trước hết tôi xin nói rõ là tôi cộng tác với đoàn hát Thanh Minh bầu Nghĩa và đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga trong nhiều đợt. Từ năm 1950 đến 1952, tôi cộng tác với đoàn Thanh Minh Bầu Nghĩa. Năm 1952 đến cuối năm 1954, cộng tác với đoàn Việt Kịch Năm Châu. Năm 1955 tôi cộng tác với đoàn Tiếng Chuông Bầu Cang, sau là đoàn Kim Thoa Bầu Khai – Kim Thoa. Năm 1956, tôi đi đoàn Thanh Minh và làm việc luôn cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga đến năm 1969. Từ sau năm 1969 tới 1975, tôi đi nhiều đoàn như Dạ Lý Hương, làm đài Truyền Hình…

Tôi là soạn giả kiêm giám đốc kỷ thuật sân khấu Thanh Minh và Thanh Minh Thanh Nga trong nhiều năm. Sau đó nghệ sĩ Tám Vân thay tôi trong nhiệm vụ nầy, tôi chuyên về sáng tác.

Nữ nghệ sĩ Thanh Nga không hề có đi học trường đầm như lời ông nhà văn viết về Thanh Nga. Đúng như lời của ông Rong nói, ông nhà văn nầy không hề biết gì về Thanh Nga, ông cũng không biết sinh họat của các nghệ sĩ và các hoạt động của các nghệ sĩ cải lương. Ông lấy tài liệu trên các trang web cải lương rồi nói mờ ớ về người, về thời gian và kết hợp lung tung với nhiều chuyện khác do ông tưởng tượng ra để rồi ghép nó vào tiểu sử của nữ nghệ sĩ Thanh Nga. Có lẽ ông thấy Thanh Nga có tên Juliette Nga nên tưởng là Thanh Nga học trường đầm!

Thanh Nga học trường Tiểu học Cầu Kho, đường Phát Diệm, chưa hết lớp nhứt, Thanh Nga nghĩ học văn hóa. Năm 1955, buổi sáng thì Thanh Nga học vũ, tập tuồng ở rạp Thành Xương, chiều học ca với nhạc sĩ Út Trong, tối ra rạp hát hát tuồng khi cháu có vai tuồng, không có vai tuồng, Thanh Nga cũng ngồi bên cánh gà coi đàn chị hát, học các vai tuồng đó và Út Trong rèn cho Thanh Nga ca các bài ca trong tuồng.

Nguyễn Phương đã dạy cho Thanh Nga nhiều điệu múa cùng với đoàn vũ nữ của đoàn Thanh Minh, để diễn trong các tuồng Đồ Bàn Di Hận, Biên Thùy Nổi Sóng, Lửa Hờn, Tình Tráng Sĩ. Hình Thanh Nga và các cô vũ nữ in trong cuốn sách là hình do nhiếp ảnh viên Huỳnh Công Minh chụp và bán ảnh cho ông Lai (TN) đó…

Thanh Nga cũng thủ diễn vai Quế Lâm trong tuồng Biên Thùy Nổi Sóng của tôi trên sân khấu Thanh Minh năm 1956. Thanh Nga cũng có nhiều vai hát trong tuồng Thạch Sanh Lý Thông của Nguyễn Phương, tuồng Người Thợ May, Đứa con hai dòng máu, Nẻo tắt Hoành Sơn, Cầu gổ Hoàng Mai Thôn, Áo gấm khôi nguyên, Hồi Trống Vân Lâu, Ngược Dòng sông Lổi…

Hầu hết các tuồng cải lương sau năm 1958, Thanh Nga mới thủ diễn vai chánh.

Ông Bê hỏi về điểm ông nhà văn đó nói là năm 1957 vì ông Bầu Nghĩa lâm bịnh, nhắm qua không khỏi, tức là sắp chết nên mời mấy ông bạn là bầu gánh hát Hoa Sen, Kim Chung, Thanh Tao xem Thanh Nga hát và bình luận về Thanh Nga.

Người nghệ sĩ thực thụ có sống trong nghề hát đều biết là không bao giờ ông Bầu gánh hát nầy tới ngồi xem nghệ sĩ đoàn hát khác hát và nhứt là họ không ngồi trong rạp mà bình luận về người diễn viên đang diễn trên sân khấu.

Ông Bầu Nghĩa trong năm 1958 có hợp soạn với tôi tuồng Đời Hai Mặt hát trên sân khấu Thanh Minh. Sau đó tôi và ông bàn nhau viết tiếp một tuồng tựa là Thầy Cai Tổng Bồi. Tháng 9 năm 1959, ông Bầu Nghĩa bị đau loét bao tử, vô nhà thương Grall điều trị.

Vì ông Bầu Nghĩa ghiền thuốc phiện, ngày thường ông vẫn phải hút nhưng khi vô nhà thương Grall không đem thuốc phiện vô được, ông tới cử ghiền, bị hành, nó làm ông vật vã, và vì vậy mà chổ loét bao tử rách lớn hơn, ông ói ra máu mà mất.

Ngày khâm liệm và đưa táng ông Năm Nghĩa, vợ chồng tôi đều có mặt. Sau đó Bà Bầu Thơ mời tôi và anh Viễn Châu viết dùm cho xong tuồng Thầy Cai Tổng Bồi, để tên là soạn giả Bảo Quốc (tức là Năm Nghĩa).

Hiện tôi còn giữ một cái thư với thủ bút của soạn giả Viễn Châu nói về tuồng Thầy Cai Tổng Bồi hát trên sân khấu Thanh Minh khi bà Bầu làm tuần giáp năm cho chồng bà là ông Bầu Nghĩa.

Thính giả : Thưa ông, ông nhà văn đó nói là bà thầy bói nào đó, nói Thanh Nga không được đóng vai Hoàng Hậu, hay Công Chúa. Sau năm 1975, Thanh Nga đóng vai Trưng Nữ Vương và Thái Hậu Dương Vân Nga nên Thanh Nga mới bị bắn chết. Ông nghĩ sao về điểm nầy?

Nguyễn Phương : Như tôi đã nói là ông đó hư cấu để viết tiểu thuyết chớ không đúng về Thanh Nga. Thanh Nga đã từng đóng các vai nữ vương, nữ hoàng, công chúa, v.v… từ những năm 1958 đến năm 1975; như vai Hoàng Hậu Mã Nhi Nương Bữu trong tuồng Gió Ngược Chiều của Năm Châu, vai Võ Tắc Thiên của Nguyễn Phương và soạn giả Phương Ngọc, các vai công chúa trong tuồng Con Trai Người Ăn Mày, vai Ngọc Hân Công Chúa trong tuồng Đất Việt Của Người Việt tức tuồng Nguyễn Huệ Bình Thăng Long, và đóng các vai công chúa, hoàng hậu, thứ phi trong rất nhiều tuồng dã sử khác như Sắc đẹp nàng vô tội, Đêm hờn cung lạnh, Nhan sắc Tần Phi, Hồi Trống Vân Lâu, Giấc Mộng Giữa Hoàng Lăng…

Thính giả : Thưa ông Phương, còn những đoạn ông đó nói là bà Bầu Thơ đi mời Huỳnh Tấn Mẫm về hát vai chánh với Thanh Nga, Huỳnh Tấn Mẵm là diễn viên của gánh hát thầy Đội Chiêu ở Tham Lương. Theo chúng tôi biết thì anh Huỳnh Tấn Mẫm hồi đó là sinh viên thân cộng, biểu tình hoài, sau đó bị bắt. Sau 1975 Huỳnh Tấn Mẫm là một cán bộ Cọng Sản, làm bác sĩ y khoa. Ông có thể cho biết ý kiến của ông về vấn đề nầy hay không?

Nguyễn Phương : Thưa ông Bê, thưa quí thính giả. Hồi đó tới giờ, ở Sài Gòn Gia Định tôi chưa hề nghe có một gánh hát nào có cái tên là gánh hát Thầy Đội Chiêu. Và gánh hát Thầy Đội Chiêu dùng giấy ciment bồi để làm cánh gà thì chỉ có ở trong chiến khu. Tôi không biết gánh hát nầy có hay là chỉ có trong tưởng tượng mà thôi.

Về anh Huỳnh Tấn Mẵm thì tôi đọc bài Tân Nhạc Saigòn trước năm 1975 của tác giả Trương Quang Lục (trang 238) thì có ghi: « Ngày 10 tháng 3 năm 1970, Huỳnh Tấn Mẫm, quyền Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn và 40 sinh viên bị bắt. Anh đã hướng dẫn sinh viên học sinh xuống đường hát các bài: Chúng ta đã đứng dậy, Dậy mà đi, Tự Nguyện… »

Những năm từ 1955, 56 trở về tới năm 1970, sân khấu Thanh Minh rồi Thanh Minh Thanh Nga có các kép chánh danh ca như Út Trà Ôn, Út Nhị, Minh Tấn, Văn Chung, Quang Phục rồi Hữu Phước, Thành Được, Thanh Tú, Dũng Thanh Lâm… nếu bà Bầu Thơ kêu Huỳnh Tấn Mẫm về thì có chăng là trong tư tưởng của người không biết gì về đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga nên mới nghĩ như vậy.

Đoàn hát cải lương như Thanh Minh Thanh Nga mà ông đó gài chuyện Huỳnh Tấn Mẫm vô chắc là có hậu ý gì đó. Tôi thật không hiểu nổi.

Thưa ông Bê, thưa quí thính giả,

Thì giờ phát thanh có hạn nên tôi không thể kéo dài hơn. Tôi chỉ nói thêm rằng chuyện chàng phi công Đài Loan là chuyện nói dóc. Tôi đã hỏi ông LT, chủ sự phòng tin tức đài Sài Gòn trong nhiều thập niên từ 1959 tới 1975, tôi đã hỏi Trung Tá Tham Mưu Trưởng Lôi Hổ TĐT, Trung Tá Không Quân Trưởng Khối Huấn Luyện D…ông Đại úy Không Quân N.N.S, các ông đều nói: Có chuyện phi cơ Phi Hổ (đoàn Cọp bay của Tưởng Giới Thạch) bay để in cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trên nền trời khi ở dưới sân lễ diễn hành quân đội Việt Nam Cộng hòa nhưng đoàn bay gồm có Phi hành đoàn người Mỹ và Đài Loan ở tại phi trường Biên Hòa. Hai ngày sau tất cả đều rút lui về Đài Loan.

Cái ông lái máy bay (giấy) Lý Hùng đó chắc là người tưởng tượng ở Chợ lớn.

Có rất nhiều chi tiết nói bậy nói bạ như nói nhà tư sản có con là Mỹ Dung mời bà Bầu Thơ đi nghĩ mát Vũng Tàu… Hồi đó có nhà tư sản Nguyễn Đình Quát, người có nhiều plantation cao su ở đồn điền cao su ở Lộc Ninh, Xa Mát và Tây Ninh, con gái ông Quát bị lật xe chết ở cầu Rạch Hào. Thời đó (1960) các nhà Tư Sản, quyền quí chưa hề giao thiệp hay coi trọng nghệ sĩ dù đó là Thanh Nga hay bà bầu Thơ.

Bà Bầu Thơ cũng như bà Kim Chưởng, khi đã điều khiển gánh hát thì không hề vắng mặt ở đoàn hát lấy một ngày. Nếu bà muốn đi nghỉ mát ở Vũng Tàu, Đà Lạt và Huế thì bà đưa gánh hát tới đó hát.

Chuyện cúng cô hồn của bà Bầu Thơ ở Bà Rịa cũng tầm bậy hết sức. Ông Bê có thể hỏi tất cả các nghệ sĩ cải lương mà ông quen biết, nghệ sĩ cải lương chỉ có cúng Tổ cải lương. Sau 1975 mới có nhiều người đi chùa lễ Phật, kết hợp với việc hát cho phật tử nghe các bài vọng cổ viết về Phật. Đi cúng kỳ yên là để hát đình là chánh, không phải vô cúng ông thần trong đình. Còn cúng cô hồn thì thiệt là tôi nghĩ không ra ở đâu mà có chuyện đó.

Tóm lại một cuốn tiểu thuyết quá nhiều hư cấu mà chỉ tiếc là dùng tên người có thật làm nhơn vật chánh. Gia đình của Thanh Nga biết việc nầy chắc là phẫn nộ lắm. Những điều tôi trả lời với ông Bê, quí vị gặp Thành Được, Phượng Liên, Hương Lan, Văn Chung… đều có thể hỏi lại.

Xin cám ơn ông Bê. Xin cám ơn quí thính giả đã chịu khó nghe chương trình nầy.

Chương trình cổ nhạc do Nguyễn Phương thực hiện, đến đây xin kết thúc, xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/Vietnamese_Traditional_Music_ThanhNga-20061028.html

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây