Soạn giả Kiên Giang, khách thơ lạc giữa dòng sân khấu

Nguyễn Phương
23.9.2006


Soạn giả Kiên Giang

Nguyễn Phương xin giới thiệu về soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà, một soạn giả thường trực của đoàn Thanh Minh Thanh Nga trong hai thập niên 60, 70. Soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà có nhiều vở tuồng hay mà một trong những vở tuồng của anh, vở Người vợ không bao giờ cưới đã góp phần đưa nữ nghệ sĩ Thanh Nga lên đài danh vọng với chiếc huy chương vàng đầu tiên của giải Thanh Tâm, giải diễn viên xuất sắc năm 1958.


Soạn giả Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, sanh năm 1929 tại làng Ðông Thái, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá, tức là tỉnh Kiên Giang ngày nay. Vùng quê của gia đình Kiên Giang ở ngày xưa là một vùng đất ven biển, vịnh Xiêm La với muổi mòng, đất ẩm thấp, nhiễm phèn mặn, cách trở làng nầy với làng kế bên. Người ta gọi vùng nầy là rừng U Minh.

Ở rừng U Minh, kiếm được một người biết đọc biết viết chữ quốc ngữ cũng là một điều hiếm, vậy mà theo lời tự trào của Kiên Giang, vùng khỉ ho cò gáy đó lại đẻ ra được một nhà thơ có hạng trên thi đàn cả nước. cũng là một chuyện hi hữu. Kiên Giang kể cho chúng tôi nghe nhờ ở cơ duyên nào mà anh gắn bó với thi thơ…

Chịu ảnh hưởng của nhà thơ Nguyễn Bính

Năm 1946, một thi nhân miền Bắc lưu lạc đến một vùng đất heo hút tỉnh Rạch Giá. Ông ở trọ nhà của một cặp vợ chồng trẻ, cô vợ lại thích ngâm nga thơ của ông nên anh chồng trẻ sợ bị mọc sừng bất tử nên có lời ra tiếng vào. Nhà thơ xốn xang trong bụng, bèn xách khăn gói ra đình thần Nguyễn Trung Trực ngủ nhờ.

Hồi đó Trương Khương Trinh mới có 17 tuổi, nghe đồn có một nhà thơ lớn của thi đàn Việt Nam đến xứ mính, anh bèn tìm đến để cho biết mặt. Hỏi thăm mãi Kiên Giang mới gặp thi nhân đang đắp chiếu nằm chèo queo ngủ ở cửa đình.

Kiên Giang chịu ảnh hưởng của nhà thơ đồng quê Nguyễn Bính chẳng những trong cung cách hành văn, trong cảm xúc và chọn ý thơ mà cả trong cách sống, trong sinh hoạt hàng ngày.

Kiên Giang kêu dậy, hỏi: “Anh ở đâu tới dây, tại sao ngủ ở trước cửa đình?”

Nhà thơ mở mắt nhìn Kiên Giang không trả lời, đưa hai ngón tay nơi miệng ra hiệu muốn có một điếu thuốc.

Kiên Giang nói : “Hết thuốc rồi, chỉ còn cái bao không thôi đây.”

– Vậy thì anh kêu tôi dậy để làm gì?

– Tôi là người làm thơ, nghe nói ông tới xứ nầy nên muốn gặp chơi vậy thôi.

– Hay nhỉ ! Ông khách thơ bèn nằm xuống định làm tiếp giấc ngủ trưa, nhưng rồi ông ngồi dậy nói : “Đưa cái bao thuốc cho tôi.” Ông xé cái bao thuốc ra, viết vào đó bốn câu thơ rồi trao cho Kiên Giang.

Bốn câu thơ đó như sau :

Có những dòng sông chảy rất mau Nhớ chi nghĩa bến với duyên cầu Lá vàng hoa đỏ trôi không kịp Lưu lạc ai ngờ lại gặp nhau.

Người khách thơ lưu lạc đến tỉnh Kiên Giang đó là ông Nguyễn Bính, một nhà thơ lẫy lừng trong thi đàn Việt Nam lúc bấy giờ.

Có những dòng sông chảy rất mau Nhớ chi nghĩa bến với duyên cầu Lá vàng hoa đỏ trôi không kịp Lưu lạc ai ngờ lại gặp nhau.

Kiên Giang khen thơ hay, từ đó anh tìm cách kết bạn với Nguyễn Bính. Kiên Giang chịu ảnh hưởng của nhà thơ đồng quê Nguyễn Bính chẳng những trong cung cách hành văn, trong cảm xúc và chọn ý thơ mà cả trong cách sống, trong sinh hoạt hàng ngày.

Nguyễn Bính vốn xuề xòa trong cuộc sống, không xem vấn đề nào quan trọng cả, giống như một người lảng du bên cạnh cuộc đời của chính mình. Kiên Giang suốt cuộc đời cũng sống một cách vô tâm vô tính, coi cuộc đời là thơ và thơ là cuộc đời.

Vần thơ chân chất

Kiên Giang viết về Mẹ, về quê hương, về tuổi học trò, về những mối tình ngây thơ trong trắng, lời thơ mang một nổi buồn nhẹ tênh, man mác, mỗi bài thơ trong vắt như một làn điệu dân ca được hát lên từ cây cỏ, đồng ruộng và tình cảm chơn chất của người thôn quê Việt Nam.

Thơ của Kiên Giang có những câu như ca dao :

– Đói lòng ăn nửa trái sim – Uống lưng bát nước đi tìm người thương – Ong bầu đậu đọt mù u, – Lấy chồng càng sớm, tiếng ru càng buồn.

Soạn giả Kiên Giang có những tuồng rất ăn khách như tuồng Người Vợ Không Bao Giờ Cưới, tuồng Áo Cưới Trước Cổng Chùa, tuồng Ngưu Lang Chức Nữ, trong tuồng có nhiều câu thơ giọng văn bình dị như thi sĩ Nguyễn Bính.

Trong tuồng Người Vợ Không Bao Giờ Cưới, Nữ nghệ sĩ Thanh Nga đóng vai sơn nữ Phà Ca, có ngâm hai câu thơ thật buồn :

Ngày mai đám cưới người ta, Cớ sao sơn nữ Phà Ca lại buồn.

Năm 1995, tôi được thơ của cháu tôi ở Việt Nam báo tin là nhà thơ Kiên Giang và vợ con bị đuổi ra khỏi căn nhà ở cầu chữ Y quận 8. Anh đã nhiều lần làm đơn khiếu nại nhưng kết quả vẫn là phải chịu mất nhà. Kiên Giang và vợ con anh trôi nổi, nay ở hành lang hí viện, mai về tạm trú bên chuồng heo của một người chủ tốt bụng, sau cùng anh đến khu đất hoang cuối đường Âu Dương Lân quận 8 để xin tạm trú.

(Minh họa một đoạn tuồng Người Vợ Không Bao Giờ Cưới, Lệ Thủy vai Phà Ca.)

Thưa quí thính giả, vừa rồi là một lớp tuồng Người Vợ không bao giờ cưới của soạn giả Kiên Giang, Lệ Thủy trong vai Phà Ca.

Trong tuồng Áo Cưới Trước Cổng Chùa, có mấy câu thơ :

Tay Bưng Quả nếp đi chùa, Thắp nhang lạy phật xin bùa cầu duyên.

Và bốn câu thơ kết thúc tuồng Áo Cưới trước Cổng Chùa

Áo cưới em treo trước cổng chùa Tình đầu trao trả lại người xưa Đời em như cánh phù dung rụng Giữa chợ đời tầm tã gió mưa.

(Minh họa một câu vọng cổ trong tuồng Áo Cưới trước cổng chùa của Kiên Giang)

Cuộc sống vất vả

Trước 75, Kiên Giang tuy không giàu có nhưng cũng sống được thoải mái vì anh vừa là soạn giả thường trực của đoàn Thanh Minh Thanh Nga, vừa là trưởng Ban Mây Tần đài phát thanh Saigon, anh cũng là ký giả kịch trường của nhật báo Lẽ Sống, có thơ đăng ở nhiều tờ báo khác và có bài vọng cổ được thu dĩa ở hãng dĩa Hồng Hoa, hãng dĩa Việt Nam của bà Sáu Liên. Anh rước mẹ anh từ tỉnh lên Saigon để phụng dưởng nhiều năm cho đến khi bà khuất núi vì tuổi già sức yếu.

Năm 1995, tôi được thơ của cháu tôi ở Việt Nam báo tin là nhà thơ Kiên Giang và vợ con bị đuổi ra khỏi căn nhà ở cầu chữ Y quận 8. Anh đã nhiều lần làm đơn khiếu nại nhưng kết quả vẫn là phải chịu mất nhà.

Ngày qua rồi lại qua ngày, Tóc thêm bạc trắng, không đầy chén cơm. Khi đời khánh tận nghĩa nhân, Dựng đài thơ lửa, thiêu thân đốt đời.

Kiên Giang và vợ con anh trôi nổi, nay ở hành lang hí viện, mai về tạm trú bên chuồng heo của một người chủ tốt bụng, sau cùng anh đến khu đất hoang cuối đường Âu Dương Lân quận 8 để xin tạm trú.

Vì không tiền bạc và cũng không có cách nào làm khác hơn được nên Kiên Giang chọn bốn gốc cây bạch đàn trên khu đất đó để làm cột nhà, dùng vãi tang phúng điếu của mẹ anh và các manh vãi cũ lấy từ các banderole quảng cáo tuồng hát để dừng vách và nhờ bà con lối xóm cho mấy tấm tôn củ lợp mái nhà tạm trú. Kiên Giang viết mấy câu thơ dán trước cửa :

Lợp mái lá, dừng manh vãi cũ Nên mưa nhòa ướt ảnh bàn thờ Mẹ từ đáy mộ về trong mộng Trầm uất thương con giữa xác xơ.

Không sa mạc vẫn làm du mục Chân lạc đà dừng tạm bãi hoang Mai mốt người ta hăm đuổi nửa Kiếp không nhà lại sống lang thang.

Năm 2000, tôi về quê cưới vợ cho con và viếng cúng mồ mã ông bà cha mẹ của vợ chồng tôi, tôi có dịp gặp lại Kiên Giang. Anh và vợ con sống trong một căn nhà tình nghĩa của quận 8 tặng cho, bề ngang 1 thước 9, bề dài 7 thước, như lòng một khoan ghe tam bảng, diện tích đó dùng làm chổ ở, nhà cầu và nhà bếp cho ba người lớn. Tôi hỏi thăm về cuộc sống của anh, anh ngâm vài câu thơ nói về anh và con gái Hồng Uyên của anh cho tôi nghe:

Tạ lỗi con, Ba nghèo rách quá Để con đói lạnh tuổi còn thơ Mới ra đời ngủ trong nhà bếp, Mười tuổi rồi con vẫn ốm o. Cá hấp chợ chiều, rau muốn luộc Tập ăn quen vẫn sống trên đời Mỗi năm thêm tuổi, con thêm ốm Ba má nhìn con nén ngậm ngùi.

Tôi giúp cho anh để qua cơn túng ngặt bệnh hoạn và khi về Canada, tôi vận động bạn bè ở Canada, San José, Sacramento gom góp một số tiền gởi về cho anh để mua một căn nhà tiền chế mới xây cất ở vùng kinh Nhiêu Lộc và còn thừa một số tiền đủ để cho vợ anh làm vốn mua gánh bán bưng. Năm nay, tôi viết thơ về thăm hỏi, anh trả lời bằng bốn câu thơ:

Ngày qua rồi lại qua ngày, Tóc thêm bạc trắng, không đầy chén cơm.

Khi đời khánh tận nghĩa nhân, Dựng đài thơ lửa, thiêu thân đốt đời.

Tôi hy vọng lời thơ của Kiên Giang không phải là một lời cảnh báo : Dựng đài thơ lửa, thiêu thân đốt đời, vì dù Kiên Giang đói, nghèo, thất cơ lở vận, vẫn chưa phải là cái cớ để tự thiêu thân.

Thưa quí thính giả, Nguyễn Phương xin dứt chương trình nơi đây và xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/StagewriterKienGiang_NPhuong-20060923.html

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây