Nghệ thuật hát Hồ Quảng

Nguyễn Phương
2.9.2006


Nghệ sĩ Thanh Tòng

Sau bài giới thiệu tiểu sử và quá trình họa động nghệ thuật của các nghệ sĩ tài danh Thanh Bạch và Bạch Lê, nhiều thính giả đài Á Châu Tự Do gọi điện thoại yêu cầu Nguyễn Phương giới thiệu về nghệ thuật hát Hồ Quảng.


Cô Phương Thảo ở Montréal hỏi: nghệ sĩ nào đã tạo dựng ra nghệ thuật hát Hồ Quảng, Nghệ sĩ đó là người Tàu hay người Việt Nam? Hát Hồ quảng được khai sinh trong thời gian nào, trong hoàn cảnh nào và hình thức ca, diễn của Hồ quảng có khác với lối hát cải lương tuồng Tàu không?

Cô Anh Ngọc Nguyen ở San Diégo hỏi : hát hồ quảng có phải là nghệ thuật hát của hai tỉnh Hồ Nam và Quảng Đông bên Tàu không?

Nhạc sĩ Nguyễn Đức ở Toronto yêu cầu Nguyễn Phương giới thiệu thêm nhiều nghệ sĩ hát hồ quảng tài danh khác và kể lại một vài chuyện tuồng nổi danh được hát bằng nghệ thuật cải lương hồ quảng…

Nguyễn Phương xin cám ơn quí thính giả đã chịu khó lắng nghe Nguyễn Phương giới thiệu chương trình cổ nhạc Việt Nam và đã đặt câu hỏi, đã gợi ý nhiều vấn đề liên quan tới nghệ thuật sân khấu việt Nam.

Nguồn gốc nghệ thuật hát Hồ Quảng

Khai sanh ra một ngành nghệ thuật sân khấu không phải là do một hay hai nghệ sĩ tài danh nào tạo dựng ra được và cũng không thể dứt khoát nói đúng ngày nào, tháng nào thì ngành nghệ thuật đó được khai sanh ra đời, mà chúng ta hiểu rằng phải có một quá trình lâu dài, bắt nguồn từ ngành nghệ thuật cùng khuynh hướng với nó.

Thưa quí thính giả, Nguyễn Phương xin phép được giải đáp câu hỏi của cô Phương Thảo ở Montréal trước vì trả lời câu hỏi đó thì Nguyễn Phương cũng giải đáp được phần nào về hai câu hỏi của cô Anh Ngọc Nguyen ở San Diego và anh Nguyễn Đức ở Toronto.

Khai sanh ra một ngành nghệ thuật sân khấu không phải là do một hay hai nghệ sĩ tài danh nào tạo dựng ra được và cũng không thể dứt khoát nói đúng ngày nào, tháng nào thì ngành nghệ thuật đó được khai sanh ra đời, mà chúng ta hiểu rằng phải có một quá trình lâu dài, bắt nguồn từ ngành nghệ thuật cùng khuynh hướng với nó.

Qua một thời gian nhiều năm hoạt động rồi dần dần nó tự điều chỉnh, tự định hình và phải có rất nhiều nghệ sĩ tài ba, đóng góp công lao sáng tạo thì mới có thể khai sanh ra một loại hình nghệ thuật mới, có cái tên được mọi người nghệ sĩ và khán giả công nhận, đó là nghệ thuật hát cải lương hồ quảng.

Chúng ta thử nhớ lại xem, khi điệu hát cải lương Hồ Quảng thịnh hành thì các gánh hát như Thanh Minh Thanh Nga, chuyên hát tuồng xã hội, không có ca hồ quảng. Đoàn hát Dạ Lý Hương cũng hát tuồng xã hội và một số tuồng Tàu, cũng không có ca hồ quảng.

Các đoàn hát như Kim Chưởng, Kim Chung, Hương Mùa Thu, Kim Thanh – Út Trà Ôn, dù có hát tích truyện Tàu , các đoàn đó cũng không có ca nhạc hồ quảng.

Các đoàn hát như Vĩnh Xuân Ban – Bầu Thắng( sau là đoàn Minh Tơ), đoàn Thanh Bình – Kim Mai, (sau là đoàn Huỳnh Long), hai đoàn hát nầy hát cải lương tuồng Tàu rồi chuyễn sang hát cải lương hồ quảng.

Tôi còn nhớ năm 1948, tôi bắt đầu theo nghề hát thì lúc đó chưa có cải lương hồ quảng mà đã có hát bội pha cải lương. Theo lời kể của cố nghệ sĩ tài danh Thành Tôn thì từ năm 1930 đến năm 1945, Hát Bội mất dần khán giả, Cải lương cũng hát tuồng Tàu như những tuồng của các Ban Hát Bội hát nhưng y trang, tranh cảnh đẹp hơn, lời ca điệu hát dễ nghe dễ hiểu hơn nên khán giả ưa thích hơn hát bội.

Gánh Phước Long Ban của ông Bầu Luông là ông nội của nghệ sĩ Thành Tôn, canh tân hóa hát bội nên để bảng hiệu là Gánh hát bội Kim Thời.

Hát bội pha cải lương

Hát bội pha cải lương thì về mặt âm nhạc, bỏ lối hát Nam hát Khách, bỏ kèn lá, bớt đánh trống chiến, bỏ đàn gáo, cây đờn chủ đạo vẫn là cây đờn kìm, tăng cường thêm đàn tranh, đàn guitare phím lõm, đàn cò. Bài bản cải lương và vọng cổ được xử dụng.

Điệu bộ hát cũng được giản dị hóa, cũng có những động tác ước lệ nhưng hướng dần về lối biểu diễn nội tâm. Cây roi ngựa tượng trưng cho con ngựa cũng không còn dùng đến.

Mời quí thính giả nghe hai lớp trích đoạn cùng một lớp tuồng Lưu Bị Cầu hôn Giang Tả, một lớp hát bội và một lới hát cải lương hồ quảng, quí vị sẽ nhận thấy là lời đối thoại của hai lớp tuồng đó giống nhau nhưng cách hát và âm nhạc dùng để đệm hát khác nhau.

Mời quý vị nghe tuồng Lưu Bị Cầu hôn Giang Tả (hát Bội). Và đây là đoạn hát cải lương hồ quảng. Minh họa lớp tuồng trên theo lối hát cải lương hồ quảng. Và đây một đoạn bài ca hồ quảng do nghệ sĩ Phượng Mai ca. Minh họa một câu ca hồ quảng do Phượng Mai ca.

Quí vị vừa nghe ba đoạn hát ngắn của hát bội, hát cải lương pha quảng và một bài ca hồ quảng, chắc quí vị đã nhận thấy là nghệ thuật sân khấu luôn luôn kết hợp giữa ca và diễn, khi bài ca trên sân khấu thay đỗi điệu thức, những nhạc khí trong dàn đờn cũng thay đổi theo, đồng thời lối ca hát , điệu bộ, điệu múa và trang phục sân khấu cũng thay đổi theo.

Ví dụ : Hát Bội có hát Nam, hát Khách, hát tẩu mã, Nam Chạy, Nam biệt…thì dàn đờn có đờn kìm, đờn cò, trống chiến, kèn lá. Hát cải lương pha quảng dùng những bài ca Quảng như Phảnh Phá, Bạc Cấm Lùng. Xách Xủi, Dì Phảnh, Xái Phỉ thì dàn đờn có thêm trống cái, chập chỏa, đồng lố, kèn hầu cũn, đàn gáo, mõ…

Hát cải lương hồ quảng

Hát cải lương hồ quảng thì trống cái, kèn lá, hầu cũn, chập chỏa được thay bằng đàn organ, đàn kìm, đàn guitare phím lõm, đàn violon…

Trong đầu thập niên 60, sau khi đoàn nghệ sĩ Hý Khúc Trung Quốc do hai nghệ sĩ Mã Sư Tăng – Hồng Tuyến Nữ qua trình diễn một số trích đoạn của nền Kinh Kịch Cổ Điển thời Nguyên như vở Đậu Nga Oan, Mẫu Đơn Tiên, Tỳ Bà Thán và biểu diễn lớp vũ đạo Quan Công Hiển Thánh tại rạp Đại Quang ở Chợ Lớn thì các đoàn hát Tấn Thành Ban, Vĩnh Xuân Ban, Phụng Hảo bắt chước đưa dàn nhạc bát cấu vào sân khấu.

Tôi không nhớ ai là người đầu tiên gọi đó là nghệ thuật hát cải lương hồ quảng, nhưng mọi người khán giả và nghệ sĩ sân khấu đều mặc nhận là hát cải lương có ca nhạc các bài bản của phim Đài Loan, đó là hát Hồ Quảng.

Trong tuồng Phụng Nghi Đình hay trong lớp Tam Anh Chiến Lữ Bố thì đoàn Phụng Hảo thêm màn đánh võ theo điệu Bắc Phái, tức là các võ sĩ Tàu đóng vai quân, đánh võ nhào lộn quanh mình Lữ Bố Phùng Há, mặc tình cho bà đâm chém, những võ sĩ Tàu đóng quân đó múa đao, kiếm, bay qua lượn lại như hát xiệc quanh ngọn kích của Lữ Bố, xem rất là ngoạn mục. Dàn bát cấu có trống, đồng lố, chập chõa, mõ, kèn lá, đàn gáo dùng trong các màn chiến trận như vừa kể, nghe thiệt là xôm.

Hãng dĩa Capitol mà chủ nhân là một người Hoa bèn cho thâu thanh tuồng Vạn Lý Trường Thành, tuồng Cao Tiệm Ly, tuồng Hoàng Phi Hổ Phá Giới Bày Quan có dàn nhạc bát cấu đệm nhạc. Nghe thì rất xôm nhưng ồn tai quá và tiếng nhạc bát cấu át mất tiếng hát lời ca của nghệ sĩ nên chỉ thữ nghiệm một thời gian, các đoàn hát tuồng Tàu bỏ hẳn dàn nhạc bát cấu.

Những năm 1961, 1962, 1963, phim ciné Đài Loan tràn ngập thị trường phim Việt Nam, khởi đầu là phim Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, một truyện tình sử lấy nước mắt của không biết bao nhiêu là khán giả Việt Nam và Hoa kiều.

Thêm vào đó sắc đẹp và tài diễn xuất của các đại minh tinh như Lý Lệ Hoa, Lâm Đại, Nghiêm Tuấn, La Duy, Lăng Ba, Lạc Đế đã hoàn toàn chinh phục khán giả Việt Nam. Tiếp liền theo đó là các phim Thanh Xà Bạch Xà, Vạn Lý Tầm Phu, Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên… cũng là những chuyện tình lâm ly bi đát, làm rơi lụy không biết bao nhiêu là khán giả…Ở Saigon, Chợ Lớn và Gia Định, các hãng phim Tân Kiệt Y Oan, Mỹ Vân, Mỹ Ánh có 18 rạp hát bóng chiếu phim Đài Loan, lúc nào cũng đông nghẹt khán giả.

Nhạc sĩ Đức Phú, em của nghệ sĩ Minh Tơ, đoàn hát Vĩnh Xuân Bầu Thắng lấy nhạc Đài Loan trong phim Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, viết lời Việt, dùng trong tuồng Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài do anh sáng tác và thủ diễn vai chánh, hát với nữ nghệ sĩ Bo Bo Hoàng trong vai Chúc Anh Đài. Gánh hát Vĩnh Xuân Ban – Bầu Thắng hát tuồng Lương Sơn Bá có ca nhạc Đài Loan như trong phim nên thu hút khán giả với một con số kỷ lục.

Đoàn hát Thanh Bình – Kim Mai 1 ( sau đỗi tên bảng hiệu là đoàn Huỳnh Long) ở đình Cầu Muối có hai nhạc sĩ tàu là Há Thầu( có nghĩa là đầu bự, là thông minh) và chú Long cũng ghi âm nhạc Đài Loan dùng trong tuồng hát cho đoàn Huỳnh Long. Há Thầu đặt tên các bài nhạc đó là Hoàng Mai 5, Hoàng Mai 15, Ly Hận, Chiêu Quân Hội… vân vân…

Được nhiều khán giả yêu thích

Các đoàn hát cải lương Hồ Quảng thu hút khán giả nghẹt rạp, các hãng dĩa cũng thu thanh và phát hành dĩa hát Hồ quảng, đài truyền hình Saigon cũng có những Ban hát Hồ Quảng như Ban Khánh Hồng, Ban Minh Tơ, Ban Huỳnh Long, Ban Vân Kiều, tất cả tạo thành một phong trào hát cải lương hồ quảng ngày một phát triển và được khán giả ưa thích.

Tôi không nhớ ai là người đầu tiên gọi đó là nghệ thuật hát cải lương hồ quảng, nhưng mọi người khán giả và nghệ sĩ sân khấu đều mặc nhận là hát cải lương có ca nhạc các bài bản của phim Đài Loan, đó là hát Hồ Quảng.

Hát cải lương Hồ Quảng khác với hát cải lương tuồng Tàu theo lối Quảng. Điều khác biệt căn bản là hát cải luơng hồ quảng thì dùng nhạc ca theo nhạc phim Đài Loan từ thập niên 60 trở lại đây. Hát cải lương tuồng Tàu theo lối Quảng là dùng nhạc của các đoàn hát Quảng ở Trung Quốc qua Việt Nam và truyền lại cho các nghệ sĩ tuồng Tàu trong các đoàn Tập Ích Ban, đoàn Phụng Hảo, đoàn hát Tiến Hóa…

Các nghệ sĩ hát hồ quảng tài danh có thể kể Đức Phú, Bo Bo Hoàng, Thanh Tòng, Công Minh, Bạch Mai, Đức Lợi, Ngọc Đáng, Bửu Truyện, Thanh Thế, Thanh Bạch, Bạch Lê, Bạch Long, Thanh Ngọc, Hữu Huệ, Trường Sơn, Thanh Loan, Hữu Cảnh, Xuân Yến, Phượng Mai, Tuấn Châu, Tài Linh, Vũ Linh, Ngọc Huyền, Kim Tử Long, Vũ Luân, Thanh Ngân, Quế Trân, Kim Tỉểu Long, Tú Sương, Trinh Trinh, Chí Linh, Linh Châu, Tô Châu, Hữu Quốc…

Thưa quí thính giả, vì thời gian phát thanh có hạn, Nguyễn Phương xin ngưng chuong trình nơi đây, xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/ArtsInExecutingHoQuangSong_NPhuong-20060902.html

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây