Thanh Quang
30.9.2006
Hàng năm, hai ngày 11 và 12 tháng Tám âm lịch là thời điểm giổ Tổ của ngành sân khấu Hát Bội và Cải Lương. Được biết ở Việt Nam thì giới điều hành cùng các nghệ sĩ Hát Bội, Cải Lương, và cả thoại kịch, tổ chức cúng Tổ ở nhà Truyền Thống của Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ tại Saigòn, hay ngay tại rạp hát mà đoàn đang lưu diễn ở các địa phương.
Tại Nhà Truyền Thống vừa nói có khánh thờ Tổ uy nghi được thiết lập gần một thế kỷ rồi, với 12 cốt ông tiêu biểu cho Tổ Nghiệp của nghề sân khấu.
Theo tập tục thì đêm 11 tháng Tám âm lịch người ta cúng chay, và sáng hôm sau là chánh lễ, cúng mặn. Mở đầu buổi cúng tổ, đại diện nghệ sĩ, gọi là vị chấp sự, làm lễ xây chầu, nâng cặp roi trống chiến xá 3 cái và ban 3 hồi trống thỉnh Tổ. Tiếp theo các bầu gánh, Hội trưởng Hội Ái Hữu Nghệ sĩ vào niệm hương.
Rồi đến các nghi lễ phức tạp như lễ Đại Bội với múa Điểm Hương, múa Xang Nhật Nguyệt trong điệu Âm Dương, múa Tam Hiền Phước, Lộc, Thọ, múa Ngũ hành, múa Tứ Thiên Vương để chúc “Quốc Thái Dân An, Phong Hoà Vũ Thuận, Hà Thanh Hải Yến, Nông Ngư Đắc Lợi” nhằm chúc lành cho tất cả mọi người – trong và ngoài giới sân khấu. VÀ RỒI CÁC NGHỆ SĨ LẦN LƯỢC VÀO DÂNG HƯƠNG, LẠI VÀ HÁT HẦU TỔ.
Thưa quý vị, tại hải ngoại này, từ Mỹ qua Âu Châu cho tới Úc, các nghệ sĩ Việt Nam cũng duy trì tập tục đã có từ xưa đó, nhưng nghi lễ được đơn giản hóa và thường diễn ra vào cuối tuần.
Tối thứ Sáu vừa rồi, tại nhà hàng PHƯỚC LỘC THỌ thuộc vùng Falls Church, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, đoàn ca kịch cải lương Thủ Đô – mà khi nào có dịp chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết về đoàn hát này – đã tổ chức giổ Tổ Cải Lương.
Trong không khí trang nghiêm trước bàn thờ Tổ, với sự hiện diện của đông đảo quý đồng hương, trứơc hết giám đốc Đoàn Cải Lương Thủ Đô – cô Phương Trang – có đôi lời chào mừng quan khách: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Tiếp theo, ông Trần Đắc Trân, có cái tên thân mật là ông Sáu Trân – cố vấn đoàn hát – tuyên bố: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Ba nghệ sĩ trong đoàn mặc áo dài khăn đóng, gồm Linh Cảnh áo đỏ đứng giữa, Hà Bảo Linh và Hữu Thành áo xanh đứng hai bên, kính cẩn tam bái trước bàn thờ Tổ và lui ra, để 3 nữ nghệ sĩ gồm Phương Trang, Huyền Phấn và Hoàng Anh trong áo dài khăn đóng màu đỏ bái lại tiếp theo.
Kế đến ông Trần Đắc Trân cùng tất cả nghệ sĩ hiện diện lần lượt tới xá trước bàn thờ Tổ. Và các nghệ sĩ trong đoàn thực hiện tập tục hát hầu Tổ. (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Quý vị vừa nghe giọng ca trầm buồn tha thiết của nhạc sĩ cổ nhạc hàng đầu ở vùng Washington, ông Trường Tương Tư,( và Ngọc Mai) qua một trích đoạn trong vở tuồng Tuyệt Tình Ca của soạn giả Hoa Phượng. Sau đây, Ngọc Mai cùng Linh Cảnh – với ngón đờn guitar độc đáo của anh – ca một trích đoạn trong bản Đoạn Cuối Tình Yêu.
Thưa quý vị, Hà Bảo Linh với giọng hát thiết tha, cao vút, luyến lái khá điêu luyện nhờ làn hơi phong phú, đã hát hầu Tổ một trích đoạn bản Khi Rừng Thu Thay Lá của soạn giả Yên Lang. (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Và Phương Trang, một giọng ca điêu luyện, ngọt ngào, với ca từ rõ ràng chất chứa nét dịu dàng, từ tốn như lối hát của nữ danh ca Phượng Liên, đã trình bày một trích đoạn của bản Điệu Buồn Phương Nam: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Thưa quý vị, chương trình Cổ Nhạc tới đây xin tạm ngưng. Thanh Quang cảm ơn Đoàn Cải Lương Thủ Đô đã đóng góp cho chương trình hôm nay. Và cảm ơn quý thính giả vừa theo dõi chương trình này.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/AnniversaryPatronSaintsCaiLuong_TQuang-20060930.html